Bình Nhưỡng, mùa thu 2006. Hàng nghìn khán giả nín lặng theo dõi bộ phim mà Minh Chuyên - nhà văn, nhà báo chuyên viết về đề tài hậu chiến ở Việt Nam mang đến Liên hoan phim quốc tế lần thứ 10 với chủ đề “Độc lập - hòa bình và hữu nghị” và... bật khóc. Nhưng khi những thước phim cuối cùng vừa dứt thì... rất nhiều túi nilon, vỏ chai nước ngọt từ hàng ghế khán giả ném về phía anh. Với Minh Chuyên, cũng như gần 20 năm trước, con đường đến công chúng của những tác phẩm viết về chiến tranh, về người lính hậu chiến... đôi khi rất gập ghềnh... Nỗi đau hậu chiến vàđộc lập, hòa bình, hữu nghị...

          P.V: Thưa nhà văn Minh Chuyên, dường như anh vẫn còn nhiều trăn trở trước những phản ứng của khán giả Bình Nhưỡng, mặc dù phim đã được Ban giám khảo trao giải cao nhất?

Nhà văn Minh Chuyên: “Cha con người lính” kể về ba thế hệ trong gia đình người lính Trần Văn Ngô bị di họa chiến tranh bám đuổi, hủy diệt đến tận cùng. 19 năm chiến trường, ông Ngô không hề dính mảnh đạn nào. Nhưng rồi ông lấy vợ, sinh con thì dông gió liên tục ập lên đầu. Đẻ lần thứ nhất, đứa con da đen, đầu to, lông dày như lông thú được 5 tuổi thì chết. Đẻ lần thứ hai sinh đôi, đứa con gái toàn thân đen như tro, lông dày như lông gấu, ông đặt tên là Thủy vì nó giống người... nguyên thủy. Đứa con trai lành lặn được ông đặt tên là Trần Cao Nguyên để kỉ niệm những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường Tây Nguyên. Năm tháng qua đi, Thủy lớn lên, nhưng lớp lông đen càng dày và mọc thêm những u nhọt to như quả cà vỡ mủ, thối khẳn. Còn Nguyên, lành lặn nhưng lên 10 tuổi thì trở nên điên dại, suốt ngày la hét, rồi thành đãng trí. Nguyên lấy vợ, vợ Nguyên lại đẻ ra một quái thai, đứa bé cũng người đầy lông và có tới 4 mắt, chỉ sống được 13 ngày. Đẻ đứa thứ hai, đầu rụt như con ba ba, suốt ngày giật giật. Nguyên đau đớn, trở nên câm lặng và ngày càng già đi. Ngoài 20 tuổi nhưng Nguyên nom như ông cụ 70. Thỉnh thoảng, anh lại rú lên cười hoặc gào khóc thảm thiết, nước mắt đầm đìa...

Tại liên hoan phim, cả nghìn người nín lặng theo dõi bộ phim. Có rất nhiều tiếng khóc nức nở. Nhưng ở trường đoạn cuối phim, Thủy được một cựu chiến binh Mỹ đưa sang Mỹ, thay lớp da lông thú, em đã hồn nhiên thốt lên vui sướng: “Người Mỹ tốt quá”. Thế là khán giả ồ lên. Họ cho rằng tôi mất lập trường. Nhiều người còn có hành động quá khích. Nhưng về sau, phần đông khán giả và nhất là Ban giám khảo lại đánh giá rất cao nội dung của phim. Phim đã được trao giải phim có nội dung tốt nhất về độc lập, hòa bình, và hữu nghị.

- Có lẽ cuối cùng, khán giả cũng hiểu được thông điệp của bộ phim là gì?

- Thông điệp của tôi là chúng ta có đốt cả dãy Trường Sơn để giành độc lập, tự do nhưng chúng ta cũng luôn khoan dung, hòa hiếu. Một dân tộc biết khoan dung, nhân ái với cả kẻ thù của mình thì cái ác sẽ dần được diệt trừ, mở ra hòa bình và hữu nghị. Không thể lấy cái ác diệt cái ác mà chỉ có thể cảm hóa cái ác. Tôi hiểu và cảm thông với một số khán giả Bình Nhưỡng. Đất nước họ cũng đã từng trải qua nỗi đau chiến tranh như Việt Nam mình... Tôi rất vui vì thông điệp ấy cũng một lần nữa được ghi nhận tại cuộc giao lưu trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây. Có người hỏi: Thưa Thủ tướng, tôi được biết Ngài là người đã cầm súng chiến đấu chống Mỹ, rất căm thù Mỹ. Ngài nghĩ gì khi cho con trai mình sang du học tại Mỹ? Thủ tướng đã trả lời: Bản thân tôi 4 lần bị thương trong chiến tranh... Cha tôi, chú tôi, cậu tôi cũng hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chúng tôi cũng như tất cả người Việt Nam rất căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến, quân xâm lược Mỹ, nhưng không căm thù cả dân tộc Mỹ, cả đất nước Mỹ... Còn với tư cách một quốc gia, một dân tộc, một công dân Việt Nam chân chính, không ai có quyền được quên quá khứ đau thương của dân tộc mình. Nhưng với truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đồng thời xây dựng, phát triển quan hệ vì hòa bình hợp tác phát triển và bình đẳng giữa hai quốc gia, hai dân tộc.
          Hơn cả tắm trong nước và lửa

          P.V: Sự phản ứng của khán giả ở Bình Nhưỡng có vẻ gì đó rất giống câu chuyện dài nhiều tập về thiên bút ký “Thủ tục làm người còn sống”, một tác phẩm tạo bước ngoặt để bạn đọc cả nước biết đến tên tuổi Minh Chuyên nhưng cũng để lại nhiều bài học đắt giá cho chính tác giả?

Nhà văn Minh Chuyên: Sau đổi mới (1986), với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật”, đã xuất hiện nhiều tác phẩm báo chí thuộc dạng “lao vào điểm nóng” tạo ra “xung chấn” mạnh mẽ trong xã hội như “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc và “Thủ tục làm người còn sống”. Tác phẩm này kể về anh lính nông dân Trần Quyết Định ở Vũ Thư (Thái Bình) bị lạc đơn vị, bị báo tử nhầm hơn 10 năm, đến rất nhiều cơ quan công quyền để xin được làm... người còn sống mà gặp bao sóng gió do tệ quan liêu. Anh hết vào Nam, ra Bắc, hết lên tỉnh, xuống huyện mà không được. Chỉ mấy ngày sau khi “Thủ tục làm người còn sống” được in trên báo Văn nghệ năm 1988, một “cơn địa chấn” đã nổ ra. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về bài báo. Mỗi tuần có hàng trăm cuộc điện thoại, thư của bạn đọc cả nước gửi chung cho tòa soạn và gửi riêng cho tôi. Nhưng rồi niềm vui ngắn ngủi ấy đã qua đi. Thay vào đó là một chuỗi ngày căng thẳng, những cuộc điều tra, xác minh bài ký. Nhiều đoàn cán bộ về tìm hiểu sự việc. Anh Định phải viết gần chục bản tự thuật. Rồi Định cùng với bố, vợ, anh em, cậu... được mời lên huyện để khai báo sự việc. Tác phẩm bị cho rằng có nội dung kích động quần chúng, gây mất niềm tin với các cơ quan nhà nước, vi phạm nghiêm trọng chính sách hậu phương quân đội... Phải qua 6 tháng trời với 15 cuộc họp lớn nhỏ từ địa phương đến trung ương, hàng trăm biên bản đã được lập, hàng chục bản tường trình và thông báo của các cơ quan chức năng gửi đi, mọi chuyện mới ngã ngũ. Văn bản kết luận của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký có đoạn: “Đồng chí Trần Quyết Định là con một gia đình công giáo chấp hành chính sách tốt, có ba con đi bộ đội, đã chiến đấu ở biên giới Tây Nam, bị thương và được khen thưởng. Sau khi điều trị, đi tìm đơn vị không thấy, bỏ về quê quán sinh sống bình thường. Việc giải quyết chính sách kéo dài 10 năm (thực tế là ngày 1-2-1987 mới đề nghị) do không đủ thủ tục hợp lệ (là trường hợp bỏ ngũ, không có giấy quyết định phục viên hoặc xuất ngũ). Tổng cục Chính trị quyết định: Giao cho Bộ chỉ huy Quân sự Thái Bình vận dụng Quyết định 191/HĐBT tổ chức giám định thương tật và kiểm điểm đồng chí Trần Quyết Định, lý do là không kiên trì tìm đơn vị đến cùng, tự động bỏ về nhà sinh sống”. Sau này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tặng giải thưởng cho tôi về những tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 1984-1994, trong đó có “Thủ tục làm người còn sống”.

        - Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, thật ra, bên cạnh những thành công, anh cũng còn sai sót khi thực hiện bút ký này?

- Hơn cả tắm trong nước, trong lửa là tắm trong sự thật. “Thủ tục làm người còn sống” quả là một cơn sóng gió nhưng đã qua đi bình lặng. Thực ra tôi chỉ muốn nêu và “đòi” quyền lợi chính đáng của một người lính - một đồng đội sau chiến tranh. Nhưng trong tác phẩm vẫn còn một vài “gót chân Asin” gây nên bao rắc rối. Như những chi tiết nói Định đến khóc dưới mồ, mượn lời người mẹ để phê phán các cơ quan làm chính sách hậu phương quân đội đã bị các cơ quan chức năng cho là: nhằm kích động các gia đình liệt sĩ hoài nghi công tác chính sách thì ít nhiều cũng có lý. Có cơ quan chức năng còn nêu rõ: Chúng tôi nhất trí rằng cần phải đưa ra công luận những sai lầm, khuyết điểm của bất cứ cơ quan, tổ chức nào, kể cả lực lượng vũ trang. Nhưng nếu tác giả xuyên tạc sự thật, viết không đúng về nội dung và chi tiết thì phải xử lý nghiêm. Chính một anh bạn đồng nghiệp thân thiết gần đây vẫn “chất vấn” tôi: “Cái đoạn Trần Quyết Định khấn mộ mình ở nghĩa trang, bác viết: Người bạn vô danh dưới mộ ơi! Nấm mồ này lẽ ra người ta đã chôn cất tôi... Hẳn như phải nằm yên dưới nơi lạnh lẽo bạn nằm, chắc bố mẹ, anh em và cả tôi nữa chẳng phải long đong, lặn lội hết nơi này đến nơi khác... thấy nó toàn ngôn ngữ của các bố nhà văn. Đó là bác khấn chứ Định nào khấn thế”? Sự thật thì Định nó chỉ khấn nôm na thôi. Nhưng đây là bút ký văn chương chứ không chỉ đơn thuần là một bài báo. Và cũng vì chi tiết ấy mà sau này tôi bị “quay” lên bờ xuống ruộng.

        - Nhưng dù là thể loại gì thì vấn đề số một với báo chí vẫn là “tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật”. Không thể đổ cho thể loại để tạo ra những bài viết có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau?

- Tiến sĩ Đức Dũng, một bạn đồng nghiệp của tôi là giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng thừa nhận, quan niệm về thể loại báo chí trong giới làm báo ở Việt Nam hiện nay chưa thống nhất. Có những thể loại giao thoa giữa chất thông tấn và chất văn học. Chất văn học cho phép tác phẩm ít nhiều có hư cấu, sáng tạo ở mức độ cho phép. Nhưng rõ ràng tính chân thực, chuẩn xác của từng sự kiện, từng chi tiết vẫn là yêu cầu không thể thiếu của bất kỳ tác phẩm báo chí nào, dù ở thể loại gì. Chính bài học từ “Thủ tục làm người còn sống” đã giúp tôi sau này có những tác phẩm hay hơn, có sức lan tỏa và tác động xã hội tốt hơn. Song cũng phải nói sòng phẳng rằng, đừng nghĩ rằng tác phẩm báo chí cứ số liệu, sự kiện “nghiêm túc” là tốt. Như bút ký “Người lang thang không cô đơn” về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc hay “Vào chùa gặp lại” về các nữ thương binh vào chùa đi tu, trước tôi cũng có nhiều anh viết rồi chứ. Nhưng nếu chỉ viết theo dạng “tôi đến, tôi đi, tôi gặp” thì không “ăn thua”. Khi tôi làm bút ký, những sự kiện trên đã tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ hơn rất nhiều...
          Viết từ mệnh lệnh của trái tim

          P.V: Đó là bài học với nhà văn, nhà báo Minh Chuyên, còn với công tác chính sách, rộng hơn là với xã hội, sau gần 20 năm nhìn lại “Thủ tục làm người còn sống”, có thể đề cập một “bài học” nào đó vẫn cần lưu ý...

Nhà văn Minh Chuyên: Tôi vừa trở về Thái Bình và có tới thăm Trần Quyết Định. Đến cuối năm vừa rồi, tức là sau... 19 năm, Định vẫn phải chờ nhận sổ thương binh. Điều đó đủ cho thấy cơ chế, thủ tục giải quyết chế độ chính sách cho người lính sau chiến tranh của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần đổi mới. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2007, đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ thị là “năm cải cách hành chính”. Những điều mà “Thủ tục để làm người còn sống” cảnh báo về thói quan liêu, xa dân vẫn chưa bao giờ cũ. Như lời nhà thơ Nguyễn Hoa, một bạn văn chương áo lính viết tặng tôi: Cực làm sao khi ấy phải viết lên/“Thủ tục để làm người còn sống”/Trời cao đất rộng/Sao lòng người không mênh mông? Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục trở lại để thực hiện bút ký về câu chuyện Trần Quyết Định, sau 29 năm đi tìm tấm thẻ thương binh...

- Từ “Thủ tục làm người còn sống” năm 1988 đến “Người lang thang không cô đơn” năm 1992 và “Cha con người lính” năm 2006, gần 20 năm vẫn một đề tài về thân phận người lính, có bao giờ anh thấy “rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay...”?

- Tôi nghĩ rằng câu hỏi trên của anh là không cần thiết, thậm chí thiếu sự đồng cảm và nhân bản. Có người cũng nói giống như anh, Minh Chuyên chỉ viết về hoàn cảnh những người lính có thân phận éo le nên không “đủ tầm” khái quát về người lính hậu chiến. Thật ra, tôi cũng không thể và không có ý định làm cái việc “hoành tráng” là khái quát hình ảnh người lính làm gì. Tôi chỉ viết, chỉ làm phim những gì mình hiểu nhất, day dứt nhất từ mệnh lệnh của trái tim.

Trước khi về đài Truyền hình Việt Nam, tôi công tác ở báo Thái Bình nên có nhiều tác phẩm viết về những người lính sau chiến tranh ở quê tôi. Có lẽ vì đọc Minh Chuyên nhiều mà không ít người gặp tôi cứ hỏi, có phải Thái Bình là tỉnh nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất? Nhưng từ năm 1998 đến nay, kể từ khi về Hà Nội, được đi đây đó nhiều, tôi phát hiện ra một điều: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đồng Nai, thậm chí là TP Hồ Chí Minh... còn nhiều nạn nhân chất độc hóa học gấp mấy Thái Bình, song còn ít nhà văn, nhà báo phản ánh. Tôi đã đi và làm hàng loạt phim truyền hình về các nạn nhân chất độc da cam cũng như xuất bản nhiều tập bút ký về đề tài này. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay đã có chế độ, chính sách hỗ trợ cho những nạn nhân chất độc da cam 85 nghìn đồng/tháng, nay là 125 nghìn đồng. Sau vở kịch “Người lang thang không cô đơn” gây tiếng vang dư luận, hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Tổng thư ký Hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị Chính phủ cho phép thành lập “Quỹ Người không cô đơn” sau đổi tên thành “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”. Quỹ đã được bạn đọc, bạn xem truyền hình cả nước ủng hộ với số tiền lên tới gần 200 tỷ đồng…

- Xin cảm ơn và chúc anh tiếp tục có nhiều tác phẩm hay, có nhiều đóng góp cho đề tài người lính sau chiến tranh!

NGUYỄN VĂN MINH thực hiện