QĐND - Với những người làm nghề hay dịch chuyển, đi công tác là chuyện thường ngày. Tôi vẫn như đùa rằng: Hô là đi, không phải quá băn khoăn. Đồ ăn ư: Đến đó ta tìm, lại còn biết được sản vật của địa phương. Còn đồ để thay? Mua mới cũng được. Đồ nghề tác nghiệp thì lúc nào cũng sẵn. Phải có khi như thời chiến: Nhận lệnh là "xuất kích"!
Vậy còn đi Trường Sa?
Mang đi không phải cho mình
Đi Trường Sa, chuyện mua, bán, ăn, thay... không thể như ở đất liền. Mọi người thường để tâm cân nhắc xem nên mang theo những thứ gì khi ra đó. Cần phải chuẩn bị chu đáo. Yêu cầu gọn nhẹ, vừa đầy đủ, cơ động, đáp ứng được điều kiện và thời tiết khắc nghiệt.
 |
Xuồng đưa khách vào đảo Đá Nam, tháng 4-2013. Ảnh: Phan Tùng Sơn. |
Ngay cả tinh thần đối mặt với chuyện nắng gió, chuyện thiếu thốn, khan hiếm, đặc biệt là nước ngọt... Rồi chuyện chuyển đổi tâm lý với cảm giác mới lạ, từ đất liền rộng lớn ra đảo nhỏ, vây quanh toàn nước và vô cùng tầm nhìn, mọi chuyện có thể khác.
Vậy nhưng, khi nhắc đến chuyện mang đồ đi, "khách Trường Sa" vẫn có phần tiếc nuối rằng đã không mang theo thứ này, thứ nọ. Xúc động là ở chỗ họ thường tiếc những thứ không phải để cho riêng mình.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: Lần đầu tiên mình đến với Trường Sa là vào năm 1976. Lúc đó, mình là học viên đi thực tế, thuộc lính của Đoàn 871, Tổng Cục Chính Trị. Khi đó mình đã mang theo 3kg thuốc lào cho các chiến sĩ. Nghe nói, các chiến sĩ khi thiếu thuốc, còn lấy cả cỏ khô, lá bàng quả vuông phơi khô, thái nhỏ, tẩm nước điếu... Sau đó mình còn ra mấy lần nữa rồi viết cuốn Đảo Chìm. Lần mới đây nhất, ra Trường Sa Lớn, mình đã mang theo sách và 100 chiếc đài. Ngoài ra, đoàn mình còn mang theo một bức phù điêu có hình bản đồ Tổ quốc và hai câu thơ:
Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này
Với sự quan tâm, góp sức của toàn dân, khá nhiều thứ đã được chuyển ra Trường Sa, từ hạt rau, bồn treo trồng cây cho đến các phương tiện hiện đại như hệ thống năng lượng gió, hệ thống năng lượng mặt trời... Nhiều “khách Trường Sa” sau khi ra thăm đã khen, Trường Sa giờ đẹp và hiện đại lắm. Các công trình dân sinh, văn hóa đã được xây dựng, có trang thiết bị tiên tiến.
Khi chưa đến Trường Sa, tôi cũng thường mường tượng đến những thứ có thể rút ngắn mọi khoảng cách, để quân dân trên đảo sẽ càng thấy đất liền thật gần gũi, thấy đảo xa đâu đến nỗi quá xa xôi. Như mỗi người một trang viết Trường Sa. Mỗi người một chiếc thẻ điện thoại gửi đảo xa sóng gió. Không phải chỉ gửi ra nguyên đó mà có thể gom lại, chuyển thành kinh phí, tập trung hơn đến phát triển hệ thống thông tin - truyền thông ở các đảo. Sách, báo, thơ, ca dao, tục ngữ khổ nhỏ, kiểu bỏ túi cũng vẫn là thứ nên mang.
Trung tá Lê Thanh Bình, Trợ lý tuyên truyền, Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị, sau chuyến đi đến các đảo Tiên Nữ, Đá Tây, Trường Sa Lớn... đầu tháng 4-2013 vừa qua, đã thấy các chiến sĩ rất thích các tài liệu, sách báo, tác phẩm về quê nhà. Mang các sách báo, thiết bị nghe nhìn, USB có hình ảnh đất liền, theo anh là một ý rất thiết thực.
Luôn cần nhiều đề xuất và ý tưởng
Nhiều phong trào hướng tới Trường Sa mang ý nghĩa thiết thực đã được tổ chức, như: Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước; Vì Trường Sa thân yêu; Góp đá xây Trường Sa; Nước ngọt cho Trường Sa... Cùng với đó là những chuyến hàng mang nặng tình cảm của người dân đất liền.
Ông Nguyễn Ngọc Oánh, Chủ tịch Hội Châm cứu huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, trong Lễ hội Đền Hùng vừa rồi, đã khiến một số bạn trẻ ngạc nhiên trong khi có người đứng đọc bài cúng dài hàng chục trang, thì ông lặng lẽ với nén hương Giỗ Tổ và có lời cầu mong quốc thái dân an, đất nước giữ yên bờ cõi, mong mỗi người biết sẻ chia một chút cho việc chung. Với Trường Sa, từ lâu ông đã có tâm nguyện, mang được nhiều giống cây thuốc truyền thống của người Việt ra đó trồng. Vừa đẹp cảnh, vừa tốt cho mọi người. Và ông còn góp ý, chúng ta nên gửi nhiều sách y học ra cho nhân dân và các chiến sĩ đọc vào những khi rảnh rỗi. Kiến thức y khoa, vừa tốt cho mình, vừa có thể giúp cho nhiều người. Nhất là nhân dân có thể tự nâng cao sức khỏe, đặng làm tốt hơn những việc cao cả và thiện nguyện.
Còn nhà thư pháp Long Hà, trong khi chờ đến lượt mình được đến với Trường Sa, cũng có nhiều dự định: Chị sẽ mang một số bút, mực, tài liệu hướng dẫn mọi người tìm hiểu và tiếp cận với thư pháp Việt. Đó là việc làm tỉ mỉ và cần nhiều thời gian, không phải một chốc một lát nên các chiến sĩ nơi đảo xa có thể tập dần dần. Chầm chậm mà cũng là khơi giữ truyền thống kiểu mưa dầm thấm lâu, khá hiệu quả.
Vấn đề trang bị, nâng cấp, bổ sung các phương tiện truyền thông hiện đại rõ ràng cần được đầu tư, chia sẻ hơn nữa để bà con, chiến sĩ giữa đất liền và đảo xa thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đất nước giao phó, cũng như có điều kiện tiếp cận, nắm bắt, trao đổi các thông tin, kiến thức... Cùng với đó, nên tổ chức nhiều hơn các phong trào khuyến khích người dân, các nhà khoa học nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu, cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo. Rồi cả phong trào đóng góp ý tưởng, xây dựng các hoạt động mà người lính có thể vừa thư giãn, vừa chơi, vừa học, để sau một thời gian ở đảo, các chiến sĩ nhận được chính thành quả mà mình đã tạo dựng và thực hiện trong những ngày làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió.
Giờ đây, mỗi khắc, có bao hành trình ra với quần đảo Trường Sa được lên kế hoạch và bắt đầu? Trong hành trang người đi, có bao nhiêu thứ quà và ý nguyện được gửi gắm? Không ai nắm chắc được số liệu nhưng mọi người đều có thể tin và mong: Tất cả nên bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc và nghĩa đồng bào chân thật.
Ước nguyện được một lần ra với Trường Sa đã trở thành hiện thực với không ít người. Phần nhiều trong số họ đã có một vài ý tưởng và mang được điều mình muốn đến với Trường Sa.
Còn chúng ta, còn bạn?
Và tôi, sẽ lại bắt đầu với “trang viết Trường Sa” từ những dòng như thế này được chăng?
QUỲNH LINH