QĐND - “Chiến thắng quân thù và còn sống trở về là một niềm hạnh phúc lớn không chỉ của riêng tôi...” -chị Hồ Thị Thu Hiền (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 202 thuộc Đội 241-P31 tỉnh Nghệ An), người 3 lần được đồng đội truy điệu sống, tâm sự.

Ba lần truy điệu sống

Năm 1969, trước yêu cầu của chiến trường, cô gái xinh đẹp Hồ Thị Thu Hiền của mảnh đất Hưng Nguyên là một trong 500 thanh niên tỉnh Nghệ An tiến vào vùng chiến sự. Trước đó, nếu ai đã từng đi qua cầu Cấm, cầu Trong Nẻ, phà Bến Thủy... đều biết đến Hồ Thị Thu Hiền trẻ người mà xông xáo, can đảm. Việc trông giữ cầu, làm đường, vận chuyển đạn cho các trận địa phòng không chị đều có mặt. Chị cũng từng là Trung đội trưởng Trung đội 12, 7mm trực chiến ở núi Thành, bảo vệ Nhà máy đường Sông Lam.

Chị Hiền dự Đại hội đại biểu Cựu chiến binh toàn quốc.nh do nhân vật cung cấp

 

Tháng 5-1969, Hiền được giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng Đại đội 202 chi viện cho tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị phục vụ tiền tuyến, khi chưa đầy 20 tuổi. Nhiều chiến dịch vận chuyển hàng hóa được đại đội của Thu Hiền vận chuyển thành công vào chiến trường. Đoạn đường từ cổng Bình Quan lên Cộn mà đơn vị đảm nhiệm tu sửa còn đầy rẫy bom đạn chưa nổ. Nhớ lại lời trăn trối: "Tôi không tiếc tuổi xuân mười bảy, chỉ tiếc chưa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó" của đồng đội, Thu Hiền động viên toàn đại đội biến đau thương thành hành động, quyết tâm phá bom bằng mọi giá để thông đường. Trong đợt phá bom từ trường đầu tiên trên cung đường đại đội làm nhiệm vụ, Thu Hiền quyết định tự tay mình phá quả đầu. Trước khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, anh chị em trong đơn vị đã đứng nghiêm trước đại đội trưởng của mình, tất cả rớm nước mắt, nhưng không ai dám khóc thành lời. Lễ truy điệu sống cho Thu Hiền diễn ra nhanh gọn. Nhưng “thần chết” đã phải đầu hàng trước sự dũng cảm của người con gái xứ Nghệ. Một quả, hai quả, rồi ba quả bom tấn được phá thành công, anh em đồng đội chạy ào đến ôm đại đội trưởng mà khóc. Tuyến đường được thông, những chuyến xe hàng lại bon bon ra mặt trận.

Trước yêu cầu của chiến trường, đơn vị của Thu Hiền rời Quảng Bình vào Đường 9-Nam Lào làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh. Đường vào trận địa phải qua nhiều bãi mìn chưa được tháo gỡ. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, đơn vị thành lập tổ cảm tử gồm 8 người do Thu Hiền phụ trách. Trước lúc lên đường, đại đội lại làm lễ truy điệu sống cho tổ cảm tử, riêng đại đội trưởng thì đây là lần truy điệu thứ hai. “Trời bất chợt đổ mưa. Nước mưa, mồ hôi ướt sũng, tuy trong đêm tối chúng tôi vẫn định vị được vị trí từng quả bom, mìn, gỡ từng sợi dây. Hơn 6 tiếng đồng hồ trôi qua trong nghẹt thở. Mìn được gỡ. Hai giờ sáng, đường vận chuyển đã mở toang. Thương binh được đại đội đưa ra tuyến sau an toàn” -chị Hiền kể.

Trong lúc tổ của Hiền vận chuyển thương binh ra khỏi thung lũng Tà Cơn, bất ngờ địch phát hiện, chúng bắn điên cuồng vào đội hình. Vì che chở cho thương binh, đội viên trẻ nhất Trần Võ Bích hy sinh, Đại đội trưởng Thu Hiền bị thương nặng.

Đơn vị chị nhiều lần vào vùng giáp ranh với địch để vận chuyển vũ khí, đạn dược, thương binh rồi lại trở ra với những cung đường, bến phà. Và lần truy điệu thứ ba cho Đại đội trưởng Thu Hiền được diễn ra gần phà Quán Hàu. Khi ấy, đại đội tổ chức cải tạo đoạn đường từ sân bay Đồng Hới đến phà Quán Hàu, đã gặp phải những quả bom tấn. Một mình Thu Hiền đã tự tay xử lý những quả bom ấy.

Cuộc sống bình dị

Ngoài 60 tuổi, chị nay đã trở thành bà nội, nhưng nét xinh đẹp, thông minh, rắn rỏi một thời vẫn còn đó. Chị đang sống cùng chồng, con và cháu trong căn nhà nhỏ ở ngõ số 8, đường Hồng Bàng, phường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đất nước thống nhất, chị Hiền trở về với thương tật 3/4, còn một mảnh đạn vẫn nằm trong đầu chị. Lúc ấy, chị chưa đầy 30 tuổi, là một cán bộ đoàn có năng lực, đầy triển vọng. Chị đã làm ủy viên Ban Chấp hành tỉnh đoàn Quảng Bình, Bí thư Đoàn cơ sở Sở Giao thông, được đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III và đã trúng vào ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Lúc đó, tỉnh Quảng Bình giữ chị lại tiếp tục tham gia công tác nhưng nguyện vọng tha thiết của chị là được trở về quê hương.

Những ngày đầu trở về với trăm ngàn khó khăn, tình yêu giữa chị và một chàng trai cùng xã cũng trở về sau chiến tranh nảy nở. Họ từng gặp nhau trong những ngày lửa đạn ở Trường Sơn. Họ nhận ra nhau và quyết định gắn cuộc đời với nhau. Vì công việc, sau khi cưới không được lâu, anh Hoàng Văn Cự, chồng chị lại phải nhanh chóng khoác ba lô vào đơn vị làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam. Họ có ba người con. Tuy cuộc sống còn trăm bề khó khăn, cực nhọc nhưng một mình chị tần tảo làm việc nước, thu vén việc nhà, nuôi con cho đến năm 1982 thì anh Cự về nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

Cuối năm 2007, chị Hiền đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhớ về đồng đội

Chị kể: “Thật không thể ngờ, khi tui đến ngôi mộ nằm ở cuối hàng góc phía đông của nghĩa trang xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, dòng chữ ghi tên Trần Tử Quế hiện lên mà mắt tôi nhòa đi. Tui gọi không ra tiếng, những đồng đội trong đoàn cùng khóc. “Vậy là bao năm nay mày nằm đây à Quế?”. Đó là năm 1997 chú ạ”. Chị đã tìm thấy mộ đồng đội của mình trong một lần đoàn thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An đi thắp hương tại các nghĩa trang tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Tuy phần mộ đã được quy tập về nghĩa trang nhưng Trần Tử Quế vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Vẫn xông xáo như ngày nào, chị đã cùng gia đình của đồng đội đến các cơ quan, từng cá nhân có liên quan làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho đồng đội. Sau 5 lần vào tỉnh Quảng Bình, năm 2005, Trần Tử Quế đã được công nhận là liệt sĩ.

Khi chiến tranh kết thúc, cả Đại đội 202 của Đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền hầu hết đều bị thương, nhưng có 10 đồng chí (trong đó có 2 đồng chí tăng cường từ đơn vị khác tới) đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Điều làm chị đau đáu nhất là trong số ấy chỉ có 3 người chết thi thể còn nguyên vẹn và tìm thấy phần mộ. Còn lại tất cả khi trúng bom hy sinh, người được nhiều thì còn khúc xương, khúc ruột... Trong số ấy, cá biệt còn chị Nguyễn Thị Liên vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

 “Đồng đội hy sinh ai cũng thương, cũng đau xót, nhưng với bản thân tui thì thấy ân hận nhất là trường hợp hy sinh của Đinh Văn Bỉnh. Người hắn nhỏ lắm. Thấp, hơi yếu, nhưng hăng hái. Mỗi lần không được cấp trên cho tham gia vào các chuyến vận chuyển hàng là hắn lại ngồi khóc. Lần ấy, vì tính chất nguy hiểm, nặng nề của nhiệm vụ mà tui đã ra lệnh cho Bỉnh không được tham gia. Hắn chẳng nói chi, ngồi thừ một mình. Khi đại đội đi được nửa đường vận chuyển, trong khi kiểm tra đội hình đến cuối hàng thì tui phát hiện hắn. Và hắn thì nhe răng cười... Hàng được vận chuyển và bàn giao an toàn nhưng thật không may khi trở về, đại đội bị trúng bom, Bỉnh hy sinh... Giá như lần ấy tui cương quyết hơn....”. Kể đến đây thì chị bật khóc - “Nhà hắn hoàn cảnh lắm, là con một, cha mẹ mất sớm phải ở với dì...”.

 “Đến bây giõ, tôi vẫn ân hận rằng mình không đủ sức khỏe để đi tìm hết phần mộ của những đồng đội đã hy sinh và đi thăm những người còn sống....” -chị Hiền nói tiếp. Sức khỏe ngày một yếu đi, mảnh đạn còn nằm trong đầu mỗi khi trái gió là nó lại hành chị nhưng chị vẫn cố đến thăm từng người: Chị Thanh (phường Hà Huy Tập), Nguyễn Thị Nhượng (phường Quán Hàu), Đặng Thị Mãi (phường Lê Lợi), Tôn Thị Viện ở Hưng Đạo, Hưng Nguyên... Nếu có thể giúp được gì là chị không ngần ngại, cho dù đó là vật chất hay tinh thần. “Tui vẫn thương con Viện. Hắn cưới được 4 ngày thì chồng lên đường vào Nam và chẳng bao giờ trở về nữa. ở vậy đến giờ thờ chồng một mình, làm việc nước. Còn con Nhường thì thương hơn, không có khả năng sinh con nên sống độc thân một mình trong tình trạng sức khỏe, tâm lý không tốt lắm...” -chị kể về những người đồng đội của mình.

Vũ Hạnh