QĐND - Hòa bình, người thương binh Năm Ngọc về quê, dũng cảm vác rựa vào chân núi Minh Đạm còn ngổn ngang hố bom để dò tìm, tháo gỡ bom đạn. Mấy chục năm hai vợ chồng miệt mài vượt lên bao cơn bĩ cực, cần mẫn biến vùng đất chết thành một khu du lịch sinh thái thơ mộng.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Ông Trần Văn Ngọc (Năm Ngọc) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Phước Long Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cha của ông là Trần Văn Tín, từng tham gia thanh niên tiền phong, bị địch bắt tù đày. Chú ruột của ông cũng tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắn chết. Sống trong cảnh theo dõi ngặt nghèo của địch, gia đình ông đã phải bỏ quê sang thị trấn Long Hải, huyện Long Điền sinh sống. Gia đình đông con, cuộc sống hết sức khó khăn. Anh hai, anh ba chết từ nhỏ vì không có tiền mua thuốc uống. Lên 8 tuổi, ông Năm Ngọc đã phải đi ở đợ, làm thuê. Sau ngày hòa bình lập lại, chàng thanh niên 18 tuổi Năm Ngọc tham gia bộ đội địa phương. Năm 1979, ông tham gia huấn luyện bộ đội cho chiến trường Cam-pu-chia với cương vị tiểu đội trưởng. Ông đã nhiều lần đưa bộ đội sang chiến trường. Trong một lần ở chiến trường, đơn vị ông giao chiến với lính Pôn Pốt, một quả đạn B40 của địch đã bắn ngang qua đội hình của ta, ông bị sức ép của đạn phải về điều trị tuyến sau.

Ông Năm Ngọc

Năm 1984, Trần Văn Ngọc ra quân. Trở về địa phương, một mình ông vác rựa vào chân núi Minh Đạm để trồng điều và bạch đàn. Cả nhà đều khuyên ngăn vì sợ lỡ chẳng may ông bị dính bom mìn. Ngày ấy, chân núi Minh Đạm còn lỗ chỗ hàng trăm hố bom, cảnh vật tiêu điều, cỏ tranh mọc đầy, cây cối lơ thơ. Năm Ngọc đã lấy cây cỏ dựng tạm một túp lều làm nơi ở.  Điều đáng nói nhất là mảnh bom, đạn còn vương vãi khắp nơi, có nhiều quả bom còn chưa nổ. Với kiến thức tháo gỡ bom, mìn trong những năm còn trong quân đội, việc đầu tiên ông đi thu gom bom đạn còn sót lại và san lấp các hố bom. Ông đã thu gom, đem chôn hàng trăm trái bom, đạn. Cách làm của ông thật đơn giản. Ông lấy dây thừng buộc vào trái đạn, quả bom, rồi kéo về một hố sâu để chôn lấp. Có lần Năm Ngọc thoát chết trong gang tấc khi trái đạn đang kéo về xì khói, ông vội bỏ chạy, được một đoạn thì nghe tiếng nổ long trời.

Cặm cụi làm lụng, quyết tâm biến đất hoang thành vườn tược trù phú, Năm Ngọc đã được cô thợ may Bùi Thị Xương đem lòng thương mến. Sau ngày cưới năm 1987, cô thợ may theo ông vào trong núi sống chung trong túp lều tranh, hai trái tim vàng để cùng chồng “biến sỏi đá thành cơm”. Thấy vợ chân yếu tay mềm mà phải lao động cực nhọc, ông thương lắm, can ngăn: “Mọi việc em cứ để anh làm, em chỉ lo công việc nội trợ thôi”. Nhưng chị Xương cười bảo: “Anh làm được thì em cũng làm được”. Rồi chị phăm phăm lấy cuốc đi cuốc đất trồng khoai.

Chẳng mấy chốc đôi bàn tay cô thợ may đã chai sạn. Khó khăn nhất là những ngày chị Xương sinh cháu Trần Anh Minh. Công việc đang dở dang cần vốn liếng, ông Ngọc đã phải huy động vốn nhiều nơi mua từng con giống, lo từng bao thức ăn cho gia súc. Có lúc trong nhà chẳng còn hạt gạo, phải ăn sắn khoai qua ngày. Thấy người vợ mới sinh phải ăn uống kham khổ, con nhỏ thiếu sữa khóc khản tiếng, lòng ông như có ai xát muối. Chị Xương thương chồng, động viên: “Đôi ta cùng nghèo, đâu phải lỗi tại anh. Em tin trồng cây có ngày ăn quả”.

Thời gian trôi đi, bên những mảnh đất xơ xác, đầy hố bom đạn đã mọc lên vườn điều xum xuê, xanh mướt. Tưởng đã bắt đầu được thu hoạch, ai ngờ năm 1996, giá điều rớt thê thảm. Nhìn vườn điều xanh tốt trĩu quả mà thu hoạch không đủ bù chi, người cựu chiến binh xót xa, nhưng không nản chí. Năm Ngọc khăn gói về miền Tây học cách trồng nhãn tiêu. Ông về phá vườn điều chuyển sang trồng nhãn tiêu. Như con ong chăm chỉ, ông chuyển đất màu mỡ từ nơi khác về vun những gốc nhãn. Chỉ vài năm sau, vườn nhãn xanh um, từng chùm nhãn mọng nước đem lại niềm vui cho người cựu chiến binh cần mẫn. Kết hợp trồng cây ăn trái, Năm Ngọc tổ chức chăn nuôi. Chị Xương luôn bên cạnh chồng, chăm lo cho từng con vật nuôi. Người phụ nữ ấy nổi tiếng “mát tay” nuôi gia súc trong vùng. Đôi bàn tay cô thợ may ngày ấy bây giờ trở thành đôi bàn tay bà đỡ cho con bò, con nai… Đôi bàn tay ấy còn dịu dàng chăm bẵm cho những con vật bị đau ốm. Đàn gia súc ngày một sinh sôi, béo tốt. Trang trại của ông Năm Ngọc có lúc có hơn 100 con bò, 70 con nai, 170 con dê, 20 con nhím, 20 con ngựa, hàng trăm con heo mọi…  Trang trại hơn 10 ha của ông đã trở thành trang trại điển hình của thị trấn Long Hải.

Một góc khu du lịch sinh thái Ngọc Xương.

Cơn bão đã làm bùng lên khát vọng mới

Đã từ lâu, ông Năm Ngọc ước mơ biến trang trại của mình thành khu du lịch sinh thái. Bên cạnh việc chăn nuôi, trồng trọt cây ăn trái, ông trồng thêm cây cảnh, nuôi những thảm cỏ xanh, trải đá các lối đi. Ông đã biến những hố bom lớn thành ao thả cá, xây nhà nghỉ quanh các triền đồi. Năm 2004, Khu du lịch sinh thái  Ngọc Xương bắt đầu hoạt động. Vừa làm trang trại trồng cây kinh tế kết hợp du lịch sinh thái, cơ nghiệp của ông bắt đầu sinh lợi, hằng tháng thu hoạch trên 100 triệu đồng. Bỗng đâu cơn bão số 9 cuối năm 2006 tràn qua khu du lịch đang nhen nhúm hình thành. Khu du lịch nằm đúng ngay tâm cơn bão đi qua nên nó cuốn đi cả vườn nhãn, nhà cửa và những cây cảnh. Sau cơn bão, nhìn khu du lịch sinh thái cây đổ ngả nghiêng, nhà cửa tốc mái, chị Xương nước mắt lã chã, tiếc vườn nhãn tiêu tan theo gió bão. Lòng đau như dao cắt, nhưng ý chí người lính trong Năm Ngọc trỗi dậy.

Không lùi bước trước thử thách của thiên nhiên, ông quyết định chuyển hẳn mục đích từ trang trại sang làm khu du lịch sinh thái. Trong cái rủi lại có cái may. Trước đây ông chỉ trồng cây ăn trái vì mục đích kinh tế mà không nghĩ đến việc trồng rừng. Sau cơn bão số 9, ông bắt đầu cho trồng thêm sao, dầu, gõ, cẩm lai, tre trúc; nạo vét các ao hồ, thiết kế thêm các tiểu cảnh như cầu khỉ, thuyền độc mộc, bè, thác nước… tạo cảm giác giao hòa cùng thiên nhiên cho khách dừng chân nghỉ mát. Chẳng mấy chốc, khu du lịch sinh thái Ngọc Xương hồi sinh. Tiếng lành đồn xa, những ngày nghỉ, du khách từ muôn phương kéo về hưởng những giây phút thư giãn trong không gian của rừng cây thiên nhiên. Với các khách sinh viên, Năm Ngọc giảm giá và tạo điều kiện cho họ vui chơi sinh hoạt tập thể, đốt lửa trại, leo núi. Họ có thể nghỉ đêm lại trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi mà giá cả phải chăng. Đôi bàn tay người cựu chiến binh thêm chai sạn, nhưng chỉ sau 4 năm cơn bão số 9 tràn qua, từ bãi đất tan hoang đổ nát, giờ đây đã là một khu du lịch sinh thái thơ mộng. Du khách ngỡ ngàng trước bãi cỏ xanh rì, vườn trúc lao xao trong gió, những ụ rơm mộc mạc chân quê, mặt ao cá nở đầy hoa súng.

Khu du lịch sinh thái Ngọc Xương còn là điểm hẹn của các cặp uyên ương. Các cô dâu, chú rể thích đến đây chụp ảnh, họ tìm được những cảnh thiên nhiên gần gũi. Họ thích chụp bên cây cầu khỉ, bên những vườn hoa cúc vàng rực và ngồi dựa lưng bên những tảng đá sừng sững. Họ thích được cùng chăm sóc đàn nai, cưỡi những con tuấn mã trên đường rừng.

Hai con trai của vợ chồng Năm Ngọc đã lớn khôn. Tiếc đời mình vì nghèo đói không được học nhiều chữ, ông đã tằn tiện cho con ra nước ngoài du học. Một đứa đang học ngành du lịch để về nối tiếp ý chí của cha, một đứa học y khoa để cứu người. Khu du lịch Ngọc Xương là một trong những thành viên tiềm năng của Hiệp hội Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi bắt đầu ăn nên làm ra, ông Năm Ngọc đã tham gia vào các công tác từ thiện xã hội như ủng hộ đồng bào bão lụt, giúp đỡ những gia đình nghèo trong vùng, hỗ trợ học bổng cho trường học…

“Bàn tay tôi đã gỡ hàng trăm quả bom, đạn để làm nên khu du lịch sinh thái này. Bàn tay này giờ đây chỉ ước vọng được bắt tay mọi người đến với khu du lịch, nhất là được đón những du khách nước ngoài, những cựu binh Mỹ. Tôi thường nói với mọi người, tắm mình trong không gian yên bình này, bạn đừng quên một thời nó là những hố bom...” (Thương binh Trần Văn Ngọc, Giám đốc Khu du lịch Ngọc Xương)

Bài và ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG