QĐND - Hóa ra, Đền thờ Cao Thắng, danh tướng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cách nhà cậu tôi khoảng vài trăm mét. Thuở nhỏ, tôi đã từng chơi với lũ bạn cùng trang lứa dưới chân đồi này nhưng không biết trên đồi có ngôi đền của vị lãnh binh mà mình được học qua môn sử. Bây giờ, ở cái tuổi đã xa lắm thuở học trò tôi mới được ông Cao Trường-hậu duệ của danh tướng Cao Thắng dẫn lên đồi. Ông đi trước vạch cây cho tôi khom người đi qua để tới ngôi đền của một người có thể gọi là tổ phụ của ngành quân khí quân đội ta. Trong chiến tranh, nhiều công binh xưởng, nhà máy chế tạo vũ khí từng được mang tên Cao Thắng.
Chính ông Cao Trường cũng lấy làm ái ngại khi phải đưa tôi qua những bụi rậm:
- Chú thông cảm, Đền thờ Cao Thắng chỉ là vậy đó.
Tôi sững lại, chẳng lẽ đây là nơi thờ của tráng sĩ Cao Thắng? Hai ngôi nhà gỗ ba gian, kiểu nhà lồng lậm, đặc trưng của vùng quê miền núi Hương Sơn, ngói âm dương phủ rêu, đôi chỗ sụt từng mảng, căn để làm bái đường trống hoác,... Một tấm hình chụp bức tượng chí sĩ họ Cao ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh của Hội Sinh viên Trường Đại học Cao Thắng mang ra tặng để giữa bàn thờ. Tấm bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa, do Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm ký, treo trên vách tường lở. Bộ lư hương gỗ đã bong sơn...
 |
Ông Cao Trường trước Đền thờ Cao Thắng. Ảnh: Nguyễn Anh Đường
|
Chẳng lẽ đền thờ người anh hùng của cuộc khởi nghĩa lớn nhất trong phong trào Cần Vương có vậy? Sao không thấy một hoành phi câu đối nào ghi công trạng chí sĩ họ Cao? Nghe tôi hỏi vậy, ông Cao Trường cho biết, trước đây có hai câu đối viếng Cao Thắng của Phan Đình Phùng treo trong đền thờ nhưng lâu ngày không tu bổ nên hỏng mất. Hai câu đối nổi tiếng ấy ông còn nhớ một câu:
Công cần tất thành, kính tiếp thệ ngôn thanh quốc tặc
Thệ nguyên dự liệu, cứ yên kim dĩ thiểu tư nhân.
(Công muốn lập nên, vang lời thề diệt trừ giặc nước
Việc không tính trước, lên yên nay thấy vắng người.)
Ông Cao Trường còn kể, thời thiếu niên, Cao Thắng sáng đi học chữ nho do thầy giáo trong làng dạy, chiều chăn bò, cắt cỏ như bao đứa trẻ khác. Chính ở làng quê hẻo lánh này, Cao Thắng đã thấy nỗi khổ nhục của một đất nước bị thực dân chiếm đóng. Những đoàn xe chở lính Pháp ngang nhiên qua lại trên đường số 8, đêm đêm bọn lính lệ đi tuần, cướp bóc. Những tên lý trưởng, cai tổng, dọa nạt, đánh đập dân lương thiện... Một xã hội nô lệ đang dồn tai họa lên đầu người dân. Cao Thắng tham gia học võ. Lên 10 tuổi đã làm liên lạc cho nghĩa quân của đội Lựu. Khi đội Lựu chết, Cao Thắng được Phan Đình Thuật, anh ruột của Phan Đình Phùng đem về nuôi. Phan Đình Thuật mất, Cao Thắng về quê cày ruộng, cần mẫn như một nông dân thực thụ. Nhưng rồi, bọn cường hào đã để mắt tới người nông dân yêu nước này, chúng vu oan cho Cao Thắng giết một người và bắt giam ở Nhà lao Hà Tĩnh. Cho tới năm 1885, Cao Thắng mới được nghĩa quân Lê Ninh giải thoát. Trở về quê, Cao Thắng rủ em trai là Cao Nựu, cùng một thanh niên trong làng là Nguyễn Kiều tham gia khởi nghĩa Trần Quang Cán ở Hương Sơn. Cao Thắng lập được một đội quân riêng phần lớn là nông dân ở các xã quanh Sơn Lễ. Đến cuối năm 1885, Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở Hương Khê, Hương Sơn, Cao Thắng đem đội quân của mình gia nhập nghĩa quân Cần Vương của Phan Đình Phùng.
Ông Cao Trường dừng lời, chỉ cho tôi thấy những triền núi trập trùng phía xa. Trong đó, có dãy Tiêu Sơn, Giăng Màn nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng xây thành, luyện tập binh lược, Cao Thắng đặt những lò rèn chế tạo súng. Một điều vô cùng hấp dẫn cho giới nghiên cứu vũ khí là tại sao một người xuất thân từ làng quê, học vấn không phải là cao, trong điều kiện khoa học kỹ thuật trong nước chưa phát triển, vậy mà Cao Thắng cùng các cộng sự đã chế tạo được súng? Trước đó, nghĩa quân cũng có một ít súng thần công, bắn bằng cách nạp đạn từ nòng, tầm bắn ngắn, nhiều lúc đạn rơi ra chỉ cách vài chục mét không nổ. Cao Thắng thường tâm sự với nghĩa binh là làm sao tự chế được vũ khí hiện đại để chọi được với vũ khí quân Pháp. Muốn chế được, phải có súng mẫu. Thế rồi, một buổi chiều, trinh sát phát hiện hai tên quan dẫn 15 tên lính mang súng áp tải 1 hòm bạc từ thị xã Hà Tĩnh lên phát lương cho lính Pháp ở đồn Phố Châu. Cao Thắng liền tổ chức trận địa phục kích ở hẻm núi Nầm, nơi đường 8 chạy qua. Nghĩa quân đã diệt và bắt sống toàn bộ quan quân Pháp, thu 17 khẩu súng loại 1874. Có súng mẫu, Cao Thắng liền tập trung những thợ rèn giỏi nhất ở các làng rèn nổi tiếng như Trung Lương, Thịnh Văn rồi tự tay tháo từng bộ phận khẩu 1874 ra, xem xét kích thước, công dụng từng bộ phận, rồi cho thợ cứ mẫu ấy mà làm. Rèn giũa kỳ được mới thôi. Khẩu đầu tiên, bắn đạn đi rất ngắn, khiến mọi người lấy làm lạ. Cao Thắng và một thợ rèn mất ăn mất ngủ nghiên cứu và họ phát hiện ra rãnh xoắn trong nòng, gọi là đường khương tuyến. Chính đường khương tuyến mới đẩy viên đạn đi xa. Khi khẩu súng có đường khương tuyến được sản xuất, thử nghiệm thành công, Phan Đình Phùng đã cho mở tiệc khao thợ rèn. Sau một thời gian, họ đã chế được 350 khẩu súng như loại súng trường 1874 của Pháp. Vấn đề nan giải là lấy đâu ra đạn để dùng, số đạn thu được quá ít ỏi, đã sử dụng vào việc thử nghiệm súng mới nhiều rồi? Vậy là Cao Thắng cho thu vỏ đạn quân Pháp đã sử dụng để nhồi lại.
Tài thao lược của hai vị thống soái khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng và Cao Thắng đã tồn tại được 10 năm. Đây là cuộc khởi nghĩa của sĩ phu yêu nước dài nhất, khiến giặc Pháp và lũ tay sai bán nước lao đao nhất. Cuối năm 1893, Cao Thắng dẫn quân đến đánh lính Pháp ở đồn Nu, thuộc huyện Thanh Chương và hy sinh...
Trong suốt nửa ngày ở Đền thờ Cao Thắng, chúng tôi không biết nói gì hơn về một cảm giác đau lòng trước khung cảnh nơi thờ tự hoang tàn, bị che khuất bởi cây cối.
Trên đường về, chúng tôi gặp một tốp học sinh. Các cháu đều dừng lại để chào khách lạ. Một cháu hỏi chúng tôi lên đó làm gì? Tôi kể cho các cháu rằng, trên triền đồi có ngôi đền thờ Anh hùng Cao Thắng. Các cháu nhìn nhau, xòe mắt ngạc nhiên. Một cháu nói:
- Chúng cháu thường lên đó bẫy chim chào mào, vô cả ngôi đền đó tránh mưa, đâu thấy chữ nào đề tên Cao Thắng, tưởng là ngôi đền hoang mà.
Khi nghe chúng tôi giải thích, các cháu mới vỡ lẽ. Trong chương trình lịch sử phổ thông, các cháu đã được học về cuộc khởi nghĩa Hương Khê, về lãnh tụ Phan Đình Phùng, đặc biệt là tài chế tạo súng của Cao Thắng, nhưng đâu biết Đền thờ Cao Thắng ở ngay trong xóm mình.
Đó là điều đáng buồn, chắc không chỉ riêng chúng tôi!
NGUYỄN QUỐC TRUNG