Pháo đài Láng là nơi bắn những loạt đạn pháo đầu tiên, phát hiệu lệnh cho Hà Nội mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy. Pháo binh Việt Nam ngày ấy mới được thành lập, đã nhận nhiệm vụ công kích chủ lực, đánh giặc ngay trong lòng thành phố...
 |
Di tích lịch sử Pháo đài Láng. |
Pháo đài Láng ngày đó nằm ở cánh đồng thôn Láng Trung, nay là phố Pháo đài Láng, nối từ ngã tư phố Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh chạy đến đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Khu vực pháo đài đã xây dựng thành khu di tích lịch sử Pháo đài Láng (nằm ở trong khu cơ quan Tổng cục Khí tượng Việt Nam).
Đúng 20 giờ 03 ngày 19-12-1946, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, công nhân Nhà máy điện Hà Nội cho nổ mìn phá máy phát điện, đèn điện toàn thành phố vụt tắt. Pháo đài Láng phát hỏa, bắn pháo vào Sở chỉ huy, kho hậu cần của quân địch trong thành phố và khu nhà của giặc ở phố Cửa Đông, mở đầu cho kháng chiến toàn quốc ở Thủ đô; tiếp đó, các pháo đài khác cùng nã pháo vào các vị trí quân giặc đóng ở trong thành.
Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, ở Hà Nội, trong số súng ta thu được của địch có 12 khẩu súng cao xạ 75, thu được ở các pháo đài Láng, Xuân Tảo và Yên Phụ (các loại pháo này phần lớn được sản xuất từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Khẩu pháo thường không có máy ngắm, mất khối cơ bẩm và lẫy cò… Nhưng đối với ta, số pháo đạn này là vốn quý để đánh địch trong những ngày đầu kháng chiến. Tháng 11-1945, phòng Quân giới lập xưởng sửa chữa pháo đầu tiên ở Hà Nội. Xưởng có một kíp thợ hơn 10 người, trong đó có những người đã làm thợ sửa chữa pháo, đạn trong quân đội Pháp. Nhiệm vụ của kíp thợ là kiểm tra, sửa chữa các khẩu pháo ở Hà Nội, chuẩn bị thành lập các phân đội pháo đài Láng, Xuân Tảo và Xuân Canh. Ngày 29-6-1946, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Trung đội Pháo đài Láng, Xuân Tảo và Xuân Canh. Trung đội Pháo đài Láng do Nguyễn Ứng Gia làm Trung đội trưởng, Nguyễn Văn Khoát làm Chính trị viên, Pháo đài có 2 khẩu pháo cao xạ 75. Tháng 9-1946, thành lập thêm Trung đội Pháo đài Thủ khối, nằm bên tả ngạn sông Hồng, đồng thời thành lập Đại đội Pháo binh Thủ đô, thống nhất chỉ huy 4 trung đội pháo đài. Ngày 29-6-1946 trở thành ngày truyền thống Pháo binh Việt Nam (theo sách “Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam” - Nhà xuất bản QĐND - 1971).
Thời kì mới thành lập Pháo đài Láng, Trung đội trưởng Nguyễn Ứng Gia đã giúp anh em hiểu biết sơ bộ về tính năng, tác dụng của pháo cao xạ 75. Các anh Đôn, Doãn Tuế, Minh và Gia đã dịch các tài liệu pháo binh Pháp, đặt tên tiếng Việt cho các bộ phận của khẩu pháo để anh em dễ nhớ, dễ đọc như: chỗ pháo thủ đứng thao tác bắn gọi là mâm hoặc bệ pháo, then đóng mở buồng đạn gọi là then chốt hoặc ư bẩm, vành máy tâm gọi là vành răng lược. Trong thời gian này chỉ huy bắn gặp nhiều khó khăn, vì cả 4 trung đội đều không có bảng bắn, ống nhòm, địa bàn và khí tài thông tin. Chỉ huy pháo đài phải đi mượn hoặc xin dân một số thứ như: Chiếc ống nhòm bội số nhỏ, địa bàn của thầy địa lí, thước dây của thợ may… Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã đến Pháo đài Láng thăm các khẩu đội. Đồng chí chỉ huy pháo binh cho biết: “… Ta không có phương tiện đo đạc tính toán phần tử bắn, anh em khắc phục bằng cách vẽ một vòng tròn, chia độ vào tấm bìa, dùng đặt lên bản đồ để lấy hướng bắn…”. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp nói: “Các đồng chí chú ý nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn nữa và khi cần thiết phải hạ nòng pháo xuống, bắn thẳng vào quân địch. Nhưng phải luôn luôn chú ý giữ gìn bảo vệ vũ khí…”. (theo sách “Từ mặt trận Hà Nội” - Trung tướng Vương Thừa Vũ).
Pháo đài Láng thời đó có 2 khẩu pháo cao xạ 75 (mỗi pháo đài Láng và Xuân Tảo có chừng từ 400 đến 500 viên đạn pháo). Ngày đó không có phương tiện quan sát, Pháo đài Láng bắn xong phải nhờ đơn vị bộ binh ở gần mục tiêu, báo cáo kết quả pháo bắn qua Bộ Tham mưu mặt trận Hà Nội. Truyền thông tin và mệnh lệnh chiến đấu từ Bộ Tổng chỉ huy xuống pháo đài, hoặc từ pháo đài này sang pháo đài khác chủ yếu thực hiện bằng người chạy bộ đưa tin! Pháo đài Láng bắn những viên đạn đầu tiên trúng vào các mục tiêu địch, tiếp theo là pháo đài Xuân Tảo cũng bắn dồn dập. Gần sáng ngày 20-12-1946, pháo đài Xuân Canh nhận lệnh nổ súng sang nhà đèn Yên Phụ và đầu Nam cầu Long Biên. Ngày 20 tháng 12 Pháo đài Láng bắn chặn quân Pháp từ Đồn Thủy tiến về Bắc Bộ phủ, đạn pháo nổ tản mát trên phố Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền. Sáng ngày 21 tháng 12, pháo đài Láng đã bắn rơi một máy bay giặc trên địa bàn Thủ đô, lập chiến công đầu tiên của pháo binh Việt Nam… Đến ngày 10-1-1947, Bộ chỉ huy mặt trận lệnh cho Pháo đài Láng phá hủy pháo và rút về Hà Đông.
Sau 60 ngày đêm, pháo đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Giam chân quân địch ở Hà Nội, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài…”. Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra khỏi thành phố. Khu di tích Pháo đài Láng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993, trong khu hiện nay còn trưng bày một khẩu cao xạ 75 và một phòng truyền thống gồm nhiều tranh ảnh và hiện vật pháo đài Láng thời kì mở đầu kháng chiến chống Pháp. Đây sẽ là một nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về sự dũng cảm và niềm tự hào của ông cha ta tham gia chiến đấu những ngày đầu tiên, Hà Nội mở đầu cùng cả nước kháng chiến…
Bài và ảnh: VINH HIỂN