Từ xưa đến nay, chợ Đồng Xuân có một sức hút hồn kỳ lạ, du khách thập phương về tham quan Hà Nội mà chưa vào thăm chợ Đồng Xuân, thì coi như chưa về đến Thủ đô. Đồng Xuân là chợ lớn nhất và vui nhất đất Kinh thành, thú vị nhất là tìm mua trong chợ thứ gì cũng có...

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân nằm ngay dốc chân cầu Long Biên Hà Nội, nơi trục đường giao thông chính chạy qua nối các tỉnh phía Bắc đi các tỉnh phía Nam, đều phải đi qua chiếc cầu hình rồng lượn này. Chợ lại nằm cạnh đê sông Hồng, nơi tàu thuyền chở hàng ngược xuôi chạy dọc theo dòng sông, thuận đường chở hàng đến và chở hàng đi khắp nơi.

Chợ Đồng Xuân được xây dựng từ năm 1889, chợ ngày đó: “… khi thành phố mở rộng ra khu vực này, sau khi lấp bằng khúc sông Tô Lịch từ cửa sông vào đến tường Thành cổ. Ban đầu chợ họp ở giữa trời trong bãi và dọc theo mấy đường phố chung quanh là phố Hàng Khoai, Hàng Gạo. Chợ rộng khoảng 10.000m2, người mua người bán ngồi vào trong khu vực chợ, vừa thuận tiện không làm cản trở giao thông và để dễ quản lý thu thuế chợ. Năm 1890, chợ được dựng 5 cầu chợ khung bằng sắt lợp tôn, cầu chợ dài 52m, cao 19m đủ thông thoáng, người vào mua bán trong chợ đỡ phải chịu nắng mưa, chợ được xây tường rào trước mặt và xung quanh. Chợ Đồng Xuân nổi tiếng trong nước vì lắm hàng hóa, thượng vàng hạ cám không thiếu thứ gì, nhiều quà ngon mà quà ấy chỉ Hà Nội mới có, mới ngon…” (theo “Hà Nội đầu thế kỷ XX”-Nguyễn Văn Uẩn).

Chợ Đồng Xuân còn nổi tiếng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (tháng 12-1946). Chợ trở thành một pháo đài thép ở cửa ngõ Thủ đô, chiến đấu dũng cảm kìm hãm và giam chân quân Pháp, khi chúng dùng xe tăng từ bờ sông đánh vào phía sau chợ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên cổng chợ Đồng Xuân được lắp đặt hệ thống còi báo động, dùng thông báo máy bay địch đến, nhắc nhở nhân dân xuống hầm trú ẩn và các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Năm 2000, thành phố đã cho dựng Tượng đài kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội mùa đông 1946”, ở bên ngoài cạnh cổng ra vào chợ Đồng Xuân.

Trong tác phẩm văn học “Sống mãi với Thủ đô”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết cảm nhận của ông về chợ Đồng Xuân: “… Chợ là nơi tập trung những hàng tinh xảo của các phố phường, những món ăn vật lạ, những kỳ hoa dị thảo ở khắp các tỉnh, đường ngược cũng như đường xuôi. Trong những ngày áp tết, cái tên chợ Đồng Xuân càng vang đọng trong lòng mọi người. Đi chơi chợ Tết trở nên một sự cần thiết như ăn và mặc. Người ta đi không phải chỉ để sắm sửa những thứ ngon lành nhất, để thỏa mãn cái đua đòi cầu kỳ sang đẹp của người Thủ đô… Đông vui nhất vẫn là cái chợ ở vào trung trâm của ba mươi sáu phố phường, mà cái tên đi liền với tên Hà Nội. Đối với người Hà Nội, chợ Đồng Xuân là một điểm tự hào…”. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác bài hát “Người Hà Nội” được nhiều người yêu thích, ông đã viết giai điệu vui tươi và đầy tự hào: “Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai. Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu. Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi…”.

Tượng đài Chiến Thắng “Hà Nội mùa đông 1946”. Ảnh: Hoàng Vinh

Chợ Đồng Xuân nằm ở cửa ngõ ra vào của Hà Nội, nơi tập kết chủ yếu các loại hàng hóa, nông sản từ các nơi về tiêu thụ và từ đây hàng hóa lại được trao đổi chuyển về các vùng khác. Lái buôn các tỉnh mang hàng hóa đặc sản quê mình về bán tại chợ, họ tìm mua những mặt hàng nơi mình không có và mang về để bán kiếm lời. Chợ trở thành chợ chính cung cấp nhiều nguồn hàng cho các tỉnh bạn.

Chợ Đồng Xuân ngày trước chỉ xây một tầng, nay được cải tạo mới thành 4 tầng, phân chia thành từng khu vực bán hàng riêng biệt. Người dân thích vào chợ mua sắm hơn là vào các cửa hàng siêu thị, vì khách hàng được thoải mái chọn hàng và mặc cả giá tiền, người bán nói thách cao thì người mua trả giá thấp, cứ thuận mua vừa bán. Chợ Đồng Xuân hàng ngày đón tiếp hàng nghìn lượt khách đến mua sắm và tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch quốc tế đến thăm chợ. Có thể nói chợ Đồng Xuân là một hình ảnh thu nhỏ cuộc sống và nhu cầu thường ngày của dân thành phố và các làng quê xung quanh Hà Nội.

Đất nước mở cửa, chợ Đồng Xuân họp cả ban đêm, từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Ngay từ chiều tối, hàng trăm xe tải công-en-nơ nối nhau chở đầy hàng hoa quả từ các tỉnh biên giới và rau xanh các tỉnh bạn về tập kết ở cổng chợ Long Biên, chở những mặt hàng: Vải đặc sản của Hải Dương và Bắc Giang, nhãn và chuối Hưng Yên, xoài và dưa hấu miền Nam… Chờ đúng tối đến, đèn điện đường phố Trần Nhật Duật và gầm cầu Long Biên bật sáng choang, từng nhóm người cửu vạn bắt đầu tấp nập chuyển hàng bằng đủ phương tiện thủ công, từ xe chở hàng chuyển vào các ngõ ngách chợ Đồng Xuân. Cảnh mua bán, bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa diễn ra nhộn nhịp suốt thâu đêm, thể hiện sức sống sôi động của Thủ đô.

Vào tối thứ 7 hàng tuần, trước cửa chợ Đồng Xuân thường có nhóm hát xẩm của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan chợ đêm phố cổ Hà Nội. Thông qua những làn điệu hát xẩm những bài hát như: Hà Nội 36 phố phường, Hà Nội vui nhất có chợ Đồng Xuân… đã làm sống lại cảnh nhộn nhịp mua bán, tiếng tàu điện leng keng, tiếng rao vặt bán hàng quà đêm… đó là những kỷ niệm tuổi thơ nhớ mãi ở Hà Nội. 120 năm chợ Đồng Xuân tồn tại và phát triển, vẫn luôn hấp dẫn và lôi cuốn du khách đến mua sắm và tham quan, chợ là điểm đến du lịch độc đáo của vùng đất Thăng Long, Hà Nội…

HOÀNG VINH HIỂN