QĐND - Nghi án công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả đến nay chưa được làm sáng tỏ có một nguyên nhân quan trọng từ phía Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai. Đã có nhiều nội dung được Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Đoàn công tác liên ngành của Trung ương đề nghị được điều tra, xác minh nhưng đến nay vẫn bị bỏ ngỏ một cách khó hiểu.

29 loại phân vô cơ: Sự ngụy biện được chấp nhận?

Theo hồ sơ vụ việc, sau khi bị lập biên bản vi phạm và niêm phong cơ sở sản xuất tại Đồng Nai, 29 mẫu phân bón vô cơ của Công ty Thuận Phong đã được Đoàn kiểm tra liên ngành-Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 giám định. Ngày 28-5-2015, trung tâm đã có thông báo kết quả giám định. Theo đó, có tới 19/29 mẫu phân bón không phù hợp với các chỉ tiêu đã công bố trên bao bì sản phẩm, có chỉ tiêu hàm lượng chất chính quá thấp so với chỉ tiêu công bố. Cụ thể: Với loại phân bón vi lượng kẽm được sản xuất ngày 18-5-2015, hàm lượng chất chính Zn, ppm qua giám định chỉ đạt 1310, trong khi công bố là 15.000, chưa đạt 1/10 so với công bố. Loại phân bón vi lượng Bo sản xuất ngày 4-3-2015 có hàm lượng chất chính Bo được công bố lên tới 30.000 nhưng kết quả giám định chỉ đạt 5810, chưa bằng 1/6 so với công bố...

Sau khi có kết quả giám định, ngày 5-6-2015, ông Khiếu Mạnh Tường, Giám đốc Công ty Thuận Phong có công văn kêu oan, xin được giám định lại 29 mẫu phân bón theo phương pháp và đơn vị giám định do công ty lựa chọn là Công ty TNHH SGS ở TP Hồ Chí Minh. Trong công văn, ông Tường còn ghi rõ “đề nghị lắc thật đều trước khi phân tích” với một số loại phân. Đề nghị trên được chấp thuận. Ông Võ Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã có công văn cho phép Công ty Thuận Phong cùng Đoàn công tác liên ngành đi gửi mẫu giám định lại vào ngày 11-6-2015. Tuy nhiên, kết quả giám định lần 2 tại chính đơn vị do công ty lựa chọn lại cho kết quả thất vọng hơn cả lần 1 khi hầu hết chỉ tiêu đều thấp hơn so với lần 1 với tổng số 17 chỉ tiêu thấp hơn lần 1. Ông Tường đành ký vào biên bản và xin “chấp nhận kết quả giám định lần 1” với hầu hết loại phân bón giám định.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Bộ NN và PTNT) nhận xét: Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ tại mục b, khoản 8, Điều 3 “hàng giả là hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”. Ở đây, nếu theo mẫu phân tích, có nhiều loại phân bón hàm lượng chất chính chỉ đạt 10-20%, rõ ràng đã đủ cơ sở xác định là phân bón giả. Ông Cường cho biết thêm, theo kinh nghiệm quản lý phân bón tại Thái Lan, hàm lượng chất chính chỉ cần thấp hơn 10% so với tiêu chuẩn đăng ký, hoặc công bố đã được coi là hàng giả. Về lâu dài, Việt Nam phải sửa đổi quy định để quản lý chặt chẽ phân bón.

“Dây chuyền” sang chiết. Ảnh do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cung cấp

Với thực tế phân bón có hàm lượng chất chính thấp như vậy, lẽ ra Công ty Thuận Phong cần phải được Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ nguyên nhân 29 loại phân có hàm lượng chất chính thấp hơn công bố. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, cơ quan chức năng tại Đồng Nai lại dễ dàng chấp thuận lý giải mang tính ngụy biện cho hành vi “treo đầu dê...” của Công ty Thuận Phong. Tại công văn giải trình gửi cơ quan chức năng, Công ty Thuận Phong bao biện: “Trong mỗi sản phẩm Thuận Phong sản xuất, có rất nhiều chỉ tiêu chất lượng và khi phân tích có một hoặc một vài chỉ tiêu (chiếm tỷ trọng nhỏ) thấp hơn công bố trong khi tổng các chỉ tiêu có trong sản phẩm vẫn xấp xỉ hoặc cao hơn công bố”.

Trao đổi với phóng viên Báo QĐND chiều 16-12, TS Nguyễn Đăng Nghĩa-Chuyên gia nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất-Phân bón và Môi trường phía Nam đã phản bác lập luận trên: “Đó là sự ngụy biện trắng trợn. Kể cả cơ quan quản lý cũng hiểu sai. Trong ngành khoa học phân bón, các chỉ tiêu thành phần đều là chất chính, không có chất nào là chất phụ, cũng không có khái niệm “tổng chỉ tiêu dinh dưỡng” mà bất cứ một chỉ tiêu nào thấp hơn công bố đều là hàng giả, hàng kém chất lượng”.

7 loại phân bón dạng nước: 5 câu hỏi lớn

Với 7 loại phân bón dạng nước nhập khẩu từ Mỹ của Công ty Thuận Phong, bên cạnh việc điều tra, kết luận về dấu hiệu giả mạo liên quan đến nhãn mác sản phẩm của Công an tỉnh Đồng Nai còn chưa thuyết phục, chưa tạo sự đồng thuận của các cơ quan Trung ương, thì còn nhiều dấu hỏi sai phạm khác đang có nguy cơ bị “bỏ qua”.

Một là, theo kê khai của Công ty Thuận Phong với cơ quan chức năng, đến nay, công ty này chỉ xin phép Bộ NN và PTNT nhập khẩu 3 loại phân bón dạng nước từ Mỹ gồm: Vitol, breakout, Jackpot. Nhưng trong báo cáo của cơ quan điều tra khi giám định sản phẩm tại Đồng Nai thì Công ty Thuận Phong nhập khẩu 7 loại phân bón nước: Vitol, breakout, Jackpot, Boron, Agave, Zap, Honey. Còn tại hợp đồng Công ty Thuận Phong ký với Công ty BiO Huma netics, số sản phẩm nhập khẩu lên tới 17 loại phân bón. Tuy nhiên trong số 17 loại phân trong hợp đồng, không có hai loại: Agave và Honey. Vậy đâu là con số và chủng loại phân bón chính xác mà Công ty Thuận Phong đã nhập khẩu về Việt Nam, 7 loại hay 17 loại? Nếu là 7 loại như cơ quan điều tra xác nhận thì mới chỉ có 3 loại được phép của Bộ NN và PTNT. 4 loại còn lại cơ quan nào cho phép nhập khẩu và chứng nhận hợp quy hay là sản phẩm nhập lậu? Đây là vấn đề quan trọng cần được làm rõ. Riêng hai loại Agave và Honey trong hợp đồng phân phối không nêu thì có đúng là sản phẩm của Công ty BiO Huma netics hay là sản phẩm giả mạo?

Hai là, về nội dung giả mạo công dụng sản phẩm đối với loại phân bón nước Vitol, trong tờ khai hải quan và công văn hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty Thuận Phong đều ghi Vitol là “phân bón rễ” nhưng khi nhập về bán tại Việt Nam, công ty đã sang chiết và in trên nhãn phụ với nhiều nội dung công dụng, hướng dẫn như dùng cho phân bón lá, thậm chí ghi rõ “Sử dụng Vitol thay thế các phân bón lá khác”. Những nội dung này hoàn toàn do Công ty Thuận Phong “phịa” thêm để ghi vào nhãn phụ, lừa dối người nông dân, không phải nội dung công dụng như nhãn hiệu nguyên bản của nhà sản xuất. Công ty còn thổi thêm công dụng, bịa thêm nhiều chỗ như cách pha chế, dùng cho nhiều loại cây ở Việt Nam (không như hướng dẫn của nhà sản xuất); bịa đặt “Sử dụng một lít Vitol giảm 35kg đạm, 60kg lân, 15kg kali”. Trong nhãn tiếng Anh gốc cũng không có hướng dẫn cách pha chế như Thuận Phong dịch ra tiếng Việt. Hành vi này rõ ràng vừa vi phạm hợp đồng ký với đối tác vừa có dấu hiệu giả mạo, đủ cấu thành tội phạm hình sự. Báo QĐND đã dịch đối chiếu nội dung nhãn gốc sản phẩm Vitol của Công ty BiO Huma netics và nhãn phụ tiếng Việt do Công ty Thuận Phong in trên sản phẩm, thấy rõ sai phạm rành rành. Vậy mà không hiểu sao đến nay cơ quan điều tra vẫn không làm rõ, không kết luận nội dung này?

Ba là, theo quan điểm của Cục Trồng trọt tại cuộc họp liên ngành gần đây, nêu rõ: “Theo đề nghị của Công ty Thuận Phong, Cục Trồng trọt đã hướng dẫn về nhập khẩu phân bón của Công ty Thuận Phong. Các phân bón mà Công ty Thuận Phong nhập khẩu đều là phân bón rễ, yêu cầu phải ghi trên nhãn hàng hóa là phân bón rễ. Đề nghị làm rõ nội dung ghi trên nhãn chai phân 1 lít và 5 lít của Công ty Thuận Phong. Nếu là phân bón lá thì phải khảo nghiệm trước khi nhập khẩu. Đề nghị Công an Đồng Nai làm rõ Công ty Thuận Phong đã có chứng nhận hợp quy cho chai phân bón nhập khẩu loại 1 lít và 5 lít chưa, nếu có thì chứng nhận theo phương thức nào?”. Thế nhưng, đến nay, Cơ quan điều tra vẫn chưa làm sáng tỏ nội dung này.

Bốn là, với 5 loại phân bón nước, riêng loại phân Jap, ban đầu Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 xác định hàm lượng hữu cơ không đủ tiêu chuẩn. Nhưng theo đề nghị của Công ty Thuận Phong, Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh giám định lại thì lại đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc giám định này không có sự giám sát của Đoàn công tác liên ngành thì có đúng quy định của pháp luật không, có bảo đảm khách quan không, rất cần được làm sáng tỏ? Chiều 16-12, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo QĐND, Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: “Không nhớ về cuộc giám định này”.

Năm là, như ý kiến của ông Lại Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ 3-Viện KSND Tối cao, báo cáo của Cơ quan CSĐT chưa xác định được Công ty Thuận Phong nhập bao nhiêu sản phẩm, tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm. Nếu Công ty Thuận Phong chỉ nhập 1.000 lít mà bán ra 10.000 lít thì số chênh lệch ở đâu ra? Trong khi, để sang chiết đúng quy định, còn phải có máy móc thiết bị, phòng kiểm nghiệm chất lượng, bộ máy cán bộ chất lượng cao… nhưng khi kiểm tra thì chỉ là một nhà xưởng tồi tàn?

Vì sao “bỏ qua” hành vi tiêu hủy nhãn mác?

Trong báo cáo gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng,  Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 1389 (Bộ Quốc phòng) đã kiến nghị thêm nhiều nội dung cần được điều tra làm rõ. Cụ thể: Doanh nghiệp in Trần Kim, địa chỉ tại Biên Hòa, Đồng Nai có hợp đồng ký với Công ty Thuận Phong về việc in ấn toàn bộ nhãn mác các loại phân bón có nguồn gốc từ Mỹ. Trong báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai không đề cập đến việc điều tra, xác minh doanh nghiệp này thực hiện việc sản xuất tem, nhãn, bao bì giả.

Tại thời điểm kiểm tra (ngày 24-4-2015), Đoàn kiểm tra niêm phong 4 CPU (cây máy tính) chuyển Công an tỉnh Đồng Nai để khai thác thông tin; có việc đốt, tiêu hủy các loại nhãn mác phân bón của Công ty Thuận Phong nhưng trong các báo cáo của công an tỉnh không nêu nội dung này. Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, khi đương chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ việc Công ty Thuận Phong tiêu hủy hàng chục cân nhãn mác sản phẩm, trong đó nhiều nhất là sản phẩm “Tico” bị phát hiện. “Nếu không có sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón thì tại sao khi đoàn kiểm tra vào làm việc và lập biên bản lại có chuyện nhân viên của công ty tiêu hủy số nhãn mác sản phẩm?”-Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh đặt câu hỏi. Thế mà đến nay, những vấn đề này vẫn chưa được xác minh và không hề được báo cáo trong cuộc họp Đoàn công tác liên ngành gần đây.

Sáng 16-12, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo QĐND tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: "Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai còn có vướng mắc, nêu lên những bất cập trong các quy định của pháp luật về giải thích từ ngữ, về chế tài xử lý hành chính hay hình sự. Khi trao đổi thì các cơ quan chức năng có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thành lập một tổ công tác liên ngành do Bộ Công Thương làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra và nghe cơ quan chức năng của Đồng Nai báo cáo song báo cáo chưa có sự đồng thuận cao của các bộ, ngành và dư luận, vẫn còn có những vấn đề cần phải xác minh, làm rõ. Sau đó, Phó thủ tướng đã giao cho Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Bộ Công an và Công an Đồng Nai tiến hành xác minh, điều tra, sẽ có kết luận trong tháng 12-2015".

Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc và CTV