Ai đi qua ngã tư Cửa Đông-thành phố Nam Định sẽ thấy cặp vợ chồng tuổi trạc 60, hằng ngày bán đậu hoa (tào phớ) cùng những chiếc bánh ngọt ngay trên hè phố. Vào buổi sáng, khách đông, tấp nập ngồi chen chúc thưởng thức những cốc tào phớ thơm mát hương hoa bưởi, những chiếc bánh ngọt đậm đà. Hai vợ chồng có cùng nét mặt phúc hậu, thao tác trên nồi tào phớ trắng muốt, trên mâm bánh ngọt, dẻo, điệu nghệ như nghệ sĩ đánh đàn thập lục. Ít ai biết người phụ nữ phúc hậu đó chính là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng-cô dân quân miền biển Hải Hậu Hà Thị Nhiên kéo mảnh xác máy bay Mỹ.
Bà kể: Những năm 1966-1967, giặc Mỹ đánh phá ác liệt vùng biển Nam Định. Ở đây có những cửa sông đổ ra biển: Cửa biển Ba Lạt, cửa sông Ninh Cơ... Đây là những điểm kiểm tra của máy bay Mỹ khi bay ra đánh miền Bắc và là nơi trút bom, đạn còn lại trước khi hạ cánh xuống hạm tàu. Vùng biển Hải Thịnh (Hải Hậu) quê của bà lại nằm ngay cửa sông Ninh Cơ, nên lãnh đủ. Xóm làng tan nát! Cây cối, nhà cửa tan hoang. Bà con sống trong những túp lều hoặc lấn sâu vào lòng đất. Nhân dân ở đây gái cũng như trai, trẻ cũng như già đều là những chiến sĩ vừa sản xuất, vừa đánh giặc.
 |
Người dân xem bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” bên xác máy bay
|
Trung đội nữ dân quân thôn Năm Căn, Hải Thịnh, Hải Hậu của Hà Thị Nhiên được trang bị một khẩu 12,7mm. Chị em trong khẩu đội thay nhau trực chiến cả ngày lẫn đêm. Trời chạng vạng tối là chị em hò nhau di chuyển, ngụy trang trận địa để bảo đảm bí mật.
Là địa điểm xung yếu, quan trọng nên quân khu tăng cường cho Hải Thịnh một đơn vị pháo cao xạ, một trung đội gồm hai khẩu đội pháo 122mm nằm trong tiểu đoàn 66 pháo bờ biển do Trung đội trưởng Phạm Quang Tuấn chỉ huy. Sáng sớm ngày 15-1-1966, từng tốp máy bay Mỹ vào đánh phá miền Bắc. Khi trở về, theo thông lệ, tốp máy bay tới vùng trời Hải Thịnh, hai chiếc tách đội lao xuống trút nốt số bom còn lại. Lập tức, pháo cao xạ khai hỏa, cùng lúc khẩu đội súng máy 12,7mm của Hà Thị Nhiên lên tiếng. Mấy mũi lao lửa rạch trời bay lên xoắn lấy chiếc F4. Không thấy lửa bùng lên, mà chiếc F4 tan ra từng mảnh vụn, rơi lả tả xuống đất, xuống biển. Chiếc máy bay thứ hai và cả tốp hốt hoảng, tháo chạy ra biển.
Bà con Hải Thịnh rời khỏi công sự, hò reo vang trời, rủ nhau đi thu gom xác máy bay Mỹ đem về trụ sở Ủy ban. Hình ảnh cô dân quân miền biển Hải Hậu Hà Thị Nhiên 19 tuổi, trẻ trung, nai nịt gọn gàng, vai đeo súng, dáng vóc khỏe mạnh, nghiêng người kéo mảnh xác chiếc F4 ngay trên mép nước biển. Bóng cô đổ dài trên bãi biển. Hình ảnh cô được nhà nhiếp ảnh Quang Văn thu ngay vào ống kính.
Quang Văn thời kỳ đó là cán bộ quản lý Nhà Triển lãm tỉnh, thuộc Sở Văn hóa tỉnh Nam Định. Ông cũng là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ông cùng chiếc máy ảnh Rô-lếch cũ kỹ có mặt trên khắp các vùng quê, các trận địa chiến đấu trong tỉnh. Trận đánh bắn tan chiếc F4 của Mỹ trên vùng trời Hải Thịnh ông cũng có mặt. Phút giây xuất thần đã đến với ông, tấm ảnh cô dân quân vùng biển Hải Hậu Hà Thị Nhiên kéo mảnh xác máy bay Mỹ đã đền bù xứng đáng công lao vất vả “tắm gió”, “gội sương”, mà ông bôn ba trên khắp trận địa, trên khắp nẻo đường của tỉnh.
Tấm ảnh lập tức được nhân dân cả nước hoan nghênh, đón chào, được trưng bày ở nhiều nơi, trong các phòng triển lãm, bảo tàng... Sau đó, bức ảnh đã đoạt Huy chương vàng tại triển lãm ảnh quốc tế tại Béc-lin tháng 3-1970 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác. Ngắm bức ảnh cô dân quân miền biển Hải Hậu Hà Thị Nhiên kéo mảnh xác máy bay Mỹ, một ký giả nước ngoài thốt lên:
- “Ôi! Kỳ diệu! Phải chăng đây là nữ vương Hòa Bình đang trừng phạt hành động của kẻ gây chiến tranh dã man, tàn ác?”.
Mấy đoàn Việt kiều ở Mỹ về nước, tới tận nhà bà Nhiên xin được chụp lại tấm ảnh “Cô dân quân kéo mảnh xác máy bay” đem về Mỹ. Anh chị em nói:
- Tấm ảnh này sẽ làm nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, hiểu được sức mạnh của toàn dân đánh giặc.
Khi tấm ảnh được loan truyền trong cả nước thì tên tuổi cô dân quân Hà Thị Nhiên nổi như cồn. Cô dân quân xinh đẹp, duyên dáng trên tấm ảnh được nhiều chàng trai đến tận cửa nhà “xin được chết”.
Trung sĩ Trung đội trưởng pháo bờ biển Phạm Quang Tuấn trong một buổi đi xin tre làm trận địa, lọt vào “tầm ngắm” của bố cô Nhiên. Cô dân quân đồng thời cũng bị anh trung đội trưởng pháo bờ biển “bắn trúng”.
 |
Cô dân quân kéo xác máy bay hôm nay...
Ảnh: TRẦN VIỆT ĐỨC
|
Đất nước thống nhất, Phạm Quang Tuấn chuyển ngành về một cơ quan thuộc tỉnh Nam Định. Hà Thị Nhiên theo chồng về thành phố với hai bàn tay trắng, với bao điều bỡ ngỡ cuộc sống đô thành. Mấy năm sau, Phạm Quang Tuấn về nghỉ mất sức. Cuộc sống mưu sinh biết bao gian khó. Lo cho chồng, lo cho con có cơm ăn, áo mặc, học hành nên người. Nhìn căn nhà trong ngõ hoành tráng, đầy đủ tiện nghi, không ai ngờ, chỉ với gánh đậu hoa, mấy cái bánh ngọt, ông bà đã làm nên sự nghiệp. Bà kể: “Những ngày đầu ngồi vỉa hè bán hàng cũng nhiều rắc rối lắm. Anh em công an đến thu hết đồ đạc, cốc chén đem về trụ sở. Bà con đem tấm ảnh “Cô dân quân miền biển Hải Hậu kéo mảnh xác máy bay Mỹ” cho các anh xem. Anh em công an trả lại đồ đạc và cũng “lờ đi”, cho bà ngồi bán hàng mấy tiếng buổi sáng. Không ngờ tấm ảnh lại trợ giúp cho vợ chồng già ngoạn mục đến vậy!
Vừa qua, với thời gian của bà chiến đấu 7 năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi năm được 400.000 đồng, bà cũng lĩnh gần 3 triệu đồng. Cả hai ông bà đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Bà vui vẻ nói với tôi: “Thế cũng quý rồi bác ạ! Nhiều anh chị em còn khó khăn hơn mình!”.
TRẦN KỲ