Ông già tuổi thất tuần ngại ngùng nhìn những người khách lạ mang quân phục bạc màu. Khi nghe anh cán bộ huyện giới thiệu vị khách người miền Bắc gầy gò thì ông ta bỗng sững người, mở to mắt, rồi chạy tới nắm lấy cánh tay còn lại của khách: “Trời ơi! Anh Hai, anh là ân nhân của tôi!”.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người lính từng một thời ở hai chiến tuyến.
Cuộc đối mặt máu lửa
Chiều 24-4-2010, nhà ông Mạc Tấn Mùi ở thôn Bình Lê, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bỗng dưng có đoàn khách lạ, toàn những người miền Bắc ghé thăm. Nhận thấy trong nhóm khách, có cả những người mặc quần áo bộ đội cũ, ông Mùi ngại ngùng rút lui vào nhà trong, bỏ mặc khách cho vợ con tiếp. Ông ngại cũng phải thôi, vì hồi sau Mậu Thân 1968 ông từng đi lính dân vệ, cuộc đời nhiều thăng trầm, trầy trật, mặc cảm. Mẹ ông ngồi trên võng dè dặt nhìn đoàn khách, ngập ngừng hỏi: “Các ông… dò xét chi!”. Mọi người bảo chỉ đến chơi thôi, bà mới giục mấy đứa cháu đi pha nước mời khách.
Trong số khách, có một người đàn ông dong dỏng cao, cũng trạc tuổi ông Mùi, bị mất một cánh tay, nhẹ nhàng nâng ly nước lọc rồi cho biết, ông là Phạm Văn Hợp, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Đặc công 200 C (Quân khu 6) từng chiến đấu tại khu vực này, nay về thăm chiến trường xưa, tiện ghé thăm. Ông tới bên vợ ông Mùi, nói nhỏ điều gì đó. Người vợ từ chỗ lúng túng, bỗng “vâng, vâng” liên tục. Bà chạy vào nhà trong, cầm tay ông Mùi đi ra.
 |
Ông Mạc Tấn Mùi (bên trái) vui mừng gặp lại ân nhân - người từng bên kia chiến tuyến sau 42 năm. |
Ông già tuổi thất tuần ngại ngùng nhìn những người khách lạ mang quân phục bạc màu. Khi nghe anh cán bộ huyện giới thiệu ông Hợp, ông ta bỗng sững người, mở to mắt, rồi chạy tới nắm lấy cánh tay còn lại của khách: “Trời ơi! Cho tôi gọi anh là “anh Hai” nghen, anh là ân nhân của tôi! Các con ơi, ra chào bác Hai đi!”.
Phút chốc, những kỷ niệm của 42 năm trước bỗng ập về trong ông. Mùa thu năm 1968, ông Mùi là lính dân vệ trong chi khu Hòa Đa, thuộc quận Hòa Đa (nay là huyện Bắc Bình). Chi khu Hòa Đa là một trong những cứ điểm khét tiếng tập trung nhiều quân ngụy và cố vấn Mỹ, là nơi khống chế toàn bộ các ấp chiến lược và tuyến giao thông quốc lộ 1. Một đại đội bảo an, hai trung đội dân vệ, hơn 150 quân và nhiều vũ khí trang bị tập trung tại đây. Hằng ngày, lính chi khu ép dân vào ấp chiến lược và phối hợp với Trung đoàn 44, Sư đoàn 23 bộ binh ngụy liên tiếp càn quét vào vùng giải phóng. Chi khu có một lô cốt mẹ nhiều tầng, 8 lô cốt con, 5 hàng rào thép gai, mìn bố trí dày đặc. Cứ 15 - 20 phút, pháo sáng lại được bắn lên một lần để kiểm tra, đề phòng Việt cộng đột nhập. Chưa hết, lính trong chi khu còn thực hiện đánh kẻng luân phiên giữa các ca gác đề phòng lính ngủ, bỏ gác. Ông Mùi là người địa phương, bị ép đi lính dân vệ, hoàn toàn không biết sắp có một cuộc đối đầu với những người lính “Việt Cộng”. Ông cứ ngỡ, với bố phòng cẩn mật như thế, chi khu này là “bất khả xâm phạm”, nhất là khi các ông còn có sự trợ giúp của lính sư 23 quân đội Sài Gòn, những người luôn dương dương tự đắc với khẩu hiệu “Nam bình, Bắc phạt, Tây Nguyên trấn”.
Tối 15-8-1968, một buổi tối yên lặng như bao buổi tối. Đám lính, đứa chơi bài sát phạt, kẻ vừa uống say lè nhè. Riêng ông Mùi khoái văn nghệ, chạy đi xem tí chút thì bị chỉ huy kêu về ngủ. Ông chui vào hầm, chẳng mấy chốc thì cả hầm đã vang lên tiếng “khò khò”.
12 giờ đêm. Ông Mùi bàng hoàng tỉnh giấc bởi những tiếng nổ “uỳnh, uỳnh” đinh tai nhức óc bủa vây khắp chi khu. Nhìn ra ngoài, nhiều tia lửa chớp nổ dữ dội. “Việt Cộng tấn công!”- có tiếng ai đó hét lên. “Không! Không phải Việt Cộng tấn công mà hình như pháo kích, vì không thấy tiếng súng AK” – tay lính nằm cùng hầm trấn an. Chưa kịp phân biệt mô tê thì trên nóc hầm đã có những tiếng chân thình thịch và ánh đèn pin loang loáng. Trời ơi! Trước mắt ông, toàn những người lính mình trần trùng trục, tay cầm AK47 báng gấp và toàn giọng miền Bắc. Đám dân vệ bò cả trong hầm ra, kêu như tế sao:
- Xin các ông! Xin các ông! Chúng con xin hàng… xin hàng!
Niềm xúc động ngày gặp lại
Đi cùng đoàn đến thăm nhà ông Mùi, còn có nhiều cựu chiến binh khác như anh Thành, anh Sáng, chị Hồng, đều là bộ đội Tiểu đoàn đặc công 200 C đã thực hiện trận tập kích đêm 15-8-1968. Nhưng hiểu cặn kẽ trận đánh thì chỉ có ông Hợp, vì ngày đó, mới 28 tuổi, ông đã là Tham mưu trưởng tiểu đoàn. Sau Xuân Mậu Thân 1968, tiểu đoàn đặc công của ông mới được thành lập, được bổ sung cho chiến trường Khu 6, hành quân hối hả suốt mấy tháng trời từ miền Bắc vào tới Bình Thuận, bám đất, bám dân, tổ chức những trận đánh mới lấy lại thanh thế. Chi khu Hòa Đa được lựa chọn làm trận mở màn. Cách đánh theo chiến thuật đặc công đầy táo bạo, bất ngờ, trinh sát thật kỹ rồi cắt rào, chui sâu vào đồn địch, dùng thủ pháo, lựu đạn, B40, B41 nổ súng, “đánh nở hoa” trong lòng địch. “Kịch bản” của trận đánh là đánh nhanh, rút gọn, đề phòng địch pháo kích trở lại, vì vậy không có phần “bắt tù binh”. Bởi lẽ, cắt rào vào đánh đã khó, đánh nhanh chỉ chừng 20-30 phút một trận, kéo theo mấy ông tù binh chỉ thêm “phiền phức”, “rước họa vào thân”. Lúc ông Mùi và bộ sậu bò ra xin hàng như tế sao, quả là một tình huống đầy khó khăn cho ông Hợp vì nó ngoài kịch bản. Hơn 30 phút chiến đấu đã trôi qua, giờ rút lui đã gấp gáp lắm rồi. Trận đầu thế là “ngon lành” rồi. Mang đám tù binh về có thể thêm tổn thất. Mà đám tù binh thì cũng còn trẻ lắm, trẻ như ông, cứ lạy như tế sao. Cuối cùng, Hợp đi đến một quyết định: “Bắt tù binh về, mở đường sống cho họ”. Nhưng không có sẵn dây để… trói họ. Tìm không ra dây, chiến sĩ Phái vừa bị thương vào mặt, máu chảy ròng ròng bỗng nổi cáu: “Trói làm gì anh Hợp ơi! Anh cứ cho em bắn… chết cha chúng nó đi!”. Phái lên khóa nòng đánh “roạt”!
- Không được! Hợp quát to - Đồng chí phải tuân lệnh tôi. Thực hiện đúng chính sách với tù binh!
Nhìn quanh, chợt thấy đám màn ngủ còn giăng lộn xộn, Hợp lệnh cho cấp dưới cắt màn làm dây trói tù binh, rồi nhanh chóng giải tất cả về đơn vị. Vừa giải tù binh ra ngoài hàng rào được 10 phút, pháo địch đã bắn trùm lên chi khu…
42 năm trôi qua, ông Hợp và đồng đội sau đó còn trải qua hàng trăm trận đánh khác, không ai biết số phận những tù binh năm xưa ra sao, nếu như không có lần về thăm chiến trường xưa mùa hạ này. Qua các cán bộ UBND huyện Bắc Bình, ông đã tìm thấy địa chỉ ông Mùi, ghé qua để gặp ông ta với tư cách một nhân chứng, bổ sung thêm tư liệu cho cuốn lịch sử tiểu đoàn mà ông Hợp đang chắp bút.
“Đội ơn anh! Nhờ anh bắt làm tù binh mà tôi không chết. Chứ nhiều đứa cùng đơn vị tôi sau đó bị điều đi đánh những trận khác, chết nhiều lắm” – ông Mùi sau khi nghe chuyện ông Hợp kể, giờ đã cởi mở lòng mình, nghèn nghẹn nói trong nước mắt xúc động: “Tôi bị bắt làm tù binh, sau vài tháng thì được trao trả. Cứ tưởng về lại chi khu là “ngon”, ai dè cả 12 người bị quy kết tội làm “nội gián” cho Việt Cộng. Chúng tôi bị đánh đập rồi bị tống giam, đi tù 3 năm trời. Nào tôi có phải là “nội gián” chi đâu, nhưng an ninh quân đội Sài Gòn đánh dữ quá, thế là phải nhận bừa. Nhưng cũng may, nhờ đi tù mà tôi không phải ra trận nên thoát chết”.
30-4-1975 cũng là một cột mốc thay đổi cuộc đời ông Mùi. Sau thời gian học tập, cải tạo của chế độ mới, ông trở về làng làm ruộng, sinh sống yên bình. “Mấy năm đầu tôi lo lắm, chỉ sợ bị trả thù, bị trù dập, nhưng mọi việc bình thường hết anh Hai à! Tôi lấy vợ, đẻ liền lúc 6 đứa con, đứa nào cũng được học hành, đến nay cả 6 đứa đều là người Nhà nước. Má tôi, vợ tôi và tôi thì già cả rồi, may nhờ chúng nó có lương, giờ sống dựa vào chúng cả”. Ông gọi mấy con lại chào ông Hợp và đoàn khách. Mấy con ông, anh Mạc Tấn Quyền là bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, chị Mạc Hương Huyền, Mạc Hương Huệ là giáo viên dạy Văn, dạy tiếng Anh ở địa phương; còn hai cô gái nữa đang học đại học trên Thành phố Hồ Chí Minh… Họ vui vẻ nói công việc bây giờ đều thuận lợi, không ai xét nét, ràng buộc gì quá khứ của cha mình.
- Thôi thế là mừng cho anh! - Ông Hợp nói và chủ động tiến tới bắt tay ông Mùi – Hòa bình rồi, động viên con cháu làm ăn cho đàng hoàng nhé!
- Ủa thế còn anh! Bây giờ anh làm gì? – ông Mùi hỏi
- Tôi bị thương mất cánh tay nên xuất ngũ sớm. Giờ cũng về quê, làm ruộng ở Bắc Giang. 42 năm rồi mới có dịp về chiến trường xưa, thấy cà phê, thanh long đã lấp đầy mấy nơi toàn lô cốt, hàng rào của các cha nội! Thế là vui rồi…
Phóng sự của NGUYỄN VĂN MINH