Sai lầm thứ nhất
 |
Tướng Hen-ri Na-va |
Hen-ri Na-va (31-7-1898 / 26-9-1983) từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới lần thứ hai và là chỉ huy thứ 7 của quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông trong chiến tranh Đông Dương.
Tướng Na-va nghĩ rằng, ông không hề sai lầm cho đến tận ngày 15-3-1954, ngày Việt Minh chiếm cứ điểm Độc Lập. Na-va đã tự khen mình khi tin rằng nhờ có cái “nhọt hút độc” là Điện Biên Phủ nên 12 tiểu đoàn Pháp đã kìm giữ được 33 tiểu đoàn Việt Minh.
Tướng Na-va đến Sài Gòn đúng ngày 19-5-1953. Có lẽ Na-va không biết rằng đó là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ tối cao của đối phương. Đây thực sự là ngày định mệnh của Na-va.
Bước chân tới Việt Nam, Na-va đã ra lệnh lập căn cứ Điện Biên Phủ để bắt tướng Giáp chấp nhận một chiến tranh quy ước với quân đội viễn chinh có phương tiện chiến tranh mà ông nghĩ là hơn quân đội Việt Minh. Tướng Na-va mong là với thế này, ông sẽ chặn đường quân đội Việt Minh vào Bắc Lào và đồng bằng sông Hồng.
Căn cứ Điện Biên Phủ, xung quanh có 9 điểm tựa. Trên phương diện địa hình, căn cứ này đặt trong một thung lũng rộng khoảng 60 cây số vuông, bao quanh bởi những quả núi cao không quá 1.000 mét.
Giữa tháng 2-1954, nghĩa là 3 tháng sau khi chiếm và thành lập căn cứ Điện Biên Phủ, quân Pháp vẫn còn tin tưởng là sẽ thắng trận này: Ước gì những sư đoàn Việt Minh xưa nay ưa lẩn tránh, chịu giáp mặt để ta đánh một trận xả láng cho biết tay! (Tướng Y-vét Grát, hồi 1974-1975 làm tùy viên quân đội Pháp tại Sài Gòn, đã diễn tả thái độ chung hồi đó trong cuốn Lịch sử chiến tranh Đông Dương). Thật vậy, không một giới chức quân sự nào nghi ngờ sự kiên cố của căn cứ này.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm. Đợt 1 từ 13-3 đến 17-3, quân đội Việt Minh tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Ngay từ những ngày đầu pháo binh của Việt Nam đã gần như loại bỏ khả năng cất, hạ cánh của sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, từ đó trở đi các máy bay Pháp chỉ còn tiếp tế được cho tập đoàn cứ điểm bằng cách thả dù. Điều này cho thấy cầu hàng không mà bộ chỉ huy Pháp đặt nhiều kỳ vọng thực tế là rất yếu kém trước cách đánh áp sát của đối phương.
Ngay từ những ngày đầu của đợt 1, quân Pháp đã nhận thức rõ được những điểm yếu chết người của mình và tương lai thất bại rõ ràng, nhưng họ vẫn
 |
Quân đội Việt Minh cắm cờ lên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri |
tăng cường cầm cự Điện Biên Phủ đến mức tối đa vì hy vọng khi mùa mưa đến Việt Minh không thể giải quyết vấn đề hậu cần và sẽ bỏ cuộc, Điện Biên Phủ sẽ tránh được đầu hàng. Sau đó, khi mùa mưa không giúp được, bộ chỉ huy Pháp hy vọng cầm cự càng lâu càng tốt để Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ nhóm họp vào đầu tháng 7, sẽ có ngừng bắn trước khi tập đoàn sụp đổ. Nhưng hy vọng này cũng không có được, Điện Biên Phủ đầu hàng một ngày trước khi nhóm họp Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương.
Đợt 2 từ 30-3 đến 26-4, Việt Minh đánh phân khu trung tâm đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông. Đây là đợt tiến công vào phân khu trung tâm chủ yếu nhằm chiếm dãy đồi phía đông khống chế cánh đồng Mường Thanh (các cụm Dominique và Eliane). Tại đây, hai bên đánh nhau giành đi giật lại các mỏm đồi có tính sống còn đối với tập đoàn cứ điểm, đặc biệt là các đồi A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), D1 (Dominique 2). Phía Pháp dựa vào hầm ngầm, lô cốt để cố thủ và đưa quân từ các điểm khác dùng xe tăng và lính dù, lính lê dương để phản kích, các cứ điểm này vì có tính sống còn với quân Pháp. Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, quân đội Việt Minh đã áp dụng chiến thuật “vây lấn” rất có hiệu quả bằng hệ thống chiến hào. Các chiến hào này tránh thương vong cho quân tiến công vì pháo tầm xa và không quân địch không vào sát được vị trí của quân địch, làm vị trí bàn đạp tấn công rất thuận lợi. Quân Pháp đã nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của cách đánh này mà không có phương sách nào để khắc chế. Quân Việt Minh vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể hẹp hơn.
Đợt 3 từ 1-5 đến 7-5, quân đội Việt Minh đánh dứt điểm dãy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Sau khi lực lượng của Pháp đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt, bổ sung bằng dù không còn đủ để duy trì sức chiến đấu, và quân Pháp ở Bắc Bộ cũng đã hết lính dù và lính lê dương có thể ném tiếp xuống Điện Biên Phủ, quân Việt Minh tổ chức đợt đánh dứt điểm các quả đồi phía đông. Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ không thể xung phong đánh chiếm được trên đồi A1 có vị trí quyết định, bộ đội công binh Việt Nam đã đào một hầm ngầm và cho nổ một tấn thuốc nổ hất tung hệ thống hầm ngầm cố thủ cuối cùng. Đến sáng ngày 7-5, các quả đồi phía đông này đã thất thủ hoàn toàn mà phía Pháp không còn lực lượng khả dĩ chiếm lại. Quân đội nhân dân Việt Nam tổng tiến công trên khắp các mặt trận, quân Pháp đã sức tàn lực kiệt quyết định đầu hàng, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt thiếu tướng chỉ huy Chrít-ti-an đờ Ca-xtơ-ri và toàn ban tham mưu tập đoàn cứ điểm. Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh.
Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Sai lầm thứ hai
Ngày 1-3-1968, đại tướng Na-va đã trả lời hãng tin United Press International như sau: “Tôi không tin là tướng Giáp sẽ thắng quân đội Mỹ như ông ấy đã thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ. Tôi không tin Khe Sanh với địa hình khá tương tự, sẽ là một Điện Biên Phủ thứ hai. Phương tiện hiện nay của Hoa Kỳ trên mọi địa hạt khác hẳn với phương tiện của chúng tôi hồi trước. Vì vậy, nếu chiến thuật có phần giống nhau, thì chiến lược nay đã hoàn toàn khác biệt”.
 |
Một chiến đấu cơ A-4 Skyhawk của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ trong một phi vụ yểm trợ cho quân phòng thủ tại căn cứ Khe Sanh, tháng 2-1968 |
Tuy nhiên, một lần nữa, thực tế chứng minh, nhận định của tướng Na-va lại sai lầm.
Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh diễn ra trong suốt 77 ngày từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1968. Đây là một trong những trận chiến ác liệt và được bàn thảo nhiều nhất. Chiến dịch này là phần trọng điểm của những đòn đánh nghi binh của Quân đội nhân dân Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh được tiến hành theo 4 đợt chiến đấu liên tục và quyết liệt. Ngày 21-1, mặt trận Khe Sanh mở đầu bằng trận tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Hưng Hóa. Ngày 7-2, quân ta lại diệt cứ điểm Làng Vây. Từ ngày 8-2 đến ngày 31-3, Quân giải phóng vây hãm cụm cứ điểm Tà Cơn. Tháng 4 Quân giải phóng lại đánh bại “cuộc hành quân Ngựa bay” hòng cứu nguy đồng bọn đang bị vây hãm ở Khe Sanh. Trong trận đánh ở đồi 595 ngày 6 và 7-4, 5 chiến sĩ giải phóng đã đánh thắng 4 đại đội Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên, bắn rơi và bắn hỏng 3 máy bay.
Từ tháng 5 đến tháng 9, quân, dân Việt Nam tiếp tục vây hãm lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh. Bị thiệt hại nặng nề, trước tình thế bị bao vây, cô lập, bắt đầu từ ngày 26-6, giặc Mỹ đã buộc phải rút bỏ Khe Sanh. Ngày 9-7, quân ta đã chiếm Tà Cơn, vị trí trung tâm của căn cứ Khe Sanh.
Hãng UPI ngày 24-3-1968 xác nhận: “Trong vòng 60 ngày, B52 ném xuống Khe Sanh một lượng bom là 54 nghìn tấn trong ít nhất là 334 lượt bay. Máy bay ném bom chiến thuật cũng đã ném ít nhất là 24 nghìn tấn bom trong 17.731 lượt bay”. Hãng thông tấn AP (Mỹ) ngày 17-3-1968 phản ánh: “Tinh thần lính Mỹ ở Khe Sanh suy yếu nghiêm trọng. Hai tên không chịu nổi gian khổ đã tự bắn vào mình để được liệt vào danh sách bị thương”. Còn Hãng USIS, ngày 22-3-1968 thì cho rằng: “Ở Khe Sanh, hỏa lực của cộng sản có khả năng thủ tiêu hỏa lực của đồng minh (tức là Mỹ và ngụy). Không một loại boong-ke và hầm phòng thủ nào (của lính Mỹ) có thể chống được loại đạn pháo 122mm có ngòi nổ đặc biệt của cộng sản”.
Sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục và vô cùng anh dũng, Quân giải phóng mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, buộc Mỹ phải chịu thất thủ Khe Sanh. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 17.000 tên địch, trong đó có 1.300 tên Mỹ; bắt sống hàng trăm tên khác, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn Mỹ, một chiến đoàn dù và tiểu đoàn thuộc lực lượng đặc biệt ngụy, 39 đại đội Mỹ - ngụy; bắn rơi và phá hủy 480 máy bay các loại, phá hủy hàng trăm xe quân sự, hơn 60 khẩu pháo, phá hủy hơn 50 kho xăng, đạn, thu hàng nghìn súng các loại, hàng trăm tấn lương thực.
Thất bại của Mỹ ở Khe Sanh là thất bại về chiến lược, chiến thuật, thất bại về chính trị, tâm lý với hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thất bại đó không phải là điều bất ngờ mà là một tất yếu phải xảy ra trong tình hình khốn quẫn, nguy ngập của kẻ gieo rắc chiến tranh. Thất bại ở Khe Sanh báo hiệu cho hàng loạt thất bại nặng nề khác của Mỹ trên chiến trường miền Nam.
DƯƠNG TIÊU