Khu đất “vườn rau Lộc Hưng” có diện tích 4,8ha đã được phê duyệt, là dự án xây dựng khu trường học công lập đạt chuẩn quốc gia do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Trong thời gian triển khai các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện dự án, nhiều hộ dân vẫn canh tác trồng rau tại khu đất trên. Một số hộ gia đình xây dựng nhà không phép với nhiều mục đích khác nhau, như: Để ở, cho thuê phòng trọ, kinh doanh… Các trường hợp vi phạm xây dựng này diễn ra từ nhiều năm qua, diễn biến nhanh và phức tạp trong giai đoạn 2015-2018. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục và tiến hành các quy trình đúng quy định, đầu tháng 1-2019, lực lượng chức năng của phường và quận đã cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng không phép tại khu đất công này.
Ngày 11-2, trở lại khu "vườn rau Lộc Hưng", chúng tôi nhận thấy khu đất rộng 4,8ha đã được san lấp mặt bằng bằng phẳng. Xung quanh khu đất có các chốt do lực lượng chức năng canh trực để giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời có các biển lớn thông báo cụ thể, chi tiết về dự án xây mới cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất này. Được biết, hơn 70% hộ canh tác ở vườn rau đã đồng ý nhận hỗ trợ.
 |
Biển thông tin dự án xây mới cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất 4,8ha “vườn rau Lộc Hưng” đã được san lấp mặt bằng. |
Theo ý kiến chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh tại công văn ngày 10-1-2019 về đơn giá đất nông nghiệp, quận Tân Bình sẽ áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ cho các hộ dân. Để công tác hỗ trợ người dân canh tác tại khu đất vườn rau được chính xác, công khai, minh bạch, UBND quận Tân Bình thành lập 3 điểm kê khai, gồm: Trụ sở UBND phường 6, trụ sở Công an phường 6 và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình. Các hộ dân đến các địa điểm trên để tiến hành cung cấp thông tin, kê khai pháp lý, tình hình sử dụng đất, tình hình cư trú và đăng ký nhận kinh phí hỗ trợ để được xem xét, hỗ trợ theo tình hình thực tế.
Đối với các trường hợp đang canh tác hoa màu bị ảnh hưởng bởi quá trình giải tỏa, không thể tiếp tục trồng rau, địa phương sẽ hỗ trợ chi phí tương đương doanh thu 3 tháng (có mức từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng) với điều kiện là người dân có canh tác thực tế tại khu đất trên từ ngày 3-1-2019 trở về trước. Ngoài ra, quận Tân Bình cũng hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Kinh phí đào tạo do quận chi trả, hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh neo đơn, diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn sẽ được tạo điều kiện vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội nếu có nhu cầu.
Cùng với đó, đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở và đủ điều kiện theo quy định, quận sẽ rà soát và đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn mua nhà xã hội, từ đó báo cáo đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể. Các hộ mua, sang nhượng đất bằng giấy viết tay sau cùng, ngành chức năng sẽ xem xét, đối chiếu hồ sơ từng trường hợp. Nếu chứng minh được người canh tác trước đây bán, sang nhượng lại mà không có ai tranh chấp thì sẽ giải quyết cho các trường hợp này để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Theo UBND quận Tân Bình, khu đất công trình công cộng tại "vườn rau Lộc Hưng" thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý và điều phối sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước. Các công trình bị tháo dỡ vừa qua là do xây dựng không phép trên đất công. Việc cưỡng chế là lập lại kỷ cương về trật tự xây dựng ở khu vực này để không làm phức tạp thêm tình hình. Khu đất "vườn rau Lộc Hưng" trước 30-4-1975 do Nha giám đốc Viễn thông chế độ cũ quản lý, sử dụng làm đài ăng-ten. Sau năm 1975, Nhà nước quản lý và giao Trung tâm Viễn thông 3 tiếp quản, sử dụng làm đài phát tín. Năm 1991, khu đất trên được giao cho Bưu điện TP Hồ Chí Minh. Ngày 25-4-2008, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi khu đất giao UBND quận Tân Bình để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của thành phố và quận. Sau đó, UBND thành phố và quận Tân Bình quyết định điều chỉnh quy hoạch khu đất với chức năng giáo dục, công viên cây xanh và công trình công cộng. Cụ thể, khu đất sẽ xây dựng Trường Mầm non Sơn Ca (diện tích 6.300m2), Trường Tiểu học Hùng Vương (diện tích 9.400m2), Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (12.200m2). Ngoài ra, còn dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực cụm trường học đạt chuẩn quốc gia (đường và công viên cây xanh), tổng mức đầu tư gần 118 tỷ đồng.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của phường 6, quận Tân Bình vẫn tiếp tục mời các hộ dân bị giải tỏa trong khu đất đến để giải thích, tuyên truyền về chủ trương xây dựng công trình giáo dục, các hạng mục công cộng, cũng như khung chính sách hỗ trợ để người dân hiểu, đồng thuận. Ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch UBND phường 6 thông tin: "Giải phóng mặt bằng đất đai do xây dựng các công trình không phép là vấn đề phức tạp. Chính quyền địa phương mong muốn người dân hiểu, tự giác chấp hành và cần phải cảnh giác trước các thông tin sai trái, bịa đặt hoặc lợi dụng vụ việc để kích động, chống phá việc thi hành công vụ. Vấn đề quan trọng hiện nay là tiếp tục tiếp xúc các hộ dân, vận động và tổ chức chi hỗ trợ đúng đối tượng đối với các hộ dân đã đồng thuận để họ sớm ổn định công việc, cuộc sống".
Ông Hứa Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết thêm: "Để bảo đảm lợi ích của người dân, cùng với việc chi trả tạm ứng, quận đang khôi phục lại tình trạng đất, cắm mốc ranh, số thửa, diện tích của từng thửa mà các hộ trực tiếp canh tác hoa màu tại khu vực "vườn rau Lộc Hưng" trước đây. Qua đó, quận xác định từng hộ dân canh tác ở những thửa đất, diện tích cụ thể và đối chiếu với thông tin kê khai trước đó (chủ yếu vào các năm 1991, 1995, 2005) với thông tin kê khai mới. Các phần việc này cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất".
Bài và ảnh: ANH DŨNG