Những căn nhà của cư dân đảo Hòn Chuối mới làm xong bên ghềnh Nam

Nằm cách cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau 17 hải lý về phía tây. Từ xa, đảo Hòn Chuối như một tòa lâu đài nguy nga cổ kính giữa biển khơi. Trên đảo hiện có 42 hộ dân đang sinh sống cùng các đồn biên phòng, hải quân, hải đăng. Những cư dân ở đảo đến nay đã hơn 30 năm nhưng cuộc sống của họ và cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn còn nhiều vất vả. Đã có nhiều dự án giúp đỡ nhân dân trên đảo, nhưng thời gian cứ trôi qua, các dự án vẫn còn “xa” hơn đảo. Cư dân cứ trông chờ, mong đợi và hy vọng.

Di cư định kỳ

Đến Sông Đốc, chúng tôi phải “ăn chực nằm chờ” suốt 3 ngày mới may mắn được tài công tên Ghim, thuyền trưởng tàu cá Tường Duy của Bến Tre chấp nhận cho “quá giang” ra đảo. Mặc dù mỗi ngày ở cửa biển Sông Đốc có hàng trăm lượt tàu cá ra vào hoạt động, nhưng tất cả họ không đi theo hướng đảo, mà chỉ ra khỏi cửa biển là họ xác định vị trí, tọa độ đánh bắt để cho tàu chạy về vùng biển đó, nếu chạy qua đảo thì phải đường dài, tốn nhiên liệu, thời gian.

Sau hơn 3 giờ vượt biển, tàu chúng tôi đã cặp đảo, do không nắm bắt được quy luật của mùa gió, nên chúng tôi đã ghé ở ghềnh chướng. Những căn nhà làm tạm che cao su chỉ còn là cái xác nằm trơ trọi, hoang vắng. Người ta đã tháo dỡ một phần sàn, phần cây tốt, còn lại là cây mục, cây nhỏ. Vượt gần 100 bậc đá lên đồn biên phòng, chúng tôi lại thêm một lần ngạc nhiên khi thấy cảnh đồn vắng hoe. Anh Nguyễn Đức Tuấn, đại úy, chính trị viên vui mừng đón chúng tôi và cho biết ngay: Hôm nay là ngày nghỉ, nhưng anh em đang giúp bà con trên đảo chuyển nhà, làm nhà mới, từ ghềnh Chướng sang ghềnh Nồm và ghềnh Nam.

Mặc dù suốt từ sáng, anh em chúng tôi chưa ăn, trời mới mưa xong, nhưng vẫn xin được xuống tận nơi để xem người dân và bộ đội làm nhà thế nào? Từ đồn, luồn lách trong rừng cây lúp xúp leo dốc gần như thẳng đứng, trời mới mưa đường đất đỏ, đá bám rêu trơn như đổ mỡ, anh em chúng tôi phải bám cây, bám đá lần mò gần một giờ đồng hồ mới đến được vị trí ghềnh Nồm. Đến nơi, cả ba anh em chúng tôi đều mệt nhừ, quần áo dính đầy đất đỏ, ướt nhèm, chân tay bị cây gai xé chảy máu. Sau giây phút lấy lại sức, chúng tôi lại leo qua mấy mỏm đá, gặp gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng đang làm nhà bên vách đá, bên dưới sóng biển vẫn lùa lên những đám bọt trắng xóa, có lúc ngọn sóng luồn theo vách đá tràn cả lên sàn nhà anh đang làm. Căn nhà anh Hoàng làm đơn giản, chỉ mấy cây cột làm sẵn giằng néo kê trên đá, rồi làm sàn, làm vách, tổng diện tích khoảng 20 mét vuông, cái giường ngủ cũng được thiết kế từ nền đá, làm cao hơn sàn nhà vài tấc. Tất nhiên có đủ kèo cột, đòn tay, mái được lợp bằng một tấm cao su, sau đó rải thêm mấy tàu lá chặt ở đảo đè lên cho khỏi chói nắng. Xung quanh cũng vậy, được thưng bởi cao su củ, tấm tôn rách, lá cây miễn sao là che được mưa gió.

Tôi tò mò hỏi anh Hoàng: Nhà làm đơn giản thế này thì đồ đạc để đâu? Đang trên mái nhà, anh Hoàng chỉ tay sang mỏm đá bên cạnh cười nói: “Đó, tài sản của vợ chồng tôi đó”. Theo tay anh, chúng tôi nhìn thấy: 2 cái xoong đen kịt; 2 cái can nhựa dùng đựng nước, nải chuối xanh, 1 bao nhỏ quần áo, vài cái bát ăn cơm đóng váng vàng nham nhở. Vợ anh Hoàng xen vào: “Còn hai con heo con mới đem sang, đang để trên rừng. Nhà chỉ có vậy thôi, từ sáng tới giờ có mấy chú ở trên đồn đến giúp vận chuyển dựng nhà nên mới gần hoàn thành, tối có chỗ ngủ. Hôm qua vợ chồng tôi phải ngồi mưa che bạt một đêm rồi đó”.

Chúng tôi hỏi, sao không làm một nơi cho ổn định, nhà vững chắc hơn. Anh Hoàng nói: “Đã hơn 15 năm ở đảo nhưng không có điều kiện để ở ổn định được, vì một năm phải chuyển nhà 3 lần để tránh gió. Từ ghềnh Chướng sang ghềnh Nồm sau đó về ghềnh Nam, cứ phải di chuyển liên tục, mỗi lần vận chuyển phải tốn kém từ 1,5 đến 6 triệu đồng. Cuộc sống khổ lắm. Có lần nhà vừa làm xong, tối đang ngủ, trời nổi gió, sóng cuộn vào vách đá, đẩy luôn cả nhà xuống biển, may mà người không việc gì. Lại phải vào bờ mua cây ra làm lại”.

Hầu như 100% nhà dân trên đảo đều giống như vợ chồng anh Hoàng, làm nhà theo kiểu “dã chiến” trên các mỏm đá, vách đá. Thời gian ở lâu nhất 6 tháng là chuyển. Anh Hoàng nói với giọng xót xa: “Kiếm tiền và thời gian lo chuyển nhà trong năm của người dân trên đảo là nỗi lo ám ảnh xuyên suốt. Nếu nhà bị sóng đánh xuống biển xem như mất trắng. Có nhà làm đi làm lại nhiều lần dẫn đến vay mượn nợ nần, hoặc nghèo khổ. Nhiều nhà không còn khả năng làm nhà, đành lấy tấm bạt che lên vách đá ở cho qua ngày, thậm chí qua cả một mùa mưa gió”. Chúng tôi hỏi: Vậy trẻ con sao nó chịu được và sao không vào đất liền? Anh Hoàng cũng như bao hộ dân trên đảo đều nói: Vào bờ không có vốn, không có cơ sở nghề nghiệp làm ăn. Con cái nhà nào có anh em bà con trong bờ thì đem gửi, không thì cũng đành chấp nhận ở đảo, sống lay lắt qua ngày.

Mỗi lần dân di chuyển, đồn 704 lại huy động toàn bộ quân số và phương tiện giúp bà con chuyển đồ, nhà cửa về vị trí mới an toàn, đồng thời tham gia dựng cất cho họ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa bao giờ cầm cưa, cầm búa đóng đinh thì nay cũng đã thành “thợ”, biết cưa mộng, kèo cột... giằng néo dây thoăn thoắt. Chị Nguyễn Thị Thanh Sang xúc động tâm sự với chúng tôi: “Bà con trên đảo đang nghèo khổ, làm cho đồn cũng khổ theo, tội nghiệp anh em bộ đội lắm, ở đây cái gì dân cũng nhờ bộ đội. Trên đảo mọi chuyện lớn nhỏ đều kêu hải quân, hải đăng, ra-đa, cực nhất là đồn biên phòng. Anh em giúp dựng hết nhà này sang nhà khác. Trời mưa lớn là anh em trên đồn chạy xuống kêu gọi bà con cẩn thận, sẵn sàng ứng phó. Nghe tin biển động hoặc có bão là gọi hết lên đồn trú ẩn. Ai không đi là bộ đội cưỡng chế phải đi. Lên đồn lại tốn cơm, tốn gạo, tốn nước ngọt của anh em nữa chứ”.

Tìm cuộc sống giữa đại dương

Trên đảo Hòn Chuối hiện có 42 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu, tất cả cơ sở của họ chỉ dựa vào nghề đánh bắt ven đảo như: câu, lưới, một số hộ mở thêm quán bán các mặt hàng gạo, mắm, muối, bột ngọt, kể cả bia rượu, giải khát phục vụ quân, dân ở đảo và ngư dân đánh bắt thủy sản ghé vào tránh gió. Để vận chuyển hàng hóa ra đảo, họ phải phụ thuộc vào tàu đánh cá hoặc tàu thu mua của dân trong đất liền ra. Ngược lại, thủy sản bà con ở đảo đánh bắt được, tàu trong bờ ra mua nhưng giá rất rẻ so với thị trường. Gần như trao đổi hàng hóa hai chiều, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm trong đất liền chở ra được bán với giá khá cao. Có thể gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi, bởi từ 5 đến 7 ngày mới có một chuyến tàu ra hoặc vào, nếu thời tiết xấu, biển động, có thể là nửa tháng. Mỗi đợt như vậy, đảo cô lập với đất liền; nhà nào không có gạo, nước dự trữ thì lên đồn vay gạo, xin nước, biển êm làm trả lại.

Trên đảo không may có người ốm đau, bệnh tật là y sĩ của đồn phải có mặt ngay. Thậm chí có các chị quên ngày sinh đẻ nên không kịp vào bờ, sinh luôn ở đảo, y sĩ đồn và bà con ở đảo phải giúp đỡ. Mới sinh được vài ngày, trời nổi gió, mẹ con phải bấu víu theo mọi người sang ghềnh khác tránh gió. Hoặc đợt đầu năm 2006, cháu Nguyễn Phước Thành, 12 tuổi, con trai anh Nguyễn Phước Đạt đi chơi, không may trượt chân, ngã từ mỏm đá xuống khe nước với độ cao hơn 3 mét, gây chấn thương. Anh và bà con nhanh chóng đưa lên đồn sơ cứu, sau đó nhờ đồn liên lạc được một tàu cá đang trên đường chạy vào bờ cho cháu vào đất liền điều trị. Ngược lại, trên đồn có việc gì là bà con có mặt giúp đỡ anh em bộ đội. Mỗi lần đồn nuôi được con heo, khi làm thịt, ngoài bán bớt cho các hộ gia đình và tàu đánh cá thì anh em cũng để lại một phần mời một số bà con lên liên hoan.

Cuộc sống của nhân dân ở đảo còn quá nhiều gian nan vất vả, lo được cái ăn cái mặc cho gia đình con cái đã là quý lắm rồi, còn có cái nhà tạm là điều kỳ diệu hơn. Để lo cho thế hệ trẻ trên đảo có được cuộc sống ổn định, biết được cái chữ là nỗi lo canh cánh trong lòng mỗi người làm cha làm mẹ. Trẻ em trên Hòn Chuối mới lên 6 lên 7 là phải giúp cha mẹ mắc mồi câu, hoặc cũng biết ngồi ở mỏm đá câu cá. Nhiều em từ 10 đến 12 tuổi vẫn chưa biết chữ. Gia đình nào có bà con thân thuộc trong bờ và có điều kiện thì đem con vào gửi cho đi học. Nhưng đa số bà con ở đây đều chung một phận nghèo, bao năm nay mà các em còn chưa biết giấy khai sinh là gì. Tất cả vì cuộc sống mà họ phó mặc cho ngày tháng trôi qua, mong sao con cái khỏe mạnh, phụ giúp được nhiều việc. Thế nhưng đồn không thể bỏ mặc các em được. Cán bộ, chiến sĩ thay nhau đi đến từng nhà vận động các em, mở lớp dạy chữ. Nhờ vậy mà hàng chục năm nay, năm nào lớp học tình thương của đồn cũng có từ 10 đến 20 em theo học. Có lớp có thầy, nhưng việc quan tâm học hành của các gia đình chẳng bao giờ quan trọng. Chính vì vậy, để có học sinh tới lớp, thầy giáo bộ đội biên phòng phải đi sớm hơn các em 1 giờ để đứng chờ ở ngã ba đường (trên đảo có một ngã ba) để đón và “bắt” vào lớp. Một số em lớn tuổi nói với cha mẹ là đi học nhưng thật sự là đi bắt tắc kè để bán.

Có nhiều em vì cuộc sống mà buổi học, buổi nghỉ, vì phải mắc mồi câu, thả lưới ven đảo hoặc chăm sóc em cho cha mẹ đi biển. Tuy nhiên, khi hỏi về giá trị của việc học hành và lo tương lai cho thế hệ trẻ thì ai cũng mong muốn con mình được trưởng thành. Trên đảo, ai cũng thán phục gia đình ông Nguyễn Hữu Phước, bà Nguyễn Thị Thanh Sang có 3 đứa con ăn học thành đạt; đứa con gái đầu là Nguyễn Ái Vân đã tốt nghiệp đại học Cần Thơ, hiện đang làm ở công ty tư vấn nhà đất Cần Thơ. Đứa em ruột tên Hoài đang theo học năm thứ hai đại học Cần Thơ, cậu em trai đang học lớp 11. Cả 3 đứa con của gia đình ông Phước đều bắt đầu từ lớp học của đảo xa.

Anh Trần Văn Duyên có con đang học tại đồn tâm sự “tụi tui đã dốt rồi, suốt ngày lo câu kéo, lưới chài kiếm tiền đong gạo cực khổ, mong sao nuôi sống gia đình, chỉ cầu mong các con tui đừng phải chịu thiệt thòi như tụi tui, điều kiện khó khăn nên gửi hết việc dạy học cho các chú ở đồn”.

Ba ngày ở đảo, chúng tôi đã cảm nhận được rất nhiều về thực tế cuộc sống của quân và dân trên đảo. Lam lũ cơ cực, mỗi ngày người dân chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, vậy mà đối với người dân nơi đây, các chính sách đãi ngộ của Chính phủ xem ra quá xa với họ như Chương trình 135 hoặc 327 chẳng hạn. Có lẽ có, nhưng nó đang nằm đâu đó trong đất liền. Nhiều người ở đảo đã thở dài nói với chúng tôi về chính sách đối với họ như vậy.

Bài và ảnh: LÊ KHOA