QĐND - Sau hơn 25 năm tìm hiểu Việt Nam, khi trở về nước, A-lếch-xăng Đờ Rốt đã đưa ra nhận định: “Ở đây có một chỗ cần chiếm lấy và đặt cơ sở, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú tiền lời và của cải”(1).
 |
Côn Đảo dưới thời Mỹ chiếm đóng. Ảnh tư liệu
|
“Chỗ cần chiếm lấy” ấy chính là Côn Đảo. Cũng từ đây, Côn Đảo được các thế lực phương Tây, đặc biệt là người Pháp quan tâm nhiều hơn. Các cuộc thăm dò sau đó không chỉ đơn thuần là tìm hiểu tiềm năng buôn bán và truyền đạo, mà còn nhằm phục vụ những tham vọng chính trị sâu xa hơn.
Trên thực tế, không phải đợi đến khi A-lếch-xăng Đờ Rốt công bố kết quả khảo sát của mình về đảo Côn Lôn (Côn Đảo trước thế kỷ 20) thì nơi này mới được biết đến và trở thành mối quan tâm chiến lược của phương Tây. Trước đó, quần đảo này đã được nhiều nhà du hành, giáo sĩ, thương nhân biết đến, từng bị rơi vào tầm ngắm của một số thế lực tham vọng và từng vài lần bị xâm chiếm.
Theo J.C Đê-ma-ri-ô, một học giả thuộc Hiệp hội nghiên cứu Đông Dương-người đã nhiều năm nghiên cứu về lịch sử phát triển của đảo Côn Lôn phán đoán thì: Người Tây Ban Nha là người Âu đầu tiên đặt chân lên quần đảo hồi đầu thế kỷ 16 bởi trong thời gian chiếm đóng của người Pháp, người ta tìm thấy những đồng tiền in hình Charles-Quint niên hiệu 151(2). Tuy nhiên trước đó, năm 1292, nhà thám hiểm người I-ta-li-a nổi tiếng - Mác-cô Pô-lô đã đặt chân đến nơi này và coi đây như một trạm dừng chân trong hành trình từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây(3).
Năm 1687, nhà thám hiểm người Anh Uy-li-am Đam-pia đã dừng chân tại Côn Lôn. Tại đây, ông nhận thấy: “Các đảo nằm rất thuận lợi trên đường đến và đi từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ma-ni-la, Đàng Ngoài (Tonquiin), Đàng Trong (Cochinchina) và nói chung mọi vùng bờ biển cực Đông của lục địa Ấn Độ dù bạn đi qua vịnh Ma-lắc-ca hay vịnh Xun-đa giữa Xu-ma-tra và Gia-va. Qua một trong những đường này, bạn phải qua một đường chung từ châu Âu hay các xứ khác của Đông Ấn, trừ phi bạn muốn đi vòng lớn đại lục Ấn Độ như chúng tôi đã đi. Bất kỳ tàu thuyền nguy khốn nào có thể được tái tiếp tế và bổ sung tại đây một cách thuận tiện”. Đam-pia còn cho biết thêm: “Nó cũng có thể là một địa điểm thuận tiện để dẫn đường cho một công cuộc thương mại với nước láng giềng của Đàng Trong, các đồn lính có thể được xây dựng để bảo toàn cho một cơ xưởng, đặc biệt tại bến tàu, với khả năng có thể được củng cố một cách hoàn hảo”. Đam-pia còn kẹp một bản đồ Côn Lôn vào tập tường trình của mình vì ông cho rằng, địa dư của nó ít được biết đến(4).
Việc Công ty Đông Ấn của Anh (Honorable East Indian Company) đặt chân đến đảo Côn Lôn năm 1702 và xây dựng ở đây một thương điếm được ghi lại trong báo cáo của nhân viên Hãng Pháp-Ấn - Vê-rét. Ông này chính là người khuyên người Pháp nên chiếm đóng Côn Lôn, bởi đây là “điểm trung chuyển quan trọng đối với các tàu của Trung Hoa, Bắc Kỳ, Ma Cao, Ma-ni-la, Gia-va”.
Côn Lôn đặc biệt thu hút sự quan tâm của người Anh, họ cố gắng thiết lập quan hệ với người dân nơi đây. Thuyền trưởng Go, kế nhiệm Thuyền trưởng Cúc, người bị sát hại tại đảo Xan-uých năm 1779 đã đặt chân lên quần đảo này từ ngày 20 đến 28-1-1780 trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới với hai chiếc tàu Rê-sô-lu-sơn và Đê-cua-vê. Vào thời điểm đó, các đảo thuộc quần đảo Côn Lôn vẫn là đất của triều đình Huế với chừng 30 nóc nhà nằm rải rác. Thuyền trưởng Go hỏi người dân làm thế nào có thể mua thức ăn dự trữ. Một viên quan theo đạo Cơ đốc tên gọi Luc (theo tác giả) cho biết, ông ta sẽ bán trâu cho thuyền trưởng, mỗi con chừng 4-5 đồng bạc. Lúc khởi hành, Thuyền trưởng Go tặng viên quan một cái kính và nhờ ông ta chuyển một bức thư tới Giám mục Bá Đa Lộc.
Huân tước Ma-cát-ni, đại sứ đặc biệt của vua Anh Gioóc-giơ đệ tam bên cạnh triều đình Trung Hoa cũng từng dừng chân trên các đảo Côn Lôn trong hai ngày 17 và 18-5-1793. Ông ta muốn xem liệu người Pháp đã đổ bộ lên các đảo hay chưa. Một số người trên hai tàu Lai-ơn và In-đô-xtan rời thuyền xuống mua thức ăn dự trữ tại một ngôi làng nhỏ, người dân hứa sẽ giúp họ có đủ thức ăn ngay ngày hôm sau. Hôm sau, khi trở lại lấy thức ăn dự trữ như đã hẹn, họ thấy cả ngôi làng trống hoang, cửa nhà mở toang, không vật dụng nào bị mang đi trừ loại vũ khí mà người Anh đã thấy hôm trước. Gia cầm thả rông quanh nhà và tự tìm thức ăn. Trong một gian nhà chính, đoàn thủy thủ người Anh tìm thấy một mẩu giấy trên đó viết bằng tiếng Hán: “Chúng tôi không đủ đông, rất nghèo khổ nhưng trung thực và không có khả năng gây hại cho bất kỳ ai. Chúng tôi từng rất sợ hãi khi thấy những con tàu to lớn cùng những người đàn ông lực lưỡng khi chúng tôi không đủ gia súc và các thức ăn dự trữ khác cung cấp theo yêu cầu của họ. Chúng tôi có rất ít đồ ăn cung cấp cho các ngài và chúng tôi không thể làm điều mà các ngài trông mong ở chúng tôi. Nỗi sợ hãi bị ngược đãi và khát khao được sống đã buộc chúng tôi phải chạy trốn… Chúng tôi để lại trong làng mọi thứ chúng tôi có và các ngài có thể lấy đi nhưng xin đừng đốt các ngôi nhà của chúng tôi”.
Các tác giả của bức thư trên chắc đã từng bị những người nước ngoài đối xử rất thậm tệ. Đoàn thủy thủ người Anh không lấy bất kỳ thứ gì và để lại trong ngôi nhà chính món quà tặng kèm theo một bức thư tiếng Hán do viên thông ngôn trên tàu chép lại: “Những chiếc tàu ghé thăm hòn đảo và những người đã đặt chân lên đây là người Anh. Chúng tôi đến chỉ để mua thức ăn tươi và không có ý xấu…”.
So với các thế lực phương Tây khác, Pháp chiếm Côn Lôn muộn hơn nhưng có thời gian chiếm đóng dài nhất (1862-1954). Trước khi chính thức áp đặt sự thống trị lên đảo, người Pháp đã tiến hành thăm dò, tìm hiểu quần đảo này suốt một thời gian dài.
Theo J.C J.C Đê-ma-ri-ô, sau vụ thảm sát do lính Ma-ca-xa gây ra năm 1705, người Pháp mới tính đến việc chiếm các đảo Côn Lôn.
Theo Tạp chí Địa lý xuất bản những năm 1889-1890, A-lếch-xi Phô-rê kể lại, năm 1721, một nhân viên Hãng Pháp-Ấn có tên là Rê-nô được giao tiến hành điều tra dân số, khí hậu cũng như hoạt động sản xuất trên các đảo. Trong báo cáo gửi về, Rê-nô có đánh giá hoàn toàn trái chiều với đánh giá trước đó của Vê-rét về những tiềm năng nơi đây và ông cho rằng, không nên có ý tưởng chiếm nơi này.
Năm 1752, Đu-plếch thu thập thông tin từ các nhà truyền giáo và tiếp quản kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn. Tuy nhiên, ông này đã bị triệu hồi về Pháp và cuộc chiến Anh-Pháp kéo dài 7 năm đã khiến kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn không được quan tâm.
Theo ký giả Sác-lơ Mai-bông, còn có một kế hoạch khác do thương gia Prê-tê Lê-rô, người từng có 8 đến 9 năm kinh nghiệm làm việc ở Ấn Độ gửi cho Đờ Ma-xô - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Pháp ngày 15-5-1755. Trong thư, Lê-rô trình bày các ưu điểm nếu cho xây dựng một thương điếm ở Côn Lôn, “quần đảo nằm ở cửa ngõ eo biển Ma-lắc-ca” có giá trị chiến lược lớn: “Hòn đảo là nơi trú ẩn cho các tàu Âu đến Trung Hoa. Chúng ta có thể trú đông, sửa chữa và đóng vá mọi loại tàu trong cảng phía Bắc bằng gỗ xây dựng trong vùng nếu cần. Cảng phía Nam sẽ đem lại lợi ích rất lớn”. Prê-tê đề nghị Đờ Ma-xô cho xây thương điếm càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, tình hình của Hãng Pháp-Ấn không cho phép ban lãnh đạo nghĩ đến kế hoạch to tát ấy. Năm 1769, hãng gần như bị phá sản và từ chiến thắng của Rê-be Cli-vê ở Play-xi năm 1757, hãng tàu thủy Pháp ngậm ngùi nhìn hãng tàu thủy Anh qua mặt thống trị các biển toàn khu vực Nam Á, trở thành một sức mạnh xâm lược lẫn quân sự.
Trong lịch sử Phái bộ Nam Kỳ, cha Lô-nai theo nhật ký của cha Lê-va-xơ đã bàn về xây dựng một thương điếm ở Côn Lôn năm 1768. Nhưng có thể nói, tất cả các dự án từ năm 1705 đến lúc này của người Pháp mới chỉ dừng lại ở ý tưởng.
Hiệp ước Véc-xai ngày 28-11-1787 do Giám mục tòa Bá Đa Lộc soạn thảo về đồng minh công thủ giữa vua Lu-i XV và vua Gia Long, theo đó vua Gia Long đồng ý nhượng lại cho Pháp quyền sở hữu các đảo Côn Lôn. Dù có hiệp ước trên nhưng thực tế, không có bất kỳ đơn vị lính đồn trú Pháp nào được triển khai trên quần đảo. Trong chuyến ghé thăm của Huân tước Ma-các-ni ngày 17 và 18-5-1793, ông ta không hề gặp một lính Pháp nào ở đây.
Pháp thực sự sử dụng quyền sở hữu quần đảo này vào ngày 28-11-1861, khi ra lệnh tàu hộ tống Nô-da-ga-rai cập đảo theo lệnh của Đô đốc Bô-nác - Thống đốc Nam Kỳ đầu tiên. Ông ta từng tuyên bố: “Muốn hoàn thành sớm nhất có thể những mục tiêu của hoàng đế Na-pô-lê-ông đệ tam”. Theo tài liệu ở Nam Kỳ, tôi (tác giả J.C Đê-ma-ri-ô) đã tìm thấy và được đọc biên bản chiếm đảo. Đó là một tờ giấy vàng bị rách ở giữa vì mối đục: “Hôm nay, thứ năm là ngày 28-11-1861 vào lúc 10 giờ sáng. Tôi tên là Lơ-pe Sê-bát-chiên Ni-cô-lát Hoan-xim, đại úy hải quân, Chỉ huy tàu Hải quân Hoàng gia Nô-da-ga-rai, hành động theo mệnh lệnh của chính phủ, tuyên bố chiếm giữ nhóm các đảo Poulo-Condore (Côn Lôn), nhân danh Hoàng đế Na-pô-lê-ông đệ tam - Hoàng đế của người dân Pháp. Theo đúng lệnh, tàu Pháp đổ bộ lên đảo Côn Lôn lớn kể từ ngày này. Biên bản chiếm giữ được lập trước sự chứng kiến của các sĩ quan tàu Nô-da-ga-rai. Biên bản lập trên đất liền, vịnh Tây Nam đảo Côn Lôn vào ngày, tháng, năm trên đây”.
Bản “Tuyên cáo chủ quyền” trên hiện được trưng bày tại Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương, sau Nhà triển lãm Sài Gòn.[5]
Ngày 3-6-1862, Hiệp ước Sài Gòn được ký kết giữa một bên là Hoàng đế Pháp và Hoàng hậu Tây Ban Nha, một bên là vua Tự Đức. Trong đó, vua Tự Đức đồng ý nhường quần đảo và ba tỉnh: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường (Mỹ Tho) cho Pháp.
Qua diễn trình lịch sử Côn Đảo trước năm 1862, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của hòn đảo ngọc này. Ngay từ rất sớm, các nhà hàng hải, thương nhân, giáo sĩ đã nhận thức rõ vai trò của đảo Côn Lôn. Và quan trọng hơn, đối với các thế lực tham vọng phương Tây thì đây thực sự là vị trí chiến lược. Đó là lý do vì sao trong suốt một thời gian dài, tại quần đảo này luôn diễn ra sự tranh giành ảnh hưởng giữa Anh và Pháp, đặc biệt với người Pháp thì đây là địa chỉ không thể bỏ qua cho đến khi họ chính thức áp đặt sự thống trị tại đây năm 1862.
HỒNG NHUNG - HOÀNG HẰNG
---------------------
[1] A.Thomazi, Cuộc chinh phục xứ Đông Dương, Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ký hiệu VT 306 ABC, tr.7.
[2] J.C Demariaux, Sơ lược lịch sử các đảo Côn Đảo, Tuần báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire Illustré), số 196, ra ngày 1-6-1944. Hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
[3] Dẫn theo Lục Minh Tuấn, Thái Vĩnh Trân, Về nhận thức của người Pháp đối với Côn Đảo trước năm 1862, website Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu.
[4] Thomas Suárez, Thế kỷ thứ 19 và việc vẽ bản đồ vùng nội địa Đông Nam Á, Ngô Bắc dịch.
[5] J.C Demariaux, Tuần báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire Illustré), số 196, ra ngày 1-6-1944. Hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.