Nhà Đinh sụp đổ, nhà Tiền Lê lên thay, rồi lại bị tiêu vong trong vòng 41 năm (968-1009), một sự thật bi hùng của non sông Đại Việt sau những đêm trường ngàn năm Bắc thuộc, song vẫn tồn tại và phát triển khi triều đại mới xuất hiện-triều nhà Lý. Người có công lớn dựng nghiệp vương triều này là Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc, quê bố ở Tràng Lang, xã Định Tiến; quê mẹ ở Nam Trinh, xã Yên Trung, cùng huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, bên bờ con sông Mã.
 |
Cầu Thê Húc, Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh
|
Theo sử sách lưu truyền, trong chuyến vua Lê Đại Hành đi thuyền từ Kinh đô Hoa Lư vào kinh lý xứ Thanh, thuyền bị mắc cạn trên sông Mã cuối một mùa đông, quan quân hầu vua hò nhau xuống sông đẩy thuyền nhưng vô hiệu. Chàng trai cường tráng Đào Cam Mộc tâu xin được tham gia cứu nạn, con thuyền được Đào Cam Mộc đẩy ra giữa dòng sông sâu. Vua Lê cảm kích ngợi khen, cho nhận Đào Cam Mộc vào đội quân của triều đình.
Được Vua tin cẩn và trọng dụng, với lòng quả cảm và cơ mưu, Đào Cam Mộc đã tham gia nhiều trận đánh diệt bọn phản loạn, lập nhiều công trạng, trở thành đệ nhất triều thần, có uy tín và ảnh hưởng đến quan lại đầu triều, được mọi người quý trọng và cảm phục, được Vua Lê Đại Hành phong chức Chi Hậu, lo việc nội cung rất chu đáo.
Cùng phò vua trị quốc những năm cuối triều Lê đầu thế kỷ 11 khi ấy còn có quan Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, người ngoài xứ Kinh Bắc, nổi trội cả đức độ tài ba trong hàng ngũ các quan đầu triều.
Vua Lê Đại Hành băng hà (1005), triều đình biến loạn, nồi da nấu thịt ngay trong cung cấm. Lê Long Đĩnh, con út của Lê Hoàn đã giết cả anh trai để đoạt ngôi báu, làm nhiều điều bạo ngược, phi luân vô đạo, lòng dân ly tán, kẻ thù dòm ngó, quần thần phản đối, dân gian đặt vè và lưu truyền câu sấm ký:
“Hòa đao một lạc, thập bát tử Thành”, được chiết tự thành câu: “Hòa đao một” ghép thành chữ Lê, “Thập bát tử” ghép thành chữ Lý.
Được đọc là “Lê lạc, Lý thành”, là điềm trời báo nhà Lý sẽ lên thay.
Đúng là mệnh trời, năm 1009 Lê Long Đĩnh (còn gọi là Lê Ngọa Triều, chỉ nằm khi thiết triều) chết khi 24 tuổi đời, vua nối ngôi còn quá nhỏ tuổi.
Để giúp nước vượt qua giai đoạn hiểm nghèo này, Chi hậu Đào Cam Mộc đã xuất hiện. Không dựa vào thế lực và uy tín của mình trước triều đình để thoán ngôi vua, ông đã bàn bạc rộng rãi thấu lý đạt tình với các quan đầu triều như Đào Thẩm, Đào Khánh Văn, Đỗ Giản, Trần Cao, Ngô Đinh, Đắng Văn Hiếu, Phí Xa Lôi, Vệ Trúc v.v.. mọi người đều thống nhất tôn phò quan Tả thần vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn-một con người thao lược có uy tín, tài năng trong triều, thần dân mến mộ lên ngôi Hoàng đế thay triều Tiền Lê, niên hiệu là Lý Thái Tổ, dựng lên một tân triều mới: “Vương triều nhà Lý” để gánh vác việc chấn hưng đất nước, phát triển dân sinh, quốc thịnh dân an, phòng bị quân thù dòm ngó.
Chính quan Chi hậu Đào Cam Mộc là người đề xướng tổ chức chỉ đạo, trực tiếp chỉ huy sự kiện độc đáo này, nên việc đổi ngôi thay vua, thay Triều diễn ra nhanh chóng, hiệu quả đúng câu sấm ký “Lê lạc, Lý thành” không một giọt máu rơi, lòng dân ưng thuận. Như vậy, không phải ai khác, Đào Cam Mộc (và nhà sư Vạn Hạnh) là những công thần khai mở Triều Lý cuối năm thứ 9 đầu thế kỷ 11, cách nay tròn 1000 năm.
Đào Cam Mộc là kiến trúc sư nhạy bén về thời cuộc và chính sự, nhiều tài năng, ông là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng Vương triều nhà Lý, rời kinh đô từ Hoa Lư ra đất Thăng Long một năm sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi “trị quốc bình thiên hạ”, tạo tiền đề cho Đại Việt tồn tại 216 năm.
"Ăn quả nhớ người trồng cây". Từ buổi đầu định đô ở Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã gả trưởng thượng công chúa An Quốc, và phong tước Nghĩa tín hầu cho phò mã Đào Cam Mộc, để tri ân một trung thần có công lớn với sơn hà xã tắc, trở thành phò mã đầu triều nhà Lý. Đào Cam Mộc, người con miền đất xứ Thanh càng hăng say nhiệt tình “ái quốc trung quân”, góp phần xây dựng Đại Việt thịnh hưng, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ cả kinh tế và văn hóa, tạo nên thế và lực mới để hơn 60 năm sau đó (1075-1077) Triều Lý đã chủ động đại phá Tống quân xâm lăng Đại Việt.
Song thật đáng tiếc, có thể do toàn tâm, toàn ý chăm lo công việc Vua giao, Đào Cam Mộc đã đột ngột qua đời ngày 13 tháng 5 năm Thuận thiên thứ 6 (1015) tại tư dinh của ngài. Một lần nữa, Đào Cam Mộc lại được Vua Lý đầu tiên “truy phong” cho phò mã họ Đào chức vụ cao nhất là Thái Sư Á vương, và ban tặng hai câu đối treo trong đền thờ cạnh tư dinh:
Lý triều định đô vương tứ phúc
Đào trạng văn quan quốc ân thân
(Chữ tứ trong câu trên nghĩa là ban, phát, cho, tặng)
Để nhớ ơn người có công phò vua giữ nước-Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc-không chỉ có 3 nơi lập đền thờ ngài ở các xã Định Tiến, Yên Trung, Yên Phú - quê hương vị đại thần, mà cả ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng có đền thờ ngài. Các đền thờ này đang được các địa phương đầu tư trùng tu tôn tạo, làm nơi giáo dục truyền thống giữ nước của cha ông thuở trước trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
NGUYỄN TÂN HÀ