QĐND - Có những làng quê Việt một lần đến là bị ám ảnh bởi chiều sâu lịch sử-văn hóa của nó. Làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế là một làng như vậy.

Người già làng Mỹ Lợi kể rằng, làng được thành lập năm 1562 do các ngài khai canh, có lẽ là ngư dân từ làng Lương Niệm, Sầm Sơn, Thanh Hóa di cư vào Nam theo chúa Nguyễn Hoàng. Làng có diện tích tự nhiên khoảng 896ha với hơn 1.400 hộ, 6000 nhân khẩu. Trên mảnh đất cát hẹp, thiên tai khắc nghiệt ấy, trải qua 450 năm, dân làng Mỹ Lợi bao đời với tài năng và tầm nhìn xa rộng, đã tạo lập nên một làng quê sầm uất, trù phú và tiếng tăm. Ở Mỹ Lợi, nghề vườn có cau; nghề rừng có khoai mài; nghề biển đầm có các loại cá dìa, cá mú, cá hanh, tôm rằn, cá thu, cá ngừ...; nghề thủ công có các sản phẩm đũi, lụa, thao, vải, nón… Nón lá Mỹ Lợi đã có thời cạnh tranh với nón Huế... Theo nhà văn Chu Sơn thì cau Mỹ Lợi nổi tiếng từ hơn trăm năm trước. Muốn trồng cau phải đào vồng trên cát. Mỗi vồng rộng chừng 3m, giữa vồng là ao để thoát nước. Mỗi vồng trồng hai hàng cau, trầu trồng leo lên cau. Dưới tán cau trồng xen các loại cây ăn quả như cam, quýt, chuối, dứa, hoàng tinh v.v.. Trồng như thế hiệu quả kinh tế trên một sào đất rất cao. Đất Thừa Thiên có cau Nam Phổ nổi tiếng, nhưng cau Nam Phổ trồng trên đất thịt không ngon bằng cau Mỹ Lợi trồng trên cát pha mùn. Cau Mỹ Lợi trái tròn, ruột nhiều, tang mỏng, mềm và ngọt.

Những năm kinh tế thị trường vừa qua, Mỹ Lợi nổi tiếng với nghề xe trâu và nuôi cá chình. Làng cát thì xe trâu là đắc địa nhất. Xe trâu chở hoa màu, chở vật liệu xây dựng. Chợ Mỹ Lợi gần bến nước, thuận tiện cho việc buôn bán và vận chuyển hàng hóa. Chợ còn là nơi vui Xuân đón Tết của dân làng, được lưu truyền từ xưa đến giờ với nhiều trò chơi như Lễ tế xuân, đua thuyền thúng, kéo co, hô bài chòi. Giọng nói Mỹ Lợi cũng là một đặc sản văn hóa truyền đời. Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, người Mỹ Lợi nói là nhận ra ngay, không lẫn. Một chút giọng Huế, một chút giọng Quảng vừa mằn mặn muối biển, lại vừa phóng khoáng núi non sông đầm.

Đình làng Mỹ Lợi.

 

 Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xã Vinh Mỹ có 131 liệt sĩ, 32 thương binh, bệnh binh, 128 gia đình có công với nước. Trong đó làng Mỹ Lợi là một pháo đài thép, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và bằng Có công với nước.

Đình làng Mỹ Lợi là một chứng nhân văn hóa lịch sử, được xây dựng từ năm 1808. Đình là nơi hội họp, sinh hoạt của bà con nhân dân trong các dịp Tết và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, giá trị lịch sử quan trọng.

Nơi đây, vào ngày 1-5-1930, lá cờ Đảng của Chi bộ Mỹ Lợi đã được treo cao. Đây cũng là lá cờ Đảng đầu tiên được treo lên ở Thừa Thiên-Huế. Đình làng Mỹ Lợi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa-kiến trúc cấp quốc gia vào tháng 6-1996.

Người Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm. Văn bản có khuôn dấu và chữ ký rõ ràng, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng... Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (6-11-1759)... Văn bản xử lý việc kiện tụng của hai phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, Phú Vang và làng Mỹ Lợi). Nội dung văn bản cho thấy cách đây 250 năm, triều đình nhà Nguyễn đã có đội quân làm việc tại quần đảo Hoàng Sa.

Việc văn bản này được lưu trữ lâu dài và cẩn thận như thế chứng tỏ đời sống văn hóa làng Mỹ Lợi đã ở trình độ cao, rất kỷ cương, nền nếp. Một làng như thế tất sinh ra những người giỏi giang, kinh bang tế thế. Làng Mỹ Lợi có các họ Trần, Hoàng, Lê, Phan… có nhiều người tài giỏi, đỗ đạt, làm quan to ở triều Nguyễn và các chính quyền sau này. Họ Hoàng Văn (hay Huỳnh Văn, Hoàng Trọng) có các ông: Hoàng Văn Tuyển (1824-1879) đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851), từng làm Tổng đốc Bình Định và Thượng thư Bộ Công; ông Hoàng Trọng Nhu, năm 38 tuổi, đậu Cử nhân Khoa Kỷ Dậu (1909), Huỳnh Văn Tích, đậu tú tài, làm Tri huyện Hòa Đa (Bình Định). Đặc biệt, bà Bà Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn là Đoan Huy Hoàng Thái hậu (tức Đức Từ Cung), tên thật là Hoàng Thị Cúc, vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại, con ông Huỳnh Văn Tích (từng đỗ tú tài) và bà La Thị Sơn là người họ Hoàng làng Mỹ Lợi. Đến tuổi cập kê bà được tuyển vào cung làm người hầu cận trong phủ Phụng Hóa Công (tức vua Khải Định sau này), sau được Phụng Hóa Công nạp làm thiếp. Ngày 22-10-1913 bà hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Bà có rất nhiều công lao trong việc gìn giữ các di tích triều Nguyễn trong Hoàng thành sau khi triều Nguyễn bị sụp đổ. Thời kỳ chiến tranh liên miên, bà đã hết sức cố gắng mới giữ được đội Ba Vũ khỏi tan rã. Nhờ thế mà ngày nay, Huế bảo tồn được đoàn ca múa truyền thống. Từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đền miếu và lăng mộ các vua Nguyễn hư hại nhiều, chính bà đã đứng ra xây dựng lại Thái Miếu, Hưng Miếu và sửa chữa nhiều di tích khác nữa. Bà Từ Cung mất năm 1980.

Mỹ Lợi đã từng là một trong 3 làng của tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia Hội nghị biểu dương Làng văn hóa tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất.

Một góc chợ làng Mỹ Lợi. Ảnh: MN

 

Cổ tích làng Mỹ Lợi còn nhiều chuyện cảm động về văn chương nghệ thuật. Trong buổi ra mắt Trại sáng tác văn học-nghệ Thuật “về nguồn” ở Mỹ Lợi ngày 11-8-2010, anh Hoàng Văn Giải, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, anh Trần Luyến, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ và bác Lê Quý Mỹ, 84 tuổi, lão thành cách mạng làng Mỹ Lợi, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, đã kể rất nhiều chuyện cảm động về cuộc "họp bạn" thành lập Phân hội Văn học nghệ thuật kháng chiến Thừa Thiên-Huế tháng 10-1950 ở làng Mỹ Lợi. Bác Mỹ kể rằng, khi đó giặc Pháp đánh phá rất ác liệt, tiếng đại bác địch nổ bốn phía, Mỹ Lợi lại cách phá trở đò, nhưng cuộc “họp bạn” văn nghệ vẫn được tổ chức tại nhà thờ họ Lê làng Mỹ Lợi. Cố nhà văn Bùi Hiển, lúc ấy là đại diện Đoàn văn hóa kháng chiến Liên Khu 4 được cử vào để giúp đỡ phong trào văn nghệ Thừa Thiên. Có tới hơn 50 người dự họp. Ông Hoàng Anh, Chủ tịch tỉnh, ông Trần Thanh Chữ, Trưởng ty Văn hoá tỉnh Thừa Thiên lúc đó đã về trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Các ông ở trong nhà ông Phan Sung. Cuộc họp trong hoàn cảnh kháng chiến ngặt nghèo mà kéo dài tới 5 ngày, cuối cùng đã bầu ra một ban chấp hành phân hội. Nhà văn Hồng Nhu, một người Mỹ Lợi “gộc” nhớ lại, hồi đó anh mới 18 tuổi, là lính Trung đoàn 95, cũng tập tễnh viết văn, làm thơ. Anh đã được mời dự cuộc “họp bạn” ở Mỹ Lợi này, nhưng đột xuất anh được lệnh trên điều động đi dẫn hai hàng binh Pháp lên chiến khu Dương Hòa để họ ra Việt Bắc, thế là không được dự cuộc họp văn nghệ ở quê mình. Ngoài nhà văn Hồng Nhu, đất Mỹ Lợi còn là nơi sinh ra các văn nghệ sĩ như Chu Sơn, Nguyên Thảo, Lương Hương v.v..

Người Mỹ Lợi có thể tự hào về làng quê của họ chính là cái nôi sinh thành của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế hôm nay. Từ cái nôi Mỹ Lợi ấy, 60 năm qua, lớp lớp văn nghệ sĩ Thừa Thiên-Huế đã trưởng thành như: Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Tố Hữu, Thanh Hải, Trịnh Công Sơn, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Hồng Nhu, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê v.v...

NGÔ MINH