Bồi thường thiếu minh bạch?

Trong đơn gửi Báo Quân đội nhân dân, một số hộ dân ở xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ trình bày: Khi thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường 191N, UBND xã Văn Tố và UBND huyện Tứ Kỳ chỉ họp và lấy ý kiến nhân dân đúng một lần; không công khai, niêm yết phương án thu hồi đất; phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và không thông báo tới từng hộ dân theo quy định của Luật Đất đai. Tới ngày 23-3-2016, Hội đồng GPMB huyện Tứ Kỳ và UBND xã Văn Tố mời các hộ dân ra nhà văn hóa thôn La Giang và phát cho hai loại giấy tờ. Đó là phương án bồi thường tài sản trên đất và đơn tự nguyện hiến, tặng đất để giải phóng mặt bằng, cải tạo nâng cấp đường 191N. Nếu ai đồng ý hiến đất thì ký vào đơn. Người dân không đồng ý vì trong Quyết định 1626/QĐ-UBND ngày 18-7-2012 của UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ rõ, đây là dự án có nguồn ngân sách từ Trung ương, tổng mức đầu tư là gần 179 tỷ đồng, trong đó có gần 35 tỷ đồng là chi phí bồi thường GPMB. Khi người dân thắc mắc thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Bà Đặng Thị Như, một người dân ở thôn La Giang, cho biết: “Nếu là chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng tôi sẽ ủng hộ. Nhưng chính quyền cần phải giải thích rõ, vì sao lại vận động người dân hiến đất để làm đường, 35 tỷ đồng trong Quyết định 1626/QĐ-UBND là bồi thường cho cái gì? Mặt khác, cũng cần phải xem lại phương án bồi thường vì nếu chỉ bồi thường tài sản trên đất như hiện nay là rất bất cập. Có thể lấy ví dụ như trường hợp của chị Nguyễn Thị Vấn ở thôn La Giang, có 110,4m2 đất nằm trong dự án, nhưng trên đất chỉ có cây ăn quả và hoa màu, không có công trình trên đất, nếu đồng ý hiến đất chỉ được bồi thường tài sản trên đất với tổng trị giá là hơn 23 triệu đồng. Ngược lại, có trường hợp chỉ mất vài mét vuông đất, nhưng trên đất có cái chuồng trâu cũng được bồi thường với giá rất cao”.

 Ông Nguyễn Văn Bồng chỉ mốc giới phần đất nhà mình nằm vào dự án.

Đừng để nhân dân nghi ngờ

Theo ông Nguyễn Văn Bồng ở thôn La Giang: “Hiến đất làm đường là chủ trương đúng đắn nhưng phải được người dân tự nguyện. Tuy nhiên, khi vận động nhân dân hiến đất, chúng tôi chưa đồng ý thì có cán bộ nói rằng nếu không hiến đất sẽ bỏ lại không làm đường, như là bắt ép dân”. Khi phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, để đặt lịch làm việc, ông Sẫm cũng nói: “Đoạn nào không hiến đất sẽ bỏ lại không làm”.

Ông Phạm Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Tố, cho biết: “Trong buổi họp dân, UBND huyện đã công khai đề án. Đây là dự án nhân dân và Nhà nước cùng làm. Toàn tuyến chạy qua địa bàn xã với hơn 100 hộ, tới nay chỉ còn 23 hộ không đồng ý. Trong đó, một số hộ đã đồng ý hiến 50% đất, còn lại họ yêu cầu phải bồi thường theo quy định của Nhà nước. Không thể phủ nhận những bất cập và thiệt thòi đối với những hộ dân có nhiều đất nằm trong dự án. Đúng ra, phải có chính sách hỗ trợ phù hợp cho những hộ dân này”.

 Ông Vũ Văn Hợp, Phó chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, cũng thừa nhận trong quá trình bồi thường, thu hồi đất đã nảy sinh nhiều bất cập, dẫn tới việc một số hộ dân đã kiện nhau vì kê khai tài sản trên đất không đúng. Có một trường hợp đã kiện nhau vì cái trụ cổng ngày trước xây dựng không có sắt, nhưng khi kê khai tài sản lại ghi có sắt để tăng giá trị được bồi thường. Ông Hợp khẳng định: “Toàn bộ những công trình trên đất, khi bồi thường đều được tính theo giá xây mới nên giá trị mới cao như vậy. UBND tỉnh cũng đồng thuận chủ trương vận động nhân dân hiến đất để làm đường nên chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, trường hợp bất khả kháng sẽ điều chỉnh thiết kế, đưa rãnh thoát nước vào giữa lòng đường. Như vậy, sẽ không phải thu hồi đất nhưng vẫn bảo đảm kết cấu và tiến độ thi công”. Khi được hỏi về số tiền 35 tỷ đồng tiền bồi thường, GPMB, ông Hợp giải thích: “Số tiền này nếu bồi thường về đất sẽ không đủ. Mặt khác, quyết định đầu tư là gần 179 tỷ đồng, nhưng thực tế thì không có tiền, dự án tới nay mới giải ngân được khoảng 60 tỷ đồng”.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên đề nghị UBND huyện Tứ Kỳ cung cấp một số tài liệu liên quan, trong đó có dự toán kinh phí bồi thường GPMB. Theo chỉ đạo của ông Vũ Văn Hợp, chiều cùng ngày, chúng tôi đã tới Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện để lấy hồ sơ. Tuy nhiên, nhân viên ở phòng này viện dẫn lý do người giữ những hồ sơ đó đang đi vắng, hẹn 16 giờ quay lại. Đúng giờ, chúng tôi gặp ông Hoàng Tuấn Nhã, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nhưng ông Nhã nêu lý do: “Chúng tôi đã cho anh em trong phòng tìm nhưng... chưa thấy!”. Chiều 14-8, sau 11 ngày, chúng tôi liên lạc với ông Vũ Văn Hợp thì chỉ nhận được lời hứa: "Sẽ chỉ đạo anh em cung cấp hồ sơ!”.

Để dự án không bị chậm tiến độ và xảy ra những sai sót, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh Hải Dương cần vào cuộc xác minh, làm rõ những vấn đề người dân có đơn thư kiến nghị, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Việc vận động nhân dân hiến đất phải gắn với tuyên truyền, giải thích rõ ràng chính sách bồi thường, không nên mập mờ để nhân dân nghi ngờ dẫn đến chủ trương vận động không hiệu quả.

Bài và ảnh: HOÀNG HẢI - VĂN THI