QĐND - Sau Tết Giáp Ngọ, giá vé các tuyến xe khách Bắc - Nam đều tăng vọt bất ngờ. Hàng trăm nghìn hành khách về quê ăn Tết nay trở lại nơi làm việc buộc phải cắn răng trả số tiền cao gấp 2, 3 lần giá vé ngày bình thường. Đồng thời, hiện tượng nhà xe nhồi nhét khách là rất phổ biến. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân thường trú tại miền Trung đã tiến hành điều tra, tìm hiểu sự việc này...

Không kiểm soát được giá vé

Ngày 5-2-2014, chúng tôi vào Bến xe Vinh (Nghệ An). Tại bến xe này, hành khách đi các tuyến trong và ngoài tỉnh rất đông. Tuy nhiên, theo một số “cò khách” tại bến cho biết thì số lượng khách đi lại dịp Tết năm nay, không đông bằng những năm trước. Sau khi quan sát, chúng tôi bước lên chiếc xe khách giường nằm, chạy tuyến Vinh - Hà Nội đang đón khách. Các giường trên xe đã kín chỗ, nhưng nhà xe vẫn tiếp tục nhận thêm khách. Lấy cớ không có chỗ cho chặng đường dài, chúng tôi từ chối không đi.

Rời khỏi bến, chúng tôi đi ra ngoài cổng đứng bên đường để đón xe. Trên trục đường Lê Lợi chạy trước cổng bến xe có rất nhiều xe khách đang quay vòng để đón khách, mặc dù nơi đây có một tổ Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông đang làm việc. Trong suốt thời gian đứng tại đây, chúng tôi thấy một chiếc xe loại 30 chỗ ngồi mang biển số 37B... chạy tuyến Vinh-Quỳ Hợp quay lòng vòng đến 5 lần trước cổng bến xe Vinh để đón thêm khách. Dù vậy, nhưng hoàn toàn không hề bị tổ Cảnh sát và Thanh tra giao thông xử lý. Tại khu vực ngã tư Quán Bánh, thuộc địa phận xã Nghi Kim, TP Vinh có nhiều xe khách liên tỉnh mang biển số ở các tỉnh phía Nam chạy từ miền trong ra Bắc. Xe nào cũng rất đông khách, thế nhưng vẫn dừng lại để đón thêm. Một số người có lẽ sốt ruột và thấy rằng xe nào cũng chở quá số lượng hành khách quy định, không còn sự lựa chọn nên đành chấp nhận lên xe, dù phải ngồi ghế nhựa ở lối đi.

Phóng viên bám theo xe khách Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khi đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh.

Xe khách 48B 000-43 tuyến Hà Nội - Đắc Nông nhưng vẫn bắt khách từ Hà Tĩnh đi TP Hồ Chí Minh với giá cước 1,7 triệu đồng. (Ảnh chụp ngày 6-2)

 Bảng thông báo giá vé đã tăng tại Bến xe Vinh.

 Hành khách bị nhồi nhét trên xe khách 29B 019-46 tại Bến xe Vinh ngày 5-2.

 

Chúng tôi lên xe 29B 01946 chạy tuyến Vinh-Hà Nội, nhận thấy khách trên xe đã quá số lượng cho phép, phải ngồi vào ở giữa lối đi. Xe có 42 giường nhưng đã chở đến 65 hành khách. Hành khách trên xe đều cho biết, giá vé họ phải mua cho chặng đường Vinh-Hà Nội là 300.000 đồng/vé. Trong khi đó, giá vé tuyến này những ngày bình thường có giá 170.000 đồng/vé. Sau khi biết chúng tôi chỉ đi ra đến Thanh Hóa, mặc dù không có giường nằm, nhưng nhà xe đã thu của chúng tôi 200.000 đồng/người.

Sáng ngày 6-2, trong vai hành khách đi Sài Gòn, chúng tôi đón xe tại ngã ba Gia Lách, thuộc địa phận huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xe mang biển số 48B 000-43 (Đắc Nông) chạy tới. Trước đầu xe, phía bên trái để biển chạy tuyến Đắc Nông, bên phải để biển tuyến Sài Gòn. Thấy chúng tôi và một số hành khách nữa đang chờ xe, chiếc xe dừng lại. Khi chúng tôi hỏi giá vé đi TP Hồ Chí Minh thì phụ xe đòi 1,7 triệu đồng/người. Chúng tôi trả giá 1,5 triệu đồng nhưng nhà xe nhất quyết không đồng ý. Vừa lúc đó, một người với dáng vẻ rất bặm trợn phóng xe gắn máy lao tới chặn ngang cửa xe. Người này không cho nhà xe được chở chúng tôi, nói: “Xe này chạy Đắc Nông, không đến Sài Gòn. Xe chỉ đến Đà Nẵng là nó bán các anh cho xe Sài Gòn”. Tìm hiểu, chúng tôi được biết người này là “cò” khách tại khu vực này. Cứ mỗi khách lên xe đi Sài Gòn, “cò” thu phí 100.000 - 150.000 đồng.

Khoảng một tiếng sau, một chiếc xe giường nằm màu đỏ cam mang biển số 29B 032-62 đi tới. Hình như đã hẹn trước với “cò khách”, xe dừng lại đón chúng tôi và bốn người khách nữa cũng đi TP Hồ Chí Minh lên xe. Trên xe, không có khách ở hai lối đi mà đều mỗi người một giường nằm. Tôi được bố trí nằm ở ghế số 2 bên phải. Xe chạy khoảng 10km thì phụ xe bắt đầu thu tiền của chúng tôi với giá vé 1,7 triệu đồng, cho chặng đường Hà Tĩnh-TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, giá của những ngày bình thường là 650.000 đồng. Tôi trả giá 1,3 triệu, nhưng nhà xe nhất quyết không đồng ý. Sau một lúc cò kè, nhà xe đồng ý giá 1,5 triệu không bớt thêm.

Trở lại Bến xe Vinh, chúng tôi lên xe 37B-006-13 của nhà xe Quân Hoàn, xe rời khỏi bến lúc gần 10 giờ ngày 5-2, lúc này trên xe khách đã chật các ghế. Khi ra khỏi cổng bến, nhà xe bắt đầu nhét thêm khách khi tới Hà Tĩnh thì các lối đi đã chật cứng, hành khách ngồi “úp thìa” với nhau. Xe 41 chỗ nhưng lúc này đã chở gần 80 người chưa kể trẻ con đi cùng người lớn. Mặc dù xe xuất phát từ bến song hầu hết hành khách trên xe không mua vé, mà trả tiền cước cho nhà xe với giá  “cắt cổ”: 250.000 đồng/người ngồi giữa lối đi, và có ghế nằm 300.000 đồng/người; trong khi vé ngày thường chỉ 150.000-160.000/giường. 

Cũng trong sáng 6-2, chúng tôi đón xe ngay đầu phía nam cầu  Bến Thủy. Xe khách 37B 006-08 là loại xe ghế ngồi, nhưng thu 300.000 đồng/người cho tuyến Vinh - Huế, và lúc này, trên xe đã chật kín.

Có thể khẳng định rằng, trong những ngày qua, 100% xe khách trên các tuyến Bắc - Nam xuất phát từ Vinh hay đi qua địa phận Nghệ An, Hà Tĩnh đều thu giá vé cắt cổ và chở quá số người theo quy định. Song điều đáng nói là, các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được giá vé này!

Câu chuyện ở Bến xe Vinh

Ngày 7-2, chúng tôi đến Bến xe Vinh (tỉnh Nghệ An), ngay tại quầy bán vé có dán thông báo của Ban quản lý Bến xe về việc “phụ thu giá vé vận tải do lệch chiều”. Theo thông báo này, việc phụ thu giá vé được áp dụng trong hai đợt, từ 20-1 đến 30-1 và 31-1 đến 19-2,  theo đó, tất cả các tuyến nội tỉnh, ngoại tỉnh đi từ bến xe này đều tăng giá vé. Giá vé Vinh - TP Hồ Chí Minh 1.250.000 đồng, tăng 500.000 đồng (75%); giá vé Vinh - Huế, loại giường nằm 300.000 đồng (76%) so với ngày thường.

Làm việc với chúng tôi, ông Võ Xuân Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Vinh cho biết: “Việc tăng giá vé thuộc quyền của các doanh nghiệp vận tải, Bến xe Vinh chỉ nhận ủy thác bán vé, hoàn toàn không có thẩm quyền tăng giá vé. Các doanh nghiệp vận tải gửi tờ trình đến Sở Tài chính, Cơ quan Thuế và Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An. Việc tăng giá vé ở Nghệ An chỉ thực hiện ở các tuyến ngoại tỉnh đông khách; tăng từ 40 đến 60%, được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT”.

Theo Thông tư 129, đơn vị kinh doanh dịch vụ quy định giá dịch vụ bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý và phù hợp với thị trường địa phương; đồng thời phải niêm yết giá vé theo quy định. Tuy nhiên, Thông tư 129 không quy định doanh nghiệp vận tải được tăng tối đa bao nhiêu phần trăm giá vé. Phải chăng đây là “kẽ hở” để các doanh nghiệp vận tải cùng tăng công khai giá vé lên quá cao như vậy?

Trong những ngày qua, nhóm phóng viên chúng tôi trong vai hành khách đã lên nhiều tuyến xe khách Bắc - Nam, chứng kiến tình trạng các nhà xe nhồi nhét khách và thu cước cắt cổ. Ngày 6-2, anh Hoàng Sỹ Dũng, một cán bộ quân đội đang công tác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đi trên xe khách Quân Hoàn, biển kiểm soát 37B 006-13 cho chúng tôi biết, trên suốt tuyến hành trình từ Vinh vào Huế, xe khách này không hề bị một tổ CSGT nào của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế kiểm tra, xử lý.

Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là hiện tượng không bình thường nhưng đã trở thành “bình thường” nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để. Nhiều hành khách đặt câu hỏi vì sao các nhà xe, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải vẫn ngang nhiên vi phạm quy định như vậy? Xin gửi câu hỏi này đến các cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: TRẦN HOÀI - THẾ SƠN - LÊ TẦN