QĐND - Sông Cấm – địa danh gợi vẻ tù túng lại ẩn chứa nhiều sự phát triển kỳ lạ. Nơi đây, từ năm 1910, hãng tàu của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đã ra đời, sở hữu cả con tàu hơn 1000 tấn để rồi bị tên tư bản Rô-va-giô thôn tính với giá rẻ mạt. Cũng nơi đây, từng ra lò những con tàu phục vụ Đường Hồ Chí Minh trên biển...
Những con tàu “tương kế tựu kế”
74 tuổi, ông Nguyễn Trọng Nguyên, nguyên Trưởng phòng Điều độ Công ty đóng tàu Sông Cấm đã nghỉ hưu và chuyển sang mở công ty sinh vật cảnh, doanh thu mỗi năm hơn 7 tỷ đồng nhưng vẫn mê chuyện tàu không số hơn cả những cây cảnh bạc tỷ. Ông quê ở phường Dư Hàng Kênh, đi học rồi gia nhập thanh niên cứu quốc, sau làm liên lạc cho lực lượng biệt động nội thành Hải Phòng. Hòa bình, ông bén duyên nghề đóng tàu, gia nhập Xưởng Đóng tàu 2 (tiền thân của Công ty Đóng tàu Sông Cấm) từ năm 1960.
 |
Ông Nguyễn Trọng Nguyên (bên phải) trao đổi kinh nghiệm đóng tàu cùng một công nhân trẻ. Ảnh: Văn Minh
|
Con người dáng vóc rắn rỏi như một triền đà này xúc động đưa chúng tôi xem tập hồi ký ông viết bằng thơ, dài tới 365 bài, tái hiện lịch sử cả nhà máy và quãng đời ăn ngủ với đóng tàu của ông. Trong cuốn hồi ký đó, hiện lên những trang thơ kể chuyện đóng tàu không số, mồn một như ánh lửa hàn: “Đóng tàu không số mớn sâu/ Chín mươi tấn tải lắp triền, âu/ Hơn trăm phương tiện bàn giao gọn/ Mấy loại dáng hình tốc độ mau/ Đa số khuôn hình tàu đánh cá/ Một đôi thử lặn ống nhô đầu/ Anh em cảm tử quân điều khiển/ Nổi tiếng đường mòn đã bấy lâu”...
Nói bằng thơ thì gọn ghẽ vậy chứ chuyện đóng tàu không số ở Sông Cấm là cả một câu chuyện dài. Nghe ông kể số lượng tàu lên tới 100 chiếc, trong đó có nhiều chiếc thuộc loại tàu không số, ra lò chủ yếu từ các năm 1968 đến năm 1972, tôi hơi ngờ ngợ. Lịch sử đoàn tàu không số sau sự kiện Vũng Rô 1965 thăng trầm lắm, lẽ nào đến năm 1972 ta vẫn đóng tàu. Nhưng lật giở tổng kết của nhà sử học kinh tế Đặng Phong cho thấy: Sau Tết Mậu Thân, Quân ủy Trung ương thông báo cho Đoàn biết về khả năng Mỹ ngừng ném bom toàn bộ miền Bắc để tạo điều kiện tiến hành hòa bình thương lượng tại Hội nghị Paris. Trước tình hình mới đó, phải nghiên cứu phương án tối ưu để lợi dụng triệt để cơ hội này. Nếu Mỹ ngừng ném bom miền Bắc thì việc vận chuyển từ Đồ Sơn vào tới sát vĩ tuyến là hoàn toàn tự do và an toàn (tất nhiên phải có cả một chiến dịch phá mìn và thủy lôi do Mỹ thả). Nhưng đoạn từ giới tuyến vào trong Nam thì sẽ càng khó khăn hơn, vì đối phương tập trung lực lượng để kiểm soát vùng biển. "Tương kế tựu kế", Đoàn 125 tận dụng khả năng vận chuyển trên biển đỡ tốn kém và nhanh chóng hơn trên bộ, đã quyết định chuyển sang vận chuyển phần lớn số hàng hóa và vũ khí mà trước đây Đoàn 559 vẫn phải vận tải bằng đường bộ suốt từ ngoài Bắc vào Nam cho tới sát giới tuyến, sau đó giao cho Đoàn 559. Để thực hiện phương án này, Đoàn 125 đã lập một kế hoạch bí mật, gọi là Kế hoạch VT.5. Đoàn 125 gặp khó khăn, chủ yếu vận chuyển gần nhưng vẫn cần rất nhiều tàu, hình thức lập đội tàu giả tàu buôn hoặc tàu đánh cá công khai đã ra đời. Cuối năm 1968, Đoàn 125 mở đầu đợt vận chuyển thứ nhất, gồm những tàu thuyền vốn có của Đoàn và những tàu thuyền của nước bạn mới giúp đỡ, còn huy động thêm cả sà lan và tàu thuyền của đoàn Hồng Hà, tức đoàn vận tải thủy của miền Bắc để tận lực vận chuyển tối đa. Sau năm 1969, vẫn cần nhiều loại tàu giả tàu buôn để công khai hoạt động trên biển. Như vậy, việc đóng tàu 100 tấn của Sông Cấm, rất có thể chủ yếu phục vụ giai đoạn này.
Ông Nguyên cho hay, lúc viết hồi ký, ông đã điện cho ông Bính, nguyên Giám đốc nhà máy sau nghỉ hưu tại Huế, hỏi kỹ việc này. Ông Bính khẳng định, số tàu bàn giao cho bên Hải quân là hơn 100 chiếc.
“Gọi là tàu, nhưng thực chất hình dáng nó rất giống thuyền, chúng tôi được giao đóng theo mẫu trên đưa xuống – ông Nguyên kể - Cách làm vẫn rất bí mật. Công trường phủ bạt kín. Tàu được đóng vỏ thép của Liên Xô, rất dày, tới 9mm. Điều tôi ngạc nhiên nhất là máy rất to, tàu tải trọng 70-90 tấn nhưng lắp loại máy thường dùng cho tàu 400-500 tấn”.
Nhà máy năm 1968 có 1.500 công nhân, gần như được huy động 100% vào nhiệm vụ đóng loại tàu 90 tấn này. Họ làm việc suốt ngày đêm, chiếc này chưa xong đã khởi công chiếc khác. Theo ký ức của ông Nguyên, bình quân mỗi tháng là làm xong một con tàu. Nhớ lại cách làm ngày ấy, ông lại phác thảo bằng thơ. Trong tập hồi ký của mình, ông có hẳn một bài kể chuyện lắp ụ tàu đầu tiên của loạt tàu này. Bài thơ viết: “Trên giao ta đóng số đông tàu/ Dáng giống như thuyền, mớn nước sâu/ Vỏ mạn hình nghiêng, ôm sống cạnh/ Ca bin kiểu thấp nhú lô đầu/ Sơn mầu da gỗ pha hơi đậm/ Bạt sắc nền rêu quệt phớt nâu/ Chẳng biết tên chi mà kẻ chữ/ Khách hàng nhận nó ở nơi đâu?”.
Khát vọng “rạch Biển Đông”
 |
Công trường đóng xê-ri tàu kéo hiện đại cho Tập đoàn Đa-men (Hà Lan). Ảnh: Văn Minh
|
Trong ba năm sản xuất tàu không số, gian khổ nhất đến với họ có lẽ là năm 1972, nhất là thời điểm tháng Chạp, máy bay B52 Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Lật giở báo cáo kiểm điểm của Đảng ủy Nhà máy tháng 12-1972 cho thấy: “Mỹ đã 2 lần đánh trúng 23 quả bom vào nhà máy nhưng không làm công nhân nào bị thương vong khi sản xuất. Tuy nhiên, có 2 công nhân bị chết, 8 công nhân bị thương khi đang ở nhà nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả. Gia đình các anh công nhân Tuyên, Châu, Hồng bị bom Mỹ giết hại nhiều người. Vậy mà, những đau thương đó không làm người công nhân Sông Cấm để công việc bị đình trệ. “Chỉ 3 giờ đồng hồ sau trận mưa bom đêm 18-12-1972, chúng tôi lại lao ra công trường hạ thủy sà lan. Sáng 20-12, hai chiếc tàu không số vẫn rời bến chạy thử. Riêng trong năm 1972, chúng tôi vừa sản xuất, vừa chiến đấu 95 lần với máy bay Mỹ, bắn rơi trực tiếp một chiếc và tham gia bắn cháy một số chiếc khác” – ông Nguyên nhớ lại. Chiến tranh, thiếu thốn, bí mật, chẳng ai chụp ảnh, ghi hình lại được câu chuyện ngày ấy. Và cũng giống như ông Nguyên, ông Đỗ Viết Trinh, nguyên là một công nhân thời chống Mỹ, đành ghi lại một thời đóng tàu không số dưới bom đạn bằng những câu thơ:
Tổ sắt, tổ đà, tổ sơn xung kích
Đội bom thù bảo đảm giao thông
Đêm đóng tàu ở giữa triền sông
Ánh lửa hàn góc trời rực sáng....
Liên tục, liên tục ra lò những con tàu “kỳ lạ” nhưng phải đến mấy năm sau, lúc hòa bình rồi, Kỹ sư Phan Bính, người Giám đốc mẫu mực, kín đáo mới bật mí: Những con tàu năm xưa chính là... tàu không số. Vui chuyện, ông Nguyên cho hay, hòa bình bộ đội ta mới có tàu ngầm rồi gần đây mua tàu ngầm của nước ngoài, chứ thật ra thời chiến, chính nhà máy ông đã hai lần được giao thiết kế mô hình của cả hai con tàu ngầm nữa. “Đa số khuôn hình tàu đánh cá/ Một đôi thử lặn ống nhô đầu”, ông vui vẻ đọc lại hai câu thơ rồi giải thích. “Đích thị chúng là tầu ngầm, có ống nhô lên trên, khi thử ở bể mô hình tại nhà máy, nó đã chạy tốt và lặn được. Chúng tôi làm xong, bàn giao cho cấp trên, sau đó không biết trên có triển khai làm không hay giao cho ai?”. Chuyện đó là bí mật quân sự, nhưng đọng mãi trong ông và những người trong cuộc giờ đây vẫn là niềm vui, niềm tự hào đã được góp phần cho cuộc kháng chiến vĩ đại. Chuyện làm tàu ngầm, dù là thử thôi, phần nào cũng đã nói lên một khát vọng mãnh liệt, chinh phục biển sâu, theo tinh thần “rạch Biển Đông cứu lấy sơn hà” như câu nói nằm lòng của một thời bom đạn.
Hòa bình, ông Nguyên vẫn có cái duyên gắn với đóng tàu quân sự. Năm 1983, ông từng được theo đoàn quân đội điều sang giúp nước bạn Lào đóng tàu sông Mê Công. Rành rẽ nghề tàu lại thêm kinh nghiệm “thần tốc” thời chống Mỹ, ông cùng 70 anh em làm liền một mạch 5 tàu, theo kế hoạch phải 5 năm nhưng chỉ một năm là xong cả 5 chiếc. “Sang bên đó, cơ sở vật chất của bạn hạn chế, việc hạ thủy tàu rất khó, rất chậm. Tôi kỳ công nghiên cứu thủy triều sông Mê Công, lúc nó thấp nhất âm 0,6m, lúc cao nhất 26m, thấy có thể lợi dụng chính thủy triều để hạ thủy tàu ngon lành, chẳng cần phải làm triền đà. Nhờ thế, tiết kiệm cho nước bạn cỡ 500 triệu kíp, tương đương nhiều tỷ đồng chứ không ít đâu! Bạn “khoái”quá, thưởng cho tôi một chuyến sang thăm Thái Lan. Sang Thái Lan chơi, tôi mê nhất nghề trồng cây cảnh của họ, năm 1983 mà đã thu lợi nhuận 3-4 tỷ USD mỗi năm. Họ làm được sao mình không làm được. Thế là về nước, nghỉ hưu, tôi chuyển sang nghề cây cảnh” – ông bộc bạch chuyện tàu, chuyện cây thật mộc mạc.
Ông Phạm Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Đóng tàu Sông Cấm cho hay, chuyện đóng tàu không số qua những hồi ký của bác Nguyên luôn được lớp trẻ nhà máy trân trọng, học tập. Bài học ngày ấy để lại chính là lề lối làm việc nghiêm túc, khoa học, kỷ luật chặt chẽ duy trì như kỷ luật quân đội đang được nhà máy thực hiện nhiều năm qua. Phong cách làm việc này cũng rất hợp với đối tác Tập đoàn Đa-men (Hà Lan), đơn vị là khách hàng số một của nhà máy hiện nay. Cách đây vài năm, ông Đa-men, Chủ tịch Tập đoàn Đa-men sang thăm nhà máy Sông Cấm, khi được nghe kể rằng nơi đây đã đóng những con tàu không số góp phần đánh thắng quân Mỹ xâm lược, ông đã vô cùng xúc động, ngưỡng mộ. Ông rất thích và đề cao truyền thống “kỷ luật như quân đội” của Công ty Đóng tàu Sông Cấm.
“Học kinh nghiệm thời đóng tàu không số và bây giờ chúng tôi cũng học cả kinh nghiệm kinh doanh của bác Nguyên, một tỷ phú” – nghe Phạm Mạnh Hà nói vui, ông Nguyên cười sảng khoái: “Trồng cây cảnh hay kinh doanh cũng như đóng tàu mà thôi, có kỹ thuật vững, có ý chí cao, kiểu gì cũng thành công. Khó như tàu không số đóng dưới bom còn làm được, chuyện kinh doanh cây cảnh, dễ không à!
Bài và ảnh: CÔNG MINH