QĐND - Suốt hơn 20 năm qua, cô giáo Ngô Thị Khiếu, một người vợ bộ đội, sau khi nghỉ hưu đã lặng lẽ thuê xe ôm đi khắp miền Bắc tìm mua, sưu tầm hiện vật văn hóa đồng quê. Mới đây cô đã bàn với chồng bán mảnh đất được cấp ở Hà Nội để về quê (làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) xây dựng một bảo tàng và được GS Vũ Khiêu tặng câu đối khen ngợi: “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước /Để cho con cháu mãi sau này”…

 “Tiếc cho đồng nát, dốc tiền tìm mua”

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô Khiếu về dạy học tại xã Giao Thịnh và nên duyên với một thầy giáo trẻ. Chiến tranh, chồng cô xếp bút nghiên vào bộ đội, hết Trường Sơn ông lại tới Trường Sa, biên giới, hải đảo. Cô Khiếu cũng lặn lội theo chồng, lúc Đà Nẵng, khi Đà Lạt, Hải Phòng rồi cuối cùng là Hà Nội. Tuổi xế chiều, hai vợ chồng cô vẫn thường xuyên tranh thủ về thăm quê.

Năm 2010, xã Giao Thịnh khánh thành trường mầm non, vợ chồng cô được mời về dự. Sau lễ cắt băng khánh thành, cô Khiếu đi tìm hiểu cơ ngơi nhà trường. Cô lặng người thấy trường… nghèo quá. Tủ sách: Không! Tranh ảnh: Không! Bếp ăn, đồ nấu ăn cho trẻ con: Cũng không! Nồi niêu không có, các cô giáo phải đến từng nhà vận động, soong nồi phải đi mượn. Cô Khiếu nhìn mà ứa nước mắt. Cô chợt nhớ tới tủ sách nhà mình. Hai vợ chồng cô đều ham đọc sách. Mấy chục năm làm nhà giáo, cô sưu tầm được rất nhiều sách. Còn chồng cô thường đi công tác xa, chuyến đi nào ông cũng mua sách mới, nhét đầy cặp để tranh thủ đọc dọc đường. Tính ra, số sách mà ông bà có được lên tới hàng nghìn cuốn.

Một góc bảo tàng đồng quê của cô Ngô Thị Khiếu.

 

Cùng với sách, đã từ lâu cô còn sưu tầm được rất nhiều đồ đồng, bát đĩa cổ. Chuyện bắt đầu từ một lần, cô tình cờ nhìn thấy ở góc phố Hà Nội, mấy chị đồng nát đang ra sức đập bẹp gí mấy chiếc nồi đồng, mâm đồng còn rất lành lặn. Cô lại gần hỏi đập làm gì. Họ nói: “Đập để đem cân bát đồng nát”. Cô nhìn mà tiếc đứt ruột. Những nồi đồng, mâm đồng ấy một thời từng là ước mơ của bao gia đình nông dân. Cô bảo mấy chị đồng nát dừng tay rồi dốc túi xin mua hết số nồi đồng, mâm đồng mang về nhà. Mang về rồi, cũng chẳng biết dùng làm gì, cô phải giấu chồng cất kín ở gầm cầu thang…

Đi về quê, cô lại tiếp tục tận mắt nhìn thấy những bà đồng nát đi thu gom mua nồi đồng, mâm đồng mua được chiếc nào họ đều đập bẹp để cân đồng mang bán. “Nếu cứ đà này thì về sau con cháu muốn xem những vật dụng của cha ông cũng chẳng còn” -cô thầm nghĩ. Trong cô chợt lóe lên ý tưởng sưu tầm, bảo tồn những vật dụng ấy. Cô liên tục về quê, tranh thủ tìm mua “đồ cổ”. Nhưng rồi cái gầm cầu thang cũng ngày một đầy lên, cô phải để trong gian buồng nhỏ. Rồi chồng cô cũng phát hiện ra “bí mật”. ông không phản đối mà bảo: “Thôi, bà thuê xe ôm mà đi tìm mua cho đỡ vất vả”. Thế là từ đó, mỗi khi rảnh rỗi, anh xe ôm đầu phố Dịch Vọng Hậu lại chở cô đến các vùng nông thôn ven Hà Nội tìm mua đồ cổ làng quê.

“Dự án” bất ngõ

Trở lại với câu chuyện ở xã Giao Thịnh, nhìn cảnh ngôi trường mầm non nghèo nàn, cô Khiếu tìm gặp anh Lê Xuân Đóa, Phó chủ tịch UBND xã, đồng thời cũng là một người học trò cũ, cô nói:

- Đóa ơi, trường mình nghèo quá mà nhà cô thì đầy sách. Cháu là cán bộ xã, cháu về nói với xã bán cho cô sào đất, cô làm cái thư viện cho các em học sinh và bà con có nơi để đọc sách và trưng bày những hiện vật đồng quê đang dần bị mai một!

Anh Đoá bàn với anh Thiêm, khi ấy là Chủ tịch UBND xã, anh Thiêm nhất trí ngay. ý tưởng đó được bàn bạc rôm rả trong bữa cơm liên hoan mừng trường mới, may mắn sao lại có cả ông Nghinh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy về dự. ông Nghinh sau khi tìm hiểu bèn nói:

- Nếu làm được bảo tàng văn hóa đồng quê thì tốt hơn, sẽ là một địa chỉ văn hóa của cả vùng. Theo tôi thì cô nên lập một dự án, huyện sẽ ủng hộ.

 “Lập dự án?”- Cả đời làm nghề giáo cô Khiếu chưa từng nghe, chưa hình dung cái dự án nó ngang dọc ra sao. Cô trở về mày mò, viết ra gần chục trang. Hôm cô mang tập giấy về nộp cho Phòng Tài nguyên -Môi trường huyện, mấy anh cán bộ đọc rồi cười… Rồi hiểu tấm lòng cô giáo, họ nhiệt tình bày cho cô cách làm. Ngay cạnh trường mầm non, có khu đất nông nghiệp rộng hơn 5000m2 bị bỏ hoang được cô chọn để làm bảo tàng. Một vài người ban đầu nghĩ dự án để kinh doanh, đòi giá đất rất cao, lên tới hàng tỷ đồng. Khi hiểu ra câu chuyện và tấm lòng của cô, tiền thuê đất được rút xuống chỉ còn hơn 200 triệu đồng.

Bảo tàng “bình dân”

Bảo tàng tái hiện 5 mô hình nhà gắn với quá trình phát triển của nông thôn Việt Nam.

Ngôi nhà thứ nhất, cô cho tái hiện kiểu nhà tranh vách đất lợp rạ của bần cố nông, tường trình đất đồng thời cũng là nơi để các dụng cụ lao động như cày, bừa, cuốc, thuổng, có cối xay, cối giã gạo, bếp tro…Chỉ riêng chuyện mua tìm cái xay giã gạo, cô phải mất nhiều ngày đi tìm, may mà đến xã Hải Nam, huyện Hải Hậu thì còn một gia đình vẫn lưu giữ được.

Ngôi nhà thứ hai của khu bảo tàng sẽ tái hiện loại nhà trung nông, tường xây luồn gianh lợp bổi (cói) đồng thời sẽ là nơi dệt chiếu, trưng bày sinh hoạt của nông dân tầng lớp trung nông.

Ngôi nhà thứ ba, sẽ là loại nhà địa chủ, nhà ngói cây mít, gỗ lim, trưng bày các vật dụng sinh hoạt của gia đình địa chủ.

Ngôi nhà thứ tư là loại nhà gác tường vào những năm 60 của thế kỷ trước, mang đặc trưng của vùng Giao Thủy.

Ngôi nhà thứ năm xây 4 tầng, là nơi trưng bày các hiện vật, thư viện và hội họp… Tại tầng một, cô sẽ cho trưng bày các hiện vật liên quan đến truyền thống quân đội, chủ yếu liên quan đến truyền thống bộ đội Công binh Hải quân mà chồng cô đã sưu tầm được trong quá trình công tác. ở đây sẽ có nhiều loại mẫu đất, đá, san hô ở Trường Sa cũng như các quần đảo, hòn đảo, các vùng biên giới mà ông đã tham gia xây dựng, mang về. Tại tầng hai của tòa nhà sẽ trưng bày các hiện vật liên quan đến văn hóa đồng quê lúa nước sông Hồng, bao gồm các công cụ nhà nông khoảng 100 năm trở lại đây cùng với bộ sưu tập đồ đồng, nồi đồng (200 cái), mâm đồng (200 cái), đèn cổ (hơn 100 chiếc) và nhiều đồ gốm cổ, sứ cổ, tiền cổ… Tầng ba của tòa nhà sẽ là thư viện với hàng nghìn đầu sách và nhiều báo, tạp chí.

Cùng với 5 loại nhà, cô Khiếu còn tái hiện một hầm chữ A ngoài vườn giống như cảnh những người dân quê cô thường tránh bom Mỹ năm xưa.

Một điều đặc biệt nữa, quanh vườn, quanh nhà, cô đang tái hiện cả một “bảo tàng cây cối đồng quê” với hàng trăm loại cây, có nhiều loại đang có nguy cơ… “biến mất” như: Cây cậy ngày xưa nông dân trồng lấy nhựa để làm quạt quạt lúa, quạt mát, làm diều; cây chay, cây sắn thuyền, cây dành dành, cây vối… Những cây này phần lớn do bà con tặng lại cô.

Nhiều người thấy cô làm bảo tàng thì nghĩ chắc phải đầu tư lớn nhưng bất ngờ ở chỗ cô cho xây dựng theo kiểu bình dân, tiết kiệm. Làng Bỉnh Di nổi tiếng là làng có nhiều thợ xây giỏi, có hàng trăm nông dân từng tham gia công tác ở đơn vị chồng cô đi xây dựng Trường Sa năm xưa nên nay mọi người đều nhiệt tình góp công, góp sức. Từ thiết kế đến thi công đều do họ hàng, anh em xắn tay vào làm. Tính đến nay, tổng đầu tư cho dự án, kể cả tiền thuê đất và xây dựng là hơn 2 tỷ đồng. Điều làm cô xúc động nhất là kể từ khi khởi công, nhiều bà con, bạn bè, nhất là những người từng tham gia xây dựng Trường Sa cùng chồng cô năm xưa đã tự nguyện tìm đến ủng hộ hiện vật, hỗ trợ kinh phí để xây dựng…

Dự kiến đến ngày 12-12-2012 tới, bảo tàng sẽ khánh thành giai đoạn 1 và hoàn thiện giai đoạn 2 vào năm 2013 để chính thức đi vào hoạt động.

“Sau này, vợ chồng tôi sẽ tặng lại công trình này cho địa phương để trở thành nơi sinh hoạt văn hóa chung cho bà con. Còn trước mắt, tôi mong muốn sưu tầm được nhiều hiện vật, kỷ vật hơn nữa. Mong những ai quan tâm và yêu mến văn hóa đồng quê cùng góp sức với chúng tôi” -cô Khiếu tâm sự. Những ai quan tâm tới bảo tàng đồng quê này có thể liên hệ với cô Ngô Thị Khiếu qua số điện thoại: 0982.431523

 

Bài và ảnh: Minh Quang