Phố Đinh Tiên Hoàng là một phố bề thế nhất, đẹp nhất Hà Nội, ngay sát Hồ Gươm; có vườn hoa và tượng đài Lý Thái Tổ, cao, to, bề thế, có nhà Bưu điện sừng sững sớm chiều tỏa bóng xuống Hồ Gươm.
Phố dài 900m bắt đầu từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ngày xưa) kéo dài tới ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay. Một bên có trụ sở của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, một bên là bờ hồ Hoàn Kiếm, có Tháp Hòa Phong cổ kính, có bút Tháp, đài Nghiên, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn.
Đinh Tiên Hoàng (tức Đinh Bộ Lĩnh), người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, Hoa Lư, Ninh Bình, con trai ông Đinh Công Trứ, một Nha tướng của Dương Quảng Nghệ, giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê, thường ngày đi chăn trâu, Lĩnh hay bắt lũ trẻ khoanh tay làm kiệu để ngồi, rồi cho chúng rước quanh đồng và lấy bông lau làm cờ, bày trận giả để đánh nhau.
Lớn lên, nhờ thông minh, có khí phách và có tài thao lược, thấy nhân dân khổ sở vì loạn 12 sứ quân, ông bèn dựng cờ khởi nghĩa, mong lập nghiệp lớn.
Đinh Bộ Lĩnh đi theo ngọn cờ của Trần Minh Công (tức Trần Lãm) ở Bố Hải Khẩu và được Trần Lãm nhận làm con nuôi. Khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đem quân về giữ Hoa Lư (Ninh Bình), ông đứng ra chiêu mộ hào kiệt để dẹp loạn 12 sứ quân.
(Sự hình thành 12 sứ quân như sau: Từ ngày Đường Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thần phục Đường Tam Kha, nên giặc giã nổi lên như sóng, mỗi thủ lĩnh cát cứ một vùng, thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau, gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” kéo dài suốt 20 năm).
Sau 2 năm đánh Đông dẹp Bắc, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp xong loạn 12 sứ quân, ông lên ngôi Hoàng đế, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình).
Đinh Tiên Hoàng phong cho Nguyễn Bặc là Đinh Quốc Công, Lê Hoàn được phong làm Thập Đạo tướng quân và phong cho con trai trưởng tên Đinh Liễn làm Nam Việt Vương v.v..
Nhà vua cho xây dựng cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ. Dân số lúc đó khoảng 3 triệu người, được tổ chức tập hợp theo từng đơn vị hành chính: Hương, giáp, xã...
Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền thời nhà Đinh đã thực sự đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong quản lý đất nước, một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhà nước và dân tộc Việt Nam. Công tích của nhà Đinh gồm:
1. Về kinh tế, nhà Đinh đã quản lý chặt chẽ hai đối tượng: ruộng đất và con người, nhằm thu tô, thuế, cống phẩm và huy động lao dịch, binh dịch, đồng thời tiến hành những công việc chung: Quốc phòng, giao thông, thủy lợi, các công trình xây dựng.
2. Bên cạnh nền kinh tế lúa nước là chủ yếu, thời kỳ này thủ công nghiệp đã phát triển và được khuyến khích, đặc biệt là ngành dệt, ngành thuộc da, may mặc. Thương nghiệp cũng được mở mang. Năm 976 đã có thuyền buôn nước ngoài đến bán sản vật.
3. Năm Canh Ngọ (970) nhà vua cho lệnh đúc tiền (bằng đồng thau). Mặt đồng tiền có chữ nổi: “Thái Bình hưng hảo”, mặt bên kia có chữ “Đinh”. Với sự có mặt của đồng tiền (đúc) “Thái Bình hưng hảo”, các nghề gốm, nghề mộc, nghề đục đá, nghề buôn bán cũng phát triển. Kinh đô Hoa Lư trở thành một trung tâm đô thị trong lịch sử trung đại nước ta.
4. Cũng thời kỳ này, vua Đinh Tiên Hoàng rất quan tâm đến việc khai hoang, mở rộng diện tích canh tác xuống vùng đồng bằng và ven biển, đồng thời lập thêm nhiều làng mới trên các vùng khai khẩn hoang hóa.
5. Về ngoại giao, Đinh Tiên Hoàng quan tâm đặc biệt: Năm Nhâm Thân (972), chính vua đã sai con trai trưởng là Đinh Liễn mang đồ vật sang cống nạp nhà Tống. Cũng trong năm đó, vua nhà Tống đã sai sứ sang ta, phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận Vương và phong cho Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.
Đinh Tiên Hoàng là một vị vua có nhiều công lớn đối với đất nước, nhưng chỉ làm vua được 12 năm thì bị nghịch tặc giết hại khi tròn 56 tuổi.
NGỌC MINH
(Sưu tầm và biên soạn)