QĐND - Ở Khánh Hòa, có một trang trại dành riêng cho những đàn ngựa sạch, mang một nhiệm vụ đặc biệt: “Hiến máu cứu người”. Đó là Trại chăn nuôi Suối Dầu của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Bộ Y tế-nơi chuyên nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin, huyết thanh phục vụ con người.

Đến Suối Dầu vào một ngày đầu Xuân khi cơn mưa đầu vừa dứt hạt, chúng tôi không khỏi cảm phục trước những gì người xưa để lại. Con đường vào trại thơ mộng với hai hàng bạch đàn xanh tươi, vi vu trong gió. Ngay cổng trại, bức tượng bác sĩ Yersin bán thân uy nghi giữa một công viên nhỏ với liễu nẻ, với hoa mười giờ đỏ thắm. Xa xa, những dãy nhà mới xây, ngói đỏ, thấp thoáng những dãy chuồng ngựa và cánh đồng mía, cỏ…

Trại chăn nuôi Suối Dầu rộng chừng 125ha thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, trên thế đất “sơn bao, thủy bọc”, cách TP Nha Trang khoảng 20km về phía nam. Trại do nhà bác học người Pháp A. Yersin sáng lập năm 1895. Lúc đó, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, tập trung ở doi đất phía nam cửa sông Cái, gọi là xóm Cồn. Tháng 9-1895, sau khi Phòng thí nghiệm Yersin (nay là Viện Pasteur Nha Trang) được thành lập, bác sĩ Yersin nghĩ đến việc lập trại nuôi ngựa, bởi ngựa là loài vật được chọn dùng trong việc sản xuất huyết thanh chống dịch hạch. Ban đầu, ngựa được nuôi ở gần Thành Diên Khánh. Ở đây sẵn cỏ, lúa, nhưng không có đất trống để lập trại và làm đồng cỏ. Sau một thời gian ngắn tìm kiếm, bác sĩ Yersin đã chọn được đất tại Suối Dầu. Lúc này, Suối Dầu còn là một cánh rừng hoang, cây cối rậm rạp-chủ yếu là cây dầu rái-thuộc địa phận làng Xuân Phú và Khánh Xuân (Diên Khánh). Qua hơn một thế kỷ với nhiều biến cố của thời cuộc, trại Suối Dầu đã có nhiều đổi thay và phát triển.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng trại, cũng là người gắn bó với trại Suối Dầu 30 năm qua kể với tôi rằng: Với số tiền khiêm tốn của mình và của hai bạn đồng nghiệp là Roux và Calmette góp lại, cộng với sức chịu đựng dẻo dai để vượt qua những khó khăn, vất vả trong quá trình khai hoang, bác sĩ Yersin đã biến cánh đồng hoang dần thành một cánh đồng phì nhiêu, xanh rờn bắp, lúa, thuốc lá… với những bầy ngựa, dê, cừu, trâu, bò… Từ chỗ chỉ nuôi động vật và trồng ngũ cốc, sau một thời gian, nhận thấy đất Suối Dầu thích hợp với cây cao su, bác sĩ Yersin đã bỏ công khai thác giống cây này. Đến năm 1914, diện tích trồng cao su ở Suối Dầu lên đến 307ha, số ngựa, trâu, bò, dê, cừu lên đến gần 2000 con. Có thể nói, cuối năm 1914, Suối Dầu đã trở thành một trang trại hoàn chỉnh. Khoảng hơn 30 năm trở lại đây, công tác chăm, nuôi đàn ngựa bắt đầu có những bước chuyển đột phá. Ban đầu, đàn ngựa của trại chỉ có khoảng 60-70 con, còn hiện nay, số lượng đàn ngựa đã tăng lên tới 350 con. Đồng thời, quy trình sản xuất huyết thanh cũng có nhiều chuyển biến mang tính nhảy vọt. Huyết thanh sản xuất từ máu ngựa là những kháng thể chống lại bệnh tật được chiết xuất ra từ huyết tương của ngựa đã được mẫn cảm với các loại bệnh đó. Khi tiêm vào cơ thể sẽ trung hòa với các kháng nguyên của tác nhân gây bệnh tương ứng, giúp con người không mắc bệnh. Ví dụ như SAT (huyết thanh kháng độc uốn ván); SAV (huyết thanh kháng độc rắn); SAR (huyết thanh kháng dại).

Một góc Trại chăn nuôi ngựa Suối Dầu.

 

 Anh Trần Văn Đền-người đã có 15 năm chăm sóc ngựa ở trại cho biết: “Vui nhất là khi tách được những con ngựa sạch, khỏe, phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu của viện. Ngựa ở đây được chăm sóc kỹ từ bữa ăn, giấc ngủ, nhưng chúng cũng rất thiệt thòi vì không được sinh sản và có tuổi thọ ngắn. Cả anh Đền và cán bộ, nhân viên ở đây đều có chung một mong ước là làm sao những con ngựa họ nuôi luôn khỏe mạnh.

Về quy trình sản xuất, thạc sĩ Minh nói: “Hiện nay, các huyết thanh mà IVAC khai thác từ máu ngựa gồm: Kháng độc tố uốn ván, kháng dại và kháng nọc rắn độc (gồm rắn hổ mang, rắn lục tre). Để sản xuất mỗi loại huyết thanh phải đưa kháng nguyên (độc tố uốn ván, vi-rút dại, nọc rắn…) vào cơ thể ngựa một liều thích hợp để cơ thể ngựa sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó. Khi máu ngựa có một lượng kháng thể đủ để tinh chế huyết thanh thì tiến hành lấy máu theo tỷ lệ 1,5 trọng lượng cơ thể ngựa. Sau khi dùng xi-lanh lấy máu, các nhân viên sẽ tiến hành chắt lấy huyết thanh”.

Với đàn ngựa hiện có, mỗi năm, trại có thể cung cấp từ 10.000-12.000 lít huyết thanh thô để tinh chế, sản xuất các loại huyết thanh theo yêu cầu của người dùng. Trong đó, trung bình một con ngựa cho ra 60 lít huyết thanh/năm, với chu kỳ 9 lần lấy máu, mỗi lần cách nhau 35 ngày. Cứ theo một lộ trình như vậy, mỗi chú ngựa có thể cho máu từ 5-6 năm. Máu được lấy lúc thể trạng ngựa khỏe mạnh, tuyệt đối tránh những lúc ốm đau, sốt hoặc bỏ ăn. Cùng với việc tuân thủ quy trình lấy huyết thanh, cán bộ kỹ thuật và công nhân phải tuyệt đối tuân thủ hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2008. Bằng sự cải tiến và đổi mới công nghệ IVAC đã sản xuất thành công và chính thức lưu hành hai loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang đất và rắn lục tre (SAV-naja và SAV-tri) góp phần cứu sống hàng chục nghìn người bị rắn độc cắn mỗi năm. Năm 2000, sau khi kết thúc dự án với Viện Huyết học-Truyền máu Hà Lan, các kỹ thuật tinh chế huyết thanh được cải tiến và trang thiết bị được nâng cấp lên quy mô sản xuất công nghiệp, chất lượng các loại huyết thanh được cải thiện gấp 12 lần so với trước đây. Nhờ đó, việc sản xuất huyết thanh kháng bệnh uốn ván (SAT) và huyết thanh kháng bệnh dại tinh chế (SAR) tăng lên từ 200.000 đến 500.000 ống SAT và từ 7000 lọ lên 30.000 lọ SAR.

Ngựa ở đây được tuyển chọn rất kỹ lưỡng và có chế độ chăm sóc đặc biệt. Chị Nguyễn Thị Phước Hương, người có thâm niên gắn bó với trại hơn 20 năm, cho biết: “Chăm sóc ngựa ở trại Suối Dầu rất đặc biệt về chế độ ăn uống. Các thức ăn của ngựa đều phải qua kiểm dịch và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngựa rất mẫn cảm với thời tiết nên nguy cơn nhiễm bệnh cao và lây lan rất nhanh. Vì vậy, đàn ngựa phải thường xuyên được theo dõi từ chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tiêm thuốc phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy mà chăm đàn ngựa chẳng khác gì chăm con trẻ”.

Trước đây, ngựa được tuyển về từ trại Bá Vân-Thái Nguyên thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia. Những năm gần đây, trại hợp đồng với các hộ tư nhân để mua về. Việc tuyển chọn ngựa kỹ lưỡng, bảo đảm tiêu chuẩn từ 4-6 tuổi, trọng lượng 230kg trở lên. Đồng thời, phải qua một cuộc sàng lọc về sức khỏe như không bị dị tật bẩm sinh, không bệnh tật, phải có chỉ tiêu về hằng số huyết học, sinh hóa và sinh lý học… Sau đó, tất cả số ngựa mua về đều được cách ly từ 3 đến 6 tháng, có chế độ chăm sóc riêng. Trong thời gian này, sẽ có đội ngũ nhân viên y tế theo dõi, hễ con ngựa nào phát bệnh sẽ bị “trục xuất” khỏi trại. Những con ngựa vượt qua được kỳ kiểm tra sức khỏe mới được giữ lại, nhập vào đàn ngựa của trại.

Khẩu phần ăn của ngựa trong một ngày là 15-18kg cỏ tươi và 2-3kg thức ăn được chế biến từ cám, gạo, ngô, đậu… Hằng ngày, ngựa được tắm mát và chải lông sạch sẽ trước khi về chuồng. Sức khỏe của ngựa thường xuyên được theo dõi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường sẽ bị cách ly và tiến hành chẩn đoán. Trại ngựa gồm nhiều dãy nhà, được ngăn thành ô, mỗi con ngựa được đánh số thứ tự. Đó cũng là tên gọi theo suốt cuộc đời của mỗi con ngựa ở đây. Tuổi thọ trung bình của ngựa là 30 năm, nhưng ngựa cho huyết thanh thì ngắn hơn rất nhiều, thường  khoảng 5 đến 6 năm.

Chia tay trại Suối Dầu trong thời tiết se lạnh của những ngày Xuân, chúng tôi tâm đắc với câu nói của anh Minh: “Thiên tài Bethoven có câu nói: Đời người được tính bằng thời gian, giá trị được tính bằng sự cống hiến. Đàn ngựa ở trại Suối Dầu tuổi thọ trung bình rất thấp nhưng sự “cống hiến” lớn lao của chúng trong công tác chữa bệnh cứu người thực sự lớn và rất đáng trân trọng”.

Bài và ảnh: TUẤN KIỆT