Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền huyện Đà Bắc với Trung tâm TP Hòa Bình được kỳ vọng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế-xã hội của huyện Đà Bắc với các địa phương lân cận. Thế nhưng, đã hơn 4 năm trôi qua, tuyến đường này vẫn trong tình trạng dang dở, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái trên địa bàn.
Người dân khốn khổ vì đường
Có mặt tại Tỉnh lộ 433 đoạn chạy qua xã Hòa Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi không khỏi ái ngại cho cuộc sống tạm bợ của người dân nơi đây. Không chỉ có 40 hộ dân trong vùng dự án mà người dân trong xã hiện đang phải đối mặt với tình trạng những ngày trời mưa, con đường lầy lội, bùn đất dày, đặc quánh, “ổ voi, ổ gà” khắp nơi, việc đi lại rất khó khăn và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Còn những ngày nắng ráo, bụi bay mù mịt. Đây là nguyên nhân khiến các hộ dân ở hai bên đường phải liên tục đóng kín cửa nhưng đồ đạc trong nhà lúc nào cũng phủ một lớp bụi đất. Đã thế, đơn vị thi công trong quá trình đào đất làm rãnh thoát nước sát vào móng nhà dân, khiến nhà của 7 hộ dân nằm ngoài khu vực giải tỏa bị nứt, sập. Trong đó có gia đình ông Xa Văn Minh và Nguyễn Văn Lương (xã Hòa Bình) do nhà bị sập nên phải dựng lều tạm ở nhờ trong khuôn viên của UBND xã. Cùng với đó, 40 hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa thể chuyển về khu tái định cư vì dự án chưa hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất cho khu tái định cư này. Hơn nữa, việc đơn vị thi công san, đổ đất thải ra suối Voi khiến dòng chảy bị ngăn lại, nước dâng lên tràn vào ruộng của người dân, gây thiệt hại mùa màng, phá hủy hệ sinh thái… Ví dụ, gia đình bà Nguyễn Thị Lực (xóm Máy 4, xã Hòa Bình) những năm trước mỗi vụ thu hoạch được từ 5 đến 6 tạ lúa, nhưng vài năm gần đây, do đất đá tràn xuống ruộng không thể canh tác được.
Lều tạm của hai hộ dân bị sập nhà được dựng trong khuôn viên UBND xã Hòa Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Trong báo cáo của UBND xã Hòa Bình cũng thể hiện rõ, vừa qua, mưa gây lũ quét cuốn đất đá mà đơn vị thi công đổ ra tràn vào ruộng, gây thiệt hại 2,1ha lúa, hoa màu và lấp một số ao nuôi cá của các hộ dân dọc tuyến suối Voi. Thiệt hại ước tính khoảng 2,1 tỷ đồng. Đảng ủy, UBND xã đã nhiều lần gửi báo cáo thiệt hại đến đơn vị thi công nhưng cho đến nay việc đền bù vẫn chưa được giải quyết.
Vì sao sai phạm vẫn chưa bị xử lý?
Theo bà Trần Thị Vân Dung, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đà Bắc: “Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 433 chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn tới an toàn giao thông và cuộc sống của người dân là đúng. Trước khi thực hiện dự án này, các nhà thầu đã có cam kết với chính quyền địa phương về việc bảo đảm môi trường. Phía Phòng TN&MT đã có khuyến cáo, nhắc nhở các nhà thầu về việc bảo đảm môi trường cho người dân xung quanh tuyến đường này. Thế nhưng, trong quá trình thi công đã nảy sinh những bất cập, tác động xấu đến cuộc sống của người dân địa phương, môi trường bị ô nhiễm nặng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết liệt hơn trong việc nhắc nhở đơn vị thi công với phương châm bảo đảm tiến độ công trình nhưng không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bình, cho biết: "Những bất cập trong quá trình thi công tuyến Tỉnh lộ 433 đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương. Việc họ đổ đất thải xuống dòng suối không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên địa bàn, mà còn tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của các hộ dân. Việc làm này về lâu dài có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra lũ quét khi mùa mưa đến. Đảng ủy, UBND xã chúng tôi đã nhiều lần làm báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng về vấn đề này; các cơ quan chức năng cũng đã cử các đoàn thanh tra xuống xác minh, nhưng sau khi đoàn thanh tra rời khỏi địa bàn thì mọi chuyện lại tiếp tục tái diễn".
Lý giải về việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và đời sống của người dân địa phương, ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình, cho biết: Do địa hình thi công toàn bộ là đồi núi hiểm trở, mặt bằng thi công chật hẹp nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Một nguyên nhân nữa khiến dự án chậm tiến độ là nguồn vốn bố trí cho dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiến độ thi công, các nhà thầu hiện chưa có tiền để làm thảm nhựa bê tông.
Còn theo ông Phạm Quang Hưng, nhân viên phụ trách theo dõi Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 433, Ban quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình: “Việc để đất đá, phế thải tràn xuống suối Voi khiến dòng chảy thay đổi, nước ứ đọng là có thật. Nhưng đây là yếu tố bất khả kháng vì trong quá trình thi công không thể tránh được việc đất đá rơi vãi, cùng với đó là việc mưa bão khiến đất sạt lở, chảy xuống lòng suối. Ban quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương nạo vét phần đất đá dưới lòng suối".
Được biết, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục, hình thức xử lý vẫn chỉ dừng lại ở mức độ lập biên bản. Chính vì vậy, dư luận xã hội ở địa phương rất mong chính quyền các cấp, cơ quan chức năng sớm có những giải pháp để khắc phục dứt điểm tình trạng trên. Quan trọng nhất là phải sớm đưa 40 hộ dân trong vùng dự án đến nơi tái định cư, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: VĂN THI