 |
Lu-i Phi-nô, giám đốc đầu tiên của EFEO.
|
QĐND - Trải qua hơn một thế kỷ kể từ khi hình thành và phát triển, đến nay Viện Viễn Đông bác cổ (École Française d’Extrême Orient - gọi tắt là EFEO) đã trở thành một cái tên quen thuộc được nhiều người trong và ngoài nước biết đến bởi các thành tựu khoa học rất có giá trị trong việc nghiên cứu và khôi phục những nền văn minh, văn hóa lâu đời của các dân tộc Việt Nam nói riêng và vùng Viễn Đông nói chung.
Tuy nhiên đến nay, những thông tin về Viện Viễn Đông bác cổ trong buổi sơ khai khi mới thành lập trên các phương tiện thông tin đại chúng còn rất ít và lẻ tẻ. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin bổ sung thêm một số thông tin về quá trình ra đời, mục đích thành lập, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện trên cơ sở lược dịch một số nghị định, sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương liên quan đến vấn đề này. Tất cả các sắc lệnh, nghị định đều bằng tiếng Pháp, đăng trong Công báo Đông Dương, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Sự ra đời
Từ lâu, người Pháp đã quan tâm đến phương Đông và mong muốn tìm hiểu khảo sát những vùng đất mới nơi đây. Đến giữa thế kỷ XIX, nhu cầu mở rộng thuộc địa càng thôi thúc họ phải hiểu biết nhiều hơn về vùng đất này, nhất là Việt Nam. Vì vậy, giới cầm quyền Pháp lúc bấy giờ nhận thấy cần thiết phải lập ra một cơ quan, tổ chức với đội ngũ các nhà khoa học chuyên nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử - văn hóa của Việt Nam, để phục vụ cho công cuộc xâm lược Việt Nam và mở rộng ảnh hưởng ở vùng Viễn Đông. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Pháp khi tìm hiểu về Việt Nam cũng đã bị lôi cuốn trước nền văn hóa - văn minh của người Việt và mong muốn có nhiều cơ hội được nghiên cứu kỹ hơn về đất nước này.
 |
Bảo tàng của Viện Viễn Đông bác cổ. Ảnh: TL
|
Từ đây, phái đoàn khảo cổ học thường trực tại Đông Dương đã ra đời theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Pôn Đu-me (15-12-1898). Năm 1900, tổ chức này được đổi tên thành Viện Viễn Đông bác cổ, ban đầu có trụ sở tại Sài Gòn. Sau đó không lâu, tháng 12-1901, viện chuyển trụ sở ra Hà Nội.
Viện Viễn Đông bác cổ Pháp hay Trường Viễn Đông bác cổ Pháp là hai cách nói của cụm từ tiếng Pháp “École Française d’Extrême Orient” (gọi tắt là EFEO). Dù gọi là Trường hay Viện thì tổ chức này cũng chỉ có một chức năng duy nhất là khảo cứu lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ của các nước thuộc bán đảo Đông Dương và các nước trong khu vực Viễn Đông, không thực hiện chức năng đào tạo.
Khi mới thành lập, phái đoàn khảo cổ học thường trực tại Đông Dương có nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ và ngữ văn học của bán đảo Đông Dương cũng như mở rộng kiến thức về lịch sử, kiến trúc, ngôn ngữ của bán đảo này; góp phần vào việc nghiên cứu chuyên sâu các vùng và các nền văn minh lân cận: Ấn Độ, Trung Hoa, Ma-lai-xi-a.
Sau hơn 20 năm hoạt động, ngày 3-4-1920, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp ra Sắc lệnh về việc chuyển Viện Viễn Đông bác cổ Pháp thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự. Theo đó, Viện có thêm nhiệm vụ bảo đảm việc bảo tồn và duy tu các công trình lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp.
Tổ chức - nhân sự
Nghị định về việc thành lập Phái đoàn khảo cổ học thường trực tại Đông Dương năm 1899 quy định cơ cấu tổ chức của Viện Viễn Đông bác cổ gồm: Đứng đầu Viện Viễn Đông bác cổ là giám đốc và phó giám đốc, đều là người Pháp (giám đốc của Viện do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Viện Nghiên cứu Văn khắc. Phó giám đốc do Viện Nghiên cứu Văn khắc chỉ định); thành viên của Viện bao gồm các nhà khoa học Pháp và Việt Nam chuyên sâu về Đông phương học, ngôn ngữ học, di tích, văn hóa, mỹ thuật của Đông Dương... Họ đều phải đáp ứng đòi hỏi nhất định về bằng cấp và trình độ chuyên môn trước khi làm cộng tác viên của Viện. Các nhà khoa học Việt Nam làm việc và nghiên cứu cùng với người Pháp nhằm hai mục đích rõ ràng là tìm kiếm kiến thức mới, phương pháp nghiên cứu khoa học mới của phương Tây và dựa vào những nghiên cứu khoa học ấy để hiểu biết về di sản văn hóa - lịch sử của dân tộc mình.
Theo Sắc lệnh về việc chuyển Viện Viễn Đông bác cổ Pháp thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự ngày 3-4-1920, nhân sự của Viện gồm: Nhân sự người Âu (giám đốc, các thành viên thường trực, tạm thời và một số nhân viên khác), nhân sự người châu Á (thư ký và nho sĩ bản xứ, nho sĩ và giám học viên người châu Á, các nhân viên phục vụ). Không đối tượng nào được bổ dụng làm thành viên thường trực hoặc tạm thời nếu không có thư giới thiệu của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn... Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ Pháp được bổ dụng bằng sắc lệnh, những thành viên khác thuộc đội ngũ nhân sự người Âu do Toàn quyền bổ nhiệm bằng nghị định. Hằng năm, giám đốc trình Toàn quyền bản báo cáo chi tiết về các công việc của Viện, những xuất bản phẩm đang được thực hiện hoặc trong kế hoạch, hoạt động của các thành viên, kết quả cũng như tiến bộ khoa học đạt được của Viện. Báo cáo cũng được chuyển tới Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thông qua Bộ trưởng Thuộc địa và Bộ trưởng Học chính. Viện Hàn lâm sẽ trực tiếp liên hệ với giám đốc về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Viện, nếu thấy cần thiết.
Bất động sản - ngân sách - thu chi - kết toán
Từ ngày 1-1-1921, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp được giao lại các khu đất, bất động sản cũng như trang thiết bị đang quản lý và sử dụng. Các bất động sản và thiết bị trên sẽ được kiểm kê chi tiết khi bàn giao. Tiền trợ cấp hằng năm từ ngân sách chung của Đông Dương được ấn định trong thời hạn 5 năm theo nghị định của Toàn quyền và được Bộ trưởng Thuộc địa phê chuẩn. Trợ cấp trên không bao gồm các khoản trợ cấp bổ sung được Toàn quyền cấp cho Viện Viễn Đông bác cổ để tiến hành các công việc đặc biệt.
Hàng năm, giám đốc là người chuẩn bị dự thảo ngân sách của Viện Viễn Đông bác cổ, sau đó trình Toàn quyền phê chuẩn trước ngày 1-12 tại Ủy ban thường trực của Hội đồng chính phủ. Những tháng cuối của năm tài khóa, ngân sách bổ sung gồm các khoản tiền thu hoãn lại, các khoản chi đang được chuẩn bị và thông qua theo cùng thể thức. Các khoản tăng thêm và chuyển khoản cần thiết diễn ra trong năm tài khóa phải được Toàn quyền cho phép.
Đối với mỗi năm tài khóa, giám đốc trình bản báo cáo thu chi của Viện lên Toàn quyền và Ủy ban thường trực của Hội đồng chính phủ phê chuẩn. Ngày 31-12 hàng năm, giám đốc tiến hành kiểm kê động sản, thư viện và các bộ sưu tập, trước sự chứng kiến của thư ký-thư viện và nhân viên kế toán. Giám đốc lập biên bản kiểm kê thành 2 bản: 1 bản giữ lại Viện và 1 bản gửi Toàn quyền phê chuẩn.
Giám đốc Ngân khố Đông Dương-kế toán ngân sách của Viện Viễn Đông bác cổ chịu trách nhiệm báo cáo về các khoản thu, chi đã thực hiện theo tài khóa. Các báo cáo trên sẽ do Tòa Thẩm kế đánh giá, kết toán và được trình lên Toàn quyền muộn nhất là ngày 1-9 để xác nhận. Toàn quyền chuyển toàn bộ báo cáo trên kèm theo bản sao kết toán hành chính của Giám đốc.
Nằm trong hệ thống quản lý hành chính và chuyên môn của Viện Viễn Đông bác cổ còn có các viện bảo tàng, thư viện và tập san riêng.
Bảo tàng
Nhằm bảo quản và lưu giữ các hiện vật thu thập được trong quá trình nghiên cứu, Viện Viễn Đông bác cổ đã xây dựng hệ thống các bảo tàng trên cả nước. Ở Hà Nội, Bảo tàng Lu-i Phi-nô được xây dựng quy mô vào năm 1926 và khánh thành năm 1932. Bên cạnh đó, Viện còn xây dựng và quản lý hệ thống các bảo tàng: Bảo tàng Khơ-me ở Phnôm Pênh (thành lập 1906), Bảo tàng cổ vật Chăm ở Đà Nẵng thành lập 1918 (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng), Bảo tàng Lào ở Viêng-chăn (thành lập 1925), Bảo tàng Khải Định ở Huế (thành lập 1923), Bảo tàng Sài Gòn (thành lập 1929).
Thư viện
Ngay từ khi Viện Viễn Đông bác cổ ra đời, thư viện riêng của Viện đã được thành lập nhằm tập hợp, sưu tầm mọi tài liệu, kể cả những ấn phẩm và văn bản chưa được ấn hành, những bản viết tay thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, tranh ảnh, bản đồ, báo, tạp chí...
Tập san
Một ấn phẩm mang tên Tập san Viện Viễn Đông bác cổ ((Bulletin de l'École Française d’Extrême Orient - gọi tắt là BEFEO) được ra mắt thường niên 1 năm 1 số nhằm đăng tải các công trình nghiên cứu của Viện. Mặc dù là một tập san chuyên về triết học và khảo cổ học nhưng đã đăng tải rộng rãi nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong các lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn như: Dân tộc học, sử học, ngôn ngữ học, tôn giáo, nghệ thuật..., đặc biệt tập san dành riêng một mục về "thời sự châu Á" với những bài viết liên quan đến các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, những thông tin như vậy chỉ ít lâu sau đã bị chính quyền thực dân kiểm soát và hạn chế.
Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, đến nay, Viện Viễn Đông bác cổ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về Đông phương học và trở thành cái tên quen thuộc trong phần danh mục tham khảo của nhiều sách, bài viết về khảo cổ và lịch sử Á châu. Viện Viễn Đông bác cổ cũng có những ảnh hưởng quan trọng đối với các sử gia Việt Nam thế kỷ 20.
HOÀNG HẰNG - HỒNG NHUNG