QĐND - Cuộc chiếm giữ thành phố Huế bước sang ngày thứ 19, 20 ở vào tình thế càng khó khăn, quyết liệt. Kẻ địch điều một số đơn vị quân Mỹ ở Khe Sanh-Đường 9 vào tiếp viện đã có mặt ở phía Tây Bắc. Các đơn vị chủ lực của ngụy đang tập trung ở phía Đông Nam. Ở Thành nội, chúng dùng trực thăng đổ thêm quân kết hợp với xe tăng, thiết giáp phản kích quyết liệt. Bom đạn của Mỹ đã giội xuống Đại Nội, phá hủy nhiều di tích lịch sử. Máy bay, pháo hạm rải bom, bắn phá liên tục ở vùng giáp ranh…
Lực lượng của ta sau 20 ngày đêm chiến đấu kiên cường, giữ được thành Huế, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhưng thiệt hại không phải là nhỏ. Sự chi viện của cấp trên có hạn và gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp, hỗ trợ của các lực lượng địa phương tuy đã được chuẩn bị từ trước nhưng cũng có hạn… Quyết tâm của lãnh đạo, của quân-dân Huế về việc chiếm giữ thành phố không thay đổi. Nhưng trước tình hình thực tế bấy giờ, vào đêm thứ 25 bộ đội ta đành phải tạm rời Huế, trở lại Trường Sơn...
Tiếp đó, địch dùng mọi lực lượng và phương tiện phản kích quyết liệt ở đồng bằng cũng như ở giáp ranh... rừng núi, gây cho ta không ít khó khăn và thiệt hại. Bộ đội ta sức khỏe bị giảm sút, đối mặt với đói, bệnh tật... Một số đơn vị chủ lực phải hành quân sang tây Trường Sơn để được chi viện lương thực, vũ khí, củng cố lực lượng. Một số đơn vị bộ đội địa phương phải phân tán nhỏ lẻ trở thành các đơn vị du kích, bám đất-bám dân để củng cố lực lượng, xây dựng cơ sở. Do nhận thức phiến diện, không đầy đủ về cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân-1968, lại có sẵn nguyện vọng cá nhân chủ quan nôn nóng nên một số nơi trong lúc phát động quần chúng nổi dậy đã bộc lộ hầu hết lực lượng. Khi kẻ địch phản kích, chúng tàn sát lực lượng của ta rất dã man, hầu hết cơ sở của ta ở nội thành, đồng bằng bị tiêu diệt. Đó là những tổn thất hết sức nặng nề, đó cũng là giá phải trả cho thắng lợi...
Cũng chính vì lẽ đó mà khi nói về thắng lợi và đánh giá về ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, có những ý kiến khác nhau, phải bảo lưu là bình thường, cần phải được lắng nghe một cách cầu thị của người cách mạng. Nhưng có một sự thật đanh thép, hào hùng mà không một ai có thể phủ nhận được và lịch sử sau này mãi mãi ghi nhớ như một mốc son, đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đồng loạt khắp miền Nam là một thắng lợi to lớn, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Cùng với Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế... nổi lên như những điểm sáng, được đồng bào cả nước tin yêu, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, được Bác Hồ chăm chú theo dõi và tặng tám chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Cũng có người cho rằng: Nếu chúng ta đánh và chiếm giữ thành Huế khoảng 10 ngày rồi rút ra đứng chân bên ngoài, thì sự tổn thất của ta ít hơn, thắng lợi của ta trọn vẹn hơn... Điều đó cũng có phần đúng, nhưng chưa nhìn thấy toàn cục. Sự chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, sự hy sinh to lớn của quân-dân Huế, chiếm giữ thành Huế 26 ngày đêm là vì cả miền Nam, vì cả nước, nhằm thực hiện quyết tâm chiến lược mà Bộ Chính trị, Bác Hồ đã chỉ ra: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Cùng với thắng lợi của quân-dân ta ở miền Bắc cũng như ở miền Nam trước đó, thắng lợi vang dội của quân-dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã góp phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định làm lung lay, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Với thắng lợi đó, đã buộc chính quyền Mỹ tuyên bố xuống thang phá hoại ở miền Bắc, chịu ngồi vào bàn Hội nghị Pa-ri đàm phán với ta. Từ đây, cách mạng Việt Nam mở ra một cục diện mới: Vừa đánh, vừa đàm. Ta có điều kiện đấu tranh chính trị và ngoại giao, tố cáo đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, kêu gọi bạn bè quốc tế kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Thắng lợi trên đây cũng ra một cơ hội mới, ta có điều kiện để chuẩn bị lực lượng, xây dựng cơ sở vật chất, chi viện cho cách mạng miền Nam, chuẩn bị cơ sở cho thắng lợi của các chiến dịch: Đường 9-Nam Lào năm 1971, giải phóng Quảng Trị năm 1972, “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, giải phóng Phước Long năm 1974... và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân 1975. Đó là ý nghĩa chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân-1968, mà càng về sau, càng được khẳng định, càng sáng rõ.
Bốn mươi lăm năm Mậu Thân 1968 đã đi qua! Đồng bào, đồng chí là những nhân chứng của lịch sử còn rất nhiều và rất nhiều; những người hy sinh cũng không phải là ít. Sự hy sinh đó là vô giá, không cho phép bất cứ ai vô ơn, bạc nghĩa... Chúng ta-những người được sống, hưởng hạnh phúc hôm nay, hãy nói lại với con cháu mai sau phải tri ân sự hy sinh đó.
Hằng năm, cứ Tết đến, Xuân về, khí thế ra quân tiến về đánh chiếm thành Huế, những trận đánh phản kích của quân-dân ta ở thành Huế, sự nổi dậy của quần chúng… lá cờ Mặt trận phần phật tung bay trên kỳ đài Huế… như một cuộn phim hiện lên mồn một trong đầu tôi. Hào khí của Mậu Thân 1968 đang lan tỏa trong mạch máu tôi. Tôi bồi hồi, xúc động nhớ về các anh: Nguyễn Văn Báu-phóng viên TTX quân sự; anh Soạn-họa sĩ của Báo Quân giải phóng Trị-Thiên-Huế; anh Phan Tuân, tức Phan Văn Tuân-phóng viên TTX Giải phóng Trị-Thiên-Huế... đã ngã xuống trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đó. Anh Đặng Xuân Hải-phóng viên Xưởng phim Quân đội đã để lại một phần cơ thể tại thành Huế. Và anh Thẩm Đức Hòa-Phân xã trưởng Thông tấn quân sự Trị Thiên, hy sinh trước đó, trong hội nghị phổ biến chiến dịch Mậu Thân 1968... Các anh hy sinh hay để lại một phần cơ thể tại chiến trường, cho chúng tôi được sống và hưởng hạnh phúc hôm nay. Tôi tự hào kể chuyện về Mậu Thân 1968 ở Huế cho đồng nghiệp, con cái và người thân nghe, coi như thắp một nén nhang tưởng nhớ, tri ân các anh. Khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười của các anh in rõ trong tôi, như nhắc nhở tôi hãy sống lạc quan, chân tình... chứa chan tình đồng chí, đồng đội như những năm tháng cả nước ra trận. Mắt tôi ứa lệ và tự nhủ hãy sống trung thực, đừng làm bất cứ điều gì khuất tất, gian dối. Và linh cảm tôi mách bảo: Linh hồn của các anh đang quanh quẩn đâu đó, hòa trong làn sương mờ của dòng sông Hương, ôm ấp núi Ngự Bình, hội tụ nghiêm trang dưới chân Đài tưởng niệm Trung đoàn 6 Phú Xuân tại Tây Lộc-Thành nội Huế...
PHONG HẢI (Nguyên PV Báo Quân giải phóng Trị-Thiên-Huế)