QĐND - Mặt trời gác trên đỉnh A Tin, đám trẻ nô nức chạy về sân bản, qua lại ngó nghiêng chiếc máy chiếu lạ lẫm. Bà con Cơ Tu, Tà Ôi kháo nhau hôm nay có “ti vi lớn” về bản nên phải rời nương sớm hơn. Mang lại niềm vui ấy, những chiến sĩ đội chiếu phim lưu động thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn thầm lặng vượt đèo, lội suối, đưa ánh sáng văn hóa về với các thôn bản vùng sâu…
Cơ duyên thật may, ngày đầu tôi vào Huế công tác được tin có đội chiếu phim lưu động ngược bản phục vụ bà con. Không chần chừ, tôi theo chiếc xe của đội chiếu phim về huyện A Lưới. Ngồi trên xe, Đại úy Trần Tình, người có hơn 25 năm trong nghề chiếu phim như muốn chia sẻ với tôi đủ thứ. Quãng đường hơn 70km ngược thôn A Tin, A Đớt không đủ để anh kể hết những kỷ niệm sâu sắc trong đời chiếu phim lưu động của mình. Nhưng câu chuyện trên chặng đường ngắn ấy, tôi cũng đủ hình dung một công việc thầm lặng, cực nhọc của những người đưa ánh sáng văn hóa về vùng sâu. Còn 15km nữa là đến trung tâm huyện A Lưới, chiếc xe ỳ ạch, lắc điên đảo. Đưa mắt ra ngoài cửa xe là vực sâu thăm thẳm, là núi đá sừng sững như đang muốn đổ ập xuống trước mặt. Thượng úy Nguyễn Xuân Bình lái xe, kiêm kỹ thuật máy nổ chia sẻ: Dự án làm mới đường vào huyện A Lưới cũng mất 5 năm nữa mới xong anh ạ. Những vách núi bị băm bổ, ngổn ngang, mặt đường nham nhở, ổ gà, ổ voi... Nếu không phải là tay lái lâu năm trên đường rừng, thì chẳng dám cầm vô lăng trên con đường này. Vậy mà như duyên nợ, mỗi lần có phim mới, có kế hoạch phục vụ chiến sĩ và bà con dân bản, anh em trong đội đều háo hức lên đường.
 |
Đội chiếu phim làm công tác chuẩn bị, thông báo mời bà con thôn A Tin, A Đớt tới xem.
|
Hành quân từ trưa, nhưng đến lúc mặt trời gác núi, đội mới có mặt tại thôn A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới. Những thùng sắt đựng đồ nghề, những dây rợ, bạt mưa lần lượt được chuyển xuống. Người ráp máy, người dựng phông, người khẩn trương mở loa thông báo chương trình phim, mời bà con đến xem. Được loa truyền tin vang khắp núi rừng, bà con hôm nay bỏ rẫy về sớm hơn, những đứa trẻ chạy ra đầu bản đón phim bộ đội. Chiếu xong 2 tập phim tài liệu, 1 bộ phim truyện và thu dọn đồ đạc thì cũng đến 11 giờ đêm. Thiếu úy Lê Quang Đạo, người từng đặt chân đến nhiều thôn bản chiếu phim phục vụ bà con chia sẻ: Nhiều đêm phim hay, trời mưa nặng hạt, bà con vẫn đội mưa đứng xem đến hết phim mới chịu về. Có người xem là phục vụ, bao nhiêu áo mưa, vải bạt phải tập trung bảo vệ máy, anh em trong đội lại dầm mưa đứng phục vụ bà con là chuyện thường.
Mở đầu là chương trình phim tài liệu thường có nội dung về lịch sử, về xóa đói giảm nghèo, phòng, chống buôn bán ma túy, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam... Chương trình phim truyện thì bà con rất thích các phim về đề tài chiến tranh cách mạng như: “Biệt động Sài Gòn”, “Đừng đốt”, “Dòng máu anh hùng”, “Đường thư”… Bạn trẻ Hồ Thị Hương, thôn A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới phấn khởi cho biết: “Mỗi lần bộ đội về chiếu phim, cả thôn em vui như hội. Những bộ phim bộ đội chiếu giúp bà con hiểu thêm về cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, biết và cảnh giác với tội phạm như nạn buôn người, buôn bán ma túy… Bà con biết ơn bộ đội nhiều lắm!”.
 |
Đông đảo bà con say sưa xem phim.
|
Điều đọng lại sau mỗi chuyến đi không phải là nỗi vất vả, khó nhọc mà là tình cảm bà con dành cho đội. Hơn một phần tư thế kỷ gắn bó với nhiệm vụ, chắc chắn không ai hiểu công việc này như Đại úy Trần Tình, Đội trưởng. Đôi tay đã thuộc làu những chốt mở, con quay, đôi chân đã đặt lên khắp mỗi thôn bản, đường sá, sông suối. Anh Tình tâm sự: “Cực nhất là những thập niên trước, nhiều bản chưa có đường, anh em phải khiêng máy 5, 7 cây số, đi lại mất cả tuần để chiếu một vài tập phim. Những lúc xe cộ, máy móc hư hỏng, ăn rừng, ngủ bụi là chuyện thường. Tuy nhiên, đằng sau sự vất vả ấy có nguồn động viên, đùm bọc của bà con dân bản là niềm vui của chúng tôi. Nhiều thôn, bản được tin có “ti vi lớn” bộ đội về, già trẻ, trai gái ra đón từ đầu bản, chờ đợi để được giúp bộ đội. Hay những giọt nước mắt xúc động khi xem phim, những nải chuối, bắp ngô dành tặng bộ đội. Tình cảm ấy khiến anh em rất xúc động và nguyện gắn bó với nghề”.
Hiện nay, bình quân mỗi tháng, đội phục vụ hơn 10 điểm chiếu tại địa bàn các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Đại học Huế… thu hút hơn 7000 lượt người xem. Ngoài bà con, cán bộ, chiến sĩ vùng sâu còn có học sinh, sinh viên, bà con nhân dân ở đồng bằng, thành thị. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, Đội chiếu phim lưu động đã phục vụ bà con nhân dân và bộ đội gần 1.200 buổi chiếu. Gắn bó với nhiệm vụ, đêm nào cũng thế, chiếu xong phim, thu dọn đồ nghề về đến nhà có sớm cũng phải 1 đến 2 giờ sáng. Sáng ra thức dậy, các anh vẫn có mặt tại đơn vị đúng giờ và chuẩn bị cho những chuyến đi mới.
Đêm ở thôn A Tin, A Đớt hôm chúng tôi về thật may mắn, trời chiều lòng người, ô tô vào được tận nơi. Chương trình phim kết thúc đã hơn 11 giờ đêm, Thượng úy Nguyễn Xuân Bình đã sẵn sàng xe, đưa đội đến thôn 7, xã Hồng Thủy, kịp chuẩn bị cho buổi chiếu hôm sau. Bình cho biết: “Đường miền núi khô lúc nào biết lúc đấy, nếu chẳng may trời đổ mưa thì khó có đường ra anh ạ!”. Trời đêm nơi biên cương, bà con đã chìm sâu vào giấc ngủ, đó cũng là lúc anh em trong đội thầm lặng băng rừng, qua suối để đêm hôm sau mang chiếc “ti vi lớn” kịp phục vụ dân bản.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH