QĐND - Cầm trên tay bảng vi mạch có sử dụng linh kiện số khả trình FPGA (Field Programmable Gate Array), Thượng tá Tạ Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao-Binh chủng Thông tin, liên lạc-say sưa giải thích cho tôi hiểu về “thiết bị đa ứng dụng” này.
 |
Thượng tá Tạ Việt Hùng kiểm tra kết quả thực hiện độ ghép kính thoại qua IP đường VISAT phục vụ biển đảo.
|
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2006, khi đó Giám đốc Tạ Việt Hùng còn là Quyền trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ Viễn thông của trung tâm. Bao đêm anh trăn trở lo lắng với bài toán: Làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu tiến thẳng lên hiện đại? Làm sao để công nghệ vô tuyến cấu hình mềm SDR (Software Defined Radio) đến gần hơn với cán bộ, chiến sĩ? Vậy là một chiến lược “đi tắt đón đầu” được trung tâm vạch ra…
Theo anh Hùng thì các máy thông tin vô tuyến điện cấu hình mềm (SDR) hiện nay đang được các nước quan tâm nghiên cứu phát triển do các ưu điểm nổi trội: Kích thước nhỏ gọn, tiết kiệm năng lượng, đơn giản trong khai thác vận hành và ứng dụng quan trọng khác trong việc bảo mật thông tin, dễ dàng thay đổi dạng tín hiệu công tác, dạng điều chế, dải tần, tốc độ dữ liệu, dạng mã hóa tiếng nói… mà không thay đổi nhiều cấu trúc phần cứng…
Nói thì ngắn gọn vậy, nhưng bắt tay vào nghiên cứu, làm chủ công nghệ này, anh và cộng sự phải trải qua hành trình hơn hai năm gian nan vất vả. Ngay từ đầu, không ít người đã ái ngại cho rằng, ít nhất phải 5 đến 10 năm nữa công nghệ này mới có tính khả thi. Liệu nghiên cứu có đem đến thành công?
Thượng tá Tạ Việt Hùng tâm sự: Khi ấy, tôi vừa đi nghiên cứu sinh từ Nga về, những tâm huyết về khoa học, về công nghệ vẫn đang cháy “hừng hực” trong huyết quản. Mặc những ý kiến trái chiều, chúng tôi xắn tay vào nghiên cứu với một quyết tâm cao nhất. Và rồi, không kể ngày hay đêm, sáng hay tối, tất cả lao vào phòng thí nghiệm đến quên thời gian, quên người thân… trong đầu chỉ còn vi mạch, công thức và những con số… Tuy nhiên, công việc nghiên cứu không hề “xuôi chèo mát mái”, chúng tôi thất bại liên tục. Nhiều thành phẩm từ những đêm thức trắng lại phải bỏ vào sọt rác ngay khi ra đời...
Niềm vui như vỡ òa trong ánh mắt, nụ cười của các kỹ sư trung tâm khi sau hơn hai năm miệt mài nghiên cứu, đến năm 2008, đề tài cấp Bộ Quốc phòng đã được bảo vệ thành công với sản phẩm Viba số 4E1 tần số 7GHz dựa trên nền công nghệ vi mạch số khả trình FPGA. Đến năm 2010, đề tài “Nghiên cứu làm chủ công nghệ vô tuyến cấu hình mềm (SDR) trong thiết kế chế tạo thiết bị vô tuyến điện sóng ngắn/sóng cực ngắn HF/VHF” cũng được bảo vệ thành công. Từ đây, công nghệ vô tuyến cấu hình mềm (SDR) trong thiết kế, chế tạo thiết bị thông tin quân sự được mở rộng, điều đó giúp “cánh tay thông tin liên lạc” như được nối dài và nâng tầm hiện đại.
Vậy là, chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ chủ trương “đi tắt đón đầu” để nắm bắt công nghệ nhanh và hiệu quả, Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao như cởi được chiếc áo chật ra khỏi cơ thể đang phát triển. Tính từ năm 2005 đến nay, đơn vị đã hoàn thành có chất lượng hơn 25 dự án, công trình thông tin. Nhiều dự án lớn được hoàn thành bằng ý chí và nội lực của cán bộ, nhân viên kỹ thuật đơn vị. Trong điều kiện con người cũng như cơ sở vật chất còn ở mức độ nhất định thì việc “đi tắt đón đầu” là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo, chỉ huy trung tâm. Thượng tá Tạ Việt Hùng nói: Nếu không quyết đoán táo bạo để nắm lấy cơ hội thì chúng tôi khó có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì hiện nay, trước xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trên thế giới; hệ thống thông tin liên lạc quân sự cũng đang đổi mới mạnh mẽ công nghệ để đáp ứng tình hình và chiến tranh công nghệ cao... Chúng tôi chủ động hội nhập bằng cách, đẩy mạnh phong trào tự học tập, nghiên cứu tiếp cận công nghệ mới trong đội ngũ cán bộ, kỹ sư nhất là kỹ sư trẻ; đồng thời gửi cán bộ, kỹ sư tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài, hoặc tham gia hội thảo với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực thông tin để tiếp thu công nghệ...
Bằng cách làm trên, chỉ sau một thời gian, cán bộ, kỹ sư của trung tâm đã làm chủ được các công nghệ kỹ thuật mới, thành quả ban đầu là 25 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu được hoàn thành có tính ứng dụng cao, trong đó có 8 đề tài cấp Bộ, 6 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật đã khẳng định bước tiến bộ vượt bậc của trung tâm.
Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao không chỉ là cơ sở nghiên cứu đầu ngành về khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin quân sự, mà còn được ví như “Bệnh viện tuyến cuối” của ngành thông tin liên lạc. Với khả năng ứng dụng công nghệ mới, cán bộ, kỹ sư của trung tâm đã “giải phẫu” những trang thiết bị lỗi thời, lạc hậu, tìm cách cải tiến, sửa chữa kéo dài thêm tuổi thọ và sức bền của trang bị công nghệ cao. Bên cạnh đó, họ tích cực nghiên cứu cải tiến trang bị và sản xuất các vật tư để chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật, giảm tối đa sự phụ thuộc vào các hãng, các nhà sản xuất.
Đại tá Nguyễn Duy Hiền, Phó giám đốc Trung tâm phấn khởi giới thiệu: Chúng tôi đã có bước đột phá trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị công nghệ mới như: Vi-ba nhảy tần, bộ khuếch đại công suất BUC cho các trạm Vsat, trung tâm điều khiển HuB và các trang thiết bị có hàm lượng phần mềm lớn; sản xuất được hàng trăm thiết bị ghép kênh quang PDH, Vi-ba kênh, hàng nghìn bảng mạch máy vô tuyến điện; viết thành công phần mềm nâng tốc độ nhảy tần của máy VTĐ 2188 từ 500 lần/s lên 625 lần/s…
Còn nhớ, cách đây không lâu, những người lính công nghệ của “Bệnh viên tuyến cuối” không quản ngày đêm, nắng mưa, thầm lặng lắp đặt, gia cố bảo đảm các thiết bị thông tin liên lạc trên các tàu bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như tàu của bà con vươn khơi bám biển. Không ai biết đến tính chất công việc của họ, chỉ biết rằng, chính sự hi sinh thầm lặng đó đã làm cho hải đảo xa xôi gần lại với đất liền, làm cho biên cương như gần hơn…
Chứng kiến công việc của cán bộ, kỹ sư trung tâm làm việc, chúng tôi thấy khâm phục xen lẫn tự hào. Hình ảnh Nguyễn Tiến Duy-8 năm âm thầm nghiên cứu làm chủ công nghệ mới, một Lê Hồng Quang trầm tư lặng lẽ nâng tầm các thiết bị, hay một nữ kỹ sư trẻ mới vào nghề Nguyễn Thị Minh Chính vẫn hằng ngày, hằng giờ miệt mài, cần mẫn với thuật toán, viết các phần mềm cứ lắng đọng trong tôi... Quên đi niềm riêng, mỗi người dù ở lứa tuổi và cương vị nào, đều lặng lẽ làm việc, say sưa nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến!
Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG