QĐND - Trang Câu lạc bộ chiến sĩ trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có một thời gian dài thiếu vắng mảng tranh vui chiến sĩ thì một ngày nọ, từ email của báo bỗng xuất hiện một cái tên Duy Liên mới tinh, kèm theo chùm tranh cứng cỏi, có nghề! Như khát nước gặp mưa rào, tôi - người “chủ xị” trang, hồi âm ngay và hẹn họa sĩ đến chơi. Ít lâu sau, ngoài mong đợi của tôi, anh đến mang theo một chùm tranh và hơn thế, còn đưa theo một họa sĩ nữa, cũng chuyên vẽ tranh vui về bộ đội!

Hoạ sĩ Duy Liên từng là bộ đội… một tháng. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Toán, anh xung phong lên Định Hóa, Thái Nguyên dạy học được 8 năm thì có đợt tuyển quân. "Anh giáo" Duy Liên dẫu sức khỏe yếu, trói gà không chặt cũng hăng hái xung phong nhập ngũ, được biên chế vào một đơn vị thuộc Sư đoàn B04, huấn luyện ở Phổ Yên. Khổ nỗi, sức yếu nên mới mưa nắng thao trường được ít ngày thì anh lăn đùng ra ốm, lại thêm chứng huyết áp cao, đành trở về dạy học. Những lúc rảnh rỗi, Duy Liên thường hí hoáy vẽ tranh châm biếm, cộng tác với các báo. Tài lẻ này anh có được từ thời sinh viên. Năm 1966, Duy Liên đã có tranh trên các báo Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong, Người giáo viên nhân dân, Phụ nữ, Sức khoẻ và Đời sống… Những năm thời bao cấp, có một chuyện vui mà Duy Liên vẫn nhớ mãi. Nhà nghèo, đông con, sau giờ dạy, anh tìm mọi cách xoay xở vì sinh kế. Có lần, họa sĩ nghèo mò vào một xã ở Định Hóa mua chè mang về xuôi bán. Đang hí hửng mang về thì bị… lực lượng quản lý thị trường kiểm tra. Duy Liên mặt tái mét, co ro trình bày mình là thầy giáo, nói rõ họ tên. Anh cán bộ nghe tên, hỏi có phải anh hay vẽ tranh lên báo không. Duy Liên gật. Nào ngờ, anh ta nói, nửa đùa nửa thật: “Thôi thầy về đi! Để thầy về chứ không nay mai thầy lại vẽ tranh phê bình bọn em thì chết!”.

Vẽ được nhiều tranh, đăng nhiều báo khác nhau nhưng kỷ niệm về cuộc đời quân ngũ “một tháng” như vẫn ám ảnh Duy Liên. Anh rất yêu cuộc đời quân ngũ, ngày ấy báo chí rất hiếm nhưng anh thi thoảng vẫn lùng tìm cho được Báo Quân đội nhân dân. Xem báo, anh rất khoái và mê nét vẽ biếm họa của họa sĩ Nguyễn Nghiêm. Nghĩ vậy, nhưng chưa bén duyên, anh từng gửi hàng chục bức tranh, nhưng chưa bức nào được đăng lên Báo Quân đội nhân dân.

Họa sĩ Duy Liên (trái) trao đổi với biên tập viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về chùm tranh vui vừa được đăng. Ảnh: Vũ Quang Thái

Mải mê với mưu sinh đời thường, có lúc Duy Liên phải buông cây cọ để giúp vợ làm thêm, nuôi con ăn học. Anh từng là người “xếp đầu bảng” ở trường về tổng số tiền nợ vay ngân hàng để nuôi 3 con học đại học. Vì thế, đã có tới 20 năm liền Duy Liên không vẽ tranh. Bù lại, các con của anh đều thành đạt. Trong đó, cậu con trai Đỗ Mạnh Tuấn đã tốt nghiệp Đại học Xây dựng, đầu quân cho Công ty Tư vấn Thiết kế các công trình hàng không (DACC), nay là Phó giám đốc Xí nghiệp Tư vấn Thiết kế sân bay 2, mang quân hàm thượng úy.

Năm 2004, Duy Liên nghỉ hưu, các con trưởng thành nên nỗi nhớ cây cọ lại trỗi dậy trong anh. Lúc này, anh thường xuyên về thăm gia đình các em ở Hà Nội, gần tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 2009, mảng đề tài tranh vui về bộ đội bắt đầu xuất hiện trở lại trên báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, tuy còn thi thoảng nhưng khiến Duy Liên rất chú ý. Nhớ lại kỷ niệm năm xưa từng gửi hàng chục tranh nhưng chưa được đăng, Duy Liên không nản chí, vẫn kiên trì vẽ tranh gửi về tòa soạn. Không những thế, anh còn khá “hiện đại” và công phu: Tranh vẽ ra, anh cho quét trên máy scan rồi gửi thẳng tới email tòa soạn, rất tiện lợi cho người biên tập.

Chùm tranh đầu tiên, Duy Liên gửi đến qua email tòa soạn gồm 5 tranh khác nhau về các đề tài giá cả, tham nhũng, môi trường… cũng khá ấn tượng. Tôi đã chọn đăng 3 trong số 5 tranh ấy. Tuy nhiên, biên tập Trang Câu lạc bộ chiến sĩ đã mấy năm, còn có một điều khiến tôi trăn trở và cũng là điều mà các cán bộ lãnh đạo của báo từng phụ trách Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần như Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Đại tá Hồ Quang Lợi, Đại tá Hồ Anh Thắng… thường nhắc nhở. Đó là phải tăng “chất chiến sĩ”, tăng mảng đề tài về người lính trong trang. Vì vậy, tôi đã gọi điện cho các họa sĩ thường xuyên cộng tác mảng tranh vui, tranh châm biếm như Lê Viết Trí, Duy Liên, Phạm Quang Huynh… để “đặt hàng” các anh chuyên vẽ về mảng đề tài này. Các họa sĩ đều tán thành, trong đó, Duy Liên là người tích cực, hăng hái nhất. Sau đó, anh liên tiếp sáng tác nhiều chùm tranh vui ấn tượng như: Câu lạc bộ chiến sĩ, Bộ đội Đặc công, bộ đội với Tết thiếu nhi…Chỉ mới qua bộ đội… một tháng nên Duy Liên chưa hiểu nhiều về các quân, binh chủng trong quân đội. Vậy mà, chỉ qua một vài cuốn sách tôi gửi tặng hay qua kể lại, xem thông tin trên internet, anh đã vẽ được nhiều chùm tranh thú vị về Bộ đội Tăng-Thiết giáp, Không quân, Bộ binh. Có lần, dù chưa một lần đến đường tuần tra biên giới, nhưng qua lời kể của chúng tôi, anh đã cho ra đời chùm tranh đầy hấp dẫn với bức tranh anh lính nuôi quân đi từ đường ra chợ mua trứng về nấu cháo cho bộ đội bị ốm, nhưng đường rừng quá xa xôi và hiểm trở, về tới nơi thì trứng đã nở thành gà con hết…

Không chỉ nhiệt tình vẽ tranh, Duy Liên còn chủ động mời người bạn thân của anh, họa sĩ Tín Nhượng cộng tác tích cực với chúng tôi. Dù nhuận bút của báo còn thấp so với hàng chục tờ báo mà các anh đang cộng tác nhưng Duy Liên và Tín Nhượng vẫn luôn dành tìm cảm đặc biệt cho Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Những dịp kỷ niệm ngày truyền thống của các đơn vị, theo “đặt hàng” của chúng tôi, các anh đều có ngay những chùm tranh vui động viên bộ đội.  Nguyện vọng lớn nhất của Duy Liên và nhóm “hoạ sĩ cười” là có được những chuyến đi thực tế, tới các đơn vị quân đội, để có nhiều tranh vui đậm tính chiến sĩ hơn, khiến chiến sĩ ta cười nhiều hơn, cười… khỏe hơn! Còn chúng tôi, nhắc đến Duy Liên, chúng tôi biết ơn anh vì nhờ anh, Trang Câu lạc bộ chiến sĩ “cuối cùng cũng có các “cây cọ cười”, mà lại là các cây cọ chuyên về cười… chiến sĩ”!

Nguyễn Văn Minh