QĐND - Cũng như hàng vạn người vợ bộ đội trong chiến tranh, chồng bà ra mặt trận chiến đấu, bà ở hậu phương âm thầm nuôi con, mong đến ngày chiến thắng để đón chồng trở về. Nỗi khát khao tình yêu, nhớ thương được chia sẻ cho nhau qua những lá thư tình cháy bỏng thời chiến. Để cuối cùng bà nhận được tin báo đau xé lòng: Chồng mình đã hy sinh ngoài mặt trận...
Bà Nguyễn Thị Xuân năm nay 70 tuổi, là vợ liệt sĩ, nhà văn quân đội nổi tiếng Nguyễn Thi. Hiện bà ở tại phố Ông Ích Khiêm, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Nguyễn Thi tên thường gọi là Nguyễn Ngọc Tấn, quê ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1968, ông hy sinh tại mặt trận Sài Gòn-Gia Định.
Nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật, với các chùm tập truyện ký, truyện ngắn. Tác phẩm Nguyễn Thi giàu sức chiến đấu, cô đọng, khái quát được cuộc chiến tranh nhân dân, cả nước cùng đánh giặc bảo vệ quê hương, tiêu biểu là truyện ký “Người mẹ cầm súng” đã làm rung động và cảm xúc hàng triệu trái tim bạn đọc cả nước. Nhà văn Nguyễn Thi đã để lại 20 tác phẩm với hàng ngàn trang viết.
 |
Bà Xuân (thứ ba, từ trái sang) trong ngày khánh thành ngôi nhà tình nghĩa. |
Bà Xuân nghẹn ngào kể lại mối tình của bà với nhà văn Nguyễn Thi: “Ngày ấy, tôi là một thiếu nữ thôn quê vừa tròn 17 tuổi, có mái tóc đen dài mượt mà. Nhà tôi ở thôn Cự Thần, xã Đỗ Đan, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ). Gia đình tôi lúc đó có anh ruột tôi là Nguyễn Văn Thịnh đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ anh Tấn và mẹ tôi là đôi bạn cố tri, anh Tấn lại vừa tập kết ra Bắc, anh ấy hơn tôi 12 tuổi. Mẹ anh Tấn đưa anh Tấn đến thăm gia đình tôi và có ý định hỏi cưới tôi cho anh. Tôi nghe bà nói với mẹ tôi: Thằng Thịnh nó hy sinh rồi, tôi cho bà thằng Tấn đến để thay Thịnh gọi mẹ! Gia đình tôi đồng tình vun vào, bắt tôi phải lấy anh Tấn dù khi đó tôi đã có người yêu. Người ủng hộ nhất là ông ngoại tôi, bắt tôi phải bỏ người yêu để lấy anh Tấn! Tôi là con gái độc nhất trong gia đình, bao nhiêu trai làng xin được ở rể, nhưng mẹ tôi không đồng ý, mà chỉ ưng anh Tấn, chỉ vì anh là bộ đội”.
“Tôi nhớ mãi kỷ niệm không bao giờ quên là ngày cưới của chúng tôi, anh Thanh Tịnh là Chủ nhiệm (Tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ quân đội đã mang về 100 tấm ảnh Bác Hồ, để tặng các gia đình trong làng đến dự đám cưới…” - bà kể tiếp.
Sau ngày cưới, bà Xuân theo chồng về sống ở khu tập thể quân đội, phố Ông Ích Khiêm được hai năm. Thời gian đó, ông Tấn đang học tiếng Ba Lan để chuẩn bị đi học ở nước bạn. Đột nhiên ông báo với vợ là ông nhận nhiệm vụ đi chiến trường B. Khi đó bà Xuân đã hỏi ông Tấn: “Anh đi miền Nam hy sinh thì sao?”. Ông Tấn cười xoa dịu và an ủi bà: “Em cứ yên tâm, làm sao anh chết được! Đi chiến đấu về anh sẽ tiếp tục đi học ở Ba Lan…”. Năm 1962, bà Xuân tiễn ông Tấn lên đường vào chiến đấu ở miền Nam, lúc đó bà vừa sinh con trai được 6 tháng tuổi.
Trước khi vào chiến trường, ông Tấn đã dặn bà Xuân: “Ở nhà em phải thay anh nuôi con khôn lớn. Em cố gắng phấn đấu học tập, làm việc cho bằng chị bằng em…”. Ông Tấn thường nhắc bà Xuân đẻ con trai thì đặt tên là Nguyễn Thi, con gái đặt tên là Nguyễn Chiêm, ở chiến trường ông Tấn đã lấy ngay tên con mình là Nguyễn Thi đặt làm bút danh cho các tác phẩm truyện ngắn, truyện ký của mình. 6 năm sống xa cách ở chiến trường, ông Tấn đã gửi 20 lá thư về cho vợ. Bà Xuân gửi vào cho chồng 23 lá thư và ảnh gia đình, địa chỉ thư gửi đơn vị thời chiến: Nguyễn Ngọc Tấn, Hòm thư: 1850 B, Nam Bộ.
Từ chiến trường gian khổ và ác liệt ở miền Nam, ông Tấn đã tranh thủ thời gian để viết thư về động viên vợ con mình. Các bức thư ông gửi bà Xuân chứa chan tình cảm yêu thương của người lính, phải tạm sống xa cách vợ con để ra mặt trận đánh giặc.
Ông Tấn hy sinh ở chiến trường, linh cảm vợ chồng đã báo cho bà biết trước, mà thời gian ấy tổ chức cơ quan vẫn giấu bà. Bà Xuân cho biết thêm: “Hôm đó, tôi đi dự hội nghị thi đua ở Nhà máy Dệt 8-3, nghe chị em bàn tán xôn xao là nhà văn viết tác phẩm Chị Út Tịch đã hy sinh ở mặt trận! Tôi bàng hoàng nửa tin nửa ngờ. Sau đó thấy chị cán bộ phụ nữ nhà máy đến nhà thăm tặng quà, tôi hỏi chị có biết tin tức gì về chồng tôi không? Chị ấy lại úp mở trả lời tôi là nếu chị ấy nói ra thì chị ấy sẽ bị kỷ luật! Là vợ bộ đội thời chiến, phụ nữ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần, chấp nhận sẽ có ngày nhận được tin dữ từ mặt trận. Tin chồng hy sinh làm đau đớn đến xé nát lòng người vợ, nhưng đó là sự thật trong chiến tranh mà những người vợ lính phải chịu đựng. Khi tôi nhận được tin báo chính thức anh Tấn hy sinh tôi đã ngất đi…”.
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, chồng bà Xuân đã hy sinh hơn 40 năm, cơ quan, Tạp chí Văn nghệ quân đội, chính quyền quận, phường và đồng đội, bà con hàng xóm vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình liệt sĩ. Đầu tháng 6-2010, Công ty TNHH Thương binh nặng Hà Nội đã hỗ trợ 50 triệu đồng, sửa lại nhà mới cho gia đình bà Xuân. Cách đây 2 năm, bà Xuân nhận được tin báo của đồng đội cũ của ông Tấn cho biết đã xác định được vị trí nơi chôn cất liệt sĩ Tấn tại khu vực quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng vì gia đình kinh tế khó khăn, bà chưa đủ kinh phí tìm và đưa hài cốt ông Tấn về quê nhà...
Bài và ảnh: ĐẠI HOÀNG