QĐND - Trước tình hình dịch cúm A (H7N9) tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chiều hôm qua (13-2), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn với bộ, ngành và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam để bàn biện pháp đối phó với nguy cơ dịch cúm gia cầm, vi-rút cúm A (H7N9) và các vi-rút khác lây lan vào Việt Nam.
Tại cuộc họp, Cục Thú y thông tin, từ khi xuất hiện (tháng 3-2013) đến nay, chủng vi-rút cúm A (H7N9) đã lây nhiễm, gây bệnh cho 330 ca trên người, trong đó có 70 ca tử vong ở Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan.
Đề phòng nguy cơ dịch lây lan
Vi-rút cúm A (H7N9) thường được phát hiện ở những nơi tập trung nhiều gia cầm như chợ đầu mối gia cầm và có cơ chế lây truyền từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong cao. Ghi nhận ở Trung Quốc còn phát hiện một lượng mẫu nhỏ chim hoang dã, chim bồ câu… qua xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm A (H7N9). Hiện, dịch đã lây lan tới tỉnh Quảng Tây, có biên giới sát với 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Trước tình hình cúm A (H7N9) có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng vi-rút này và các chủng vi-rút cúm gia cầm khác vào Việt Nam. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kế hoạch xây dựng 4 tình huống có thể xảy ra ở Việt Nam. Đó là: Chưa phát hiện cúm A (H7N9) trên gia cầm, môi trường và trên người; chưa phát hiện vi-rút cúm A (H7N9) trên gia cầm, môi trường nhưng có người nhiễm; chưa phát hiện trên người nhưng trên gia cầm có nhiễm; tình huống xấu nhất là phát hiện trên cả gia cầm và người. Với cả 4 tình huống này, Bộ đều xây dựng những giải pháp cụ thể để triển khai phòng, chống dịch.
 |
Chăn nuôi vịt tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Kiểm
|
Trong đó, theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang ở tình huống thứ nhất, đó là chưa phát hiện vi-rút cúm A (H7N9) trên gia cầm, môi trường và trên người. Đại diện Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng cảnh báo, Việt Nam, Lào, Mi-an-ma là những nước có nguy cơ cao về lây nhiễm vi-rút cúm A (H7N9). Do đó, cần thiết phải xây dựng kế hoạch chủ động để đối phó với chủng vi-rút này. Về mục tiêu chung là chủ động phát hiện, sẵn sàng ứng phó với vi-rút và giảm tác động tiêu cực cho con người.
Chưa có vắc-xin đặc trị cúm A (H7N9)
Tại cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, vi-rút cúm A (H7N9) tồn tại trên gia cầm nuôi, hoang dã. Nếu như gia cầm nhiễm vi-rút cúm A (H5N1) đều phát bệnh rồi chết thì vi-rút cúm A (H7N9) gây bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng trên gia cầm và không gây chết nên chỉ có thể biết bằng cách xét nghiệm. Trong khi đó hiện chưa có vắc-xin đặc trị loại vi-rút cúm này. Do đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải làm mọi biện pháp ngăn ngừa vi-rút này xâm nhập vào Việt Nam.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Cục sẽ đôn đốc các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, giáp Trung Quốc đẩy mạnh quyết liệt thực hiện Đề án 2088 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời, rà soát toàn bộ các địa bàn có nguy cơ nhiễm cao để ngăn chặn mọi đường xâm nhập của vi-rút vào Việt Nam.
Trong các biện pháp, căn bản nhất vẫn là ngăn chặn buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm có thể mang theo các chủng vi-rút cúm vào Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc. “Trong năm 2013, chúng ta đã nỗ lực đấu tranh với việc buôn lậu gia cầm và đã thành công nhất định trên cơ sở kinh nghiệm đó, chúng ta cần phối hợp và làm quyết liệt hơn nữa để thực hiện được vấn đề này” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam dưới mọi hình thức.
Bộ trưởng Bộ cũng khẳng định, nhận thức người dân là yếu tố quyết định thành công của việc ngăn chặn vi-rút cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. Do đó, cần tuyên truyền sâu rộng để tất cả người dân hiểu được nguy cơ cũng như các biện pháp phòng, chống dịch. Vi-rút không chỉ qua gia cầm mà còn đi vào bằng nhiều ngả như phương tiện giao thông, chim di trú... Do đó, phải làm tốt công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh. Hiện Bộ NN&PTNT đã cử cán bộ về 9 tỉnh biên giới để thực hiện liên tục việc lấy mẫu xét nghiệm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại những tỉnh này.
TP Hồ Chí Minh tăng cường nhiều biện pháp phòng dịch cúm gia cầm
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Thú y thành phố trên các phương tiện vận tải hành khách, để người dân kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp phát hiện vận chuyển động vật trái phép từ các tỉnh về thành phố. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu còn để tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép hoặc xảy ra trường hợp có người bị nhiễm bệnh từ gia cầm trên địa bàn.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; chủ động phối hợp với ngành y tế để giám sát các trường hợp nhiễm vi-rút cúm A trên đàn gia cầm nhằm cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh dịch bệnh… Thành phố kêu gọi người dân hãy tự bảo vệ trước dịch cúm gia cầm, nói không với gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ sử dụng gia cầm tại các điểm uy tín, có kiểm dịch rõ ràng.
NGUYỄN KIỂM, HÙNG KHOA