Trước sự cạnh tranh khốc liệt của “văn hóa nghe-nhìn”, “văn hóa đọc” đang ngày càng tỏ ra yếm thế. Tuy nhiên, sự thay thế “văn hóa đọc” là điều không thể, vì đó là một hoạt động tinh thần mang giá trị cốt lõi.
Nhằm khơi dậy “văn hóa đọc”, đặc biệt với lứa tuổi bắt đầu chập chững tiếp nhận những giá trị của cuộc sống, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” ra đời. Quân đội nhân dân Cuối tuần đã nhận được những chia sẻ của TS Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB, người biến ý tưởng tốt đẹp của bản thân thành hiện thực.
Phóng viên (PV): Ý tưởng của chị khi quyết định thành lập "CLB Đọc sách cùng con"?
 |
TS Nguyễn Thụy Anh
|
TS Nguyễn Thụy Anh: Một lần giữa tôi và cu Dế, con trai học lớp một của tôi, có mẩu đối thoại như thế này: "Mẹ ơi, mẹ thích khủng long màu gì?" - "Màu xanh lá cây". "Nhưng con thấy màu da cam đẹp hơn". "Mẹ lại thấy màu xanh lá cây đẹp hơn". "Đẹp… cái đầu nhà ngươi!".
Choáng quá, tôi hỏi lại xem con học câu nói đó ở đâu, thì nó mở cuốn sách bố mới mua cho, chỉ vào dòng chữ đó. Hỏi lại thì bố cu Dế bảo, thì thấy đây là truyện tranh cho trẻ, lại của nhà xuất bản có tiếng trong nước là bố mua thôi. Có kịp đọc đâu mà biết trong đó họ cho nhân vật nói năng với nhau thế nào!
Lại một câu chuyện nữa. Tôi và một cô bạn thời cấp III của tôi thường xuyên chát chít với nhau, mà một trong những đề tài của chúng tôi là, đang có truyện gì hay, đáng đọc cho trẻ con. Chúng tôi có thể trao đổi truyện với nhau, và thậm chí trao đổi những suy nghĩ của mình về việc cuốn truyện ấy có tác động thế nào đến con, chúng có thích không, thích nhất nhân vật gì, bắt chước nhân vật ấy ra sao… Đôi khi, chúng tôi cùng nhau nhớ lại những cuốn sách ấu thơ, "những cuốn sách suốt đời đi vẫn nhớ/ như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu" (thơ Bằng Việt), và vui thích vô cùng khi thấy hai đứa có những kỷ niệm xinh xinh giống nhau, những "Bác sĩ Ai-bô-lit", "Chú gấu trong vòng đu quay", "Tuổi trăng rằm", "Cánh buồm đỏ thắm", "Những cậu con trai phố Pal" chẳng hạn… Một điều chắc chắn rằng, đã từng có những cuốn sách làm tâm hồn chúng tôi phong phú hơn, trí tưởng tượng vươn xa hơn, và sống với thế giới này cũng nhân hậu hơn.
Từ đây tôi mới nghĩ, trong thời đại công nghệ thông tin này, con cái chúng ta có những điều gì chung cho tuổi ấu thơ? Là một nhân vật trên tivi hay một trò chơi game online (điện tử trực tuyến) nào đó? Liệu chúng có thể có những cuốn sách yêu thích chung như tôi và bạn tôi đã có không?
Câu trả lời hẳn phải là có! Và nếu chưa có hoặc không có thì chúng ta phải cùng tìm cách làm cho có!
Có người bảo rằng, thời bây giờ trẻ con chẳng thích đọc nữa - thì có vẻ hơi cực đoan. Trẻ con vẫn thích đọc, chỉ có điều, những cuốn sách chúng đọc sẽ định hướng trở lại cho chúng về một "văn hóa đọc" mà chúng ta vẫn nói đến. Hiện giờ người viết nhiều, người xuất bản cũng lắm - vào hiệu sách mà xem - trẻ con có thể bị chìm nghỉm trong thế giới sách khổng lồ, trong đó có những điều hay điều tốt, nhưng cũng chẳng thiếu những trò nhảm nhí, những câu chuyện vô bổ, những cách hành văn phản giáo dục, vô văn hóa, chỉ để mua những tiếng cười nhạt nhẽo. Vì thế, mới cần đến người lớn. Hãy giúp bé con có được những cuốn sách thực sự cần cho chúng, xây dựng một thế giới tuổi thơ lung linh đẹp đẽ, cho chúng những cái nhìn nhân ái với cuộc đời. Thế nhưng, người lớn lại bận quá, có phải lúc nào cũng lang thang các hiệu sách mà đọc sách hộ con được đâu!
Vậy thì, tại sao chúng mình không thể hỗ trợ nhau? Bạn đọc được cuốn này, thì tôi đọc được cuốn kia. Bạn thấy cái này hay, tôi thấy cuốn kia được. Vậy là cùng một thời gian, chúng ta đã có những hai cuốn sách nên đọc cho bé con hoặc nên cho bé con đọc rồi đấy!
Chúng tôi, một nhóm yêu thích những hoạt động xã hội dành cho trẻ em, lập ra CLB này để "rủ rê" những người bạn thân quý bây giờ đã là những người bố, người mẹ yêu con, quan tâm đến sự phát triển cân đối về thể chất và tinh thần của con, có thể tập hợp nhau lại trong một hội, để vừa đồng hành với nhau trong việc dạy con, vừa chia sẻ kinh nghiệm và niềm vui trong việc đọc sách cùng con.
CLB là mô hình hoạt động xã hội hỗ trợ cho việc hình thành, củng cố và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và của trẻ em trong gia đình nói riêng. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng phi lợi nhuận, có sự ủng hộ và tham gia của nhiều nhà sư phạm, nhà văn, nhà thơ và các bậc phụ huynh quan tâm đến con, hoặc đơn giản là những người yêu trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, kỳ vọng vào những bước biến chuyển tuy chậm mà chắc của một thế hệ trẻ Việt Nam mới.
Điểm nhấn quan trọng của CLB là mọi hoạt động đều xoay quanh những giá trị văn hóa mà sách mang đến cho tuổi thơ và đều có sự tham gia của cả gia đình, bố mẹ và con, cho dù là hoạt động qua mạng hay offline. Điều này sẽ khiến cái "barie" về tinh thần mà cuộc sống tất bật, bận rộn đôi khi vô tình dựng nên giữa bố mẹ và con cái sẽ dần biến mất. Qua trang web của CLB và email, các thành viên sẽ thường xuyên được nhận thông tin về sách mới, được cập nhật những bài viết giới thiệu đáng tin cậy nhất từ ban cố vấn của CLB, từ đó có thể chọn sách cho con dựa trên những tiêu chí: sạch - hay- đẹp mà CLB đưa ra.
Các con của chúng ta bây giờ đang sống ở thời đại khác, cuộc sống có tốc độ khác, hẳn những nhân vật của chúng cũng khác. Chúng cũng chẳng có lỗi nếu thích game online hay tivi, nhưng nếu bố mẹ biết cách khơi gợi, hướng dẫn thì trước khi chúng đến với người máy, mèo máy… thì những giá trị rất "người" kia vẫn có chỗ đứng trong lòng chúng. Ban chủ nhiệm CLB tin tưởng và hy vọng rằng, mô hình hoạt động cộng đồng này có thể nhân rộng ở nhiều nơi, là "cú hích" để những tủ sách thiếu nhi của phường, xã hoạt động hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực hơn cho trẻ em Việt Nam.
PV: Phương thức hoạt động của CLB và nguồn tài chính để duy trì hoạt động, thưa chị?
TS Nguyễn Thụy Anh: Đã là một câu lạc bộ, tất có các hoạt động định kỳ. Mỗi tháng, CLB sẽ có hoạt động định kỳ với nhiều chủ đề như: Giới thiệu sách hay; đọc sách và giao lưu qua các trò chơi cùng bé - có thể chia theo nhóm tuổi (1,5-3,5 tuổi), (4-6 và 7-12); gặp gỡ nhà văn, nhà thơ, dịch giả sáng tác và dịch các tác phẩm cho thiếu nhi; các hoạt động về hội họa, làm bìa, minh họa sách dành cho trẻ; các hoạt động dành riêng cho phụ huynh; các hoạt động ngoài trời, dã ngoại cho bé; các cuộc thi dành cho bé theo độ tuổi với các chủ đề khác nhau; các cuộc thi dành cho phụ huynh với các chủ đề khác nhau; giao lưu sinh hoạt cùng các CLB xã hội dành cho thiếu nhi khác; trao đổi và học tập về kỹ năng sống; các buổi tư vấn, chia sẻ về vấn đề tâm lý lứa tuổi, tâm lý giáo dục; các hoạt động từ thiện hợp với trẻ.
Về nguồn tài chính, hiện tại CLB chưa có nguồn tài chính nào ngoài sự ủng hộ của một số cá nhân những người sáng lập và bạn bè thân thiết. CLB tạm thời sẽ hoạt động nhờ tâm huyết của ban điều hành và sự đóng góp rất vừa phải (phí hội viên 30 nghìn đồng/tháng) từ phía cha mẹ. Ban điều hành gồm các cộng tác viên, làm việc hoàn toàn trên cơ sở tình nguyện. Đương nhiên, để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động, chúng tôi muốn hay không muốn, sớm muộn cũng phải đối mặt với vấn đề này. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng sẽ tìm ra giải pháp.
PV: Trong bối cảnh nhiều năm trở lại đây, khi văn hóa nghe-nhìn lên ngôi, ngay đối với người lớn, văn hóa đọc đang ngày càng "thiểu phát", liệu những nỗ lực của chị sẽ được đền đáp?
TS Nguyễn Thụy Anh: Thời đại mới, cuộc sống có tốc độ mới, việc văn hóa đọc bị "cạnh tranh" là chuyện hiểu được, và theo tôi, chúng ta không nên phủ nhận thế mạnh của "văn hóa nghe-nhìn" như bạn nói. Việc làm của chúng tôi chỉ góp phần nâng cao chất lượng của "văn hóa đọc" ở lứa tuổi học đường, đồng thời kết nối với nhiều nhóm hoạt động cộng đồng khác, nhằm tạo một hiệu ứng tốt trong xã hội, tiến tới góp phần gắn kết thật "khớp" việc đọc sách ở nhà với đọc sách ở trường, vừa phục vụ "sát sườn" cho học tập, vừa tạo mối liên hệ khăng khít giữa gia đình và nhà trường, chung tay xây dựng một thế giới tinh thần cho trẻ thơ mà chúng ta luôn mơ ước. Việc CLB vừa ra đời đã thu hút được hơn 100 gia đình thành viên khiến tôi ngạc nhiên và vui mừng. Tôi không mong chờ đến kết quả cuối cùng để biết "nỗ lực được đền đáp" đến đâu, mà phấn khởi vì có nhiều bậc cha mẹ quan tâm đến việc đọc của con, sẵn sàng đồng hành cùng con trên con đường đến với thế giới sách. Họ chia sẻ ý tưởng của chúng tôi, hay nói cách khác, chúng tôi đã có được một nhóm những người đồng cảm, có tiếng nói chung. CLB không còn là của "chúng tôi", mà đã là của họ. Thế thì những nỗ lực của chúng tôi sẽ được nhân lên rất nhiều rồi.
PV: Cách nhìn của chị về văn học thiếu nhi hiện tại? Văn học thiếu nhi Việt Nam?
TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi sẽ không trả lời được câu hỏi này, vì tôi không phải là người bám sát mảng văn học thiếu nhi trong nước. Tuy nhiên, tôi thấy rất cần có một lớp người mới, những cây bút trẻ, hăng hái và say mê viết cho các em, như chúng ta trước đây đã có, những Võ Quảng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Định Hải, Nguyễn Hoàng Sơn, Duy Quế… Độc giả nhí của chúng ta không thể chỉ đọc mãi những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ thiếu nhi đi trước, cho dù đó là những tác phẩm được kiểm chứng bằng năm tháng. Hơi thở thời đại, những suy nghĩ, tưởng tượng, mơ ước của một thế hệ trẻ em mới hẳn phải có khác với lớp độc giả năm xưa? Vậy thì, hàng ngũ nhà văn, nhà thơ thiếu nhi cũng cần phải đổi mới…
CLB chúng tôi đang có kế hoạch kết hợp hành động cùng nhóm sáng tác văn học thiếu nhi "Nhiệt đới" do nhà văn Nhã Thuyên chủ trương. Tôi mong rằng trong tương lai, chúng tôi sẽ tìm được hướng hoạt động, sao cho "kích hoạt" được nền văn học thiếu nhi đương đại của Việt Nam vẫn còn đang thiu thiu ngủ!
PV: Theo chị, phương cách tốt nhất để hướng trẻ em trở lại với văn hóa đọc?
TS Nguyễn Thụy Anh: Khó có thể nói phương cách nào là tốt nhất. Chúng ta cứ thử làm, làm tất cả những kiểu, những cách mà ta cho là hay, là hợp lý. Phải làm rồi mới biết cách nào là cách tốt nhất. Cá nhân tôi khi lập ra CLB "Đọc sách cùng con", nghĩa là tôi đã đặt phương án "đọc cùng trẻ" lên trên hết. Nhiều bạn nói là "đọc cùng" thì mệt quá, vì bố mẹ đi suốt cả ngày, nhiều khi không có cả thời gian để thở nữa, nói gì đến đọc cùng con. Khái niệm "cùng" ở đây hãy hiểu theo khái niệm tinh thần, chứ không phải hành động vật chất, mặc dù thực ra hình như cái nọ quy định cái kia. Bạn biết được con bạn đang yêu thích cái gì, nhân vật gì - đó là "cùng". Có nghĩa là chia sẻ. Bạn kể cho con nghe bạn từng đọc sách gì, từng yêu thích nhân vật gì - đó là "cùng", để tìm đồng cảm.
Tôi luôn muốn nhấn mạnh sự chia sẻ. Không chỉ giữa phụ huynh với con mình, mà giữa các phụ huynh với nhau, để cả trường học lẫn gia đình quan tâm hơn đến việc đọc của trẻ. Trên mạng có một bạn bình luận rằng, việc đọc và truyền cho con ngọn lửa đam mê đọc sách là việc của cá nhân, chứ không làm tập thể kiểu như thế này được. Tôi thì lại nghĩ khác. Tôi muốn nghĩ đến việc chia sẻ với xã hội của mỗi cá nhân. Không phải là sự nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách mỗi khi cơn bão đi qua, mỗi khi có người nghèo cần hỗ trợ. Đây là ý thức xã hội thường trực của mỗi công dân. Nếu nói như bạn ở trên mạng kia, thì những người bạn của tôi ở đây sẽ không tham gia CLB này. Ở nhà họ có tủ sách rất ổn, họ làm ra tiền để có thể mua sách mà không cần mượn sách, con cái họ rất thông minh và ham đọc sách. Thế thì ý nghĩa của việc tham gia CLB là ở đâu? Chính là sự chia sẻ xã hội, làm sao cho những gì tốt đẹp mình có được có ảnh hưởng tới những người xung quanh. Một bài báo cách đây không lâu tôi đọc được có một cái tít khiến tôi rất thích, là đọc sách là việc hoàn toàn cá nhân thôi, nhưng cũng có thể là việc chung của xã hội. Đây chính là điều cần thiết chúng ta phải làm để có được một văn hóa đọc mà báo chí gần đây nói đến.
PV: Cảm ơn chị! Chúc CLB "Đọc sách cùng con" gặt hái nhiều thành công, góp phần đem văn hóa đọc trở lại với cộng đồng!
Duy Trí thực hiện