Theo đơn thư phản ảnh của các hộ dân tổ 12 (13 hộ) và tổ 13 (12 hộ) phường Chương Dương, khu đất mà họ đang ở thuộc đất của Khu tập thể Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các hộ dân đã xây dựng nhà bê tông kiên cố, nhiều hộ đã ở ổn định hơn 20 năm và được cấp sổ đỏ. Ngày 15-11-2018, họ bất ngờ nhận được thông báo của UBND quận Hoàn Kiếm từ UBND phường cho biết nhà họ nằm trong chỉ giới thu hồi đất thuộc khu nhà gỗ 1A xuống cấp liền kề.

Ông Trần Công Thắng, Tổ trưởng tổ 13 trình bày: “Trong tất cả văn bản mà UBND phường Chương Dương cung cấp đều thể hiện việc thu hồi chỉ dành cho đối tượng là các hộ dân tại khu nhà gỗ nói chung và khu nhà gỗ 1A nói riêng. Mặt khác, trong Quyết định số 4608/QĐ-UBND ngày 14-9-2015 của UBND TP Hà Nội, tại Điều 1, Khoản 4 mục tiêu đầu tư nêu rõ: “Thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân sinh sống tại các nhà gỗ nguy hiểm trên địa bàn phường Chương Dương là “nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân”. Chúng tôi đang sống trong những căn nhà bê tông kiên cố, nằm tách biệt với nhà gỗ số 1A, đã sử dụng ổn định hơn 20 năm, một số đã có sổ đỏ, sao lại thuộc diện thu hồi?”.

Nhà ở kiên cố tại tổ 12 có trong mốc giới thu hồi.

Các hộ dân cho biết, họ rất đồng tình với chủ trương của thành phố về thu hồi nhà gỗ nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập, nhưng những nhà bê tông kiên cố nằm tách biệt với nhà gỗ 1A cần phải được xem xét cụ thể. Nhà gỗ 1A là một trong những nhà gỗ dành cho cán bộ, nhân viên 18 bộ và 7 cơ quan ngang bộ từ những năm 1955-1957. Ông Trương Đình Hiếu, Tổ trưởng tổ 12 cho biết: “Nhận được thông báo thu hồi đất, những hộ có nhà kiên cố như chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Thông báo cũng nêu rất chung chung, không rõ mục đích sử dụng đất sau thu hồi để làm gì? Phải chăng, thành phố sắp có dự án nào trên địa bàn nên mới thu hồi cả nhà kiên cố liền kề nhà gỗ?”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày 21-1-2019 về vấn đề này, ông Lê Đỗ Phương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm cho biết: Nhà 1A là một trong 17 nhà gỗ trên địa bàn phường Chương Dương đã được thẩm định rất nguy hiểm nên trách nhiệm chính quyền là di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Vào năm 2007 và 2012, có hai nhà số 8 và 13 đã cháy, làm một người chết. Trước đây, thành phố đã có Quyết định số 300/QĐ-UB ngày 17-1-2006 thu hồi 7 nhà gỗ và cả khuôn viên nhà gỗ, giao ban quản lý dự án nguồn vốn thành phố giải phóng mặt bằng nhưng lúc đó chỉ thu hồi được nhà gỗ, còn diện tích khuôn viên của nhà gỗ thì chưa thu hồi được. Tiếp đó, ngày 13-1-2016, sau buổi làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có thông báo Kết luận số 409-TB/TƯ, trong đó, “chấp thuận chủ trương thu hồi đối với các diện tích lấn chiếm trên khuôn viên các nhà gỗ” đối với 8 nhà gỗ còn lại mà UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất và “giao cho UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện giải phóng mặt bằng cùng với các diện tích nhà gỗ đã thu hồi”. Vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã làm thủ tục thông báo về chủ trương thu hồi đất đến các hộ dân trong 8 nhà gỗ và khuôn viên nhà gỗ, trong đó, khu nhà 1A là nhà cuối cùng. Theo ông Phương, về nguyện vọng công khai dự án thì hiện tại chưa có dự án nào ở đây, thông báo của UBND quận chỉ mang tính chất là một cuộc khảo sát, kiểm đếm về nguồn gốc, thời gian sử dụng, giấy tờ nhà đất… Sau đó, UBND quận sẽ xem xét, lên phương án, báo cáo thành phố để phù hợp với quy hoạch chung.

Theo ông Phương, vấn đề các hộ dân có đơn cho rằng chủ trương chỉ giải phóng mặt bằng nhà gỗ, còn diện tích khuôn viên xung quanh nhà gỗ mà các hộ dân tự ý cơi nới, xây dựng nhà kiên cố trước năm 2000 không thuộc diện tích thu hồi là sai. Thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm dự định tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân có đơn để lắng nghe ý kiến và giải thích. UBND quận cũng dự định theo hướng báo cáo đề xuất với thành phố và cơ quan có thẩm quyền chia ra làm hai giai đoạn: Thu hồi nhà gỗ nguy hiểm trước, còn các hộ trong khuôn viên nhà gỗ đã xây nhà kiên cố sẽ xem xét sau để phù hợp với quy hoạch. Thành phố đang lập dự án quy hoạch phân khu sông Hồng để phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, trong đó có địa bàn quận Hoàn Kiếm là một phần của dự án. 

Được biết, ngày 23-1 vừa qua, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đã có buổi tiếp xúc lắng nghe ý kiến của các hộ dân. Các hộ dân đã đề đạt nguyện vọng và mong vụ việc được giải quyết đúng quy định pháp luật trong thời gian sớm nhất.

Bài và ảnh: KIM DUNG - HƯƠNG GIANG