Bản ngọc phả Đền Hùng và ngọc phả làng Lâu Thượng soạn từ đời Hồng Đức (1470) còn ghi rõ: “Khi tới Sơn Tây, Người thấy một vùng đất có ngàn ngọn núi quay về, vạn dòng sông tụ lại, thảy đều quay đầu về Nghĩa Lĩnh. Vua nhận ra đất này là đất tốt, liền chọn làm kinh đô, cho dựng chính điện trên núi Nghĩa Lĩnh. Phía ngoại vi cho lập đô thành Phong Châu từ Nghĩa Lĩnh tới Phù Khang và tới các xã như: Lâu Thượng, Lâu Hạ, Thanh Miếu, Việt Trì, Bạch Hạc… Người đổi tên nước là Văn Lang. Nước Văn Lang phía nam giáp nước Hồ Tôn, phía đông giáp Nam Hải, phía tây giáp Ba Thục và phía bắc tới hồ Động Đình”.
Từ Nghĩa Lĩnh tới Bạch Hạc, thời đó, Hùng Vương cho dựng 50 lâu đài, cung điện. Nhiều ngọc phả thời tiền sử, nhiều sử sách và các nhà khoa học đã xác nhận vùng đất tụ thủy, tụ nhân này nằm gọn giữa 3 dòng sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Đà và 3 trái núi thiêng: núi Nghĩa Lĩnh, núi Ba Vì, núi Tam Đảo, chính là trung tâm của nhà nước Văn Lang xưa. Việc tìm ra khu mộ táng và hàng loạt hiện vật khảo cổ ở di tích làng Cả đã chứng minh từ thời Hùng Vương đã có một bộ phận cư dân đông đúc sống ở Việt Trì. Đó là căn cứ khoa học tin cậy. Còn trong truyền thuyết, xã Trưng Vương (hay Lâu Thượng), xưa có Lầu Thượng là nơi Vua Hùng bàn việc nước ở các Lạc Hầu, Lạc Tướng. Nơi này xưa có 12 lâu đài, cung điện. Xã Sông Lô (xưa là Lâu Hạ) là nơi ở của các Mỵ Nương. Các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa đã từng ở nơi này. Xã Phượng Lâu, xưa là nơi có Lầu Phượng là nơi ở của các vợ Vua. Xã Vân Phú có địa danh Thậm Thình mà mỗi khi đi qua như còn được thấy “Trăm cô gái tựa tiên sa/múa chày đôi với chày ba thậm thình”. Xã Thụy Vân, xưa là khu vực quân sự của Hùng Vương. Ở đây còn di tích bãi luyện quân, bãi tập võ và rừng Cấm-nơi nhà Vua thường đi săn trong những ngày rảnh rỗi. Xã Minh Phương-Vân Cơ là nơi có hồ Thủy Quân, có đồi Mả Vương, rừng rước Vua. Nông Trang là nơi có kho lương thực của các Vua Hùng, Minh Nông, Gia Cẩm (xưa gọi là Kẻ Lú) là nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Tân Dân-nơi có Giếng Rùng, nhà Vua đã từng rửa chân, có miếu Vũ thời bà Vũ Thị Hiền, em dâu của Vua Hùng thứ nhất. Tiên Cát có đền thờ Thủy Tổ quốc mẫu-thân mẫu của Vua Lạc Long Quân; có đồi kén rể, nơi đã diễn ra cuộc tranh tài của Sơn Tinh-Thủy Tinh. Thọ Sơn là nơi có di chỉ làng Cả nổi tiếng, nơi chế tạo dụng cụ và vũ khí bằng đồng của các Vua Hùng. Thanh Miếu là nơi thờ tự của nhà Vua, ngày xưa có trường dạy học. Bến Gót có Hoa Long Tự, địa danh đã từng chứng kiến việc đặt tên cho 100 người con của Mẫu Âu Cơ. Bạch Hạc là nơi có Thần Tam Giang, có đền Long Đài, nơi trấn ngữ phía đông kinh đô Văn Lang của Đông Hải đại vương, hoàng tử thứ 25 của Vua Hùng 18…
So với các cố đô khác như Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long và Huế thì cố đô Văn Lang hầu như không còn lại gì, nó buồn và đẹp như những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Ngô Đoan: “Bay đâu cánh hạc năm xưa/Tìm đâu thấy bóng cố đô đất này”. Đúng là cố đô đã mất đi nhiều dấu tích, bởi ngoài yếu tố thời gian trải mấy nghìn năm, ngoài yếu tố khí hậu khắc nghiệt, Việt Trì-cố đô Văn Lang còn chịu nhiều sự tàn phá nặng nề của kẻ thù. Đặc biệt là những cuộc chiến đấu liên tiếp trong kháng chiến chống quân Mông Cổ thế kỷ 13, cuộc thử lửa đầu tiên đã diễn ra ở hai bên bờ sông Việt Trì-Bạch Hạc. Gần 2 thế kỷ sau, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ phong kiến nước ta, quân Minh ồ ạt kéo sang… Khi Pháp xâm lược Việt Nam vào thế kỷ 19, Việt Trì cũng được chúng hết sức quan tâm. An Nam thống nhất chí còn ghi: Năm 1886 người Pháp phá Hoa Long Tự, đình Việt Trì và miếu Công chúa Hoa Dung. Trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, vào năm 1949, ngôi đền thờ thủy tổ Nam bang Kinh Dương Vương ở Á Lữ (Bắc Ninh) và ngôi đền thờ Hoàng hậu của Người-Thủy tổ quốc mẫu ở Tiên Cát (Việt Trì) cũng bị tàn phá. Tháng 3 năm 1951, một tiểu đoàn lính lê dương tràn vào Lâu Thượng giết hại dân lành và tàn phá đình chùa-đền-miếu. Nhiều di tích ở Việt Trì đã bị phá tan hoang. Chưa kịp khôi phục, sửa chữa lại thì chiến tranh chống Mỹ xảy ra. Việt Trì lại trở thành mục tiêu bắn phá của kẻ thù.
Dù một số di tích bị mất đi, nhưng trên đất Việt Trì vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích, những truyền thuyết, huyền thoại về thời dựng nước. Hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống đang được khôi phục, tôn tạo giữ gìn và phát huy tác dụng, góp phần quan trọng vào việc chấn hưng văn hóa vùng đất Tổ-cội nguồn văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, Việt Trì đã tập trung nhiều nguồn lực để thực thi có kết quả mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội “Về với cội nguồn”.
NGUYỄN HƯNG HẢI