QĐND - Cả hai sĩ quan cùng chung một điểm: Đều được đào tạo tại Liên Xô (trước đây) và hiện nay cùng có điều kiện sống và làm việc với chuyên gia Nga tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Họ đang từng ngày góp sức thực hiện nhiệm vụ lớn của đơn vị: Là cầu nối, tổ chức, phối hợp các hoạt động khoa học, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Nga.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy - Viện trưởng Viện Độ bền Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga.
Anh là một trong số những cán bộ khoa học Việt Nam được đào tạo chuyên môn nhiều lần tại Liên Xô (trước đây) với tổng thời gian lên đến gần 11 năm.
Đầu tiên, anh là sinh viên bộ môn Tự động thủy khí và Truyền dẫn thủy lực, Khoa Chế tạo máy, Trường Đại học Bách khoa Khác-cốp (U-crai-na). Sau đó làm nghiên cứu sinh tại bộ môn Lý thuyết máy, cơ cấu và máy nâng chuyển cũng tại trường đó. Anh đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ chuyên ngành rô-bốt, tay máy và hệ thống kỹ thuật rô-bốt tại Trường Đại học Bách khoa Xanh Pê-téc-bua vào tháng 6-1993. Anh cũng từng làm thực tập sinh tại Trường Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Bau-man (Mát-xcơ-va, LB Nga).
 |
TS Nguyễn Xuân Huy (thứ hai, từ phải sang) trong lần cùng chuyên gia Nga xem xét các tác động ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới lên khí tài.
|
Ngày tháng đó đã trôi qua khá xa nhưng với anh ký ức như vẫn còn rất tươi mới. Quãng thời gian học tập sôi động cùng cả những buổi lao động vất vả của sinh viên trong dịp hè đã nôn nao trở về trong anh khi được gợi đến. Anh kể: Ngày ấy chúng tôi lao động trong điều kiện khá khắc nghiệt, ban ngày nắng như đổ lửa, tối lại lạnh, trong khi không có nước nóng và lại rất nhiều muỗi... Tuy nhiên, chính trong những khoảng thời gian đó, tôi đã học được nhiều điều, có nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là đã thể hiện được hiện tinh thần cố gắng vượt qua những khó khăn cùng sự tương trợ lẫn nhau của sinh viên các nước.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy đã chuyển qua nhiều vị trí công tác. Khởi đầu là giáo viên bộ môn Kỹ thuật thủy khí, Khoa Cơ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó là trợ lý nghiên cứu Trung tâm B03, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, rồi Trưởng phòng Phòng Cơ cấu chấp hành, Viện Tên lửa, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự. Cuối cùng, anh dừng chân tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga với chức danh Viện trưởng Viện Độ bền nhiệt đới.
Anh đã công bố 18 công trình khoa học, ra mắt 4 giáo trình, sách tham khảo giảng dạy và có 4 đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu. Trong đó có “Khảo sát máy lái điện-thủy lực của tên lửa hành trình”, “Tính toán tối ưu hai tham số cơ bản của hộp giảm tốc trong máy lái tên lửa hành trình đối hải”, “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị kiểm tra hệ thống thủy lực trên tàu hải quân”...
Công việc ở Viện Độ bền nhiệt đới đưa anh đến với nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với chuyên gia Nga, khiến ấn tượng về con người và xứ sở bạch dương trong anh ngày càng đầy. Anh chia sẻ: "Nga là đất nước tuyệt vời, là quê hương thứ hai của tôi. Ở đó, phong cảnh rất yên bình, nên thơ, con người đôn hậu, chân thành và thẳng thắn. Điều giá trị nhất tôi đã học được trong những ngày tháng đó chính là tình cảm giữa thầy và trò, giữa những người đồng nghiệp cùng chí hướng trong việc nghiên cứu, học tập. Suốt đời tôi không bao giờ quên tình cảm nồng hậu, sự nghiêm khắc và chân thành của các thầy, cô giáo. Chính qua họ, tôi đã được dạy dỗ, truyền đạt niềm đam mê khoa học. Họ là tấm gương giúp tôi vượt qua được những khó khăn trong công tác giảng dạy và nghiên cứu sau này tại Việt Nam".
 |
Th.s Chử Minh Tiến (bên phải) trong một buổi làm việc cùng chuyên gia Nga. Ảnh: Đ.Đ
|
Nước Nga luôn có thể là đề tài trò chuyện trở đi trở lại trong gia đình anh, bởi ngoài anh, còn có 3 người nữa trong nhà cũng từng là du học sinh tại Liên Xô trước đây. Vợ anh-chị Phạm Thị Dung, cử nhân tâm lý, từng là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Rô-xtốp (LB Nga). Em trai-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, từng học và làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Xây dựng Mát-xcơ-va, nay làm việc tại Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Em rể-Nguyễn Cảnh Đức, kỹ sư thiết bị điện trên xe, từng học Đại học Kỹ thuật Quân sự tại Ki-ép (U-crai-na).
Trên giá sách nhà anh có gần 60 quyển sách chuyên ngành, xuất bản bằng tiếng Nga được anh mang về sau những lần du học. Những cuốn sách đó cùng những tấm bằng, phù hiệu cho những người tốt nghiệp Đại học Bách khoa Khác-cốp, với bao ký ức về thời tuổi trẻ ở Nga đối với anh và gia đình là tài sản đặc biệt quý giá.
Thiếu tá, Thạc sĩ Chử Minh Tiến - Trưởng phòng Thử nghiệm tổng hợp, Viện Độ bền nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga.
Một sĩ quan, chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học, từng là một sinh viên khá nhút nhát khi đi du học, nhưng lại rất nhớ những nghệ sĩ, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh Nga-đó là điều tưởng chừng như mâu thuẫn trong anh-Thiếu tá, Thạc sĩ Chử Minh Tiến.
Anh là tác giả của các đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu các quy luật ăn mòn lão hóa các vật liệu trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam; Xây dựng hệ thống các phương pháp thử nghiệm để đánh giá độ bền vật liệu và vũ khí trang bị kỹ thuật trong điều kiện nhiệt đới Việt Nam…”.
Thân sinh của Thiếu tá Chu Minh Tiến là PGS, TS Chử Văn Tần- cũng từng học tập tại Trường MGU (Mát-xcơ-va, Nga).
Mặc dù đã xa xứ sở bạch dương gần 20 năm, Thiếu tá Chử Minh Tiến vẫn còn rất nhớ những tác phẩm, tác giả nổi tiếng của nền âm nhạc, điện ảnh nước Nga một thời như: Ca sĩ Boris Grebenshikov và ban nhạc Aquarium; nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ dân gian Vladimir Vysotsky, danh ca nhạc tạp kỹ Alla Pugacherva từng nổi tiếng với các tác phẩm “Triệu bông hồng”, “Người đàn bà hát”...
Anh đặc biệt thích xem phim hài Nga. Anh cho rằng, phim hài Nga thể hiện rõ nhất tính cách Nga, văn hóa Nga. Phim hài Nga khác hẳn phim hài các nước. Nó nhẹ nhàng, dí dỏm, không bạo lực, rất lạc quan yêu đời, luôn mỉm cười trước cuộc sống. Có thể nói, để hiểu văn hóa Nga và con người Nga hãy xem phim hài của Nga.
Khi nói về điện ảnh Nga, Thiếu tá Chử Minh Tiến nhớ các phim hài Nga điển hình (12 chiếc ghế, Cánh tay kim cương…) và cũng không quên những bộ phim về đề tài chiến tranh như: “Khi đàn sếu bay qua”, “Mát-xcơ-va không tin vào những giọt nước mắt”, rồi phim tâm lý - “Ga cho hai người”, “Chúc mừng năm mới”…
Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng mình là người may mắn khi được sang Nga học tập. Vì về phía xã hội, thời bao cấp được đi du học là mơ ước của nhiều người. Về phía gia đình, cha tôi trước đây cũng học tập ở MGU tại Mát-xcơ-va, vậy là tiếp bước được thế hệ trước. Về cá nhân, sau này tôi mới hiểu, nước Nga chính là nơi giúp tôi hình thành nhân cách.Đến nỗi mãi sau này khi về nước, tính cách tôi vẫn có gì đó là “Nga” ở bên trong, khiến gia đình và bạn bè đều nói, kiểu ấy chỉ phù hợp ở nước Nga thôi, ở Việt Nam thì phải thay đổi đi mới phù hợp. Tôi từng học ở Min-xcơ, tại Trường Đại học Tổng hợp Bê-la-rút, từ năm 1998. Tôi ở đó 7 năm… Thời gian cứ đều đặn trôi đi, cuộc sống của tôi ngày càng gắn bó hơn với xứ sở ấy: Những đường phố, con sông, trường học, công viên... đã trở nên thân thuộc. Rồi cũng đến ngày tôi trở về quê hương. Tôi đã nhớ nước Nga rất nhiều… Sau này, tôi lại gặp may, được làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, ở đây tôi lại được sống và làm việc với những người Nga. Tôi thấy hạnh phúc về điều đó. Những con người đã từng sống và học tập tại Nga rất dễ nhận ra nhau, chúng tôi có những điểm chung mà ai cũng cảm nhận được. Nó giống như đồng hương gặp nhau. Hình như văn hóa Nga đã thấm vào mỗi con người, tạo nên một phong cách riêng.
Nước Nga hùng vĩ, thiên nhiên đặc sắc, con người Nga thẳng thắn, bình dị, nhân ái. Nếu ai đã đến Nga và tiếp xúc với người Nga, chắc chắn họ cũng sẽ nói như thế”.
TUẤN ANH – QUỲNH LINH