Thật lạ lùng, một cô gái Dao không biết một chữ bẻ đôi, bị vùi dập trong hoàn cảnh gia đình và xã hội với nhiều uẩn khúc, lại có trí nhớ tuyệt vời, có ngôn ngữ đa dạng, có sự hiểu biết xung quanh-những nơi em đã phải sống-đến thế. Tôi viết mà không viết gì hết, chỉ ghép lại những giọt nước mắt tuôn chảy của cuộc đời em, qua lời kể của em từ buổi tối ấy ở bãi biển Thanh Khê dưới chân đèo Lý Hòa-Quảng Bình mà tôi được nghe và ghi nhớ...
Từ chén rượu “cỏ thiêng”
Nhà hàng “Hương Quê” ven quốc lộ 1A phía bắc bãi biển Đá Nhảy (Lý Hòa-Quảng Bình) một chiều mưa nhẹ và se lạnh. Cô gái có khuôn mặt đẹp mà buồn đến bên bàn hai vị khách vừa gọi cơm: “Hai anh uống gì ạ?”. “Cám ơn cô! Cho nước khoáng Bang nhé”. “Hai anh không dùng bia à?”. “Bọn anh còn đi xa, mà lại đi bằng xe máy”…
Có lẽ hôm nay là ngày chủ nhật nên khách khứa ít, chủ nhân và người nhà mải mê với trận bóng đá của đội U23 Việt Nam bên Thái, chỉ một mình cô gái đứng chờ phục vụ hai khách hàng duy nhất lúc này. Nhìn khách uể oải với những món thức ăn của biển hình như không còn tươi lắm, cô bé bạo dạn: “Em uống cùng hai anh được không?” “Mời cô. Cô uống gì?” “Em uống rượu!”.
Quảng, một trong hai người khách ngạc nhiên: “Rượu? Thì cô đưa ra đây tôi uống cùng vậy”. Cô gái không vào phía quầy mà tắt qua sân về nhà bên cạnh, một lát khệ nệ bê sang một chiếc ấm gốm khá bự có vòi dùng để ngâm rượu thuốc. Quảng bảo cô ta: “Rót hai chén thôi. Bạn anh không uống. Mà rượu gì vậy?”. Giọng cô gái trầm xuống: “Rượu giải buồn của em, ngâm bằng cỏ thiêng đấy”. “Cỏ thiêng là cỏ gì? Sao phải uống cỏ thiêng để giải buồn vậy em?”. Không trả lời. Đôi mắt buồn của cô gái trũng xuống rất nhanh. Cô nâng ly rượu màu mật ong sóng sánh chạm cùng khách: “Anh uống đi. Sẽ hết mệt mỏi ngay. Em chỉ còn chừng này. Hết là không bao giờ có nữa”.
Hình như có điều gì trắc ẩn và có vẻ cô gái rất duyên này muốn trút bầu tâm sự, Quảng chiêu một ngụm rượu nhỏ và không nuốt vội. Vị rượu mạnh pha hương cỏ thơm thơm, ngòn ngọt thấm vào đầu lưỡi. Anh gật gật đầu: “Tuyệt!”. Cô gái tươi ngay nét mặt, uống cạn ly.
Một tiếng thở dài cố nén vẫn bật ra, đôi má bầu bầu với hai hạt đồng tiền không cười vẫn cứ hiện diện từ từ hồng lên sau men rượu. Cô nói rất khẽ, chỉ đủ cho mình Quảng nghe: “Đây là rượu từ quê em đưa vào. Còn thứ cỏ này tên của nó là gì em không được biết. Bố em ngày trước có làm nghề thuốc và ông biết nơi lấy cỏ thiêng về ngâm sắc để cứu đời và cứu đói cho nhà. Bố em không còn. Nắm cỏ thiêng duy nhất còn lại mẹ em gửi vào cho em đấy”.
Tên em là Lam, quê ở Tuyên Quang. Lam vào phục vụ nhà hàng đã gần một năm nay, thỉnh thoảng lại về thăm mẹ và gia đình…
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Quảng và cô gái phục vụ nhà hàng chỉ dừng lại ở đó. Vài tháng sau, nhân một chuyến đi cùng đoàn cán bộ Phòng kinh tế Quân khu 4 vào thăm một đơn vị bộ đội đang “cắm bản” sát biên giới cùng đồng bào Vân Kiều, Quảng lại có dịp ghé qua nhà hàng ấy. Cô bé mừng như gặp lại người thân, đôi mắt tròn, đen, ánh lên một niềm vui khó tả. Chỉ dừng chốc lát cho lái xe hút tàn điếu thuốc, chiếc xe quân sự lại lên đường, cô bé cầm chặt tay Quảng nói như van vỉ: “Em có chuyện muốn nói cùng anh. Hôm nào ra, anh phải dừng lại lâu lâu một chút”. Mấy anh bộ đội không muốn làm cô bé thất vọng, vì vậy, sau chuyến công tác, trên đường ra, họ quay về dừng ăn cơm ở quán Hương Quê và nghỉ lại Thanh Khê. Lam đã trút tâm sự cho anh bằng sự chân tình, bằng lòng tin vô hình mà cô cảm nhận được ở Quảng-một nhà báo, nhà thơ-từng là cựu chiến binh như bố em…
Bản Dao 7 nhà
Bản Dao của Lam nằm trong một lũng núi phía đông bắc dãy Tam Đảo thuộc tỉnh Tuyên Quang. Chỉ có bảy túp nhà sàn nhỏ nằm cách xa nhau vài ba trăm mét bên một con suối lớn. Cư dân trong xóm có vài chục người thì gia đình Lam đã chiếm mất tám. Mẹ cô là con gái của một người Dao họ Triệu nguyên là cựu Cứu Quốc quân, sau này cụ là chiến sĩ của đơn vị Giải phóng quân đầu tiên tại Tân Trào. Mẹ Lam là con gái duy nhất của Triệu lão quân. Bố Lam người Tày ở Lạng Sơn, đi bộ đội rồi lấy mẹ mà ở lại vùng hẻm núi này sinh sống. Ông bị thương, bị bệnh thần kinh, mất hết giấy tờ nên không có chế độ gì, nhiều khi nổi cơn bức bách, ông hành xử không bình thường với mẹ con Lam và chòm xóm. Từ lúc lên chín lên mười, Lam phải lao động cùng bố mẹ và các anh, những công việc của dân làng ở đây vô cùng nặng nhọc: đốn gỗ, chặt củi, làm ruộng nước, phá rẫy cao, săn bắn… Những buổi nông nhàn, họ lại đào, lại khoét những hố những hầm, mót quặng thiếc từ mỏ đã bị bỏ đi để kiếm thêm thu nhập. Hai anh lớn của Lam bị chết do tai nạn khi bới thiếc và đẵn gỗ. Mấy anh nữa lại dính vào nghiện ngập, gia đình lay lắt sống giữa heo hút sơn lâm.
Vất vả thiếu thốn là vậy, Lam vẫn lớn lên, khỏe mạnh và xinh đẹp. Qua mối quan hệ của bố mẹ, Lam thường ra chơi với chị Hà ở Đại Từ, cách nhà đến hơn chục cây số. Cô gái không biết một chữ bẻ đôi, hồn nhiên, phơi phới xuân thì ấy không hề biết mình đang rơi vào cạm bẫy cuộc đời. Một ngày cuối thu năm 1999, bằng thủ đoạn cho bạn uống nước ngọt có chế sẵn thuốc mê, Hà đưa Lam lên ô tô chở qua biên giới.
Mưa gió cuộc đời
Suốt một quãng đường dài không biết thời gian là bao lâu bị giày vò trong cơn khát và mê loạn, Lam chỉ nhớ thi thoảng cô được người ta cho uống nước, rất ít, rồi lại mê đi. Khi tỉnh táo trở lại, cô thấy mình ở trong một căn nhà nhỏ, trên một ngọn đồi xa vắng nhà cửa, dân cư.
Rồi một gã đàn ông đến mở khóa. Hắn ngắm nghía Lam như một con mèo nhìn chuột. Hắn đưa cơm bảo Lam ăn. Cô hỏi dồn hắn đây là đâu? Ông là ai? Gã đàn ông xa lạ chỉ lắc đầu, bập bẹ vài câu tiếng Kinh lí nhí. Thấy Lam không chịu ăn, vẻ căng thẳng, hắn cầm tay cô kéo lại phía chiếc giường đơn. Cô gái chợt hiểu ra hắn muốn gì, cô la lên kêu cứu, xô đẩy hắn và giật lùi về phía góc phòng. Sau một lúc vờn chuột và thuyết phục, gã chồm về phía Lam với quyết tâm nuốt chửng con mồi. Cô gái trẻ, trong cơn tuyệt vọng đã kịp bẻ chân chiếc ghế đẩu duy nhất trong căn nhà phang vào trán thằng đàn ông thú vật. Máu me đầm mặt nhưng hình như cơn cuồng thú trong người gã dâng đến ngút trời, hắn chồm được lên người cô, đè nghiến cô xuống rồi đầu gối gã chèn vào cổ họng Lam, một tay ghì tóc cô sát đất, tay còn lại cấu xé áo quần Lam. Khi cô nghẹt thở đuối dần thì hắn trói được hai tay cô vào chân giường bằng những mẩu vải bị xé ấy. Lam trở thành miếng mồi cho con hổ dữ trong cơn đau đớn tận cùng của thể xác và nỗi nhục nhã, uất hận. Sau đó vài ngày, Lam bị bán về cho một nhà hàng trá hình, thực chất là một nhà thổ ở Thẩm Cát, cách Đông Hưng (Trung Quốc) vài chục cây số. Mụ chủ tên là Ngoãn, quê ở Hải Phòng có chồng người Tàu tên Mộc. Trước Lam đã có 2 cô gái Việt bị bán về đây: Hậu quê ở Hải Dương, sinh năm 1980 và Hiền quê Bắc Ninh. Mụ Ngoãn đặt tên cho Hậu là Mai, Hiền là Hương. Hằng ngày, họ phải tiếp khách làng chơi.
Lam thà chết chứ không chịu cúi đầu làm ô nhục cho mụ Ngoãn. Vì vậy, mặc dù mụ ve vãn nhiều khách chơi để bán món hàng mới sang, chưa một khách nào khuất phục được cô gái Dao quyết tử ấy. Dọa dẫm rồi ngọt lạt, cuối cùng lão Mộc đành bắt Lam ra phụ hồ, quét vôi cùng đám thợ đang sửa lại nhà cho lão. Lam quần quật lao động trong sự quản chế ngặt nghèo, trong thù hận và chờ đợi những âm mưu quỷ độc của bọn tú bà. Trong một lần đi gánh cát trộn vữa ngoài bờ tường rào, Lam nhặt được một gói tiền “tệ” ai đó đánh rơi. Không hiểu là bao nhiêu nhưng khi Lam đưa về trao cho mụ Ngoãn, cả vợ chồng mụ hớn hở ra mặt. Cũng từ đó, sự hà khắc của họ với Lam bớt đi rất nhiều.
Ký sự của Bùi Quang Thanh (còn nữa)