QĐND - Làng Đại Đê (xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) một ngày cuối năm 2012 trời rét ngọt nhưng nhà ông Trần Trung Ngọc vẫn chật cứng người. Gương mặt từ cụ già đến em nhỏ, từ những CCB ngực đeo đầy huân, huy chương đến vị tướng lĩnh dạn dày trận mạc đều rạng ngời niềm vui, xúc động. Câu chuyện trong cuộc đoàn tụ hôm nay đều hướng về người cháu của ông Ngọc-nữ CCB Trường Sơn Vũ Thúy Lành-cô Thảo làng Đại Đê năm xưa…
 |
Chị Vũ Thúy Lành và ông Trần Trung Ngọc. |
Nghĩa tình trên đất bạn
Làng Đại Đê xưa gọi là “Kẻ Cái De” từng nổi danh: “Quê ta có dải sông sâu/ Cây đa, bến nước, nhịp cầu bắc ngang/ Có con đường gạch đầu làng/ Đỏ au trong nắng khiến làng thêm duyên”. Vũ Thúy Lành, thuở nhỏ tên là Vũ Thị Bích Thảo, là con thứ tư trong gia đình nghèo đông con. Lớn lên khi đất nước có chiến tranh, cô bé Thảo sớm có mong muốn trở thành “cô bộ đội". Một hôm, có đoàn văn công về địa phương tuyển diễn viên vào phục vụ bộ đội Trường Sơn, cô đăng ký và trúng tuyển từ vòng đầu nhưng không được nhận, chỉ vì lúc đó mới… 14 tuổi. Nhưng trước nguyện vọng tha thiết và năng khiếu nghệ thuật sớm bộc lộ của cô học trò xinh xắn, đơn vị đã nhận và gửi cô vào học lớp múa của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, chờ đủ 18 tuổi để... tòng quân!
Tháng 8-1973, Bích Thảo chính thức là chiến sĩ Trường Sơn, được phân công vào Đội tuyên văn Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt-Lào. Mấy tháng sau, chị cùng đơn vị vượt Trường Sơn sang vùng Hạ Lào biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Từ đây, chị mang nghệ danh là Vũ Thúy Lành. Trong mưa bom bão đạn và sự truy đuổi gắt gao của quân thù, nhiều ngày nhịn đói hoặc chỉ uống nước suối, ăn lương khô nhưng Thúy Lành và đồng đội vẫn say mê với những điệu múa, lời ca bay bổng, góp phần tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong những ngày công tác trên đất nước Triệu Voi, Vũ Thúy Lành có những kỷ niệm không thể quên. Ấy là khi đơn vị cô về biểu diễn tại một bản thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt. Đây là vùng địch tạm chiếm, ta và địch ở xen kẽ. Lành hóa trang thành một cô gái Lào ở trong một gia đình bản địa. Nhà có hai vợ chồng và hai con nhỏ. Do khí hậu khắc nghiệt và sau những ngày hành quân vất vả, Thúy Lành bị sốt rét. Người chị lúc rét run cầm cập, khi thì mồ hôi vã ra như tắm. Hai vợ chồng người Lào đã tận tình cứu chữa, chăm sóc chị. Chị nhớ mãi hình ảnh người chồng lặn lội suốt đêm đi tìm lá thuốc; người vợ lưng địu con lên nương đào sắn về nấu xôi cho chị ăn. Lành ứa nước mắt khi vô tình thấy người vợ vét những nắm gạo cuối cùng trong chum để nấu cháo, nấu xôi cho mình, trong khi đó đứa con nhỏ ngằn ngặt khóc vì đói. “Tôi đã được cứu sống từ tấm lòng của những người dân Lào tốt bụng như thế”-chị Lành nói.
Cũng trong thời gian ở Mường Phìn, Vũ Thúy Lành có cuộc gặp tình cờ khó tin với người chú họ của mình. Chuyện là, hôm ấy đoàn công tác của Lành có cuộc giao lưu với bà con Việt kiều trong bản. Ngồi đối diện với Lành là một người đàn ông tuổi trung niên trong trang phục người Lào. Từ giây phút đầu tiên, Lành đã ngạc nhiên vì người đàn ông này giống bố chị quá. Nhưng rồi chị lại nghĩ, người giống nhau thì có gì là lạ, vả lại ở hai nước xa nhau vời vợi làm gì có chuyện… Ngắm ông, chị Lành nhớ tới bố, gia đình, quê hương. Thấm thoát cũng đã gần 5 năm rồi. Bất giác nước mắt chị ứa ra.
- Làm sao cháu khóc?- Ông già hỏi.
- Nhìn chú, cháu thấy nhớ bố ở quê-Lành nghẹn ngào.
- Quê cháu ở đâu?
- Cháu ở Nam Định.
- Huyện, xã nào?
- Dạ, huyện Vụ Bản, xã Đại An ạ.
- Cháu con nhà ai?-Ông hỏi dồn.
- Cháu con ông Kình ở làng Đại Đê.
Ông già sững người nhưng rồi trấn tĩnh lại và quay mặt đi. Thúy Lành thoáng băn khoăn là sao ông ấy lại hỏi mình kỹ với thái độ rất lạ thế nhỉ.
Hôm sau, có một người đến liên hệ với cán bộ đoàn và gặp Lành bảo theo anh đến gặp cấp trên. Sau chặng đường dài, người thanh niên đưa Lành đến một căn hầm bí mật. Trên vách hầm treo ảnh Bác Hồ. Vừa thấy Lành bước vào, một người từ trong bước vội ra, nắm lấy vai chị lắc lắc. Chị giật mình khi nhận ra đó là người đàn ông ngồi cùng bàn với mình chiều hôm trước. “Chú là Trần Trung Ngọc, con chú ruột của bố Kình cháu đây. Chú rời làng Đại Đê để đi hoạt động cách mạng khi cháu mới 7 tuổi. Thật không ngờ chú cháu mình lại gặp nhau ở đây”. Lành sững sờ vì có mơ chị cũng không hề nghĩ mình được gặp chú của mình ở mãi tận nước bạn Lào xa xôi. Người chú mà hồi còn ở nhà, Lành thường nghe bố mẹ và bà con nhắc đến và thắc mắc, không hiểu chú làm gì, hoạt động ở đâu mà “bặt vô âm tín” hàng chục năm nay. Có dạo, dân làng đồn là ông đã hy sinh, có dư luận lại nói là ông đi theo địch. “Cháu chỉ cần biết là chú cháu mình đã cùng đội ngũ, tham gia hoạt động cách mạng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hẹn ngày hòa bình, chú cháu mình đoàn tụ ở quê”- chú Ngọc dặn.
Từ hôm đó, thỉnh thoảng Lành được chú Ngọc bí mật gửi cho quà, cho thuốc và những lời dặn dò, động viên công tác. Đến một ngày, chú Ngọc tìm đến đơn vị, nói với Lành: “Theo yêu cầu của tổ chức, chú phải chuyển công tác. Cháu ở lại cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ, xứng đáng là người con gái Thành Nam nhé”.
Người chú ấy hôm nay đã là một ông già gần 90 tuổi, đang sống ở làng Đại Đê. Hôm chúng tôi cùng chị Vũ Thúy Lành-cô cháu Thảo và các cán bộ Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Hội hữu nghị Việt-Lào và đồng đội về thăm, ông Ngọc phấn khởi lắm. Ký ức những năm tháng hoạt động bên đất nước Triệu Voi và cuộc gặp với người cháu gái trong những ngày lửa đạn đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông.
Vẫn là cô Thảo làng Đại Đê
Sau chiến tranh, từ một diễn viên, chị đi học y tá, rồi kỹ thuật nông nghiệp. Ra trường, vừa làm vừa tiếp tục ôn thi đại học. Học xong Đại học Ngoại giao, chị đi xuất khẩu lao động để kiếm sống vào lúc đất nước đang khó khăn chồng chất. Khi có ít vốn, chị về nước đầu tư lập một trang trại 50ha ở Hòa Bình, tổ chức trồng cây công nghiệp, cây ăn quả chăn nuôi. Khi đã “chắc tay”, chị lập Công ty Cát Tường, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Chị còn thử sức và cũng khá thành đạt trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn…
Từ một cô gái “chân yếu tay mềm”, quen ca múa, Vũ Thúy Lành đã lăn lộn và thành đạt trên thương trường. Hỏi về nguyên nhân làm nên thành công ấy, chị tâm sự: “Chính những năm tháng quân ngũ, nhất là những năm ở Trường Sơn đã giúp tôi có được sức mạnh, bản lĩnh, nghị lực. Có những lúc yếu lòng, tôi nhớ lại những năm tháng chiến trường, nghĩ về đồng đội đã ngã xuống tôi như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để vượt qua khó khăn”.
Những năm gần đây, hầu như năm nào chị cũng sang nước bạn Lào, nơi chị coi như quê hương thứ hai của mình để tri ân đồng đội và đồng bào. Nhiều lần chị về bản xưa của Mường Phìn, tìm hỏi gia đình ân nhân đã cứu sống mình mà chưa có kết quả. Người thì nói, họ đã chết, có người lại bảo vợ chồng đó đã chuyển đi nơi khác rồi. Khi tới huyện Noọng Pẹt của tỉnh Xiêng Khoảng, chị xúc động thấy nơi đây còn nghèo quá, các cháu học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường. Chị đã ủng hộ nhà trường 30 máy vi tính và 200 suất quà tặng học sinh nghèo học giỏi. Chị cũng nhiệt tình tham gia đóng góp quỹ “Nghĩa tình Trường Sơn”, đến từng gia đình đồng đội không may mắn giúp họ vốn, kiến thức để làm ăn, thoát nghèo; chị đầu tư xây trường học, trạm xá... tặng một số địa phương.
Vũ Thúy Lành cũng là người nặng lòng với quê hương. Chị hăng hái tài trợ cho các quỹ từ thiện ở quê, tham gia đóng góp để tôn tạo, phục dựng đền Vua Mây, tặng các suất quà cho gia đình chính sách, học sinh nghèo… Chị bảo: “Dù đi đâu, làm gì, mình về quê thì vẫn là “cô Thảo làng Đại Đê”...
Bài và ảnh: VĨNH THĂNG - SONG THANH