QĐND - Những bộ óc thiên tài thường có khả năng dự báo. Tôi chợt nghĩ vậy khi đứng trước quán cà phê “Công Quán” bên vịnh Côn Sơn lộng gió, đập vào mắt là dòng chữ: “Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”. Câu nói này của một nhạc sĩ tài danh đến từ nước Pháp, viết cách nay 116 năm, khi ông nhìn thấy vẻ đẹp cũng như những khổ đau bất tận của cảnh vật và con người Côn Đảo ngày ấy...
 |
Nhạc sĩ Camille Saint Saens.
|
“Quán” cà phê trên đại lộ Tôn Đức Thắng, dù chiếm vị trí phong thủy quá đẹp, sát bờ biển và liền những khách sạn du lịch xịn nhất, nhưng thường rất vắng khách. Quán là một ngôi nhà kiến trúc Pháp cổ gần như còn nguyên vẹn, chỉ có mái ngói đỏ mới thay và nền tường ve vàng quét mới. Trên bức tường hướng ra đại dương, một tấm biển đồng sáng choang, hình vuông chừng 40cm, khắc hàng chữ: "Dans cette maisson vécut le grand compositeur Camille Saint Saens du 20 Mars au 19 Avril 1895, il y acheva l'Opera Brunehilda", những dòng chữ tiếng Pháp mà ngay ông chủ quán, người thầu bán cà phê nơi đây cũng không hiểu cặn kẽ mô tê.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong không nhiều người hiểu sâu về một quá khứ đẹp cùng nhiều câu chuyện thăng trầm gắn với dòng chữ này.
Cuối thế kỷ 19, Côn Đảo vẫn là một hòn đảo xa xôi, hoang vắng cho đến buổi trưa ngày 28-11-1861, Pháp đánh chiếm Côn Đảo và ra bản “Tuyên Cáo xâm lược”. Bốn tháng sau, Thống đốc Bô-na ở Nam Kỳ đã ký nghị định thiết lập khu giam cầm tại Côn Đảo, biến hòn đảo xinh đẹp thành địa ngục trần gian vì họ nghĩ rằng, nơi đây vừa ngăn chặn tù nhân trốn thoát, vừa tránh được búa rìu công luận. Cứ thế, cùng với nhà tù thì nhiều biệt thự, nhà cửa phục vụ các chúa đảo người Pháp và đội quân công cán đã mọc lên, trong đó có ngôi Nhà khách (Maisson de passager) được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, nơi dừng chân cho lữ khách đến thi hành công vụ, hay còn gọi là Công Quán.
Một buổi sáng mùa xuân tháng 3 năm 1895, có ông già 60 tuổi, dáng người dong dỏng cao, bộ râu quai nón và mái đầu hơi hói với những sợi tóc mong manh tựa tơ trời tìm đến Công Quán. Ông không đến làm việc mà đến để “đổi gió”, theo lời mời của A.Rousseau, Toàn quyền Đông Dương vừa sang nhậm chức và Louis Jacquet - quyền Giám đốc Nhà tù Côn Đảo, bạn cùng khu phố tại Pa-ri. Ông được họ mời, có lẽ cũng vì ông quá nổi tiếng, tên ông là Camille Saint Saens, nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ pi-a-nô trứ danh nước Pháp thời bấy giờ. Camille Saint Saens giỏi đến mức 3 tuổi đã sáng tác những nốt nhạc đầu tiên và 10 tuổi đã biểu diễn những siêu phẩm của Mô-da, Bét-thô-ven, ở tuổi 36, ông sáng lập Hội đồng Quốc gia Âm nhạc Pháp. Ông còn nổi tiếng là người đi nhiều, biết rộng, đã đặt chân lên nhiều châu lục. Sau tuổi 50, xu hướng ông đi càng xa, đến những vùng hẻo lánh. Ông đã chọn Côn Đảo, một phần vì thế, một phần vì chuyến đi này chính là dịp ông tìm cảm hứng, nhằm hoàn tất ba chương cuối của vở nhạc kịch bất hủ “Brunehilda” mà nhạc sĩ Guirand, một người bạn thân thiết của ông vừa qua đời đã ủy thác. Bản ô-pê-ra dang dở này đã viết được một số chương rất hoành tráng, miêu tả nữ hoàng Brunehaut bị đày vào ngục thất và bị tra khảo cực kỳ dã man, nàng đã tìm đến cái chết để tự giải thoát... Vở nhạc kịch này là một tác phẩm lớn mang tính sử thi, đại hòa tấu, dựa theo tác phẩm văn học cổ điển, được Guirand viết từ năm 1889, đến năm 1892 thì ông qua đời, ủy thác cho Camille Saint Saens thực hiện tiếp. Trong 3 năm, Camille Saint Saens đã chu du nhiều nước trên thế giới để tìm cảm hứng bi tráng cho thiên sử thi hoành tráng, nhưng dòng nhạc vẫn chưa về...
Chuyện kể lại rằng, những ngày đầu ở Côn Đảo, nhạc sĩ tài ba rất vui sướng trước cảnh đẹp tuyệt vời nơi đây. Biển đẹp, khí hậu an lành cho ông những ngày nghỉ dưỡng tuyệt vời. “Công Quán”, nơi ông trú ngụ kề gần nhà chúa đảo, một ngôi biệt thự đẹp bên những cây bàng khổng lồ tỏa bóng mát lên mái ngói cũng làm ông rất hài lòng. Nhưng những nốt nhạc chưa ra, cảm hứng vẫn chưa đến. Một ngày, hai ngày... Cứ nửa đêm về sáng, giấc ngủ của ông bị ngắt quãng bởi những tiếng “cộc, cộc” ngoài đường. Đêm thứ ba, ông tò mò ngồi dậy, mở cửa sổ nhìn ra. Trời ơi! Thì ra là những chuyến xe kéo rau quả. Kéo xe, cùng với bò là những người tù gầy guộc, xiềng xích đầy chân đang lê bước. Tiếng roi quất vun vút xuống lưng họ xen lẫn tiếng rên rỉ cùng tiếng sóng biển thở than nhè nhẹ. Ông lặng đi khi những thanh âm đau khổ trước bình minh ấy cứ xa dần, xa dần... Ông hiểu: Côn Đảo không còn đẹp nữa...
Bình minh... Ông lập tức tới gặp chúa đảo, cũng là người bạn đã mời ông có cuộc viễn du này, xin được tiếp cận tìm hiểu về nhà lao. Bạn mỉm cười, nói đại ý, việc của nhạc sĩ là sáng tác, không nên nặng đầu vào những thứ này. Tuy vậy, bằng cách của mình, nhạc sĩ cũng dần hiểu thêm được nhiều điều về một địa ngục trần gian. Đến từ quê hương của tự do, bình đẳng, bác ái, ông thực sự bị sốc trước những gì tai nghe, mắt thấy. Ông lại sống những chiều u uẩn. Những nốt nhạc vẫn chưa đến!
Chiều dần buông... Buổi tối Côn Đảo giờ đây với ông im ắng rợn người. Nhạc sĩ dạo bước ra gần bốt gác đầu đường, vừa đi vừa suy ngẫm. Bỗng ông dừng chân, lắng nghe tưởng như mình nhầm lẫn. Không! Ông không nhầm! Lẫn trong tiếng ồn ào quen thuộc của trại giam, một âm thanh lạ tai vọng lên dè dặt, phát ra từ trại giam. Tiếng một nhạc cụ gì đó giông giống vi-ô-lông nhưng lại rất khác. Sau này ông mới biết đó là tiếng nhị, một nhạc cụ Việt Nam. Tiếng nhị vang lên một khúc dạo đầu dè dặt. Bỗng “uỳnh uỳnh”, tiếng đấm cửa sắt xen lẫn tiếng chửi bới vang lên. Tiếng nhị im bặt.
"Một ngày tù nghìn thu ở ngoài", người tù tìm đến âm nhạc mà còn bị ngăn chặn phũ phàng như vậy sao? Có cái gì đó nghèn nghẹn trong trái tim nhạc sĩ. Ông ngồi vào bàn sáng tác, ngọn nến nhà Công Quán cháy sáng mấy đêm liền...
Ngày 19-4-1895, tròn một tháng sau khi lưu lại Côn Đảo, nhạc sĩ lên tàu cáo từ. Cuộc chia tay khiến viên giám ngục Louis Jacquet không vui vì nhận ra trong mắt người nhạc sĩ bạn mình một nỗi buồn man mác.
 |
Một góc di tích Công Quán hôm nay.
|
Trở về nhà chúa đảo, đứng trong vườn cây xanh mát, chúa đảo sững sờ khi người giúp việc mang đến một bức thư:
- Thưa, nhạc sĩ dặn khi ông về mới được đưa tận tay ngài...
Bức thư có đoạn viết: “… Phong cảnh đảo Côn Lôn thật tuyệt vời. Những nơi đã đi qua, tôi chưa thấy ở đâu đẹp thế, dù ở Tây Ban Nha, Ca-na-ri, Ai Cập, Xây Lan hay An-giê-ri… Tôi hài lòng vì ở đây tôi đã soạn xong ba chương cuối của vở ô-pê-ra Brunehilda, thực hiện lời trăng trối của Guirand.
… Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa, nền âm nhạc xứ này. Nhưng những gì tôi cảm nhận được ở đây đã làm phong phú cảm xúc âm nhạc của tôi, đã khiến tôi tin rằng, nền âm nhạc ấy đã phản chiếu cái đẹp, cái nhân hậu, cái phong phú trong tâm hồn người xứ này. Họ đang đau khổ biết chừng nào!
... Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi quá nhiều... Cái gì đã khiến chúng ta gây nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này, trên hòn đảo này...? Còn cách nào cứu vãn được không?
… Là người làm nghệ thuật, tôi tin chắc rằng: Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”.
Chúa ngục đọc bức thư và lặng đi. Ít lâu sau, chúa ngục cho dựng tấm biển đồng, vinh danh việc nhạc sĩ đã ở đây một tháng.
Phong cảnh đảo Côn Lôn thật tuyệt vời. Những nơi đã đi qua, tôi chưa thấy ở đâu đẹp thế, dù ở Tây Ban Nha, Ca-na-ri, Ai Cập, Xây Lan hay An-giê-ri…
... Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi quá nhiều... Cái gì đã khiến chúng ta gây nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này, trên hòn đảo này? Còn cách nào cứu vãn được không?
… Là người làm nghệ thuật, tôi tin chắc rằng: Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”.
(Thư của nhạc sĩ Camille Saint Saens gửi giám ngục Louis Jacquet khi chia tay Côn Đảo) |
Phóng sự của NGUYÊN MINH
(Còn nữa)