Giương mác quốc tế rồi... quỵt nợ
Chúng tôi về vùng nguyên liệu cà phê chè-thứ cây đặc sản thế mạnh của huyện Mường Ảng thì đi đâu cũng thấy người dân than thở về một vụ mùa thất bát của hàng nghìn hộ nông dân. Người dân phải tổ chức một cuộc họp dân "bất thường" tại bản Tin Tốc, xã Ẳng Nưa để đòi khoản tiền mà đại lý Lò Thị Tình (bản Tin Tốc), chuyên thu mua cà phê cho Công ty Cát Quế đã dẫn dắt bán hàng, nay 70 hợp đồng vẫn chưa thanh toán. Trưởng bản Lường Văn Luyến-người có 2,5ha cà phê kinh doanh đã bán toàn bộ sản lượng cà phê hằng năm của nhà mình cho Công ty Cát Quế theo hợp đồng 4C mà chị Tình đưa đại diện của công ty này đến tận nhà ông ký kết. Đã có tới 70 hợp đồng mà chị Tình cùng với ông Phạm Hoan (thường gọi là Huy)-đại diện của Công ty Cát Quế đã hứa với nông dân về khoản trả thưởng 4C. Theo đó, nông dân được các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội 4C Quốc tế (trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức) ký hợp đồng 4C thông qua các đơn vị xuất khẩu ở Việt Nam trả thưởng khoảng 300 đồng/kg cà phê khô, 100 đồng/kg cà phê tươi.
4C là bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê do Hiệp hội 4C Quốc tế quy định, gồm: Common (chung), Code (bộ quy tắc), Coffee (cà phê) và Community (cộng đồng), nhằm hình thành các vùng nguyên liệu cà phê sạch, bền vững. Những bản hợp đồng 4C này chính là những "tấm hộ chiếu” để sản phẩm cà phê của các doanh nghiệp sản xuất được xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Hanssen Cornelis Hendrik (người đeo kính) đến kiểm tra việc sản xuất cà phê theo hợp đồng 4C.
Trở lại với vụ việc trên, ông Lường Văn Luyến cho biết, nhà ông có 2,5ha cà phê được trồng theo quy tắc 4C và đã bán hết cho Công ty Cát Quế, nhưng đến nay, ông vẫn chưa nhận được một đồng trả thưởng nào. Còn chị Lò Thị Tình chỉ biết gục mặt khóc thầm vì cũng phải nhận “quả đắng” là những lời hứa suông của ông Phạm Hoan và Công ty Cát Quế. Cũng trong cảnh bị người dân đòi nợ như chị Tình, chị Trịnh Thị Hải ở tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng, cho biết: “Hằng năm, tôi cùng nhân viên của Công ty Cát Quế đi ký hợp đồng 4C với khoảng 400 hộ dân. Ngoài ra, còn hàng trăm hộ dân phản ảnh rằng, họ trực tiếp ký hợp đồng với ông Phạm Hoan, nhưng khi hỏi thì công ty này đều chối là không có”.
Để hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội Cà phê Mường Ảng. Ông Lợi cho biết, ông đã nhiều lần đến Công ty Cát Quế để đòi quyền lợi cho người dân, nhưng khi làm việc với ông Phạm Thắng, Giám đốc Công ty Cát Quế, ông này lại trả lời là không có 4C! “Sau đó, tôi hỏi lại, vì sao công ty lại tổ chức ký hợp đồng 4C với hàng trăm hộ dân? Lúng túng một hồi, ông Thắng chối và cho biết công ty giao việc này cho ông Phạm Hoan phụ trách Xưởng chế biến cà phê Cát Quế tại bản Pá Cha, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng”, ông Lợi cho biết.
Theo ông Lợi, Xưởng chế biến cà phê Cát Quế chỉ được cấp phép thu mua nông sản do đã gây ô nhiễm môi trường và không thể khắc phục. Tại đây, ông Lợi tiếp tục chất vấn ông Phạm Hoan thì ông này trả lời “đã thanh toán vào giá khi mua”. Thế nhưng trên thực tế, giá thu mua của Công ty Cát Quế không cao hơn so với các công ty khác, thậm chí nhiều thời điểm còn thấp hơn và có dấu hiệu quỵt nợ. Theo đó, giá trong hợp đồng thu mua cà phê là 31.000-32.000 đồng/kg, nhưng sau khi chở cà phê đi rồi và người dân đòi tiền lại chỉ trả 28.000-29.000 đồng/kg.
Sớm điều tra, làm rõ
Làm việc với ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mường Ảng, ông cũng tỏ ra bức xúc với hành vi mua bán nhập nhằng trên.
Mặc dù lãnh đạo Công ty Cát Quế phủ nhận việc ký hợp đồng 4C với người dân, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đã hai lần, một lần vào năm 2014 và gần đây nhất, ngày 21-9-2016, ông Hanssen Cornelis Hendrik, Quản lý và điều phối hoạt động các văn phòng 4C/GCP tại các nước sản xuất và đại diện Hiệp hội 4C Việt Nam đã đến kiểm tra quy trình sản xuất cà phê theo quy tắc 4C của Công ty Cát Quế tại nhà ông Nguyễn Văn Đoàn, bà Trần Thị Chung ở thị trấn Mường Ảng. Bà Chung nói: “Cuối năm 2013, đầu năm 2014, tôi cùng đại diện Công ty Cát Quế ký kết hợp đồng 4C với 180 hộ dân trồng cà phê. Sau đó, khi gặp ông Hanssen Cornelis Hendrik, chúng tôi đã thắc mắc về việc Công ty Cát Quế không trả tiền 4C. Ông Lưu Văn Hoàng, đại diện Hiệp hội 4C (Văn phòng tại tỉnh Đắc Lắc), kiêm phiên dịch của ông Hanssen Cornelis Hendrik hứa sẽ làm việc với Công ty Cát Quế về vấn đề này”.
Theo phản ảnh của người dân và xác nhận của cơ quan chức năng, mỗi năm, Công ty Cát Quế thu mua khoảng 2.500 tấn cà phê khô. Như vậy, tiền thưởng theo hợp đồng 4C mà công ty này nợ người dân trong hai năm 2014 và 2015 lên đến hơn 1,5 tỷ đồng.
Xin nói thêm, Công ty Cát Quế lên địa bàn Mường Ảng thu mua cà phê đã cả chục năm nay và nhiều lần có dấu hiệu ép giá, quỵt nợ của người nông dân. Đỉnh điểm là vào đầu năm 2016, chính quyền huyện Mường Ảng sau khi nhận được đơn của các hộ dân kiện công ty quỵt nợ gần 500 triệu đồng, đã phải thành lập tổ công tác liên ngành vào cuộc đòi nợ cho nông dân; đồng thời thanh tra toàn diện điểm thu mua tại bản Pá Tra. Thế nhưng sau cuộc thanh tra, công ty này vẫn tiếp tục sai phạm mà không bị xử lý, để lại nỗi khổ cho hàng nghìn người nông dân một nắng hai sương.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sai phạm trên.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG