QĐND Online - Nhiều ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch đô thị, Bảo tồn di sản, Xây dựng công trình Giao thông... đã được nêu ra tại tọa đàm "Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị" do Khoa Kiến trúc (Đại học Phương Đông) vừa tổ chức tại Hà Nội với mong muốn góp phần tạo nên tiếng nói nhằm bảo tồn và duy trì cầu Long Biên .
Phải bảo tồn cầu Long Biên bằng mọi giá
PGS.TS. KTS Nguyễn Hồng Thục (Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) khẳng định: "Cầu Long Biên là một trong những hạt nhân di sản chính làm nên đô thị lịch sử cùng ba nhân tố là khu phố cổ buôn bán của người Việt, khu phố Pháp và Hoàng thành Thăng Long. Cầu Long Biên chính là sự khởi động của một đô thị hiện đại, không những vậy nó còn là nhân chứng lịch sử của dân tộc trường tồn cùng những thăng trầm của Hà Nội”.
Theo bà Thục, “hạt nhân của đô thị lịch sử - cầu Long Biên” cần bảo tồn bằng mọi giá cho Hà Nội, cách tiếp cận đối với một đô thị đang phát triển phải bằng cách tiếp cận hệ thống chứ không phải từ một lợi ích của chuyên ngành nào, của một ý chí quyền lực hay một cá nhân nào mà đô thị là cho tất cả mọi người tiếp cận. Cầu Long Biên chính là tiềm năng của du lịch di sản đô thị.
 |
Buổi tọa đàm nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia.
|
KTS Hoàng Đạo Kính (thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam), cho rằng ông cảm thấy ngạc nhiên trước sự “ngây ngô” của những người soạn thảo chính sách, quy hoạch. Theo ông, Hà Nội không có một cây cầu nào góp phần tạo dựng diện mạo mạnh mẽ, rộng lớn, bề thế ghi dấu ấn như cầu Long Biên. Đây là cấu trúc giao thông khắc họa nên bầu trời, nên con sông vĩ đại, nên một không gian, hình ảnh đô thị, là một hoài niệm của lịch sử dân tộc mà không cây cầu nào có được.
Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội) cho rằng, từ những giá trị lịch sử, kiến trúc thì rõ ràng phương án của Bộ GTVT đưa ra là không hợp lý vì 3 phương án đó chưa làm rõ được cách ứng xử thích hợp giữa mối quan hệ của bảo tồn và phát triển. “Chúng ta phải đảm bảo hài hòa với nhau chứ đừng vì nhu cầu phát triển mới mà sẵn sàng phá bỏ di tích”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Theo PGS.KTS Trần Hùng (Hội kiến trúc sư Việt Nam), hệ thống đường sắt nên đi trên cao, hoặc đi dưới lòng đất, nguyên lý chung đáng ra phải làm dạng đường vòng bao quanh thành phố với những hướng ga cụt đi sâu vào trung tâm đô thị. Việc sử dụng lại tuyến đường sắt là tiết kiệm chi phí nhưng phương án cải tạo, làm mới cầu Long Biên là hoàn toàn phi lý. Ông Hùng đề nghị Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ và dài hơi hơn.
Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên
Cùng với ý kiến tại sao cầu Long Biên không được công nhận di sản? TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ra 3 vấn đề cần giải quyết: Cầu Long Biên có cần bảo tồn không? Bảo tồn để làm gì? Bảo tồn bằng cách nào? Phải giải quyết được tất cả vấn đề đó thì việc bảo tồn mới hiệu quả. Ông Nghiêm cũng cho rằng: “Chúng ta không nên bị động nghe theo các tổ chức, chuyên gia nước ngoài mà cần chủ động lựa chọn giải pháp của chính Việt Nam bởi vì không phải điều gì họ tư vấn cũng đúng và phù hợp với đất nước ta”.
 |
Cầu Long Biên – hạt nhân của đô thị lịch sử.
|
GS.KTS Nguyễn Việt Châu (Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc) đề xuất thêm cần lập ngay hồ sơ công nhận cầu Long Biên là di sản Quốc gia để các cơ quan có liên quan khi thực thi phương án xây dựng cần có trách nhiệm và cách nhìn nhận đúng về giá trị của công trình kiến trúc mang đậm tính văn hóa, lịch sử này. Bên cạnh đó cũng cần tập hợp ý kiến của nhiều ngành với sự tham gia của các kiến trúc sư, các nhà văn hóa, lịch sử, bảo tồn, các nhà kinh tế - xã hội để cùng đưa ra những giải pháp có tầm nhìn, phù hợp tạo nên hình ảnh tổng thể, cảnh quan đô thị.
Trong cách nhìn của một KTS, ông Hoàng Đạo Kính chia sẻ: "Cầu Long Biên do người nước ngoài xây dựng nhưng đã được “Việt Nam hóa”.Chúng ta cần đầu tư trí tuệ, xây dựng kịch bản đề án để vừa bảo tồn, vừa trùng tu, khai thác, bảo vệ cầu”.
Trái lại với những ý kiến trước đó, KTS quy hoạch đô thị Nguyễn Nga lại cho rằng không nên đưa cầu Long Biên vào di sản mà nên bảo tồn cầu Long Biên theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để cải tạo cầu Long Biên thành biểu tượng lịch sử tồn tại hàng nghìn năm sau và đáp ứng được nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế của đất nước.
Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn tồn tại âm ỉ trong quá trình phát triển đô thị. Cầu Long Biên nếu được quản lý và ứng xử phù hợp sẽ không cản trở sự phát triển của đô thị mà ngược lại, sẽ góp phần phát triển kinh tế đô thị, làm dày dặn thêm quỹ di sản đô thị được bồi đắp qua các thời kỳ, tạo nên “hồn cốt” cho Hà Nội và là niềm tự hào của dân tộc.
Bài, ảnh: QUỲNH HƯƠNG