Võ Ngọc Anh với “cánh tay lớn nhất thế giới” (hồi nặng 29,3kg)

Gần đây, nhiều tờ báo đưa tin về một người đàn ông có cánh tay nặng tới hơn 20kg (theo nhận định là cánh tay lớn nhất thế giới) được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Nhưng thật ra, người có cánh tay lớn nhất thế giới có lẽ phải là chàng trai Võ Ngọc Anh đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) với câu chuyện đời đầy nước mắt gắn với cánh tay từng có lúc nặng tới 29,3kg...

 “Chim cánh cụt” và nỗi đau da cam

Trước mắt tôi, chàng trai Võ Ngọc Anh, quê ở xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định tuy mới có 28 tuổi nhưng nhìn như một người ngoài 40 tuổi. Cổ nhân có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” nhưng vừa tròn tuổi 20, Ngọc Anh đã phải “chấp nhận” bị… cưa mất cả một cánh tay. 8 năm sau, khối u ấy tiếp tục mọc lên… 7kg nữa. Chàng trai có cái tên thật đẹp và “phom” người lẽ ra thuộc hàng “cao to đẹp trai”, giờ đây  cơ thể gầy guộc, méo mó, da dẻ sần sùi, loang lổ khắp nơi. Đại tá, TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 khi nói về ca phẫu thuật đã gọi đó là: “câu chuyện chim cánh cụt và nỗi đau da cam…”.

Chuyện bắt đầu từ năm 1978. Đất nước vừa nguôi tắt ngọn lửa chiến tranh, dấu tích đồn bốt, hàng rào thép gai còn ngổn ngang khắp những cánh đồng quê. Ông Võ Kim Tới, cha của Ngọc Anh, năm nay 58 tuổi, khi ấy mới lấy vợ và chuyển nhà ra thôn Ngọc Thạnh, gần cánh đồng cạnh khu quân sự đồn An Sơn của quân đội chế độ cũ. Không ai biết nơi này từng có một kho cất giấu chất độc hóa học nên đã phát tán ra môi trường. Chỉ đến khi nhiều đứa trẻ lớn lên có dấu hiệu bất bình thường thì mọi người mới lờ mờ nhận ra. Nhà bà Võ Thị Dinh có đứa con bị mất trí, đứa thì đẻ ra có dấu hiệu người bệnh “đao”, ít lâu rồi chết. Nhà anh Nguyễn Hồng Bảy, bộ đội phục viên có hai đứa con gái đều bị dị dạng, bại liệt… Nhưng nặng nhất là Ngọc Anh.

Năm 1982, Ngọc Anh lúc mới sinh rất bụ bẫm, khỏe mạnh. Bố mẹ chỉ thấy một điều hơi khác thường là  trên cánh tay phải của cậu, gần bờ vai có một cái bướu nhỏ như quả trứng cuốc, màu nâu sẫm. Ai dè, đây cũng chính là mầm mống hủy hoại cuộc đời cậu. Nó cứ lớn dần lên cùng tuổi thơ của cậu bé. Cho đến năm Ngọc Anh vào học lớp 1 thì khối u đã “vều lên”, cậu không mặc được áo. Chiếc áo nào mua về cũng phải cắt một bên cánh tay. Ngọc Anh lủi thủi đi học mà chẳng được chơi đánh khăng, đánh đáo như bao trẻ con khác. Thương con, vợ chồng ông Tới bán thóc lúa gom tiền đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Bệnh viện Đà Nẵng, nhưng các bệnh viện đều… lắc đầu. Cánh tay cứ thế to lên, 5kg, 10kg, rồi…15kg, 25kg… Nó còn lớn nhanh hơn cả sức vóc èo uột của cậu bé, khiến cậu phải oằn mình sống. Nó to và gây đau đớn đến mức cậu không thể mang cặp sách đi học được nữa. Một ngày nọ, gia đình phải cho cậu nghỉ học, dù Ngọc Anh khi đó mới học dở dang lớp 6…

Khối u to đã gần 30kg. Ngọc Anh lại bước vào tuổi thanh niên khi cánh tay to hơn phân nửa trọng lượng cơ thể. Chàng trai không dám và không thể đi đâu. Muốn đi, phải oằn mình vác theo cánh tay như người vác một… bao tải trên vai. Cậu nằm dài trong nhà chờ… chết.

Cứ tưởng thế, nhưng một buổi sáng mùa hè năm 2001, có anh Trần Kim Anh, nghe nói là phóng viên báo Bình Định tới viết bài về đề tài… dân số. Nghe nói trường hợp Ngọc Anh, nhà báo trẻ ghé qua. Nhìn thấy tình cảnh cậu, anh lắc đầu ái ngại.

Nhà báo về rồi, ít lâu sau, báo Bình Định có bài về “người có cánh tay khổng lồ”. Đã “lác đác” có người gửi tiền động viên, tiếp sức cho cậu bé. Nhà báo tiếp tục viết bài ra các báo trung ương. Thêm nữa, bác sĩ quân y, thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi, một tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định hay chuyện cũng “vào cuộc”. Ông nổi tiếng là “nhà báo không thẻ” giàu lòng nhân ái với cây bút cứu người. Phát hiện nhân vật nào “cùng khổ” quá, ông đều gửi các báo đăng bài, kêu gọi tài trợ cứu giúp. Cuối cùng, thông tin về cậu bé bất hạnh có cánh tay khổng lồ đã được Công ty Hương Sen ở Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, đứng ra giúp đỡ tài trợ toàn bộ việc phẫu thuật. Năm 2002, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành phẫu thuật cho Ngọc Anh, tháo khớp vai, lấy đi toàn bộ cánh tay khổng lồ. Khi đó, bệnh viện cân cánh tay này nặng tới 29,3kg.

Cuộc phẫu thuật của lòng nhân ái

Cứ tưởng thế là “ổn”, nào ngờ, trước đó, khối u đã di chứng, “ăn sâu” vào cả phần vai, lưng của chàng trai trẻ. Cho nên, từ năm 2003, nó lại “dở chứng”, to lên mỗi ngày. “Lần trước đã có doanh nghiệp hảo tâm tài trợ hàng trăm triệu. Lần này, chắc chỉ còn nước chờ chết”. Người cha ứa nước mắt động viên con trong tuyệt vọng rồi cũng đành bắn tin lên bác sĩ Trang Xuân Chi.

“Ông Chi không nản chuyện đi xin tiền cho người khác chữa bệnh. Qua Báo Quân đội nhân dân, ông

Niềm vui trở lại với cha con người có “cánh tay khổng lồ”. Ảnh: VĂN MINH

được biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Học viện Quân y triển khai dự án: Thu dung, chẩn đoán và điều trị các nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin. Lần này, qua nhiều mối quan hệ, ông “cầu cứu” Bệnh viện 103, nơi cũng vừa mổ miễn phí trị giá hàng trăm triệu đồng cho một nạn nhân chất độc da cam có cái cổ khủng khiếp được nhà báo đặt tên “Cái cổ mang hình chiến tranh”. Chẳng hiểu ông “tác động” thế nào mà một ngày cuối tháng 5-2009, gia đình ông Tới bất ngờ nhận được một lá thư. Bóc ra, cha con ông mừng phát khóc. Trong bì thư là dòng chữ “Giấy mời”. Trời ơi! Bệnh viện quân đội mời con ông ra điều trị! “Không phải xin tài trợ mà được “mời”. Cha con tôi đã bật khóc khi cầm trên tay “Giấy mời”.

Sáng 26-6-2009, ca mổ do Đại tá, PGS,TS Trần Đình Chiến, Chủ nhiệm bộ môn Khoa Chấn thương chỉnh hình mổ chính đã phẫu thuật thành công lần thứ 2 khối u của người có “cánh tay khổng lồ”, lần này nó to như một cái quạt mo, nặng tới 7kg. Theo PGS Chiến, đó là những đầu thần kinh, tổ chức xơ, mạch máu phát triển đột biến gen do tác hại của di chứng do chất độc hóa học…

Người có “cánh tay lớn nhất thế giới”, sau phẫu thuật giờ đã ngồi dậy, đi lại tạm thời, đã ăn gần hết suất cơm của bệnh viện. Nhìn nụ cười đã trở lại trên môi của hai cha con họ, tôi chợt thấy niềm vui này, đâu chỉ dành riêng cho bệnh nhân mà cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi, những người cầm bút. Trước đó, anh Nguyễn Văn Thanh, nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Trị, “Người có cái cổ mang hình chiến tranh” mà tôi viết trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần cũng đã được Bệnh viện quân y 103 nhận vào điều trị miễn phí với chi phí hàng trăm triệu đồng, khối u đã giảm gần 80%. Nay lại thêm trường hợp người có cánh tay kỷ lục, cũng được điều trị miễn phí. Những người lính áo trắng ở Bệnh viện quân y 103 đang viết thêm những câu chuyện cảm động về xoa dịu nỗi đau da cam…

Ghi chép của  NGUYÊN MINH