QĐND - Theo phản ảnh của người dân, Nhà máy sản xuất gỗ dăm thuộc Công ty Cổ phần Lâm sản Đắc Lắc (tại tổ dân phố số 6, phường Xuân Khánh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) thường xuyên hoạt động từ khoảng 21 giờ trở đi để che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường. Để xác minh nguồn tin, đêm 26-10-2014, nhóm phóng viên đã "đột nhập" nhà máy và tận mắt chứng kiến việc sản xuất gỗ dăm ở đây đã và đang gây ô nhiễm môi trường.

Tại phân xưởng sản xuất, chúng tôi bắt gặp ba công nhân đang vận hành máy nghiền bột dăm, trong xưởng bụi bay mù như sương, khói đen "vô tư" xả thải ra môi trường. Tìm hiểu, chúng tôi giật mình khi biết được, nhà máy này được xây dựng khá sơ sài, với tường bao chỉ cao hơn 1,5m, mái lợp tôn. Khi vận hành máy nghiền gỗ, trong xưởng không hề thực hiện biện pháp xử lý bụi như hệ thống phun nước (phun sương), hút bụi... Chỉ chừng hơn 10 phút tác nghiệp trong xưởng nghiền gỗ mà chúng tôi đã cảm thấy nghẹt thở, quần áo ai cũng dính đầy bụi gỗ. Tình trạng ô nhiễm bụi nơi đây đã ở mức nghiêm trọng. Khắp nơi, chỗ nào cũng ngập trong bụi gỗ. Bụi gỗ đọng dày trên mái tôn. Không chỉ gây ô nhiễm trong khu vực nhà xưởng, mà khói bụi còn ảnh hưởng đến khu vực dân cư, nhất là thầy và trò Trường THPT Lê Duẩn ở ngay cạnh nhà máy. Nhưng nguy hại hơn cả là tình trạng ô nhiễm hóa chất. Trong quá trình sản xuất, những người công nhân của nhà máy đã sử dụng keo ure formaldehyde trộn với bột dăm, sau đó cho lên bàn khuôn và đưa vào lò ép. Tại khu vực lò ép gỗ của nhà máy không hề có biện pháp gì để xử lý khí hóa chất thoát ra. Chính vì vậy, khi gặp hơi nóng thì chất formaldehyde sẽ có phản ứng hóa học, tạo ra khói có mùi cay, khiến những người hít phải bị chảy nước mắt, nước mũi. Hàm lượng tồn dư formaldehyde trong không khí càng lớn thì hiện tượng cay mắt, mũi càng rõ. Theo các chuyên gia y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có tồn dư formaldehyde trong thời gian dài rất dễ bị ung thư đường hô hấp và nhiều khả năng vô sinh.

Nhà máy xả thẳng khói, bụi, khí độc ra môi trường.

Ông Nguyễn Công Trường, Giám đốc nhà máy, thừa nhận: “Nhà máy hiện có hơn 30 công nhân làm việc, nguyên liệu chủ yếu là gỗ rừng trồng. Mặc dù nhà máy đã xây dựng hai hộc chứa bụi nhưng việc sản xuất gỗ dăm vẫn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn”.

Tiếp xúc với một số người dân, bà con rất bức xúc về tình trạng nhà máy sản xuất gỗ ép này gây ô nhiễm môi trường. Ông Trần Văn Thịnh, nhân viên bảo vệ Trường THPT Lê Duẩn, phản ảnh: “Trường học cách nhà máy sản xuất gỗ không xa, vì vậy thường xuyên chịu ảnh hưởng bụi, khói và mùi hóa chất. Nhiều hôm gió thổi khiến bụi gỗ phủ quanh tường các phòng học; đồng thời, mùi hóa chất bay ra, gây chảy nước mắt, nước mũi cả thầy và trò. Có hôm, học sinh không thể học thể dục ngoài sân bởi mùi hóa chất nồng nặc”. Được biết trước đây, ông Thịnh có gần một năm làm công nhân ở nhà máy này, nhưng thấy môi trường lao động quá độc hại nên xin nghỉ. Bà Nguyễn Thị Mạnh, nguyên là công nhân nhà máy đã nghỉ mất sức, cho biết: Tổ dân phố số 6 có hơn 30 hộ đang phải sử dụng nước giếng cho sinh hoạt, qua xét nghiệm của cơ quan chuyên môn cho thấy, tất cả các giếng đều bị nhiễm hóa chất, không thể sử dụng được.

Tình trạng ô nhiễm tại Nhà máy sản xuất gỗ dăm của Công ty Cổ phần Lâm sản Đắc Lắc đã và đang ở mức báo động; từng ngày, từng giờ tác động xấu đến sức khỏe của người dân trên địa bàn. Dư luận xã hội ở địa phương đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc sớm vào cuộc, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phải thu hồi giấy phép sản xuất, kinh doanh, nhằm bảo đảm môi trường trong sạch cho khu dân cư và các trường học trên địa bàn.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH