QĐND - Người dân vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai) chắc không bao giờ quên được cơn lũ quét lịch sử do Thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ đập gây ra đầu tháng 6-2013 vừa qua. Gần 30 cây số vuông vùng hạ lưu suối Đôi bị ngập chìm trong biển nước. Hàng trăm người dân bị cô lập. 30 người bị mắc kẹt trên các thân cây, đỉnh núi... đã được bộ đội Đồn Biên phòng 721, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Gia Lai, kịp thời ứng cứu.

Niềm vui ngày gặp lại.

Những người thoát chết trong gang tấc

Chỉ 140km từ thành phố Plei-cu lên “tâm lũ” Ia Krêl nhưng chúng tôi cũng phải mất gần 4 giờ vật lộn với con đường đất đỏ, trơn trượt. Đứng trên đỉnh núi “đầu con gà” cách Đội 20 của Công ty 72 chừng 300m, chúng tôi thấy những cánh rừng cao su, những rẫy mì và hàng trăm cây điều bị nước lũ vùi lấp, xói bật gốc, cây lá nhuộm bùn đỏ xơ xác. Tại “tâm lũ” chúng tôi đã gặp những người như mới được hồi sinh. Đại úy Nguyễn Văn Thành, Đội phó Đội công trình của Công ty 711 (Binh đoàn 15) kể: Đội đang thi công cầu treo qua suối Đôi, sáng hôm đó ngủ dậy, rừng núi rất thanh bình, sương nhẹ giăng đưa làm cho con suối đã đẹp lại càng gần gũi, thân thiện hơn. Bỗng nhiên, sóng nước đổ ầm ầm, cây cối chao đảo, nghiêng ngả trôi theo dòng nước... 14 anh em nhanh chân chạy lên đỉnh núi cao gần đó, còn hai công nhân chỉ kịp leo lên mái nhà rồi trèo lên một ngọn cây sung để trốn lũ. Chỉ 15 phút sau, ngôi nhà cùng tất cả các phương tiện, đồ dùng sinh hoạt của anh em đã bị nước lũ cuốn trôi. Quang cảnh lúc đó trông cứ như trận sóng thần có một không hai ở Nhật Bản năm nào…

Vừa ra phố huyện Đức Cơ mua về mấy bộ quần áo và một số đồ dùng thiết yếu để thay thế cho những gì mà cơn lũ Ia Krêl đã mang đi, Trịnh Đình Đoàn bộc bạch cùng chúng tôi: “Hôm đó, nước lũ dâng lên nhanh quá lại cuộn chảy rất hung hãn. Trên đường đi “giặc nước” không tha một thứ gì, từ những tảng đá to, đến cây cối, cầu cống, nhà cửa… Em và Phạm Quang Vinh vừa chạy ra đến cửa nhà, thì nước đã tràn vào cao hơn một mét, thế là hai đứa trèo lên mái nhà, rồi trèo tiếp lên ngọn cây sung gần suối Đôi. Vừa bám vào thân cây cũng là lúc ngôi nhà sập xuống và bị nước lũ cuốn trôi. Lúc cây sung sắp bị ngập, khi cuộc sống của bọn em còn lại chỉ tính từng phút lắc lư trên ngọn cây cũng là lúc em cùng Vinh được các anh Bộ đội Biên phòng đồn 721 đến cứu. Đưa hai đứa em lên bờ an toàn, các anh lại lao đi giúp dân và cứu người nơi khác…”.

Chị Huỳnh Thị Lan và chị Đào Thị Thủy, quê ở Bình Định, bị dòng nước cuốn khi đang làm cỏ mì ở làng Bi, kể: Sáng hôm đó, các chị chưa kịp ăn sáng để đi làm, nước lũ từ phía đầu nguồn suối Đôi đã ầm ầm như thác lao tới. Mới chạy được chục mét cơn lũ dữ đã cuốn phăng hai chị, cây cối, đất đá đánh đập tới tấp vào người. Chị Lan đuối sức vì đói, lạnh và đau. Chị Thủy cố nắm tay, dìu bạn đi. Khi cả hai mong manh như những chiếc lá tre trong thác nước thì được Bộ đội Biên phòng phát hiện và bơi ra cứu sống. Hàng chục cuộc điện thoại từ quê hương, gia đình lo lắng gọi lên, hai chị trả lời trong nước mắt: “Tôi đã được các chú Bộ đội Biên phòng cứu sống rồi. Một hai ngày nữa thu dọn xong tôi sẽ về…”.

Sau cơn lũ, chị Rơ Ma Brel cõng trên lưng cháu nhỏ Rơ Man Trí cùng chồng là anh Pui Ơnh (ở làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), đến Đồn Biên phòng 721 để xin được “kết nghĩa anh em”. Chị Brel tâm sự: Người Gia Rai mình ở đây từ xưa đến nay chưa bao giờ có chuyện nước lũ dâng cao và tàn phá thế này… Bị nước cuốn trôi, chồng mình phải trèo lên ngọn cây, lấy quần áo buộc thân mình vào thân cây, bởi nó nghĩ “Nước lũ làm cho cây ngã, có chết thì vợ con và dân làng cũng tìm được cái xác…”. Khi cuộc sống trao hết cho Yang (thần), thì rất may được các chú Bộ đội Cụ Hồ bơi ra cứu sống. Không những cứu được chồng mà còn cứu được mình và 3 con nhỏ trong một cái chòi giữa dòng lũ. Hôm nay, vợ chồng mình đến là để tạ ơn bộ đội và cũng xin mấy chú cho phép gia đình mình kết nghĩa anh em. Ai lớn làm anh, ai nhỏ làm em cứ như trong một nhà…”.

Cứu người là mệnh lệnh của trái tim

Trao đổi với chúng tôi về chuyện cứu người mắc kẹt trên ngọn cây trong cơn lũ quét vừa qua, Đại úy Phương Hồng Tuyên, Đồn phó nghiệp vụ cho biết: “Đến nay, cái chúng tôi có được và rất tự hào đó tình quân dân nơi biên giới. Lúc vui bà con nhớ đến bộ đội đã là tốt, nhưng khi khó khăn, nguy hiểm người dân địa phương cũng nhớ về bộ đội, trông chờ, hy vọng mới là vốn quý. Biết được lũ dữ đang về rất nguy hiểm, chúng tôi đã nhanh chóng trao đổi, thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy rồi phân công: Thượng úy Nguyễn Văn Quang, Chính trị viên phó đồn dẫn 5 đồng nghiệp cấp tốc lên đường theo hướng 661. Còn tôi cũng cấp tốc cùng 5 cán bộ, chiến sĩ mang theo áo phao, dây kéo… đi về hướng Đội 20 của Công ty 72 (Binh đoàn 15).

Chiếc cầu sắt bắc qua suối Đôi đã bị nước lũ cuốn trôi về phía hạ lưu, chỉ còn hai mống cầu hai bên chống chọi với giặc nước. Cách đó chừng 40m, một ngôi nhà nép mình bên cây sung đã bị trôi, trên ngọn cây có hai công nhân đang vẫy tay kêu cứu. Nước lũ quá hung hãn, sức người thì có hạn, chỉ cần sẩy chân thì mọi chuyện coi như đã hết... Biết nguy hiểm là vậy, nhưng chỉ cần chậm một chút thì tính mạng hai người trên cây cũng khó mà an toàn. Thế là Tuyên cùng Kiên, Đảm, Trọng và Thảo đã cột dây, đu theo đoạn dây căng như sợi dây đàn, nhích dần từng mét, từng phút để băng mình qua suối Đôi, qua dòng lũ cuộn đổ, cứu được Trịnh Đình Đoàn và Phạm Quang Vinh (công nhân Công ty 711).

Cũng tâm trạng mừng vui, hạnh phúc khi đã cùng đồng đội tham gia tiếp sức đưa người dân trong vùng lũ lên nơi an toàn, đặc biệt là đã giải cứu được những người mắc kẹt trên các ngọn cây do nước lũ dâng cao, bao vây, chia cắt, Thượng úy Nguyễn Văn Quang, Chính trị viên phó đồn 721 tiếp lời: Cách rẫy mì chừng 300m, trong dòng lũ chảy xiết, chúng tôi đã thấy anh Ơnh trên một ngọn cây. Cạnh đó, trong một cái chòi cũng có ba bốn người kêu cứu. Không chậm trễ, tôi đã cùng với đồng đội dùng phao cứu sinh, dây kéo, xuôi theo dòng nước, bơi ra...”.

Vật lộn trong dòng lũ hung dữ để cứu người, không may Quang bị một khúc cây tông vào mạn sườn rất đau, rồi cái đói, cái lạnh kéo đến, người mệt lả trong nước. Biết Quang đau, Thiếu úy Cao Bá Giá nói: “Mệt rồi, anh vào bờ nghỉ đôi chút, để bọn em bơi ra chòi canh và bụi tre kia cứu những người còn lại”. Nhưng Quang vẫn cố gắng bơi đi vừa cứu người vừa động viên anh em cố gắng cứu bà con bằng mọi cách. Thấy người dân đang “trói mình”, co ro đói, lạnh và lo lắng trên thân cây, không biết bị lũ cuốn chết khi nào, Quang cùng Kỳ, Quí, Siu, Vinh và Giá len lỏi trong dòng lũ dùng dây và áo phao tiếp cận đến gốc cây cứu họ. Đưa được anh Ơnh, chị Thủy, chị Lan vào bờ cũng là lúc anh em nằm lả đi vì lạnh, đói và mệt… Rất may có đồng đội đến tiếp sức.

Trong lũ dữ, trong gian khổ hy sinh… trong những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, màu áo xanh bình dị của các anh bộ đội đã trở thành hình ảnh quá đỗi thân thuộc, là chỗ dựa, niềm tin và sự hy vọng của nhân dân.

Bài và ảnh: TRIỆU AN