QĐND - Điều tiên đoán của nhạc sĩ người Pháp cách đây hơn một thế kỷ đã trở thành hiện thực và trở thành nét văn hoá cần gìn giữ ở Côn Đảo hôm nay...

Thời gian trôi đi cùng những biến thiên, thăng trầm. Mãi đến năm 1984, Công Quán mới được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích nhưng rồi người ta cũng quên điều này. Đến nỗi, tấm biển đồng cũng bị kẻ gian lấy mất sau cơn sốt đồng nát, đến nay vẫn chưa tìm được, phải phục chế tấm khác. Bi đát hơn, trong cơn sốt đầu tư ào ạt, dễ dãi, ngôi nhà còn suýt rơi vào tay đối tác lừa đảo nước ngoài... khiến nó càng xuống cấp thê thảm. Vụ án đầu tư kiểu “bán vịt trời” xử xong, Công Quán được trao về vậy mà năm 2002, do ấu trĩ, người ta còn từng có kiến nghị lên tỉnh và trung ương, xin được giải toả ngôi nhà vì ảnh hưởng đến... giao thông! May mà trước phản ứng của những người có tầm nhìn văn hoá cao hơn, ngôi nhà đã được giữ lại.

Buổi chiều thanh bình trong vịnh Côn Sơn trước Công Quán hôm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống kể rằng, chỉ 3 tháng trước khi người ta phát công văn đòi “hoá kiếp” Công Quán, anh Andre’ Menras, một người bạn Pháp từng đấu tranh chống chế độ Mỹ - ngụy, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, bị chính quyền Sài Gòn kết án 4 năm tù tại khám Chí Hòa trong chuyến tìm đường ra thăm lại Côn Đảo đã bật khóc khi nghe câu chuyện về nhạc sĩ Camille Saint Saens viết bản L'Opera Brulhilda tại Côn Đảo và số phận ngôi nhà Công Quán. Anh cho biết: "Tại thành phố Béziers miền Nam nước Pháp nơi tôi đang sống còn có một con đường mang tên Camille Saint Saens. Chúng tôi đều biết tác phẩm ô-pê-ra L'Opera Brulhilda lừng danh đó nhưng nhiều người Pháp hôm nay, kể cả tôi, cần  phải đặt chân đến Côn Đảo, để hiểu thế nào là tự do trước áp bức, bất công. Công Quán và câu chuyện về người nhạc sĩ cùng với di tích nhà tù, dãy "phố tù", "thị trấn tù" sẽ là địa chỉ đỏ cho nhân loại tiến bộ hiểu về chủ nghĩa thực dân khi được thăm kiến trúc cổ hiếm hoi từ cuối thế kỷ trước còn lại gần như nguyên vẹn.

Côn Đảo quá đẹp, đó là điều người nhạc sĩ thiên tài từng cảm nhận nhưng tiếc thay, Côn Đảo lại có tới 113 năm bị biến thành địa ngục trần gian, khiến vẻ đẹp ấy bị bầm dập bởi chết chóc, đoạ đày con người. Đất nước hoà bình mở ra cơ hội để đảo ngọc xanh đẹp trở lại. Nhưng đó vẫn là một hành trình đầy chông gai, thăng trầm.

Phải nói thẳng thắn rằng, ước mơ, mong mỏi thì đã có nhưng tầm nhìn, cách nghĩ, cách làm thì vẫn còn nhiều hạn chế. Trong những người được nhắc đến nhiều cho cuộc tái thiết Côn Đảo, phải kể đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, từ khi còn là Phó thủ tướng, ông đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng triển khai Đề án phát triển kinh tế xã hội Côn Đảo gắn với việc bảo tồn tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Ông sâu sát đòi hỏi sự “chuyển động” của các bộ, ngành để ra đời hàng loạt đề án, dự án cho Côn Đảo. Một trong những người được ông tin cậy giao cho việc quy hoạch tổng thể phát triển Côn Đảo từ hơn 20 năm trước là Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn. Anh Huấn từng dày công khảo sát, phác thảo quy hoạch Côn Đảo nhưng tiếc rằng về sau, do nhiều lý do khách quan và chủ quan từ địa phương, nhiều ý tưởng của anh chưa được chấp nhận. Nhiều kế hoạch, dự án bị dở dang, chắp vá, phá vỡ ý tưởng ban đầu. Không phải ngẫu nhiên mà nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khi đến thăm Côn Đảo từng chỉ đạo: “Việc cần làm trước mắt của Côn Đảo là không làm gì cả. Chúng ta cần phải quy hoạch cho thật cụ thể đã. Điều phải làm trước hết là giữ được nguyên môi trường, giữ nguyên di tích".

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn nhớ lại tình cảm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành cho Côn Đảo: “Ông viết thư cho Bộ Chính trị đề nghị dừng ngay việc xây dựng đang tiến hành ở Côn Đảo để nghiên cứu lại quy hoạch vì “thiếu tầm nhìn”. Đề nghị ấy được Bộ Chính trị chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định. Tuy nhiên, một số người có quyền lợi liên quan trong những công việc đang tiến hành ở Côn Đảo đã phản ứng. Đã có thư nặc danh rêu rao: “Ông Sáu Dân về hưu vươn vòi bạch tuộc ra tận Côn Đảo, giành áp phe cho ê-kíp mình”. Trong những người phản đối có một vị kiến trúc sư có công trình đang thực hiện. Ông không nói gì. Một lần ra Hà Nội, biết vị kiến trúc sư nọ đang lâm trọng bệnh, ông xin địa chỉ và đến tận nhà thăm. Chuyện trò hơn hai tiếng đồng hồ, lúc ra về, ông biếu vị kiến trúc sư kia một ít tiền để uống thuốc”.

Đó là chuyện của mươi năm trước. Giờ đây, Côn Đảo đã và đang trên một lộ trình mới để xây dựng thành một hòn đảo du lịch thật sự đẹp. Ông Châu Anh Kiệt, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho hay: Côn Đảo đang xây dựng quy hoạch mới, dự thảo đã qua 6 lần sửa đổi với cách làm thận trọng, chặt chẽ. Chính phủ đã cho phép đầu tư xây dựng thành một “thành phố du lịch” tầm cỡ của Việt Nam và thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực. Hiện với 76km2, chưa đến 7000 người, rừng chiếm xấp xỉ 80% diện tích, biển được gìn giữ sạch đẹp, Côn Đảo đang rất "xanh-sạch-đẹp”. Để có được điều đó, người Côn Đảo hôm nay đã hướng tới một tầm nhìn xa. Anh Lê Đức Ái, chủ doanh nghiệp nuôi tôm hùm và cá mú nổi tiếng ở Côn Đảo kể: Bè cá đặt ở ngoài xa, phải đi tàu ra chăm sóc hàng ngày. Vịnh Côn Sơn hôm nào trên ảnh vệ tinh google còn thấp thoáng thuyền ghe đánh cá, nay chỉ có vài con tàu của công an, biên phòng tuần tra, tàu cá được đưa hết về khu vực bến Đầm phía nam đảo, cách xa Vịnh. Có như vậy biển mới sạch, mới đẹp, phục vụ du khách. Từ năm 2005, huyện đã chuyển hướng, hạn chế ngành nghề hải sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Khách du lịch đến ngày một nhiều, cái khó bây giờ là dịch vụ xe cộ, nhà nghỉ. Cả huỵên hiện mới có 10 chiếc xe con chở khách du lịch, chưa có taxi. Những dịp cao điểm như 27-7, 30-4, lễ, Tết, khách sạn, nhà nghỉ đều cháy phòng, dù giá thuê phòng không hề rẻ: 500.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng/phòng/đêm. Huyện đang chạy máy phát điện đi-ê-zen, mỗi năm riêng tiền bù lỗ đã ngốn hơn 20 tỷ đồng, dự án điện gió có đối tác Thuỵ Sỹ đến thăm dò nhưng chưa thực hiện được vì khủng hoảng kinh tế. Có lần, người dân bị bệnh nặng phải chở máy bay về thành phố mà sân bay mất điện, phải điều một chiếc ô tô đến chiếu sáng để đưa người lên máy bay. Điện vẫn là một bài toán khó...

Các tù nhân – sĩ phu yêu nước trước cầu tàu 911 - Hình ảnh do bác sĩ Gerand Óccnnell cháu chúa đảo Phillippe Ócconnell  những năm 1914-1916 tặng bảo tàng Côn Đảo vào năm 1998.

Mới đây, Tạp chí du lịch lừng danh Travel And Leisure vừa công bố danh sách Top 20 hòn đảo chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất thế giới, trong đó có Côn Đảo. Nhưng có lẽ không chỉ bí ẩn nhất, Côn Đảo còn là hòn đảo tự giác nhất Việt Nam hiện nay. Côn Đảo là một trong hai huyện đầu tiên của cả nước được công nhân danh hiệu "huyện văn hoá” đã lâu. Huyện hiện có 10 khu dân cư trực thuộc, không có cấp xã. Năm 2010, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm xấp xỉ 80%; công nghiệp-xây dựng 12%, nông-ngư nghiệp hơn 8%. Cả huyện làm dịch vụ nhưng hầu như không có trộm cắp, "chặt chém", tệ nạn như trong đất liền. Đêm ở thị trấn Côn Đảo bình yên, xe cộ rất ít, đường sá vắng vẻ, thông thoáng vậy mà tôi gặp Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Bình vẫn đội mũ bảo hiểm đi thăm bà con. Ngó người dân đi ngoài đường, ai cũng tự giác đội mũ. Hỏi ra mới biết, dân ít, ở đảo bà con giám sát cán bộ và giám sát nhau ghê lắm. "Cán bộ nào không nghiêm, nhà nào không tốt, họ nói liền à” – anh Bình kể. Thêm một bằng chứng là buổi chiều, chúng tôi gặp cảnh sát giao thông xử phạt hai thanh niên đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Hai chàng trai cứ thanh minh đường vắng, chỉ ra tắm biển một chút rồi về nên chủ quan. Hoá ra người vi phạm là khách du lịch, chứ dân ở đây hiếm người đi xe không đội mũ bảo hiểm. Ô tô, xe gắn máy của người dân ở đây không cần gửi, không cần rút chìa khoá, cứ để vô tư bên chợ, bên đường, chẳng sợ mất mát.

Chúng tôi đến Côn Đảo giữa những ngày hè đông khách. Khách sạn hết phòng, đành ở tạm trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân huyện, liền kề là các cơ quan toà án, công an... Tôi ngạc nhiên thấy trụ sở thường vắng vẻ, thi thoảng có cán bộ đến họp hành, chẳng mấy khi thấy bóng người dân. Thì ra, vì tình hình an ninh, trật tự xã hội tốt, không có tệ nạn, hiếm có tội phạm nên các cơ quan pháp luật ở đây gần như... thất nghiệp quanh năm. Nghe chuyện, bất giác tôi lại nhớ tới lời nhạc sĩ cách đây hơn 100 năm:  "Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp!”. “Cần một trang web sống động như một pho sử đẹp và hào hùng với những câu chuyện hấp dẫn về Côn Đảo trên internet, cần những dự án thiết thực hơn về kinh tế và du lịch, cần để mỗi người ra với Côn Đảo có được những cảm xúc như đến với Trường Sa, khi ra mang theo sự khát vọng khám phá, khi về mang về niềm tin, sự xúc động, “vỡ ra một cái gì đó” – Điều Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, người đã 5 lần ra Côn Đảo tâm sự, có lẽ cũng là câu chuyện về cái đẹp. Cái đẹp đã được tôn trọng nhưng vẫn còn quá nhiều việc cần làm, nên làm...

Phóng sự của NGUYÊN MINH