QĐND - Để giải quyết tình trạng quá tải về rác thải, đầu năm 2012, UBND xã Gia Thủy (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã cho đào một hố sâu, rộng gần 200m2 ở bờ đê thôn Mai Xá làm điểm tập kết rác thải. Tuy nhiên, hố rác tạm thời này lại trở thành chỗ để các công ty may công nghiệp xả rác thải trái phép theo kiểu “tu hú đẻ nhờ” suốt hai năm qua mà không bị ngăn chặn, xử lý.

Dọc theo con đê vào thôn Mai Xá, rác tràn lên mặt đê, chen kín lối, len lỏi cả xuống ruộng nước bên kia. Không khí đặc quánh mùi hôi thối của đủ loại rác. Cách đó không xa là những ngôi nhà đang ngày đêm phải hứng chịu ô nhiễm.

Có mặt tại bờ đê, chúng tôi nhìn thấy nhiều xe tải chất đầy rác nối đuôi nhau chạy ra bãi. Song, điều đáng ngạc nhiên là những xe ô tô rác kia không phải chở rác của người dân các thôn xung quanh, mà chở rác của các nhà máy may công nghiệp. Bãi rác được xã tạo ra nhằm tiêu hủy rác của nhân dân các thôn xung quanh, song các nhà máy lại lợi dụng điều này để xử lý rác thải của công ty mình.

Rác thải công nghiệp được tập kết và đốt trái phép gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bãi rác vì thế mà nhanh đầy, cao như... núi. Ông Bùi Văn Tuyên, một người dân thôn Mai Xá, bức xúc: “Mỗi tuần, nhà máy may công nghiệp cứ đều đặn mang rác 2, 3 lần ra bãi. Lần nào cũng chất đầy xe tải 1,5 tấn. Họ dùng xăng để đốt rác luôn. Đám cháy âm ỉ từ chiều hôm trước tới qua ngày hôm sau mới hết. Khói đen trùm lên kín cả một vùng trời. Trời nắng, rác bốc mùi hôi thối cả vùng. Ngày mưa, nhất là sau các trận mưa lớn, rác tràn ra cả mặt đường, rác chìm xuống mặt nước”. Không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là khi đốt rác, mùi rác thải theo gió bay thẳng vào làng. Cái không khí yên bình, thoáng thơm mùi gốc rạ, khói chiều nay không còn cơ hội xuất hiện.

Xã Gia Thủy là khu vực nằm trong vùng xả lũ. Con đê qua thôn Mai Xá có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mùa màng, sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, khi rác thải chất thành núi lại đặt ra nhiều vấn đề khác. Một trận mưa lớn cũng khiến rác tràn qua bờ. Người dân trong vùng lo ngại, sau những đợt mưa kéo dài, nếu rác tràn ra thì cả vùng sẽ phải hứng chịu... "lũ rác"?

Mặt khác, vị trí của thôn Kim Đôi giống như một đảo nhỏ bị cô lập bởi hệ thống đê ngăn lũ. Đây là thôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự quá tải rác thải. Người dân ở đây chỉ canh tác được một vụ chính trong năm, các tháng còn lại, 100 mẫu ruộng của họ chìm trong "biển nước". Để khắc phục cuộc sống của mình, nhà nào cũng cố vớt vát bằng con tôm, cái tép từ nguồn nước mang lại. Tuy nhiên, từ khi có điểm tập kết rác kia, nguồn lợi này ngày càng giảm sút, nhiều loài thủy sản mất hẳn. Ông Đinh Văn Tám (thôn Kim Đôi) cho biết: “Việc thả lưới, đơm đó của tôi và mọi người ngày càng khó khăn hơn. Do nguồn nước bị ô nhiễm vì rác thải, tôm, cua, cá không thể sống nổi”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Gia Thủy, ông Nguyễn Văn Lực cho biết: "Việc làm hố rác thải sinh hoạt chỉ là giải pháp tạm thời xã đưa ra, chứ giải pháp lâu dài thì chưa có. Về phần mình, UBND xã cũng có cử cán bộ phụ trách tài nguyên môi trường giám sát điểm tập kết rác thải. Riêng với việc công ty may mang rác thải ra đổ, UBND xã đã cử lực lượng tìm cách ngăn chặn". Dư luận đặt câu hỏi, vì lý do gì mà trong suốt hai năm qua, hố rác thải “tạm thời” vẫn là nơi chính để các công ty may công nghiệp lợi dụng làm điểm xả rác mà chính quyền địa phương thì chưa thấy ngăn chặn hay xử phạt được một vụ việc đổ rác thải trái phép nào?

Bài và ảnh: PHAN HUYỀN