QĐND - Sáp nhập vào TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã 10 năm, nhưng đến nay hàng trăm hộ dân thuộc các tổ 8, 9 và 10 thuộc phường Quang Trung vẫn chưa có nguồn nước sạch để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Còn những giếng khoan của các hộ dân trên địa bàn thì đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước sông Đáy đang bị ô nhiễm. Tình trạng thiếu nước sạch tại một phường thuộc TP Phủ Lý là khó có thể chấp nhận được.

Mỏi mòn chờ nước sạch

Trao đổi với chúng tôi, người dân ở 3 tổ: 8, 9 và 10 cho biết, mặc dù trên địa bàn đã có nhà máy nước nhưng người dân ở đây vẫn chưa được cung cấp nước máy để sử dụng. Khi người dân kiến nghị thì được giải thích rằng, tuy có nhà máy nước, nhưng do các tổ 8, 9 và 10 hơi xa và địa hình phức tạp nên họ chưa thể kéo được đường ống dẫn nước tới khu vực này. “Cách đây hơn 6 năm, Công ty cổ phần nước sạch tỉnh Hà Nam và chính quyền địa phương đã đi khảo sát địa hình, đường sá để lắp đặt ống dẫn nước cho chúng tôi. Thấy vậy, người dân chúng tôi mừng lắm, thế rồi cứ ngồi chờ cho tới tận bây giờ” - một người dân cho biết. Bức xúc vì không có nước máy sử dụng, người dân ở các tổ 8, 9, 10 cũng đã viết đơn kiến nghị lên UBND phường Quang Trung nhưng rồi cũng không thấy chính quyền hồi âm lại và giờ đây họ vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm.

Các hộ dân vẫn phải dùng nguồn nước giếng khoan ô nhiễm hằng ngày

Đến thăm các hộ dân, chúng tôi nhận thấy, tất cả các gia đình đều có hệ thống lọc nước tương đối giống nhau: Nước giếng được bơm lên một bể đặt ở trên cao, lọc qua nhiều lớp cát rồi mới mang sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, mỗi gia đình đều có thêm một bể dự trữ nước mưa để sử dụng dần trong mùa khô.

Bà Phạm Thị Dung ở tổ 9, cho biết: “Cũng như các gia đình khác trong tổ dân phố, gia đình tôi vẫn sử dụng nước giếng khoan để giặt giũ, tắm rửa, còn bể nước mưa dùng nấu ăn hằng ngày. Vào mùa mưa thì không nói làm gì, nhưng đến mùa khô, nắng nóng kéo dài, mưa ít, các hộ dân trên địa bàn đều thiếu nước, khổ lắm. Ngày xưa, khi sông Đáy chưa bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm cũng như nước sông trong vắt, dân chúng tôi còn lấy nước sông để nấu nướng, giờ thì nước đen ngòm, không thể giặt giũ được”.

Còn bà Hoàng Thị Hợi ở tổ 8, cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ khó khăn nên không có tiền để xây bể đựng nước mưa. Do vậy, tất cả từ nấu ăn đến tắm giặt đều phải sử dụng nước giếng khoan. Thỉnh thoảng có khách thì tôi phải đi xin nước mưa hàng xóm về nấu ăn, chứ nước giếng khoan nấu ăn khách cũng khó mà ăn được!”.

Để chứng minh điều mình nói, bà Hợi chạy vào cắm máy bơm nước từ giếng khoan lên. Quả thật, nước hút lên vàng khè và có mùi tanh rất khó chịu. Sau khi để lắng khoảng 3 đến 5 phút thì trên bề mặt nước bắt đầu kết váng màu vàng. Chỉ mới như vậy, chúng tôi đã cảm nhận được sự ô nhiễm nghiêm trọng của nguồn nước ngầm nơi đây.

Khu lọc nước giếng khoan của một hộ dân trên địa bàn

Ông Bùi Hồng Quang, Tổ trưởng tổ dân phố số 8, bức xúc: “Việc thiếu nước sạch của hơn 200 hộ dân sống trên địa bàn tổ 8, 9, 10 mọi người đều biết, nhưng với chức trách của một tổ trưởng tổ dân phố, tôi không thể có biện pháp gì giúp người dân trong tổ khắc phục tình trạng này. Không chỉ có các hộ dân trong tổ dân phố, mà gia đình tôi cũng chịu chung cảnh ngộ đó. Trước đây ông tổ trưởng cũ cũng đã kiến nghị lên chính quyền cấp trên, yêu cầu lắp đặt đường ống dẫn nước tới khu vực này, nhưng chẳng ai giải quyết. Thế là, người dân chúng tôi cũng từ bỏ ý định chờ nước sạch mà quay về dùng tiếp nước giếng khoan”.

Chậm tiến độ hay thiếu quan tâm?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trương, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận những kiến nghị của người dân phản ảnh lên. Nhưng theo lộ trình phát triển của thành phố thì phường tập trung xây dựng trường mầm non và trường tiểu học. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai xây dựng tuyến đường trục, sau khi đường hoàn thành thì mới có thể kết nối được đường ống cấp nước và thoát nước. UBND phường cũng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố Phủ Lý và UBND tỉnh Hà Nam đẩy nhanh tiến độ, nhưng do đường trục thi công chậm nên Công ty cổ phần nước sạch tỉnh Hà Nam chưa thể kéo đấu nối đường ống đến cho các hộ dân ở 3 tổ dân phố”.

Về vấn đề này, bà Đào Thị Kim Lương, Phó giám đốc Công ty cổ phần nước sạch tỉnh Hà Nam, cho biết: “Đúng là khu vực các hộ dân ở tổ 8, 9 và 10 của phường Quang Trung chưa có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Phía công ty cũng rất thấu hiểu nỗi khổ của các hộ dân trên địa bàn và rất muốn lắp đặt nhanh đường ống nước để người dân có nước máy sử dụng. Tại cuộc họp với UBND thành phố Phủ Lý mới đây, chúng tôi cũng đã thống nhất, khi nào làm xong đường thì sẽ làm hệ thống đường ống nước vào tất cả các hộ dân thuộc tổ 8, 9, 10 phường Quang Trung”.

Hơn 200 hộ dân đang khát nước sạch, thế mà doanh nghiệp và các cơ quan chức năng vẫn viện dẫn nhiều lý do không hợp lý nên đường ống dẫn nước sạch chưa được kéo về các hộ dân. Đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Phủ Lý sớm có biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình để có thể đưa nguồn nước máy đến với người dân trong thời gian sớm nhất. Để tồn tại tình trạng một khu vực đã "lên thành phố" 10 năm mà vẫn "khát" nước sạch quả là điều đáng suy nghĩ.

Bài và ảnh: HIẾU HOÀNG