QĐND - Số phận run rủi không cho anh cả hai bàn tay và đôi chân lành lặn, nhưng anh vẫn vươn lên với một sức sống mạnh mẽ, phi thường. Đã một thời, người ta gọi anh bằng nhiều biệt danh nghe thật tủi lòng, vậy mà anh lại làm được nhiều điều mà những người lành lặn ở vùng quê nghèo khó Hương Khê này chưa chắc đã làm được: Trở thành giám đốc! Đó là một giám đốc đặc biệt, giám đốc đi… xe lăn, giám đốc của những người khuyết tật, giám đốc được gọi bằng “thầy”!

Tháng 5, đường về xã Phú Gia nắng như đổ lửa. Khi chúng tôi hỏi thăm nhà “thầy Sơn”, từ trẻ em đến các cụ già đều biết. Xưởng mộc của Sơn nằm gọn bên lề đường giữa cỏ dại và những đồng lúa đang ửng vàng. Đón khách vào nhà, mặc tôi xin tự làm, Sơn lấy thân người thúc nhẹ chiếc ghế đẩu, đặt mình xuống rồi quắp hai bàn chân khòng khoèo rót nước mời khách. Tôi bắt đầu thấy cảm phục anh…

Đứng lên trong tật nguyền

Lê Hồng Sơn sinh năm 1974 trong một gia đình nghèo có 5 anh em ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ khi mới lọt lòng, thân hình Sơn đã dị thường, đôi tay khòng khoèo, từng ngón nhỏ li ti quắp chặt lại với nhau; đôi chân ngắn củn, teo tóp. Lên 5 tuổi Sơn vẫn chưa biết đi. Thương con, hằng ngày cha anh phải dùng nẹp tre kẹp chặt vào chân uốn cho thẳng người. Thế là Sơn chập chững những bước đi đầu đời. Đến tuổi đi học, Sơn khát khao được đến trường như bao bạn bè. Cha của anh lại động viên con chịu đau rồi lấy dây cột bút vào ngón chân dị tật để Sơn tập viết. Sơn tâm sự: “Lớn lên từ việc nhỏ đến lớn, cảm nhận từng thìa cơm bố mẹ chăm bẵm, hay những lúc sinh hoạt cá nhân đều phải có sự giúp đỡ, càng khiến mình bi quan, mặc cảm về thân phận. Nhưng đó cũng là động lực để mình đứng dậy”. Sơn bắt đầu tập làm quen với việc tự làm những công việc cá nhân bằng đôi chân của mình.

Không riêng Sơn, cả vợ và các con anh đều yêu thương những người khuyết tật.

15 tuổi, Sơn mang trong mình những ước mơ. Lúc bấy giờ ở xã Phú Gia đang thịnh hành nghề mộc. Hằng ngày, Sơn cứ ngồi dán mắt vào từng đường bào, nhát đục của thợ thuyền, rồi về nhà tự mày mò làm theo. Nhưng làm sao được khi tay chân tật nguyền, thế là chiếc cưa tay được Sơn buộc thêm sợi dây thừng, chiếc dùi được nối thêm cán, chiếc đục đổi bằng cán gỗ. Nhiều khi đang làm bị cán đục dúi thẳng vào chân, chảy máu, trầy xước khắp người, sản phẩm làm ra cứ méo mó, góc cạnh, không bằng ai. Nhưng Sơn không chịu đầu hàng, cứ lao vào… làm tiếp! Những sản phẩm được Sơn làm ra ngày một nhiều hơn, phong phú hơn, dần đẹp hơn: Lư hương, chiếc đòn, mâm chè, thước kẻ…

Cho đến một ngày, bác đưa thư mang đến cho Sơn một thông báo: Sản phẩm lư hương bằng gỗ của Sơn đã giành giải nhất tại “Trại hè trẻ em nghèo vượt khó” do Trung ương Đoàn tổ chức năm 1992. Sơn rưng rưng khi nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc ấy. Đúng là ông trời cũng “có mắt”, không phụ người có công. Mình phải tiếp tục vươn lên!

Hạnh phúc “đơm hoa”

Năm 1997, Sơn về Trung tâm dạy nghề, phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh, nhận giúp đỡ các học viên kém may mắn và củng cố thêm tay nghề. Tại đây, Sơn đã gặp “một nửa của mình”, cô gái Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1982 ở xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên. Vân là cô gái chân chất, sớm hôm quen với ruộng đồng. Trong một lần lên thị xã tìm việc làm, khi đến Trung tâm dạy nghề thì Vân gặp Sơn. Lần đầu tiên nhìn thấy một người không lành lặn làm nghề bằng đôi tay co quắp và đôi chân khuỳnh khoàng, nhưng nhuần nhuyễn và hoàn hảo hơn cả người thường, Vân rất ấn tượng. Lòng cảm phục đã chuyển hóa dần thành tình yêu thương từ lúc nào không hay. Cho đến một ngày, Sơn đánh liều về thăm nhà Vân ở Cẩm Xuyên. Bố mẹ, anh em họ hàng Vân đều nhìn đôi uyên ương với ánh mắt đầy lạnh lùng, ái ngại. Người ngoài có kẻ độc mồm: “Người lành lặn còn chưa làm được gì, lấy ông này khổ cả đời”, “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”… Búa rìu dư luận như chạm khắc sâu thêm nỗi đau tận tim gan của Sơn và Vân.

Vượt qua tất cả gian nan, sóng gió, tình yêu chân thành cuối cùng đã đơm hoa, kết trái. Năm 2000, một đám cưới nhỏ được hai bên gia đình tổ chức. Sau đó vợ chồng Sơn về huyện Hương Khê lập nghiệp. Anh chị đã có với nhau hai cậu con trai kháu khỉnh, cháu đầu là Lê Khắc Dũng, 10 tuổi, cháu thứ hai là Lê Khắc Mạnh, 3 tuổi.

Thầy Sơn luôn nhiệt tình hướng dẫn các học viên làm mộc.

Mình yếu, vẫn mải miết giúp người

Khi nói về những người khuyết tật cùng cảnh ngộ với mình, Sơn cho biết: “Người khuyết tật mặc dù đã qua học nghề nhưng rất khó xin việc làm, nhiều người sống lay lắt trông chờ đồng tiền trợ cấp, dẫn đến buồn chán. Họ rất cần đến sự quan tâm của xã hội”. Cảm thông trước những số phận éo le đó, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, tháng 6-2008, Sơn đã vay vốn Ngân hàng chính sách mở doanh nghiệp tư nhân Mạnh Dũng mang tên hai cậu con trai. Với số vốn ban đầu bỏ ra hơn 40 triệu đồng, Sơn mua sắm máy móc, dụng cụ, xây dựng nhà xưởng gần 100m2, chia làm 2 gian, để dạy nghề mộc dân dụng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trong vùng.

Hiện tại Sơn đang dạy nghề và tạo nơi ăn chốn ở cho gần 20 học viên. Các em đến đây mỗi người một hoàn cảnh. Phần lớn các em bị tàn tật, ảnh hưởng di chứng chất độc da cam, có em mồ côi từ lúc đỏ hỏn, có em lang thang cơ nhỡ được Sơn cưu mang. Các học viên được đào tạo trong vòng 6 tháng. Học xong, các em được Sơn giới thiệu việc làm, hoặc ở lại làm việc cho doanh nghiệp. Các học viên được miễn hoàn toàn học phí, được tạo điều kiện nơi ở và ăn. Các em vừa học vừa làm, các sản phẩm được giao khoán cho từng người.

Sơn cho biết, nghề mộc dân dụng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn, trong khi các em thường bị các khiếm khuyết về thân thể và hay chán nản. Chính vì thế, Sơn phải trực tiếp cầm tay chỉ việc, thường xuyên tâm sự để tạo động lực cho các em vượt khó. Trong lớp có em Nguyễn Thanh Minh, 20 tuổi, bị thần kinh, liệt một cánh tay. Trước khi đến trung tâm, Minh theo bạn bè xấu rủ rê, rơi vào nghiện ngập. Sau một khóa học, Minh đã tự làm được những sản phẩm đồ mộc dân dụng đầu tay. Còn Nguyễn Đăng Tuấn, quê Nghệ An bị liệt một chân, tâm sự: "Vào đây, anh em đều chung hoàn cảnh nên rất thông cảm và sớm hòa đồng với nhau. Có việc làm, tôi cảm thấy phấn khởi, cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều".

Hằng tháng, bình quân mỗi học viên nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, để duy trì nguồn thu nhập ít ỏi ấy, tuần nào Sơn cũng phải đi liên hệ với các tổ chức xã hội tìm kiếm các nguồn tài trợ, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm. Vất vả là thế nhưng Sơn luôn mong muốn doanh nghiệp ngày càng mở rộng, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động bị tàn tật như anh. Sang năm tới, anh sẽ mở thêm lớp học may cho các bạn nữ kém may mắn.

Sơn  từng là người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh được tham gia Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất. Trong bức thư gửi động viên Lê Hồng Sơn, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã viết: "Bác khen ngợi cháu có ý chí không ngừng vươn lên, vượt qua tật nguyền theo học phổ thông trung học, tự học cho bản thân mình có nghề nghiệp, giỏi nghề và còn có tinh thần thân ái giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần, ý chí của cháu là tấm gương đáng để cho các bạn trẻ Việt Nam noi theo".

Bài và ảnh: Phạm Kiên