QĐND - Vừa qua, Báo Quân đội nhân dân nhận được đơn phản ảnh của bà Hà Thị Oanh (vợ cựu chiến binh Nguyễn Bá Tấn đã quá cố), trú tại tổ 23 phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, phản ảnh thửa đất 137 mà gia đình bà ở đến nay là 23 năm chưa được bồi thường đúng quy định của pháp luật, buộc bà khởi kiện ra tòa hành chính. Thế nhưng tòa cấp trên lại có phán quyết chưa chính xác, khiến cuộc sống của gia đình bà ngày càng khó khăn hơn.
Quyết định chưa khách quan
Năm 1976, gia đình bà Hà Thị Oanh bị thu hồi hơn 2000m2 đất ở tại khu phố Đúng, thị xã Hòa Bình để nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và được cấp trả 352m2 đất tái định cư tại tiểu khu Yên Hòa, thị xã Hòa Bình. Năm 1992, gia đình bà lại bị thu hồi 352m2 đất nói trên để phục vụ mục đích xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Đà mà không được bố trí tái định cư. Bà Oanh liên tiếp khiếu nại, mãi đến tháng 8-2008 mới được cấp trả 71m2 đất ở tại thửa 234, tờ bản đồ số 7 phường Tân Thịnh. Tại thời điểm bị thu hồi đất năm 1992, vì không có chỗ ở, gia đình bà đã đến làm nhà tạm trên khu đất trống (thửa 137, tờ bản đồ số 7, diện tích 60,1m2 ở tổ 23 phường Tân Thịnh, nguồn gốc đất loại chuyên dùng của Tổng công ty Thủy điện Sông Đà không sử dụng, chính quyền địa phương cũng chưa được bàn giao quản lý) và sống từ đó cho tới nay. Thửa đất này từ ngày sử dụng không có tranh chấp và có xác nhận của UBND phường Tân Thịnh.
Ngày 30-5-1998, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 410/QĐ-UB về việc “thu hồi 7.260m2 đất chưa sử dụng của Ban quản lý Công trình Thủy điện Hòa Bình tại phường Tân Thịnh (nơi có nhà bà Oanh đang ở-PV) giao UBND thị xã Hòa Bình quy hoạch khu dân cư”. Ngày 12-9-2003, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định 1459/QĐ-UB về việc “quy hoạch chi tiết trục đường Thịnh Lang…”. Như vậy, tại thời điểm bắt đầu sử dụng (trước ngày 15-10-1993), hộ gia đình bà Oanh đã không vi phạm quy hoạch, ở ổn định, không có tranh chấp và đủ điều kiện để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm a Khoản 1, Điều 44, Nghị định 84/2007/NĐ-CP.
 |
Nhà bà Oanh nằm giữa tim đường nhưng chỉ được bồi thường theo đơn giá cải tạo, nâng cấp hành lang, vỉa hè.
|
Năm 2010, khi thi công đường nội bộ tiểu khu đến sau nhà bà Oanh thì phải dừng lại vì đất và nhà bà Oanh theo quy hoạch nằm giữa tim đường, nhưng theo Quyết định 1918/QĐ-UBND của UBND TP Hòa Bình ban hành ngày 13-7-2011 lại chỉ lập dự toán hỗ trợ cho bà với đơn giá theo công trình cải tạo, nâng cấp hành lang vỉa hè và hệ thống thoát nước với tổng số tiền là 23.151.345 đồng, không có quyết định thu hồi đất.
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho công dân
Tại phiên sơ thẩm, bà Oanh khởi kiện hành vi ban hành quyết định hành chính số 1918/QĐ-UBND của UBND TP Hòa Bình trái pháp luật, không đúng trình tự thu hồi đất. Tại 4 dòng cuối trang 1 của bản án, tòa ghi nhận: Đất ở của gia đình bà Oanh được sử dụng từ năm 1992 (trước ngày 15-10-1993). Nhưng cuối bản án, thẩm phán Dương Thu Hương lại áp dụng Điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP quy định về điều kiện được bồi thường đất nhưng lại không chỉ rõ khoản nào trong Điều 8. Thực tế Khoản 6, Điều 8, Nghị định 197 áp dụng cho đất được sử dụng trước ngày 15-10-1993 đã bị bãi bỏ, thay bằng điểm a Khoản 1, Điều 44, Nghị định 84/2007/NĐ-CP.
Trang 2 của bản án, từ dòng 1 đến dòng 16 đã chỉ rõ: Đất ở của gia đình bà Oanh được sử dụng ổn định trước quy hoạch của địa phương. Với bản án phúc thẩm, các tài liệu được thẩm phán Bạch Thị Hồng Hoa đưa vào 9 dòng cuối trang 4 của bản án chỉ là bản đồ xây dựng khu nhà ở cho công nhân của công trường Sông Đà, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của cơ quan có thẩm quyền nên đã bị đại diện Viện Kiểm sát bác bỏ tại phiên tòa, nhưng vẫn được bà Hoa đưa vào bản án để lấy cớ bác yêu cầu bồi thường đất.
Phán quyết của bản án phúc thẩm quyết định áp dụng điểm d, Khoản 1, Điều 44, Nghị định 84/2007/NĐ-CP là thiếu thực tế và những chứng cứ đã được xem xét trước tòa của bà Oanh không vi phạm Luật Đất đai, đã được Thanh tra Chính phủ khẳng định trong Văn bản số 4825/TD-TW ngày 27-12-2010 gửi UBND tỉnh Hòa Bình. Tòa áp dụng điểm c, Khoản 2, Điều 15, Quyết định số 41/2009 của UBND tỉnh Hòa Bình (sau sửa thành điểm c Khoản 3, Điều 15) được dùng cho công trình xây dựng sau ngày 15-10-1993, trong khi công trình của gia đình bà Oanh được xây dựng trước ngày 15-10-1993 và trước quy hoạch của địa phương 10 năm là trái pháp luật.
Bà Oanh cho biết: “Hành vi xét xử của hai thẩm phán có dấu hiệu vi phạm các điều của Bộ luật Tố tụng Hành chính và Bộ luật Hình sự, nhưng Tòa án nhân dân tối cao đã bác đơn giám đốc thẩm...”. Hy vọng của bà Oanh là được Cục Điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét để hai bản án được hủy bỏ và gia đình nhận được quyết định thu hồi đất theo Điều 32, Luật Đất đai năm 2003, nay là Điều 53, Luật Đất đai năm 2013 để bà có căn cứ giao đất. Đề nghị của bà Oanh là chính đáng, những căn cứ chứng minh thửa đất 137 của bà Oanh đủ điều kiện được bồi thường, cần phải có quyết định thu hồi là rõ ràng. Dư luận mong muốn cơ quan pháp luật công tâm, đúng pháp luật để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ.
Bài và ảnh: KIM DUNG