QĐND - Như bao câu chuyện, bao con người từng góp phần làm nên huyền thoại của một thời ra ngõ gặp anh hùng, một thời “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, những người con gái ấy chìm khuất trong dòng đời mưu sinh hối hả, nghiệt ngã khi cuộc chiến tranh đi qua. Không ai biết những thiếu phụ bán rau, quét rác, sấp ngửa từng buổi chợ đông hay bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên cánh đồng kia họ từng có một thời con gái rất đẹp, rất hào hùng bên mâm pháo cao xạ 37mm để bảo vệ bầu trời thành phố Thái Bình …
Pháo thủ tuổi 16, đại đội trưởng tuổi 18
Một ngày nọ, chị Ngô Thị Hòa, Phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thái Bình đến tận trụ sở Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần tìm gặp chúng tôi với lời đề nghị tha thiết: “ở Thái Bình, từng có một đại đội nữ pháo thủ toàn những cô gái mười sáu, mười tám tuổi thời đánh Mỹ. ở khuôn viên bảo tàng Thái Bình nhiều năm nay, vẫn thấy trưng bày 4 khẩu pháo cao xạ 37mm một thời gắn bó với họ. Nhưng đã lâu rồi, ít ai nhắc đến những người con gái này…”.
 |
Một khẩu đội của đại đội nữ cao xạ Thái Bình (năm 2011).
|
Hàng trăm nữ pháo thủ quê lúa ấy nay ở đâu?
Câu chuyện lập tức kéo chúng tôi tìm về Thái Bình cùng lời hứa hẹn của chị Hòa: Sẽ tập hợp được một phần đại đội. ấy vậy mà khi chúng tôi về thành phố Thái Bình, nơi chị Hòa dẫn chúng tôi đến lại là một… ngôi chùa - chùa Bồ, nằm ven đường Trần Thái Tông, gần nhà máy bia Hương Sen. Lý do thật đơn giản: Chùa Bồ nằm sát các trận địa pháo năm xưa và trong số những người tham gia đại đội nữ pháo thủ có cả sư thầy Thích Đàm Cầm, từng là người vừa tiếp đạn, vừa tiếp phẩm cho đại đội. “Ngày xưa, có báo động thì cả đại đội có mặt ngay dù bom rơi đạn nổ. Nay hòa bình rồi, “tập hợp” mãi mới được hơn chục người, ai cũng mải làm ăn, kiếm sống. Mà cũng đã 43 năm rồi…” - chị Đào Thị Hồng Loan, nguyên đại đội trưởng phân trần. 43 năm, thời gian và bao nỗi gian truân đã lấy đi nét thanh xuân của những nữ pháo thủ tuổi trăng tròn, tuổi đôi tám năm nào. Nữ đại đội trưởng Đào Thị Hồng Loan, “chị cả” của đại đội năm đó mới có 18 tuổi, nay tóc cũng đã điểm bạc. Chị bồi hồi nhớ về cái ngày ra đời của đại đội.
Năm 1969, để tăng cường khả năng phòng thủ bầu trời của lực lượng dân quân tự vệ tỉnh, Quân khu tăng cường cho lực lượng dân quân tự vệ thị xã Thái Bình 4 khẩu pháo cao xạ 37mm. Nhưng lúc này, lực lượng tự vệ thị xã còn rất ít nam giới nên đại đội nữ cao xạ được thành lập. Chị em tham gia đại đội hầu hết là những thiếu nữ trẻ vừa học xong cấp hai, đa số mới mười lăm, mười sáu tuổi, người lớn nhất như chị Loan cũng mới bước sang tuổi 18. Lý do chị Loan trẻ vậy mà trở thành đại đội trưởng cũng rất đặc biệt. Cha chị, ông Đào Văn Thạnh khi ấy là xã đội trưởng. Khi trên bàn giao pháo cùng thời điểm ông Thạnh được điều lên thị đội, chị Loan đã xung phong xin được giữ chức đại đội trưởng 37mm. Tham gia đại đội, dòng họ Đào còn có nhiều thiếu nữ khác như chị Đào Thị Liên, năm ấy mới 16 tuổi, chị Chiến 17 tuổi là chị em con chú con bác. Ngày 11-1-1969, đại đội pháo cao xạ được thành lập, gồm 300 lượt người, chủ yếu là nữ. Đây là những tự vệ thuộc các Công ty Cơ khí 2-9, Công ty Kiến trúc, Công ty Dược phẩm, các phường, xã Kỳ Bá, Quang Trung, Tô Hiệu, Hồng Phong, Đề Thám, Bồ Xuyên, Trần Phú… chia thành các khẩu đội thay nhau trực chiến. Họ vừa lao động, vừa huấn luyện, sẵn sàng bắn máy bay. Tỉnh đội cử đồng chí Phạm Thanh Tịnh ra tập huấn cho mọi người chỉ trong một tháng. “Lúc đó ngoài sự hăng hái “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” thì ai ở hợp tác xã nông nghiệp đi trực chiến sẽ được 15kg gạo /tháng, ai ở hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sẽ được cộng thêm 15 điểm mỗi ngày” - chị Nguyễn Thị Lan nhớ lại. Mấy năm liền, các nữ tự vệ miệt mài bên mâm pháo, họ đã thành thục từng thao tác.
Pháo đè lưng vẫn vùng lên nổ súng
Rồi những ngày ác liệt cũng đến vào mùa thu năm 1972, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá thị xã Thái Bình. Trận đầu chạm trán máy bay Mỹ là sáng 17-8-1972, 5 chiếc F4H và 5 chiếc AD6 bay vào bầu trời thị xã. Chị Loan hô to: “Bỏ tốp thứ nhất, bắt chiếc đầu của tốp thứ hai”. Địch bổ nhào xuống nhà máy tơ, các khẩu đội dõng dạc nhả đạn nhưng chúng bay lướt qua nhanh quá. Song, ở phía huyện Vũ Thư, một đơn vị dân quân đã kịp nổ súng, hạ một chiếc F4H. Sáng 18-8, tiếp tục có 3 chiếc AD6 từ cửa Ba Lạt bay vào oanh tạc trục đường Tiền Hải. Dân quân huyện Đông Hưng đã hạ một chiếc. Những tin chiến thắng báo về làm cả đại đội thêm náo nức. “Liệu đại đội mình có bắn rơi máy bay được không? Chúng tôi tự hỏi và bảo nhau phải quyết tâm thật cao” - chị Loan kể. “Rồi ngày chiến đấu thứ 3 cũng tới. 7 giờ sáng 19-8, đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, 5 chiếc F4H từ cửa Ba Lạt qua trục đường 39 vào vùng trời thị xã Thái Bình, ném bom phá cầu Bo, trụ sở tỉnh ủy và nhiều nhà máy. Khi trắc thủ phát hiện, hô “8000, 6.500, 4000”, tôi đã lệnh “bỏ chiếc thứ nhất, bắt chiếc thứ hai, điểm xạ dài”. Sau loạt đạn dứt khoát, một chiếc F4H bỗng phụt khói, bốc cháy rồi lảo đảo rơi xuống hướng cửa Ba Lạt, cách trận địa khoảng 30km, tên phi công Mỹ nhảy dù xuống huyện Tiền Hải cũng nhanh chóng bị ta bắt. Các tốp máy bay khác thấy vậy kinh hoàng, cuống cuồng kéo nhau bay ra phía biển chạy trốn. Nhưng trước khi bỏ chạy, chúng điên cuồng ném bom vào trận địa. Loạt bom rơi rất may chệch các mâm pháo gần cạnh bờ đê, tạo cột nước bốc cao và gây sức ép rất mạnh, đẩy và hất tung các khẩu pháo. Chị Loan bị hất ngã, khẩu pháo đè lên lưng, day qua day lại. Người con gái nhỏ thó chỉ chừng 40kg tưởng như ngất đi, song chị đã vùng dậy tiếp tục chỉ huy trận địa.
Hôm ấy là một ngày dữ dội và tang tóc ở thị xã Thái Bình. Rất nhiều cán bộ và nhân dân hy sinh, trong đó có cả đồng chí phó chủ tịch thị xã. Đau thương chắc sẽ nhiều hơn nếu không có sự chiến đấu kiên cường và tiêu diệt máy bay của đại đội nữ pháo thủ. Chị Nguyễn Thị Ngần, pháo thủ nạp đạn khi thao tác bị hộp đạn kẹt mất hai đốt của ngón út, máu tuôn chảy. Vậy mà không nao núng, sau khi băng vết thương, chị vẫn không rời trận địa. Còn chị Đào Thị Liên và chị Nguyễn Thị Lan, pháo thủ tiếp đạn, lúc đó đều mới 16 tuổi, chỉ nặng chừng 40kg song khi đang lúc chiến đấu, đơn vị sắp hết đạn đã dũng cảm lao qua cánh đồng Bồ Xuyên, băng băng khiêng các hòm đạn nặng hơn 70kg trở về. Anh Vũ Văn Phương, một trong số ít “mày râu” tham gia đại đội kể: “Tôi lúc đó 18 tuổi, là bí thư Đoàn xã, tham gia đại đội ở vị trí nạp đạn. Qua chiến đấu, tôi rất khâm phục các chiến sĩ nữ. Họ nhỏ bé mà rất kiên cường. Lòng yêu nước đã khiến họ lớn hơn, mạnh hơn rất nhiều so với cái tuổi 16, 17 “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Tin đại đội nữ cao xạ hạ máy bay loan nhanh khắp tỉnh. Trưa hôm đó, Thượng tá Đoàn Văn Vang, Tỉnh đội trưởng đã tới thăm trận địa, khen ngợi và thưởng “nóng” cho đại đội… một con bò. Cũng trong ngày, tỉnh đội trưởng đã ký quyết định tặng bằng khen cho đại đội và nhiều chiến sĩ tiêu biểu. Ba ngày sau, đại đội vinh dự được đón đồng chí Phi -đen Ca -xtơ-rô và đại biểu Đoàn thanh niên Grát của Liên Xô đến thăm. Phi -đen ôm lấy các nữ chiến sĩ nhỏ bé, tự hào nói: “Các đồng chí là biểu tượng quyết chiến quyết thắng của phụ nữ Việt Nam, dân tộc Việt Nam!”. Phi-đen còn tặng đại đội một lá cờ và nhiều huy hiệu.
Ngày gặp lại
Năm 1973, sau Hiệp định Pa -ri, trên lệnh cho đại đội tạm dừng trực chiến nhưng các cô gái vẫn cử các ca trực thay nhau bảo vệ pháo cho tới năm 1974, các khẩu pháo được kéo về bàn giao cho thị đội. Những nữ pháo thủ trở về với đời thường, không nhiều người thành đạt, có cuộc sống sung túc. Phần lớn số họ làm ruộng, buôn thúng bán mẹt, có tới 17 chị sau này quá lứa lỡ thì, không xây dựng gia đình. Mãi đến năm 2006, chị Ngô Thị Hòa, “em út” của đại đội nay đã trở thành… nhà báo và được biết có chế độ 290, trợ cấp một lần cho những người tham gia kháng chiến như các nữ pháo thủ, chị đã nhiệt tình cùng chị Loan đi tìm, tập hợp đơn vị, lập nên ban liên lạc. Họ đã được nhận trợ cấp một lần, dù ít ỏi nhưng cũng là niềm động viên, một vài người đã được công nhận là thương binh, nhưng cũng còn nhiều người chưa được công nhận. Nữ đại đội trưởng Loan bị pháo đè lên lưng sáng 19-8 song đã để lại dị tật cả đời, khiến chị bây giờ không thể ngồi xổm được.
Ngày gặp lại, tình đoàn kết một thời bên mâm pháo lại tỏa sáng. Họ thầm lặng giúp đỡ nhau vượt lên gian khó đời thường. Một quỹ “nghĩa tình đồng đội” trị giá hàng trăm triệu đồng được lập ra bằng sự tự nguyện đóng góp của những chị có điều kiện như chị Mai Thị Tuyết, Bùi Minh Nguyệt, Phạm Thị Cầm… Nhờ quỹ này, nhiều chị được vay vốn làm ăn, xây nhà, giúp con cái xuất khẩu lao động. Bận rộn với mưu sinh, song cứ đến ngày 19-8 mang âm hưởng của mùa thu cách mạng, các nữ pháo thủ lại “ới” nhau, vận quân phục kéo ra bảo tàng tỉnh Thái Bình, tới bên các khẩu pháo thân yêu của một thời, hình thành các khẩu đội, thao tác một lần cho đỡ nhớ pháo. Họ hàn huyên chuyện bắn máy bay Mỹ, chuyện nhà cửa, chuyện làm ăn. Loáng thoáng có cả chuyện tình yêu của thời bên mâm pháo. Trong đại đội, có nữ pháo thủ Thảo và nam pháo thủ Bao yêu nhau. Được ít lâu thì anh Bao có lệnh gọi nhập ngũ. Đêm trước ngày anh lên đường, Thảo xin phép đại đội trưởng tới gặp anh một tiếng để chia tay. Nhưng mãi đến 12 giờ đêm cô mới trở về. Đại đội trưởng kỷ luật nghiêm, vẽ vòng tròn bắt Thảo đứng nghiêm suy nghĩ. Bao thương người yêu, đến gặp chị thú tội đã “trót dại”…Ngày ấy, chuyện nam nữ như vậy là một cái gì đó rất ghê gớm nhưng may mà không có chuyện gì phức tạp hơn xảy ra. Bao vào chiến trường rồi hy sinh, Thảo ở vậy không lấy ai. Khi đại đội làm thủ tục công nhận chế độ 290, chị chưa kịp nhận thì bị ung thư, ra đi quá sớm…
Chuyện về họ là như thế và còn bao điều sâu lắng hơn thế mà chúng tôi mới phần nào ghi lại được về những nữ pháo thủ tuổi trăng non, về một thời con gái bên mâm pháo bảo vệ bầu trời thành phố quê lúa…
Ghi chép của Đức Toàn-Minh Khánh