QĐND - Toàn huyện Vĩnh Bảo có gần 30 cán bộ chủ chốt cấp xã mới tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2013. Trong đó, riêng xã Cao Minh có tới chục cán bộ chủ chốt mới tốt nghiệp THPT chưa được một năm, song đã đảm nhiệm chức vụ hơn 10 năm trở lên. Hạn chế về trình độ học vấn gây ảnh hưởng tới hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Bởi theo quy định, cán bộ, công chức cấp xã, phường phải có trình độ học vấn THPT trở lên.
Ông Vũ Nhân Trình ở thôn 1, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng phản ảnh: “Xã tôi có tới 4 đồng chí cán bộ chủ chốt mới tốt nghiệp THPT hệ bổ túc tháng 9-2013". "Hạn chế về trình độ dẫn đến một số công việc quản lý chưa hiệu quả"-đó là ý kiến của ông Phạm Văn Thức ở thôn Tân Lập, xã Cao Minh khi phàn nàn về việc công an xã đến kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông là không đúng quy định của pháp luật. “Đó là tài sản cá nhân của tôi, công an xã làm sao có quyền thu giữ sổ đỏ của tôi như thế được?”-ông Thức khẳng định.
Theo phản ảnh của người dân, còn nhiều dấu hiệu sai phạm khác như: Hiện tượng xây dựng các công trình nhà ở kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp; chuyển mục đích sử dụng từ thâm canh lúa sang làm trang trại... cũng chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân có nhiều nhưng một phần do năng lực hiểu biết, vận dụng pháp luật về đất đai để xử lý các sai phạm của đội ngũ cán bộ xã còn hạn chế .
 |
Danh sách các học viên lớp học Bổ túc văn hóa dành cho các cán bộ chưa tốt nghiệp THPT ở huyện Vĩnh Bảo năm 2013.
|
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: “Những vấn đề người dân phản ảnh là đúng, nhưng nói về trình độ cán bộ xã thì thực ra không phải riêng một số đồng chí đó, các xã khác cũng thế thôi. Cán bộ xã chưa tốt nghiệp THPT ở huyện Vĩnh Bảo là chuyện bình thường”. Ông Phạm Duy Tuấn, Trưởng công an xã Cao Minh thì lý giải về việc tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân là do có phản ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thức là giả và mảnh đất của gia đình ông Thức hiện đang có tranh chấp. “Chúng tôi thu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả hai gia đình liên quan. Đúng ra việc này thuộc trách nhiệm giải quyết của ủy ban, nhưng ủy ban giao nên chúng tôi phải thực hiện. Nhiều khi chúng tôi làm thay việc cả ủy ban. Chúng tôi chỉ tạm giữ thôi…”-ông Phạm Duy Tuấn giải thích.
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, chúng tôi được biết một quy trình khá ngược của việc đào tạo cán bộ xã của huyện Vĩnh Bảo: Các cán bộ xã làm việc lâu năm, hầu hết đều đi học Trung cấp lý luận chính trị nhưng do chưa tốt nghiệp THPT nên phải đi học để lấy bằng THPT rồi mới được lấy bằng Trung cấp lý luận chính trị. Việc này gây ra những tranh cãi về hồ sơ của một số lãnh đạo cấp xã. Như trường hợp của đồng chí Ngô Trường Lục, Phó bí thư Đảng ủy xã Cao Minh là một ví dụ. Hồ sơ đảng viên của đồng chí Lục khai là trình độ văn hóa 10/10 nhưng đồng chí Lục chỉ học chưa hết lớp 9. Trả lời về việc này, bà Phạm Thị Liên, Phó chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Vĩnh Bảo cho biết: “Chúng tôi xác minh đồng chí Lục trình độ văn hóa 9/10 và đồng chí Lục có tham gia khóa học Trung cấp lý luận chính trị từ tháng 11-2000 đến tháng 9-2003. Sau khi học xong, vì đồng chí Lục chưa có bằng tốt nghiệp THPT nên Trường Chính trị Tô Hiệu (Hải Phòng) chưa cấp bằng tốt nghiệp chứ không phải đồng chí Lục không được cấp bằng”. Bà Liên cũng nói thêm, việc đào tạo cán bộ có đúng chương trình cho phép hay không bà không nắm được nhưng có… hướng dẫn từ trên xuống. “Có nhiều trường hợp chưa có bằng THPT như ông Lục nhưng vẫn được đi học lý luận chính trị. Đến khi nào có bằng tốt nghiệp THPT mới được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị”, bà Liên cho biết.
Theo ý kiến của Văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo, chúng tôi đã liên lạc với Phòng Nội vụ huyện Vĩnh Bảo để nắm thêm thông tin về việc nhiều cán bộ, công chức cấp xã chưa tốt nghiệp THPT nhưng lãnh đạo Phòng Nội vụ không cung cấp thông tin. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Cảnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo: “Quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thì cơ quan quản lý công chức phải nắm được trước tiên. Sau đó, hồ sơ cán bộ, công chức được gửi lên UBND huyện để gửi về Sở Nội vụ xét duyệt. Sở Nội vụ chấp thuận hồ sơ sẽ cho phép huyện tiếp nhận cán bộ qua việc thi công chức. Lúc đó, cán bộ mới đủ điều kiện đứng vào đội ngũ công chức của xã”. Theo lời Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo, quy trình xét quyệt hồ sơ cũng như thi tuyển công chức cấp xã khá gắt gao, nhưng không hiểu sao thực tế ở nhiều xã tại Vĩnh Bảo, trong đó có xã Cao Minh lại tồn tại nhiều bất cập?
Được biết, theo Điều 2, Thông tư số 06/2012/TT-BNV thì: Công chức cấp xã phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5-12-2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn. Trong số các tiêu chuẩn, có tiêu chuẩn: Trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT.
Rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương sớm kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên.
Bài và ảnh: HÒA NGUYỄN