Nhà nhà đi lấy “gỗ thơm”
Hiện tượng người dân xã Cắm Muộn đổ xô vào rừng tìm “gỗ thơm” xuất hiện từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2016 cho đến nay. Sự việc ban đầu là có một số thương lái dưới xuôi lên thu gom loại gỗ này với số lượng lớn và giá cao: 3.500-5.000 đồng/kg.
Bất kể thời tiết, thời điểm nào trong ngày, khi gỗ được đưa đến cửa rừng, lập tức có "tay chân" của thương lái thu gom, mua ngay, sau đó tập kết tại các địa điểm bí mật trên địa bàn rồi dùng xe tải vận chuyển về xuôi, ra các tỉnh phía Bắc...
Người dân xã Cắm Muộn nhận thấy đây là một cơ hội hiếm hoi để kiếm tiền, tăng thu nhập, đã đổ xô vào rừng để tìm kiếm “gỗ thơm”. Có gia đình huy động 3-4 người vào rừng, có ngày kiếm được số gỗ bán được cả triệu đồng.
Người dân Cắm Muộn vận chuyển “gỗ thơm” ra khỏi rừng.
Những ngày cuối tháng 4-2016, chúng tôi đã theo chân N., một thanh niên thuộc bản Na Chò vào rừng sâu để tìm hiểu sự việc. Từ trung tâm bản, chúng tôi bắt đầu ngược núi trên con đường trơn trượt, nhão bùn sau mưa, thỉnh thoảng lại bắt gặp từng tốp 5-7 người cả nam lẫn nữ đang vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Người vác trên vai, kẻ dùng dây kéo dưới đất. Trâu cũng được huy động để kéo từng khúc gỗ ngắn, có đường kính lớn mà người không thể khuân vác nổi. N. nói: “Tất cả đó đều là “gỗ thơm”, hôm nay trời mưa, người dân đi ít còn những ngày đẹp trời thì có cả trăm người”. Sau những con dốc dựng đứng, chúng tôi dừng lại ở khu vực núi Thắm Đá được cho là có khá nhiều “gỗ thơm”. Đây là khu vực rừng núi đá vôi với nhiều cây cổ thụ, từ xa vang lên tiếng cưa xăng, tiếng dao, rìu người dân dùng để đốn gỗ vang vọng cả núi rừng. Cùng với đó, thỉnh thoảng lại nghe tiếng kêu "poòng… poòng" được tạo ra khi người dân lao gỗ xuống dốc va vào vách đá.
Tiếp xúc với những phu gỗ, khi được hỏi về loại cây mà họ đang săn lùng, ông T., một người dân địa phương cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi gọi loại “gỗ thơm” là cây “mày hình”. Đặc trưng vân gỗ đẹp, có mùi thơm tỏa ra rất đặc trưng. "Mày hình” được dùng để đóng các vật dụng trong gia đình như bàn, ghế, giường, tủ. Chúng tôi biết đây là một loại gỗ quý. Giờ đây, rừng của địa phương rất hiếm những thân cây lớn, thẳng đẹp. Đặc biệt sau khi có thương lái về thu mua với giá cao thì nó đang được người dân săn lùng cả gốc lẫn ngọn”. Trong thời gian ở Cắm Muộn, chúng tôi đã tiếp xúc với một số người có kinh nghiệm, hiểu biết về gỗ, họ đều khẳng định “mày hình” hay “gỗ thơm” mà người dân đang khai thác ồ ạt là gỗ bách sanh, thuộc nhóm A2.
"Gỗ thơm" là gì?
Đến nay, cơ quan chức năng huyện Quế Phong lại chưa xác định được "gỗ thơm" là gỗ gì! Ông Trần Đức Lợi, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quế Phong cho biết: “Ngay thời gian đầu, khi nắm được thông tin trên, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Quế Phong lập đoàn kiểm tra, xử lý sự việc. Cùng với đó, Hạt kiểm lâm Quế Phong cũng đã phối hợp với lực lượng công an huyện, chính quyền địa phương để chốt chặn 24/24 giờ ở các trục đường chính, kiên quyết không cho vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng chốt chặn đã bắt giữ 2 vụ thu 18 tấn “gỗ thơm” do người dân khai thác bán cho các thương lái”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi nghi vấn liệu loại “gỗ thơm” hay bà con gọi bằng tên khác là “mày hình” có phải là gỗ bách sanh như một số người khẳng định? Ông Lợi trả lời, hiện chưa có cơ sở nào để khẳng định loại gỗ mà bà con địa phương khai thác để bán trong thời gian vừa qua là bách sanh. Bởi phần lớn chúng đều được đưa về khi đã khô, chủ yếu là thân và gốc nên rất khó xác minh. Muốn biết chính xác đó có phải bách sanh hay không thì phải được đưa đi giám định, có kết luận của các cơ quan chức năng.
Mặc dù chưa thể khẳng định loại gỗ mà bà con trên địa bàn khai thác bán cho thương lái có phải là bách sanh hay không, nhưng thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Quế Phong đã triển khai lực lượng đấu tranh ngăn chặn. Và họ khẳng định, đến thời điểm này đã kiên quyết ngăn chặn không cho thương lái vào thu mua và vận chuyển về xuôi nên hiện tượng người dân vào rừng khai thác gỗ đã chấm dứt.
Thế nhưng, ngày 26-4, khi chúng tôi quay trở lại khu vực núi Thắm Đá, bản Na Chò, xã Cắm Muộn, thì vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh từng đoàn người vào rừng khai thác “gỗ thơm” để bán cho các thương lái. Tại đây, một người dân địa phương cho biết, họ vẫn sẵn sàng làm “đại lý” thu mua gỗ nếu được trả công hợp lý. Người này cũng cho biết thêm, thời gian qua, phần lớn số “gỗ thơm” được một số đối tượng “xé nhỏ” dùng xe máy vận chuyển qua các chốt chặn của lực lượng chức năng khi có thời cơ...
Bài và ảnh: ANH TẦN - VIẾT LAM